Monday, June 10, 2013

Củng cố lòng tin nhân dân thông qua việc bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội

Ngày 10-11/6, Quốc hội sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội trực tiếp bầu hoặc phê chuẩn. Đây là một sự đổi mới trong hoạt động của Quốc hội, phát huy tính dân chủ và nêu cao tinh thần trách nhiệm của mỗi đại biểu Quốc hội.
Trong bối cảnh đất nền kinh tế đất nước đang gặp nhiều khó khăn. Nạn tham nhũng, quan liêu trong các cơ quan công quyền đang làm xói mòn lòng tin của người dân đối với chế độ, thì hoạt động này cần phải hết sức nghiêm túc và minh bạch. Nếu không, sẽ gây nên hiệu ứng ngược, ảnh hưởng đến sự ổn định và phát triển của đất nước. 



“Bầy sâu” và sự xói mòn lòng tin
Trong một lần tiếp xúc với cử tri TP. Hồ Chí Minh, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã sử dụng từ “bầy sâu” để nói lên tệ nạn tham nhũng[1]. Tham nhũng hiện nay đã và đang trở thành quốc nạn, là nguyên nhân dẫn đến sự thoái hóa của một bộ phận cán bộ công chức, biểu hiện rõ nhất là lạm dụng chức quyền, quan liêu, tham ô tài sản công, chạy chức chạy quyền,…
Tệ nạn tham nhũng đã làm gia tăng khoảng cách giàu nghèo. Các hoạt động xã hội bị chi phối bởi đồng tiền dẫn đến tình trạng “đổi trắng thay đen” hay “nén bạc đâm toạc tờ giấy”. Một bộ phận cán bộ, công chức vì lợi ích cá nhân đã cố tình làm trái đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, tạo nên các “nhóm lợi ích”.
Hiện tượng “chạy” và “mua” chức vụ đã dẫn đến những người không đủ năng lực, trình độ, phẩm chất đạo đức được cơ cấu, bố trí vào các vị trí lãnh đạo, quản lý. Và khi đã ngồi ở những vị trí đó, họ sẽ bằng mọi cách thu hồi chi phí đã bỏ ra và vun vén cá nhân. Họ sẵn sàng tham ô, hối lộ và nhận hối lộ, cố ý làm sai để thực hiện các mục đích cá nhân.
Tệ nạn phong bì khi làm việc với các cơ quan công quyền và trong các bệnh viện. Tệ nạn phần trăm, hoa hồng trong đầu tư xây dựng cơ bản và các hợp đồng kinh tế. Tệ nạn mua bằng, mua điểm, chạy trường, chạy lớp trong giáo dục. Tệ nạn bảo kê, nhận hối lộ của cảnh sát giao thông,… đã và đang diễn ra từng ngày, từng giờ trong mọi hoạt động kinh tế - xã hội của đất nước.
Hậu quả của các tệ nạn nêu trên đã gây nên sự mất công bằng, suy thoái đạo đức xã hội, đảo ngược các giá trị chân thiện mỹ, làm mất lòng tin của người dân với chính q uyền các cấp và các cơ quan chức năng, gây khiếu kiện kéo dài và mất ổn định xã hội.
Có thể nói, thời nào cũng có tham nhũng. Nhưng cơ chế thị trường đã tạo nên mảnh đất màu mỡ cho những “con sâu” tham nhũng phát triển. Và không còn đâu đó một vài “con sâu” tha hóa, biến chất làm “rầu nồi canh” nữa, mà những “con sâu” này đã phát triển thành những “bầy sâu” như từ dùng của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang.
Chính “bầy sâu” này đã dẫn đến những bất công trong xã hội, làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, đe dọa đến sự tồn vong của chế độ.

Lòng tin là nền tảng của sự ổn định và phát triển
Phát biểu dẫn đề khai mạc Hội nghị an ninh châu Á năm 2013 tại Singapore (Đối thoại Shangri-La), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã gửi một thông điệp sâu sắc của Việt Nam đối với các vấn đề an ninh khu vực châu Á với chủ đề “Xây dựng lòng tin chiến lược vì hòa bình, hợp tác, thịnh vượng của châu Á”[2]. Bài phát biểu của Thủ tướng đã thể hiện được tầm chiến lược cũng như quan điểm riêng của Việt Nam đối với các vấn đề an ninh khu vực và quốc tế.
Với việc gửi thông điệp “Xây dựng lòng tin chiến lược” nhằm giảm căng thẳng trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã cho thấy sự cần thiết phải tạo ra một sự tin tưởng giữa các quốc gia trong khu vực. “Lòng tin chiến lược” là sự thành tâm và chân thành trong quan hệ giữa các quốc gia trong hợp tác, xử lý các thách thức chung ở khu vực và “Mất niềm tin là mất tất cả”.
Nghị quyết Hội nghị TW 4 “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” đã đưa ra mục tiêu “củng cố niềm tin trong Đảng và nhân dân”[3]. Tiếp xúc với cử tri Hà Nội và trao đổi về vấn đề này, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh phải quyết tâm “dứt khoát phải chống tiêu cực, tham nhũng” và “Muốn dân tin thì Đảng phải tự sửa và hoàn thiện mình”[4].
Đề cập đến một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức tha hóa biến chất, làm lòng tin của nhân dân vào Đảng, Chính phủ bị xói mòn, báo Quân đội nhân dân đã nhấn mạnh: “Nếu để mất lòng tin của nhân dân vào chính quyền, sẽ mất tất cả”[5].
Từ những vấn đề trong nước và quốc tế như đã nêu trên, có thể thấy quan điểm của Đảng và Chính phủ là phải xây dựng và củng cố lòng tin đối với nhân dân trong nước và các đối tác quốc tế. Lòng tin chính là nền tảng của sự ổn định và phát triển.

