Tuesday, April 19, 2016

Tản mạn về văn hóa “Còm”


1. Có câu chuyện vui trên mạng như thế này: Mẹ xem trộm nhật ký của con trai, liếc những dòng đầu tiên:
… Hôm nay thứ 4 ngày… tháng… năm… Lần đầu tiên trong đời, người con gái ấy đứng trước mặt mình, ghé tai thẽ thọt: “Anh ơi… em… có…bầu”…
Thằng mất dạy”. Bà mẹ gầm lên vì quá sốc. “Đồ hư đốn, mới 16 tuổi mà đã dám làm cái chuyện tày trời đó”. Định bấm điện thoại gọi ngay con trai về để hỏi cho ra nhẽ, nhưng rồi bà kiềm chế để đọc những dòng tiếp theo:
Thực sự mình vô cùng ái ngại và không muốn điều này một chút nào, rồi mình sẽ ra sao khi trước mắt mình còn cả một chặng đường dài… Nhưng biết làm sao thôi đành…
Trời ơi, thằng khốn kiếp”. Tiếng bà mẹ lại rít lên, rồi lại nén giận đọc tiếp:
Thôi đành… đứng dậy nhường ghế cho chị ấy… Mà sao hôm nay xe bus lại đông đến thế nhỉ?

2. Anh-tẹc-nét ra đời đã hình thành nên một xã hội ảo. Tuy mạng ảo, nhưng con người lại là thật. Thế nên, những thị phi trên chốn “giang hồ mạng” không phải là ít. Nhiều kẻ dấu mặt tạo tên giả, thông tin giả đưa lên mạng. Mục đích để lừa đảo, chửi bới, vu oan giá họa, post hình ảnh đồi trụy,… Những kẻ này, đã làm cho không ít người thật thà, ngay thẳng phải chịu oan ức, thiệt thòi, thậm chí mất mát.
Cùng với sự phát triển của anh-tẹc-nét, các trang cá nhân (blog) và các mạng xã hội (social network) ra đời để đáp ứng nhu cầu chơi mạng cũng như chia sẻ thông tin. Ở xứ An-nam, mạng xã hội Facebook được yêu chuộng nhất và trở thành một xã hội thứ hai đối với dân nghiền mạng.
Đã không chơi Facebook thì thôi, đã chơi thường nghiện. Mà đối tượng vô cùng đa dạng, đủ cả nam phụ lão ấu. Người thì chơi để kết bạn tám chuyện, người thì chơi để làm nhật ký thổ lộ tâm tư, người sử dụng để kinh doanh, người lập nhóm hội để giao lưu lĩnh vực cùng yêu thích. Nói chung đủ cả.
Một vài cá nhân hay một vài nhóm có những bài viết hay, những câu chuyện hình ảnh hài hước dí dỏm, hay những người nổi tiếng của công chúng,… được nhiều thành viên khác kết bạn, yêu thích trang.
Những người yêu thích đó được gọi là người hâm mộ, hay gọi là “fan”.

3. Để thể hiện sự yêu thích, chia sẻ, hỏi đáp,… khi những người "nổi tiếng" đăng lên tường một bài viết hay hình ảnh, thì các fan thường viết những dòng bình luận (comment), mà dân mạng thường gọi tắt là “còm”.
Nếu mọi sự bình thường, ai biết việc người nấy thì không còn là “mạng xã hội” nữa. Đời thực còn va chạm bôm bốp, huống gì mạng ảo.
Thế mới có chuyện, các fan của chị A khoe chị này có cái váy mới rõ hiện đại, bó sát tận háng. Fan của chị B thấy thế ngứa mắt, nhảy vào còm, đại loại là con A ăn mặc kiểu gì mà nhố nhăng, lòi ra cả quần chíp. Fan của chị A cũng chả vừa, bảo lũ chúng mày ghen ăn tức ở, giỏi thì mua được cái váy như ai-đồ của tao đi, còn hơn cái con B ai-đồ của chúng mày, mặc cái quần như con nhà quê.
Thế là lời qua tiếng lại, mặc dù váy của chị A, quần của chị B chứ chả phải của lũ fan. Những lũ fan này nhao nhao bênh vực ai-đồ của họ, phía nào cũng cho rằng ai-đồ của mình là nhất. Ban đầu còn cạnh khóe, rỉa rói kiểu trà đá vỉa hè. Đến khi đỉnh điểm thì lôi hết âm hộ, dương vật, hành kinh phụ nữ, thậm chí cụ kỵ từ tám đời trét vào mặt nhau. Tất cả các ngôn từ tục tĩu nhất trong từ điển tiếng An-nam được sử dụng tối đa để triệt hạ, sỉ nhục nhau.
Lại được thêm lũ lều-báo-lá-ngón và truyền-thông-mõ-phường hỗ trợ nên cuộc chiến ngày càng khốc liệt. Lũ này thường kiếm miếng cơm dựa vào đống ô uế mà lũ fan tống vào mặt nhau nên tâng bên này, dìm bên kia để kéo dài cuộc chiến hòng kiếm thêm mấy đồng nhuận bút.
Sự việc chỉ lắng xuống khi cả hai bên chả còn cái gì bẩn nhất, xấu nhất để trét vào mặt nhau nữa. Và lũ lều-báo-lá-ngón lẫn truyền-thông-mõ-phường lại rình được con mồi mới, nghĩa là lại có một vụ chiến của fan anh C với fan của anh D.

