Friday, December 20, 2013

Café sáng thứ 7 (#23): Tham nhũng, bạo hành và đạo đức


1. Vụ án tham nhũng tại Vinalines đã được tuyên, 2 án tử hình, hàng chục năm tù cho các đối tượng còn lại. Truy thu hơn 130 tỷ đồng cho nhà nước.
Dư luận luôn tò mò với câu hỏi: “Ai là người đứng sau DCD?”. Bởi vì, những dự án lớn đến như thế, qua bao nhiêu cấp thẩm định, kiểm tra trước khi ra quyết định đầu tư, thậm chí người phê duyệt dự án là Thủ tướng, mà vẫn để xảy ra tham nhũng nghiêm trọng. Tất nhiên, vẫn là một câu hỏi lớn không lời đáp!
Dù sao, sự im ắng của dư luận xã hội lẫn báo chí sau phiên xét xử cũng cho thấy, cần lao đồng tình với bản án. Điều hiếm thấy trong các vụ án tham nhũng trước đây.
Sau khi hả hê với bản án nghiêm khắc của tòa, cần lao An-nam lại dấy lên sự nghi ngờ khi các bị cáo tuyên bố sẽ kháng án. Và họ lại suy diễn rằng, khi mà DCD vẫn thanh thản đọc thơ trước tòa khi nói lời cuối và bình tĩnh đón nhận mức án, thì bản án phúc thẩm chắc gì đã giống bản án sơ thẩm? Bởi vì ở An-nam, nói và làm hiếm khi song hành với nhau.

Tham nhũng thì quốc gia nào cũng có. Nhưng ở An-nam, tham nhũng xảy ra hàng ngày, hàng giờ. Bất cứ ai có cơ hội tham nhũng là thực hiện tham nhũng.
Họ tham nhũng từ cái kim, sợi chỉ đến hàng chục tỷ đồng tài sản của quốc gia. Họ tham nhũng đến mức “ăn của dân không chừa thứ gì”, thậm chí “ăn” cả tiền của người khuyết tật.
Cần lao lẫn quan lại xứ An-nam đã tham lại còn mong chờ vào sự may rủi. Đối với họ, tham nhũng được là phải tham nhũng, còn bị lộ là do đen đủi.
Mặt khác, những tài sản bị tham nhũng rất khó thu hồi. Vì thế tư duy “hy sinh đời bố, củng cố đời con” luôn là động lực cho họ tham nhũng.
Thế nên, cho dù những kẻ tham nhũng có lĩnh mức án cao nhất cũng không làm gương để răn những kẻ tham nhũng khác. Và bài toán phòng chống tham nhũng sẽ đi vào ngõ cụt nếu không có sự trong sạch từ thượng tầng lẫn kiểm soát được nguồn thu nhập cá nhân qua hệ thống ngân hàng.
Và điều quan trọng hơn cả, chỉ có những người không tham nhũng mới mong muốn phòng chống tham nhũng.


2. Dư luận An-nam sục sôi vì vụ bạo hành trẻ em ở một cơ sở mầm non tư thục “chui”. Cách đây hơn 1 tháng, tại một điểm trông trẻ tư, một cháu bé 18 tháng tuổi đã bị chết do người trông trẻ bạo hành. Điều đó góp thêm gạch đá cho dư luận ném vào 2 kẻ bạo hành trẻ không thương tiếc.
Xét cho cùng, bất cứ ai xem clip bạo hành đó không thể không bức xúc trước hành vi của 2 cô gái trẻ này, vì không thể chấp nhận sự bạo hành với các cháu nhỏ mới chập chững biết đi và bi bô tập nói. Thêm vào đó, chút kỹ xảo trong dựng clip làm tăng mức độ rùng rợn và kích thích sự ủy mị của cần lao.
Vẫn phong trào lên đồng và a dua bầy đàn quen thuộc của cần lao xứ An-nam. Chân tơ kẽ tóc của 2 cô gái này được xới lên từng milimet. Cần lao thương vay khóc mướn cho gia đình những đứa trẻ bị bạo hành đến mức có thể ăn tươi nuốt sống 2 kẻ bạo hành trong tích tắc.

