Thanh Niên online: Sau khi đăng tải bài Cái xấu và năng khiếu ngụy biện của người Việt của tác giả Lương Hoài Nam, mục Tôi viết đã nhận được nhiều ý kiến đồng tình, phản biện, khai triển... Dưới đây là bài phản biện của một blogger đang sống tại TP.HCM.
Chỉ khi pháp luật thực sự nghiêm minh, những
kẻ tham nhũng bị lôi hết ra ánh sáng và chịu sự trừng trị thích đáng
thì mới có khả năng ngăn chặn được loại tội phạm này. Trong ảnh là Dương
Chí Dũng và Mai Văn Phúc tại tòa trước khi nghe tuyên án trong vụ tham
nhũng ở Vinalines - Ảnh: Hoàng Trang chụp qua màn hình
Mục Tôi viết vừa đăng tải bài viết của tác giả Lương Hoài Nam Cái xấu và năng khiếu ngụy biện của người Việt, trình bày cách tiếp cận từ học thuyết của Maslow và quy nạp rằng những thói xấu của người Việt được dung dưỡng bởi thói ngụy biện.
Đồng thời tác giả cũng cho rằng không thể “bắt những người tuổi 20, 30, 40, 50 quay lại học lại từ lớp vỡ lòng và các môn học đạo đức công dân có chất lượng tốt hơn” và “mọi thứ xấu xa đổ hết cho chính sách, cơ chế, thể chế là xong”.
Tôi đồng tình với tác giả Lương Hoài Nam về những thói hư, tật xấu của người Việt đang được “ngụy biện” một cách hợp lý trong một cơ chế hợp lý. Và sự ngụy biện cho những cái xấu này đang được dung dưỡng trong xã hội, được “một bộ phận không nhỏ” người Việt coi đó là sự khôn ngoan, thức thời.
Tuy nhiên, tôi không đồng tình với việc đổ lỗi toàn bộ cho nhận thức của con người. Tác giả cho rằng “người lớn” - những “sản phẩm tồn kho” của xã hội - không thể thay đổi được nhận thức và đạo đức xã hội nên họ sẵn sàng ngụy biện. Tôi cũng không đồng tình với việc tác giả xem nhẹ vai trò của pháp luật trong xã hội, cho rằng những “sản phẩm tồn kho” vin vào sự thiếu khuyết của cơ chế, chính sách để ngụy biện.
Có thể nói, học thuyết Maslow không sai khi cho rằng “để thay đổi hành vi con người và giảm bớt những thứ xấu xa trong xã hội” cần phải “thay đổi nhận thức của con người, làm cho mỗi một người ý thức đầy đủ các rủi ro, hậu quả từ mỗi hành động của bản thân”. Nhưng học thuyết Maslow sẽ không áp dụng được khi một xã hội yếu kém về thể chế, và thiếu sự công bằng trong mối quan hệ giữa người với người, đặc biệt là mối quan hệ giữa công bộc và người dân.
Vì vậy, chính tác giả Lương Hoài Nam cũng đang ngụy biện cho quan điểm của ông dựa trên một học thuyết khi mà nền tảng cơ sở lẫn các điều kiện biên chưa đáp ứng được yêu cầu áp dụng học thuyết đó. Hay nói một cách đơn giản, là một sự suy diễn và áp đặt thiếu thực tiễn.
Người viết sẽ phản biện với 2 ý kiến không đồng tình với quan điểm của tác giả Lương Hoài Nam.
Nhận thức là sản phẩm của quá trình giáo dục liên tục
V.I. Lenin có câu nói nổi tiếng “Học, học nữa, học mãi”. Điều này nói lên sự học không có giới hạn về kiến thức và tuổi tác, và học không bao giờ thừa.
Ông cha ta cũng có câu nói: “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”. Điều này cũng cho thấy, kiến thức trong xã hội vô cùng lớn. Chúng ta càng đi xa, chúng ta càng học được nhiều điều mới. Và những gì chúng ta học được, sẽ hình thành nên tri thức. Khi con người có vốn tri thức lớn, thì sẽ giải thích được sự vật hiện tượng một cách hợp lý, thậm chí còn hình thành nên các hệ tư tưởng.
