Saturday, November 30, 2013

Café sáng thứ 7 (#22): Im lặng và đồng thuận


Kỳ họp quốc hội kéo dài 6 tuần đã kết thúc. Những vở hí kịch nghị trường xứ An-nam năm nào cũng có, và hiển nhiên không thể thiếu trong cuộc họp dài kỷ lục này. Sân khấu nghị trường đã kéo rèm, để lại cho cần lao những tiếng cười cả sảng khoái lẫn chua chát.

1. Tham nhũng, chạy chức, chạy quyền đã trở thành quốc nạn. Từ Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng đều xác nhận điều này và hô hào cả xã hội chung tay phòng chống. Ấy thế mà ông Bộ trưởng Nội vụ Nguyễn Thái Bình lại cho là “vấn đề nhạy cảm, tế nhị”.
Đáng ra phải sử dụng pháp luật để ngăn chặn và xử lý thì ông Bình và thuộc cấp sử dụng “các văn kiện của Đảng” làm “tài liệu gối đầu để nghiên cứu giải pháp khắc phục”.
Gần 500 ông bà nghị mắt sáng trán cao, quyền chức đầy mình cúi đầu im lặng. Một sự im lặng rất có ý nghĩa và “tế nhị” trong lĩnh vực “đầy nhạy cảm” này. Chẳng ai dại vạch áo cho người xem lưng cả, bởi vì, có ai trong nghị trường can đảm nói rằng: "Tôi không tham nhũng, không chạy chức, chạy quyền???".


2. Chia lửa với ông Bình, Bộ trưởng Giáo dục Phạm Vũ Luận nói “Đến thời điểm này chưa phát hiện có trường nào tổ chức buôn bán bằng giả”.
Không hiểu một ông GS, TS, tư lệnh ngành giáo dục mà lại có thể phát ngôn một câu rất… phi giáo dục. Đến trường học mà tổ chức bán bằng giả nữa thì An-nam xứ còn cái gì thật đây???
Có điều, hiện tượng các trường từ tiểu học đến đại học “bán” bằng thật cho người có kiến thức giả thì không được ông Luận xác nhận.
Dĩ nhiên, gần 500 ông bà nghị mắt sáng trán cao, bằng cấp đầy mình lại cúi đầu im lặng. Chẳng ai dại vạch áo cho người xem lưng cả, bởi vì, không ít các ông bà nghị đang sử dụng những tấm bằng thật được “mua” từ kiến thức giả!


3. Họa vô đơn chí trong kỳ họp này lại xảy ra vụ “án oan” của ông Chấn Bắc Giang. Thế là kền kền cải lương lại chĩa mũi dùi sang ông Chánh án TAND tối cao Trương Hòa Bình. Câu chất vấn hay nhất được dành cho nghị Thuyền: “liệu còn bao nhiêu thỏ mà chúng ta lại tuyên là gấu?”.
Lại dĩ nhiên, gần 500 ông bà nghị mắt sáng trán cao, bằng cấp đầy mình cúi đầu im lặng. Không im lặng làm sao được khi những giải thích lòng vòng lẫn đá quả bóng trách nhiệm sang ngành công an và kiểm sát của ông Bình tòa án, cho thấy ông không hiểu hoặc cố tình không hiểu thế nào là “thỏ bị tuyên là gấu”.
Và cạnh ông, ông Bình kiểm sát với những cái ngáp dài mà không cần che tay để làm duyên với gần 500 ông bà nghị!


4. Cũng họa vô đơn chí, giữa kỳ họp này lại xảy ra vụ lũ lụt lịch sử ở miền Trung. Hậu quả của cơn lũ quá lớn cho người dân. Ngay khi ông Hùng - Chủ tịch quốc hội đọc diễn văn bế mạc kỳ họp, vẫn còn hàng nghìn người dân lật cây bới đất tìm kiếm những gì sót lại của gia đình mình sau cơn lũ.
Văn công cải lương nghị trường đồng loạt chĩa mũi dùi vào ông Bộ trưởng công thương Vũ Huy Hoàng với quan điểm cho rằng, thủy điện là nguyên nhân gây lũ lớn.
Dĩ nhiên, một người khôn ngoan như ông Hoàng thì không thể bị dao động trước nhạc cải lương được. Và thế là, vấn đề quy hoạch thủy điện chính là “chúng ta đang nói về chúng ta”.
Và dĩ nhiên, gần 500 ông bà nghị mắt sáng trán cao lại cúi đầu im lặng. Bởi vì, ai ở nghị trường này dám đứng dậy khẳng định: "Tôi không phải chúng ta"???