Cần lao An-nam luôn có thói quen đánh trẻ. Có lẽ họ cho rằng đó là một phương thức dạy dỗ hiệu quả, lẫn nêu cao uy quyền của người lớn. Có mấy ai trong xứ An-nam chưa một lần đánh trẻ, kể cả con đẻ của chính họ.
Nhưng cũng chính cần lao An-nam, tát con mình hộc máu mồm máu mũi thì coi là chuyện rất bình thường, vì tư duy “con tao tao dạy”. Nhưng nếu người ngoài chỉ cần đánh nhẹ con của họ, thì đó là một chuyện không thể chấp nhận được, và họ sẵn sàng tiêu diệt kẻ kia không thương tiếc, và không cần biết đến nguyên nhân.
Trong khi mải miết ném đá 2 kẻ bạo hành, thì chính họ quên mất rằng, nguyên nhân gây ra bạo hành trẻ em là do sự yếu kém của xã hội, sự buông lỏng của các cơ quan quản lý, và sự thiếu trách nhiệm của chính bố mẹ những đứa trẻ. Và 2 kẻ bạo hành kia chỉ là hệ quả của những nguyên nhân đó.
Ở An-nam, người ta luôn vì cái tiểu tiết mà bỏ mất đi đại cục.


3. Vấn đề đạo đức và nhân cách lại đươc mổ xẻ khi một sinh viên viết bài phê phán những người đi Sapa ngắm tuyết là vô cảm với nỗi khổ của người dân địa phương. Tiếp sau đó là một bức ảnh chụp các phóng viên đang chụp ảnh 2 kẻ bạo hành trẻ em ở cơ quan công an.
Vẫn sự a dua bầy đàn bởi những chiếc đầu nóng làm át đi lý trí lạnh. Nghĩa là sự phê phán hoặc bênh vực quá thái, vượt khỏi khuôn khổ của chủ đề mà quay sang công kích cá nhân.
Xét cho cùng, cậu sinh viên này thích than vãn là quyền của cậu ta. Những người phê phán quan điểm của cậu ta lại là quyền của họ. Miễn là sự khen chê ở mức độ hợp lý, để mọi người có thể rút ra được điều gì đó trong cuộc sống. Phản biện phải hợp tình, hợp lý, cho dù có gay gắt về quan điểm. Và cũng nên đặt mình vào góc nhìn của người khác thì thấy mọi việc sẽ đơn giản hơn.
Cũng như vụ tấm ảnh. Các phóng viên tác nghiệp không sai, họ nói cười là quyền của họ. Không thể bắt họ căm phẫn giả tạo trước 2 kẻ bạo hành kia được.
Điều đáng nói ở đây là cơ quan công an - những người đang thi hành luật đã làm sai luật, khi không bảo vệ nhân phẩm cho những người chưa bị tòa tuyên án, cho dù với nghiệp vụ điều tra, họ có thể kết luận những kẻ này đã phạm tội. Và những phóng viên kia, có thể vì áp lực công việc, có thể vì lý do nào khác mà đồng lõa với cái sai của cơ quan điều tra.
Và hậu quả là khuôn mặt của 2 kẻ bạo hành đã được đưa lên các trang báo rõ đến từng centimet. Cho dù dư luận chả lạ gì mặt 2 cô gái này khi đã tìm ra Facbook của họ. Và chính những kẻ này, có thể sẽ chặn nốt con đường trở thành người lương thiện, nhân ái của 2 cô gái trẻ sau khi bị pháp luật trừng phạt. Bởi vì sự dè bỉu, miệt thị của cần lao An-nam mới là bản án khủng khiếp nhất trong cuộc đời họ.
An-nam xứ, những kẻ hay thuyết giảng đạo đức lại là những kẻ thiếu đạo đức nhất!


4. Hơn bốn nghìn năm qua, cần lao An-nam vẫn mê mải cắn xé nhau sau lũy tre làng. Ở đó, họ, ai cũng là anh hùng, ai cũng là người đạo đức.
Thế nhưng, đi ra khỏi lũy tre làng, họ rúm ró, tự ti đến đến mức tự đánh mất bản thân. Cho dù những người ngoài lũy tre làng có mở rộng vòng tay chào đón, thì họ vẫn luôn thấy quanh mình đâu cũng là kẻ thù, và lúc nào cũng cảm giác có người đang làm điều xấu với họ.
Thế là họ gồng mình lên, tô son trát phấn cho ra vẻ bằng, thậm chí hơn người khác. Có điều, họ càng cố, thì càng phản cảm đến tội nghiệp.
Ngày trước, cụ Tản Đà than rằng “dân hai lăm triệu ai người lớn”. Gần trăm năm qua, hơn chín chục triệu cần lao xứ An-nam vẫn mải miết chơi trò con trẻ.
Bi kịch của An-nam chính là điều đó.

© 2013 Baron Trịnh
Nguồn hình ảnh: Sưu tầm trên Internet.

0 comments:

Post a Comment

Đề nghị nhận xét bằng tiếng Việt có dấu. Cảm ơn!