Tri thức được hình thành từ những kiến thức trong quá trình đào tạo và trong thực tiễn cuộc sống. Không phải học hết một cuốn sách dày là đã có tri thức, cũng như không phải những điều nhỏ nhặt học được trong cuộc sống không phải là tri thức.
Quay lại chủ đề tác giả Lương Hoài Nam cho rằng không thể bắt những người ngoài tuổi đi học quay lại học vỡ lòng về đạo đức để chất lượng tốt hơn. Người viết cho rằng đây là một sự ngụy biện thiếu cơ sở.
Như những gì đã nêu một cách sơ lược về sự học cũng như sự hình thành tri thức con người ở trên, có thể thấy những điều hay, điều tốt con người chúng ta đều có thể học hỏi mà không giới hạn tuổi tác. Có thể lấy ví dụ đơn giản, một người dân nông thôn, miền núi hoàn toàn có thể tự học hỏi những văn minh của đô thị khi họ chuyển khu vực sống từ nông thôn, miền núi ra thành thị.
Hay lấy một ví dụ khác, những người lớn sống vô cảm với xã hội hoàn toàn học được sự nhân ái và trách nhiệm xã hội từ việc một em bé đánh giày dắt một người già cả đi sang đường. Sự việc "hôi bia" ở Biên Hòa vừa qua cũng cho thấy điều đó, những người đã “trót” hôi bia vì lòng tham vô thức tự cảm thấy xấu hổ và qua đó họ có một bài học để biết tự xấu hổ với hành vi vô thức đó, như câu chuyện của người mẹ bị con gái chất vấn rằng “Mẹ lấy bia làm gì khi nhà mình không ai uống?”.
Như vậy có thể thấy, kết luận những “sản phẩm tồn kho” của xã hội không thể học lại được bài học vỡ lòng về đạo đức của ông Nam là một sự áp đặt duy ý chí, một sự ngụy biện để giải thích tính hợp lý của một sự vật hiện tượng đã và đang tồn tại trong xã hội.
Vậy tại sao những “sản phẩm tồn kho” của xã hội vẫn học hỏi được những điều tốt trong xã hội mà họ lại cố tình “ngụy biện” để đồng lõa với những điều sai trái, những điều chưa văn minh trong xã hội? Vấn đề này liên quan đến vế sau mà người viết sẽ phản biện ở ý thứ hai dưới đây.
Pháp luật không nghiêm minh, đừng đòi người dân phải tốt
Hàn Phi Tử nói: “Pháp luật không hùa theo người sang. Khi đã thi hành pháp luật thì kẻ khôn cũng không thể từ, kẻ dũng cũng không dám tranh. Trừng trị cái sai không tránh kẻ đại thần, thưởng cái đúng không bỏ sót kẻ thất phu”.
Có thể thấy, nếu pháp luật nghiêm minh thì con người sẽ tự thay đổi nhận thức để sống đúng pháp luật. Những cái xấu, cái sai sẽ bị xã hội lên án, phê phán và tẩy chay. Sẽ không còn cơ hội cho những kẻ làm việc xấu, việc sai ngụy biện cho hành vi của họ.
Tham nhũng là quốc nạn, chúng ta ai ai cũng biết và lên án. Đảng và Nhà nước đang kêu gọi tất cả người dân chung tay phòng chống tham nhũng. Những bản án nghiêm khắc trong hai vụ tham nhũng nghiêm trọng tại Công ty Cho thuê Tài chính II và Vinalines đã cho thấy sự quyết tâm đẩy lùi tệ nạn tham nhũng.
Thế nhưng, đây mới chỉ là những kẻ “bị lộ”, còn những kẻ “chưa lộ” sẽ như thế nào? Chúng ta đang sống trong một xã hội đâu đâu cũng có tham nhũng. Từ tệ nạn phong bì khi làm việc ở các cơ quan công quyền, trong ngành giáo dục, y tế, cảnh sát giao thông,… đến sự chia chác hoa hồng trong việc thực hiện các dự án, sự tham ô bòn rút tài sản công. Và chính chúng ta đang tiếp tay cho sự tham nhũng đó.
