- Kính chào ngài tổng thống. Vui mừng và nồng nhiệt chào đón ngài sang thăm An-nam chúng tôi.
- Chào anh, tôi rất vui khi được đến thăm một rất đất nước tươi đẹp và hiếu khách như An-nam.
- Ấy chết, tôi là thường dân, chỉ đến để chào hỏi ngài. Ngài không cần thiết phải trả lời khách sáo theo lối ngoại giao như thế.
- Ồ, cảm ơn anh. Mà nhìn anh quen quen.
- Vâng, cách đây đúng 2 năm tôi đã có dịp gặp ngài ở hành lang phòng Bầu Dục.
- À, tôi nhớ rồi. Là anh Trịnh chất vấn tôi về vụ giàn khoan 981 ở biển Đông phỏng?
- Quý hóa quá. Một người bận trăm công nghìn việc như ngài mà vẫn còn nhớ đến một việc cỏn con như thế. Tự đáy lòng, tôi chân thành cảm ơn ngài.
- Không có gì. Bởi lẽ bất cứ một người nào có ý thức và trách nhiệm với tổ quốc của mình tôi đều trân trọng. À, mà tôi nhớ hồi đó anh xưng hô ông-tôi với tôi, sao bây giờ lại chuyển sang thành ngài vậy?
- Thưa ngài, có lẽ lúc đó tôi quá bức xúc về hành vi vi phạm chủ quyền biển đảo của chính quyền Tàu-khựa đối với đất nước tôi nên quá tức giận mà xưng hô không phải phép. Mong ngài thông cảm với một người đang đau đáu vì tổ quốc của mình. Ngài là một nguyên thủ đáng kính và hôm nay tôi phải xưng hô cho đúng lễ nghĩa.
- Ồ, không sao, anh xưng hô thế nào cũng được, như anh nói đây là cuộc gặp thông thường, có phải nghi thức ngoại giao đâu. Với lại tôi chuẩn bị rời Nhà Trắng về làm dân rồi. Gọi là ông cũng đúng mà.
- Không phải thế, thưa ngài. Ở đất nước chúng tôi, và tôi nghĩ kể cả đất nước ngài, những người làm lãnh đạo hết lòng vì đất nước, vì nhân dân khi về hưu, thậm chí khi đã qua đời vẫn được người dân kính trọng và nhớ ơn. An-nam chúng tôi có câu: “Thương dân dân lập miếu thờ/ Hại dân dân đái ngập mồ thối xương”. Ngài là một người đáng kính, thế nên dù ngài có rời Nhà Trắng, nếu có cơ hội gặp lại, tôi vẫn trân trọng gọi là “Ngài”.
- Anh cũng lý luận nhỉ, nhưng tôi cho là đúng và rất vui vẻ tiếp nhận [cười].
- Cảm ơn ngài. Có câu hỏi hơi riêng tư một tý. Trước khi ngài sang thăm nước tôi, trên mạng xã hội có lan truyền 2 câu thơ thời thập niên 60 rằng: “Ngu xuẩn nhất nhì/ Là tổng thống Mỹ…”. Ngài có lấy làm khó chịu vì điều đó?
- An-nam các anh có câu: “Chấp gì trẻ con” mà [cười]. Mà anh gặp tôi định chất vấn điều gì nữa đây? Phải chăng là vụ cá chết ở biển Đông và bản kiến nghị lên Nhà Trắng cho tôi.
- Ồ không, thưa ngài. Sau lần chất vấn ngài 2 năm trước, tôi đã hiểu được. Với lại hiện nay đất nước chúng tôi ổn định và đang phát triển. Chắc ngài đã nhìn thấy những điều đó trong chuyến thăm này.
- Tôi cũng chưa có cơ hội đi nhiều vì thời gian chuyến thăm quá ngắn, anh có thể nói vài điều không?