(Nguồn clip: Copy từ Vlog48 trên internet)

4. Mặc dù xứ An-nam được thế giới đánh giá rất cao về công cuộc xóa mù chữ, phải hơn 95% dân số biết đọc, biết viết. Thế nhưng cái sự đọc lại là điều xa xỉ đối với cần-lao. Và việc đọc để hiểu, đọc để tư duy và áp dụng những tri thức trong sách vào cuộc sống chỉ tồn tại trong một bộ phận nhỏ cần-lao.
Có thể thấy du khách ngoại quốc, từ dạng du lịch ba lô đến dân business, từ mắt xanh mũi lõ đến da vàng mũi tẹt, trong hành trang của họ lúc nào cũng có vài quyển sách, và họ đọc bất cứ khi nào có thời gian rảnh. Ngược lại, cần-lao xứ An-nam hầu như không mang sách trong hành trang, đến mức phần lớn các quý ông kính trắng, áo cổ cồn, complet, caravat ngồi máy bay cũng chỉ trên tay mấy tờ báo cướp hiếp giết.
Sự đọc đã là xa xỉ, nhưng đọc để hiểu, để phân tích nội dung bài viết cũng như quan điểm của tác giả, và để áp dụng vào thực tiễn lại càng xa xỉ hơn. Thế nên hơn 95% dân số xứ An-nam biết đọc, nhưng có đến 60÷70% là mù chữ chức năng (functional illiteracy). Vì vậy, không có gì là ngạc nhiên khi các fan trét hết các thể loại ô uế nhất vào mặt nhau trên mạng xã hội như ví dụ ở trên. Lấy câu chuyện vui ở mục (1) để giải thích cho rõ.
Khi đọc chuyện này, khoảng 75% chỉ đọc đoạn đầu, và không cần biết phần sau như thế nào, đã còm chửi: A, thằng mất dạy, thằng thất đức, mới 16 tuổi, học hành không lo, đã đâm đầu vào yêu đương. Đã thế lại làm cho con người ta có bầu, khốn nạn hết chỗ nói.
Khoảng 20% đọc tiếp đến đoạn thứ 2, cũng chẳng cần biết kết cục ra sao, chửi tiếp: Mày làm con người ta có bầu rồi lại còn đạo đức giả là ái ngại nữa à. Khốn nạn lắm mày biết không? Mày biết mày còn cả chặng đường dài phía trước sao còn nỡ hại con nhà lành như thế. Ông trời có mắt, rồi mày sẽ bị quả báo.
Cuối cùng, chỉ có 5% đọc trọn vẹn câu chuyện, và phì cười vì sự vui vẻ hài hước của một cậu thiếu niên kể chuyện nhường ghế xe bus cho một chị có bầu.
Tỷ lệ này chỉ là nhận định cảm tính của người viết, nhưng có lẽ không sai lệch nhiều so với thực tế.