Có thể kêu gọi những kẻ tham nhũng thay đổi nhận thức để không tham nhũng được không? Điều này rất khó, thậm chí là không thể. Vì khi họ đã có lòng tham, và sống trong một xã hội đâu cũng nhìn thấy tham nhũng thì không thể lấy sự giáo dục để thay đổi nhận thức. Chỉ khi pháp luật thực sự nghiêm minh, những kẻ tham nhũng bị lôi hết ra ánh sáng và chịu sự trừng trị thích đáng thì mới có khả năng ngăn chặn được.
Pháp luật ở đâu khi Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Giang có văn bản đề nghị cơ quan điều tra không xử lý hình sự những kẻ đã nhẫn tâm tham ô những đồng tiền tài trợ của trẻ em khuyết tật? Pháp luật ở đâu khi ông giám đốc sở khẳng định sẽ xử lý kỷ luật người tố cáo tham nhũng? Khi những kẻ có chức, có quyền như vậy, có còn làm gương để người dân không còn hôi của?
Nếu y tá, bác sĩ không nhận phong bì, mà ưu tiên cho những kẻ đến sau khám trước, thì có hay không sự chen lấn, xô đẩy khi đi khám bệnh? Khi chúng ta phê phán người dân chen lấn, thì có pháp luật nào ngăn chặn được tình trạng “ăn” phong bì và sự sòng phẳng trong xếp hàng của người dân không?
Cảnh sát giao thông có nhiệm vụ hướng dẫn người dân tuân thủ đúng luật giao thông, đảm bảo trật tự và an toàn giao thông. Nếu họ đứng ở vị trí điều khiển giao thông, thì có phương tiện nào dám vượt đèn đỏ? Hành vi “núp” của họ đã và đang bị xã hội lên án có bao nhiêu trường hợp bị lộ? Và có pháp luật nào quy định họ được “núp” để bắt những người dân thiếu ý thức giao thông không?
Lực lượng dân phòng có vai trò tham gia cùng lực lượng công an phường trong việc giữ gìn trật tự trị an khu phố. Có pháp luật nào quy định họ được giữ xe, thu tài sản của dân và đánh dân không?
Những người dân từ nông thôn, miền núi tràn về các đô thị lớn buôn thúng bán mẹt, lấn chiếm vỉa hè, làm nhếch nhác bộ mặt của đô thị. Nhưng họ sẽ sống thế nào khi mà làm nông nghiệp luôn bị lỗ, không đủ tiền để nuôi sống gia đình họ, kèm theo hàng chục loại phí do địa phương quy định. Pháp luật nào sẽ xử lý những kẻ đầu cơ nông sản, những kẻ quy định các mức phí bất hợp lý?
Cấm xe máy là một việc làm cần thiết trong các đô thị lớn. Không đề cập đến những người nghèo từ nông thôn lên thành phố sử dụng xe máy như một phương tiện kiếm sống, thử hỏi đã có giải pháp gì để cho những người sống trong thành phố, làm việc ở thành phố có thể di chuyển để làm việc hằng ngày mà không cần xe máy? Có pháp luật nào nghiêm trị các quan chức chỉ quen hô hào và phê phán, mà cả nhiệm kỳ không có bất kỳ giải pháp nào khả thi hay không?
Trên đây chỉ là một vài ví dụ về việc pháp luật không nghiêm để xảy ra những tiêu cực trong các hoạt động quản lý hành chính, xã hội. Và dĩ nhiên, khi có những tiêu cực đó, thì người dân phải chấp nhận sống trong sự tiêu cực đó. Họ không học tập những tấm gương xấu của những đối tượng tiêu cực, mà họ phải chấp nhận sống tiêu cực trong một xã hội tiêu cực, và họ có quyền ngụy biện cho những hành vi của họ vì cuộc sống, vì miếng cơm manh áo của gia đình họ. Nếu họ không làm thế, có pháp luật nào bênh vực và xử lý kịp thời để họ có thể sống bình thường không?
Bên cạnh sự yếu kém của hệ thống pháp luật dẫn đến những tiêu cực của xã hội, còn xảy ra việc thiếu chế tài xử phạt để phát sinh những cái ác, cái xấu trong xã hội. Mà hiện nay chúng ta đang bất lực nhìn những các ác, cái xấu đang từng ngày xảy ra.