- Vâng, thưa ngài. Vụ cá chết thì các cơ quan chức năng nước tôi đã cùng các nhà khoa học trong và ngoài nước đang nỗi lực hết sức để tìm ra nguyên nhân. Nhiều địa phương các lãnh đạo đã đi tắm biển và ăn cá để chứng minh cho dân thấy mọi vấn đề là an toàn và trong sự kiểm soát. Ngay trước chuyến thăm của ngài, đất nước chúng tôi đã tổ chức rất thành công cuộc bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp. Ngài thấy trên báo chí, truyền thông nước tôi đưa những bản tin rất vui mừng. Nào là gần 98% cử tri đi bầu cử, nào là ngày hội lớn của toàn dân,… ngay cả ông Tổng thư ký Quốc hội cũng vui mừng thông tin cho báo chí là “chưa thấy có hiện tượng bầu hộ”. Điều đó chứng tỏ người dân nước tôi rất có ý thức về chính trị, có trách nhiệm cao cả trong việc lựa chọn những người đại diện cho họ ở các cơ quan lập pháp. Ngài xem, một đất nước như thế thì có vấn đề gì bức xúc mà cần phải chất vấn ngài không? Nhà triết học Plato đã từng nói: “Một trong những sự trừng phạt cho việc từ chối tham gia vào các vấn đề chính trị là quý vị sẽ đi tới một kết cục bị cai trị bởi những kẻ hạ đẳng hơn mình”. Đằng này người dân nước tôi đã hồ hởi, vui mừng tham gia bầu cử, sáng suốt lựa chọn những người có tài có đức đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân. Cá nhân tôi rất vui mừng và vinh dự được góp một phần nhỏ bé vào việc lựa chọn những người tài đức lãnh đạo đất nước. Dù vẫn còn có những khó khăn do thiên tai hay lịch sử để lại, nhưng tôi tin rằng đất nước chúng tôi sẽ ngày một phát triển và sánh vai với các cường quốc năm châu như ước nguyện của tiền nhân.
- Hình như anh là người miền Bắc và cũng có lý luận sâu sắc nhỉ, tôi cũng thấy vui mừng cho đất nước của anh. Cơ mà tôi đọc trên Facebook thấy có nhiều thông tin chưa đúng như anh nói.
- Thưa ngài, có lẽ đó là những thông tin của các thế lực thù địch xuyên tạc sự tốt đẹp của đất nước chúng tôi đấy ạ. Ngài chớ nên tin.
- Anh yên tâm đi, tôi chỉ tin vào những gì tôi thấy. Chứ không quan liêu đến mức chỉ tin những gì người ta nói. Mọi thông tin sẽ được nhân viên của tôi phân tích kỹ lưỡng dựa trên những chứng cớ xác thực. Mà hôm nay anh gặp tôi chỉ để chào hỏi mà không chất vấn gì à?
- Thưa ngài, tôi chỉ xin phép mạo muội hỏi ngài một câu hỏi riêng tư thôi. Là cách đây không lâu, cũng có một nguyên thủ của một quốc gia đứng hàng thứ 2 thế giới đến thăm đất nước tôi. Tôi thấy rất nhiều người phản đối trên mạng xã hội, thậm chí biểu tình. Trong khi đó ngài được rất nhiều người dân chúng tôi chào đón nhiệt liệt với những lời chúc mừng trên mạng xã hội, thậm chí đứng đợi bên đường chào đón ngài trong đêm. Ngài đánh giá thế nào về việc này?
- Thứ nhất là anh vừa nói với tôi ở trên, đừng có tin những gì nói ở trên mạng, bây giờ anh lại lấy thông tin ở trên mạng để hỏi [cười]. Thứ hai là việc đánh giá chuyện cá nhân liên quan đến người khác nó không phù hợp với cả quan điểm riêng của tôi lẫn quan điểm ngoại giao. Vì thế tôi không trả lời anh câu này. Tuy nhiên tôi có thể gợi mở cho anh như thế này: Tôi nhớ có một câu nói của lãnh đạo đất nước anh là “Mình phải như thế nào người ta mới mời chứ!”. Nên đối với câu hỏi của anh thì nên tư duy theo hướng đó, rằng “Ông ấy có như thế nào thì mọi người mới chào đón nồng nhiệt thế chứ”. Anh hiểu chửa?
- Vâng, cảm ơn ngài rất nhiều. Tôi có thể ôm ngài để thể hiện sự chào mừng nồng nhiệt như văn hóa người Mỹ để kỷ niệm không ạ?
- Ồ, việc đó là bình thường mà, anh lại gần đây.
…
...
Hự… hự… bịch… dụi mắt:
- Sao cô lại đạp tôi xuống giường thế này?
- Tự nhiên ông dở chứng ôm chầm lấy người ta hôn hít là thế nào? Ông đang tơ tưởng đến đứa nào mà ngủ mê thế hả?
- Ơ, tôi đang mơ nói chuyện với ngài Tổng thống Ô-bà-má mà?
- Ông hoang tưởng vừa thôi nhá. Nằm đó ngủ đi, tý nữa còn dậy mà đi cày. Má với chả ba. Suốt ngày cứ như trên mây í.
- Huhu… lại là mơ,các ông bà ạ, huhu...
© 2016 Baron Trịnh
Nguồn hình ảnh: Sưu tầm trên Internet.
Cùng chủ đề:
- Chất vấn Ô-bà-má
0 comments:
Post a Comment
Đề nghị nhận xét bằng tiếng Việt có dấu. Cảm ơn!