Củng cố lòng tin thông qua việc bỏ phiếu tín nhiệm
Việc các đại biểu Quốc hội thực hiện lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội trực tiếp bầu hoặc phê chuẩn là một sự đổi mới trong hoạt động của Quốc hội. Thể hiện vai trò giám sát tối cao của cơ quan lập pháp đối với Nhà nước và Chính phủ.
Để đảm bảo tính minh bạch và tránh tình trạng vận động nhằm “chạy phiếu” tín nhiệm. Các đại biểu Quốc hội cần phải hết sức trung thực, khách quan, phải có bản lĩnh và tinh thần trách nhiệm cao, không bị chi phối bởi quyền lực và các mối quan hệ lợi ích, xứng đáng là những người đại diện cho cử tri, thay mặt cử tri lấy phiếu tín nhiệm.
Tuy nhiên, một việc tưởng chừng như rất đơn giản lại không đơn giản một chút nào. Chính sự suy thoái của “một bộ phận không nhỏ” cán bộ, đảng viên đã tạo ra “nhóm lợi ích” bao che cho nhau. Những kẻ cơ hội này có thể sử dụng các mối quan hệ, các thủ đoạn vận động, mua chuộc để làm sai lệch kết quả bỏ phiếu tín nhiệm của các đại biểu Quốc hội.
Mặt khác, đặc tính cả nể và ngại va chạm, dĩ hòa vi quý của người Việt cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho nhiều đại biểu Quốc hội có thể thỏa hiệp và đánh giá không đúng với năng lực, phẩm chất của những người được lấy phiếu tín nhiệm.
Chưa nói đến việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với 47 vị trí quan trọng được Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn . Mà chỉ đơn cử việc lấy phiếu bình bầu thi đua hiện nay cũng bị “cơ chế thị trường” làm méo mó. Hầu hết các danh hiệu đều thuộc về cán bộ lãnh đạo, đến mức ông Phạm Thế Duyệt (nguyên Ủy viên Bộ chính trị) đã phải nói: “Làm như trước không dễ”[6] cho thấy sự thiếu minh bạch, thiếu công tâm của những người bỏ phiếu cũng như những người được bỏ phiếu. Và điều này không loại trừ có thể xảy ra trong đợt lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm kỳ này của Quốc hội.
Vì vậy, nếu xảy ra những vấn đề tiêu cực thì chắc chắn sẽ làm mất lòng tin của nhân dân vào Nhà nước, Chính phủ và Quốc hội. Năng lực, phẩm chất của những người được lấy phiếu tín nhiệm như thế nào nhân dân đều biết và đánh giá được, như Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã nói: “Không có việc gì qua mắt được nhân dân”[7].
Rõ ràng, vấn đề “quốc nạn tham nhũng” và “một bộ phận không nhỏ” cán bộ, đảng viên suy thoái biến chất đã và đang làm mất lòng tin nghiêm trọng của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước. Việc bỏ phiếu tín nhiệm lần này như một phép thử về lòng tin của nhân dân. Cần lắm những đại biểu quốc hội có bản lĩnh và trung thực với tinh thần trách nhiệm cao trước tổ quốc, trước nhân dân sẽ bỏ những lá phiếu công tâm để củng cố lòng tin của nhân dân, tạo nền tảng cho sự ổn định và phát triển của đất nước.

Lời kết
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”, cũng như quan điểm “Nước lấy dân làm gốc”. Vì vậy, lòng tin của nhân dân chính là vũ khí, là sức mạnh của một đất nước.
Lòng tin của nhân dân không tự nhiên mà có, nó được hình thành theo chiều dài lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm và phát triển đất nước. Và không phải lúc nào cũng có thể mua được lòng tin của nhân dân, bởi vì “Niềm tin từng phải ‘mua’ rất đắt”[8].
Lòng tin của nhân dân cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc sẽ được củng cố, vun đắp hay sẽ bị xói mòn phụ thuộc vào lá phiếu của hơn 492 đại biểu Quốc hội, những người đại diện cho 90 triệu người dân Việt Nam trên mọi miền tổ quốc.

---------------------------------------------------
[1]. http://vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/19800/-mot-con-sau-da-nguy-hiem-huong-gi-mot-bay-.html
[2]. http://baodientu.chinhphu.vn/Home/Thu-tuong-Nguyen-Tan-Dung-phat-bieu-khai-mac-Doi-thoai-ShangriLa-2013/20135/169968.vgp
[3]. http://baodientu.chinhphu.vn/Home/Nghi-quyet-Hoi-nghi-Trung-uong-4-Mot-so-van-de-cap-bach-ve-xay-dung-Dang-hien-nay/20121/125067.vgp
[4]. http://www.phapluatvn.vn/thoi-su/201206/Sua-sai-de-giu-vung-niem-tin-cua-dang-va-nhan-dan-2068379/
[5]. http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-vn/61/43/5/5/5/162416/Default.aspx
[6]. Trả lời của ông Phạm Thế Duyệt trong chương trình thời sự 19h ngày 4/6/2013 trên VTV1.
[7]. http://dantri.com.vn/blog/che-sao-duoc-nhan-dan-giau-sao-duoc-lich-su-668370.htm
[8]. http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/2013-06-05-niem-tin-tung-phai-mua-rat-dat
 

© 2013 Baron Trịnh
Nguồn hình ảnh: Sưu tầm trên Internet.

0 comments:

Post a Comment

Đề nghị nhận xét bằng tiếng Việt có dấu. Cảm ơn!