Chúng ta đều biết hành vi đua xe rất nguy hiểm, không những gây mất an ninh trật tự, mà còn có thể gây tai nạn chết người. Tại sao chúng ta không có một biện pháp cứng rắn để nghiêm trị, như cho phép lực lượng cảnh sát bắn những kẻ đua xe, tịch thu phương tiện sung công quỹ? Và nếu làm được điều này, còn ai dám đua xe nữa không? Hay là chúng ta mãi tranh cãi tịch thu phương tiện là vi phạm quyền sở hữu?
Chúng ta đều biết hành vi rải đinh rất nguy hiểm, có thể gây tai nạn chết người. Tại sao không có một bản án nghiêm khắc ở mức chung thân cho các đối tượng này? Và nếu có mức án như vậy, liệu còn kẻ nào dám rải đinh? Hay chúng ta cứ mãi đổ lỗi cho thiếu chế tài xử phạt.
Chúng ta đều biết hành vi bạo hành với trẻ em như vụ việc tại Cơ sở mầm non tư thục Phương Anh (TP.HCM) vừa qua và các vụ việc trước đó là một việc làm vô nhân đạo, phi giáo dục của những kẻ được gọi là cô giáo, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và tâm sinh lý của thế hệ tương lai đất nước. Vậy tại sao không có một bản án chung thân cho những kẻ thiếu nhân tính này? Nếu có thì có còn xảy ra những sự việc khiến cả xã hội căm phẫn này nữa không? Hay chúng ta còn mãi tranh cãi như thế là vi phạm quyền con người?
Có thể những quan điểm về xử phạt như trên là quá cực đoan. Nhưng pháp luật cần phải thực sự nghiêm minh mới nghiêm trị được cái ác, cái xấu đã và đang tồn tại trong xã hội. Những cái ác, cái xấu này đang đẩy lùi sự phát triển văn minh và tiến bộ của xã hội, nhưng lại nhận được sự đồng lõa của xã hội.
Pháp luật (kể cả Hiến pháp) là do con người tạo ra, và con người có thể sửa đổi, thay thế cho phù hợp với sự phát triển của xã hội. Vậy tại sao chúng ta lại cứ “lấn bấn” trong vấn đề này, để những tiêu cực trong xã hội phát sinh rồi lại đổ lỗi cho cơ chế? Phải chăng là sự ngụy biện để thỏa mãn lợi ích cá nhân của những kẻ tiêu cực, và lớn hơn nữa là lợi ích của nhóm tiêu cực?
Khi pháp luật đã nghiêm minh, thì nhận thức của con người sẽ thay đổi. Sự nghiêm minh của pháp luật không cho phép những kẻ làm sai ngụy biện cái sai của họ. Sự nghiêm minh của pháp luật khiến con người không thể đánh đổi cái sai, cái xấu của mình bằng mạng sống, nhà tù và tiền phạt.
Có thể rất nhiều độc giả sẽ cho rằng, người viết lại “ngụy biện” để dung túng thói hư tật xấu của người Việt. Nhưng người viết mong muốn rằng, chúng ta hãy nhìn nhận đúng bản chất của vấn đề và không nên suy nghĩ một cách áp đặt duy ý chí từ những sự vật hiện tượng của xã hội.
Ai cũng mong muốn sống trong một xã hội văn minh, hiện đại, đầy tính nhân ái và trách nhiệm xã hội. Để làm được việc đó, từng cá nhân hãy sống tốt hơn với chính bản thân mình và với xã hội, không a dua và đồng lõa với cái ác, cái xấu.
Đồng thời, chúng ta cần góp tiếng nói để cải cách thể chế theo hướng tích cực, lấy con người là trung tâm của xã hội, lấy pháp luật làm công cụ. Bài trừ những tệ nạn tiêu cực tham nhũng trong bộ máy quản lý và sống có trách nhiệm hơn với cộng đồng, với dân tộc.
Tác giả: Trường Yên
Khó trăm lần ko dân cũng chịu khó vạn lần dân liệu cũng xong, được lòng dân là được tất cả! (h)
ReplyDeletetv