5. Lại vấn đề kinh tế và ngân sách, mà kỳ họp nào cũng phải có. Dĩ nhiên lại không nằm ngoài văn công cải lương, cho dù đã có nhiều vấn đề được nêu rất thẳng thắn.
Tham nhũng, thất thoát trong điều hành kinh tế lại được nhắc lại với những tập đoàn kinh tế nhà nước “Vina khủng”. Cổ nhân có câu “góp gió thành bão”, và các “Vina lìu tìu” cũng chả kém miếng nào. Thế nên nghị Tiến (Lê Như) mới nói, mỗi lần tới nghị trường là được lãnh đạo địa phương căn dặn: “muốn phát biểu gì cũng được trừ phát biểu về tham nhũng”(!?).
Theo đồng hồ nợ công thế giới, mức nợ của An-nam xứ đã đạt 76,706 tỉ USD (ngày 21/10/2013). Cũng theo báo cáo của Chính phủ, 127 tập đoàn, tổng công ty nhà nước nợ gần 1,35 triệu tỷ đồng (67,5 tỷ USD). Dĩ nhiên, phần lớn các nghị là những người chỉ đạo, lãnh đạo từ trung ương đến địa phương vào không thể chối bỏ trách nhiệm điều hành trong lĩnh vực kinh tế.
Và lại dĩ nhiên, gần 500 ông bà nghị mắt sáng trán cao lại cúi đầu im lặng. Bởi vì, có nghị nào dám thẳng lưng tuyên bố, “tôi là người sạch sẽ” không???


6. Điều được quan tâm và mong chờ nhất của kỳ họp này là việc thông qua bàn Hiến pháp sửa đổi năm 1992. Kết quả bỏ phiếu sáng ngày 28/11 đã nhận được sự đồng thuận gần tuyệt đối, 486/488 nghị viên ấn nút thông qua “Toàn văn dự thảo Hiến pháp”, tỷ lệ đạt 99,59% (số nghị viên có mặt).
Có thể nói, kết quả bỏ phiếu của các nghị viên đã ghi một kỷ lục Guinness thế giới về sự đồng thuận trong nghị trường khi thông qua Hiến pháp.
Phát biểu sau sự kiện này, cả ông Tổng bí thư lẫn ông Chủ tịch quốc hội đều cho rằng “Hiến pháp thể hiện được ý Đảng, lòng dân”. Ý đảng thì đã rõ, nhưng còn lòng dân???


7. Cần lao không cần đến kỷ lục Guinness thế giới của nghị trường xứ An-nam. Điều cần lao mong muốn là có một nền kinh tế “sạch”, không còn vấn nạn “chạy chức chạy quyền”, không còn vấn nạn “học giả bằng thật”, không còn vấn nạn “thỏ bị tuyên là gấu”, không còn bị thiên tai đe dọa hàng năm, không còn nhìn những “Vina khủng” lẫn “Vina lìu tìu” đang làm thất thoát tài sản quốc gia. Và hơn hết, cần lao mong muốn đồng hồ nợ công của xứ An-nam quay ngược lại!!!
Và có một “bộ phận không nhỏ” cần lao đã không còn tin tưởng vào một “bộ phận không nhỏ” các ông bà nghị - những người đại diện cho hơn 90 triệu cần lao An-nam xứ. Khi những người này chỉ đến nghị trường với bài cải lương “tôi đánh giá cao”, ngủ gật và ấn nút đồng thuận.


© 2013 Baron Trịnh
Nguồn hình ảnh: Sưu tầm trên Internet.

0 comments:

Post a Comment

Đề nghị nhận xét bằng tiếng Việt có dấu. Cảm ơn!