5. Bên cạnh các fan cuồng não ngắn nhưng ngôn từ chửi mắng rất cao nêu trên (chủ yếu trong nhóm cuối 8x và 9x). Có thêm một loại fan thuộc dạng có học, đọc có hiểu. Nghĩa là nằm trong nhóm 30÷40% không bị mù chữ chức năng.
Các fan này thường thần tượng hóa một cá nhân nào đó, có thể là một GS đại học nhưng lại là người của công chúng, một nhà văn, một nhà thơ, một quan chức cao cấp,… Đại loại là những “nhà nổi tiếng”. Hàn Phi đã nói, loạn thế thường sinh lắm văn nhân. Tất nhiên, cái đám văn nhân sinh ra trong loạn thế không nhiều “chân văn nhân”, mà chủ yếu là “xú văn nhân”.
Chính vì loạn thế, người công chính, minh tường thì ít, kẻ xu nịnh, dối trá thì nhiều. Thế nên bọn có chữ có nghĩa này bẻ cong ngòi bút để đánh lòe thiên hạ với mục đích kiếm lợi. Chết nỗi vì cần-lao xứ này, kể cả những đối tượng không mù chữ chức năng, lại bị cái hào quang ảo của văn thơ, học hàm học vị lẫn sự tung hô của quan lại thối nát, những kẻ đang mượn "ngòi bút cong" để giấu giếm sai trái và tô vẽ thành tích đánh lừa, tôn những kẻ này làm thần tượng.
Đối với đám fan này, là thần tượng của họ luôn luôn đúng. Nghĩa là những gì thần tượng của họ nói, viết mặc định là chân lý. Nên khi có những thông tin trái chiều liên quan đến thần tượng là chúng đổ xô vào ném đá hội đồng khổ chủ.
Trong công cuộc ném đá đó, đám fan này chẳng cần biết khổ chủ có đúng hay không, chỉ cần phê phán thần tượng của họ là lập tức gạch đá được tung ào ào. Nếu khổ chủ mà bật lại thì ngoài gạch đá, chắc chắn sẽ ăn thêm một đống những thứ ô uế như các fan tin-tin ít chữ nói trên. Đã thế còn ngụy biện rất đạo đức giả (mà thật ra chính là bản chất của họ) như này: “Mặc dù tao là người có học, chưa bao giờ chửi bậy. Nhưng với loại ngu/mất dạy,… như mày, phải dùng những từ này mới xứng đáng”.
Loại fan này, cực kỳ nguy hiểm với xã hội.

6. Thời gian gần đây, nhiều vụ việc khiến dân tình trên mạng xã hội xảy ra các vụ “chửi bới” của các “còm sĩ” như ví dụ ở trên. Những “còm sĩ” này, mặc dù chẳng chịu đọc, chẳng chịu hiểu, nhưng luôn lên mặt dạy đời thiên hạ, đúng như câu ví von “đã ngu dốt còn tỏ ra nguy hiểm”.
Những vụ việc gần đây như vụ nhạc sỹ Nguyễn Ánh 9, vụ cơm 2k, vụ bà Tưng, hay mới nhất là vụ em Huyền Chip đã nói lên điều đó. Thậm chí, các “còm sĩ” này còn làm nhục quốc thể như vụ việc trên Facebook của Bill Gates.
Văn hóa “còm” của xứ An-nam là như vậy.

© 2013 Baron Trịnh
Nguồn hình ảnh: Sưu tầm trên Internet.

4 comments:

  1. Nhiều lúc không dám đọc hết các loại comt trên nhiều trang mạng xã hội này

    ReplyDelete
    Replies
    1. Vâng ạ, em thấy những sự vụ có nhiều quan điểm trái ngược thì phần lớn comment là a dua chứ không đọc để hiểu rõ quan điểm của bài viết hay ý kiến bình luận của người khác. Thế mới buồn cho văn hóa mạng ở nước ta bác ạ.

      Delete
  2. Mụ Baron!

    Gọi là văn hóa thì nhẽ nó chẳng đạt tầm đến thế. Xứ Lừa thứ gì không có thì chúng cố gắn lên giấy, nhét vào miệng để tỏ ra mình không thiếu: Ví dụ: Văn hóa giao thông, văn hóa ứng xử, gia đình văn hóa, khu phố văn hóa.

    Xét về khía cạnh tâm lí, đó là hình thức phản ứng, hay tự vệ tự nhiên của một cá nhân mà chính thể họ bị yếu hoặc không tự tin về điều mình đang cố thể hiện. Chết cụ xứ Lừa đi. aha

    ReplyDelete
    Replies
    1. Chính xác là do tâm lý tự ti, bảo thủ nhưng lại thích a dua bầy đàn cô Chuối tây à, hị hị...

      Delete

Đề nghị nhận xét bằng tiếng Việt có dấu. Cảm ơn!