Thông tin tại hội thảo “Đổi mới đào tạo giáo viên đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục Việt Nam” cho biết, hiện nay có khoảng 35.000 giáo viên thất nghiệp.
Đây chính là hậu quả tất yếu của việc đào tạo thiếu quy hoạch. Mặc dù số lượng học sinh ngày càng giảm, nhưng số trường đào tạo ngành sư phạm lại tăng lên.
Hầu như tỉnh nào cũng có một trường trung cấp sư phạm và một trường cao đắng sư phạm. Một số trường trung cấp nâng cấp lên cao đẳng, một số trường cao đẳng nâng cấp lên đại học. Và khi nâng cấp thì quy mô đào tạo cũng tăng lên. Chưa kể đến các trường sư phạm trung ương cũng mở rộng quy mô đào tạo.
Hầu hết mỗi xã/phường đều có một trường mầm non, một trường tiểu học và một trường THCS. Quy mô các trường ngày càng nhỏ lại. Rất nhiều trường ở nông thôn, miền núi chỉ còn mỗi khối một lớp. Ấy vậy mà xu hướng đào tạo ngày càng mở rộng nên việc thất nghiệp là tất yếu.
Bỏ qua những thời điểm lịch sử, là cần giáo viên để xóa mù chữ và phổ cập tiểu học, thế nên có các hệ 7+1, 7+2,... Ngành giáo dục đã cực sai khi tư duy rằng: Tốt nghiệp đại học dạy THPT, tốt nghiệp cao đẳng dạy THCS, tốt nghiệp trung cấp dạy tiểu học, còn chẳng có khả năng đi học thì làm cô giáo mầm non. Mặc dù hiện tại giáo viên các cấp đều phổ cập trình độ đại học, nhưng tư duy trên vẫn không đổi, và các trường trung cấp, cao đẳng vẫn tuyển sinh ồ ạt.
Ngày xưa thí sinh đi thi vẫn có câu: Nhất Y nhì Dược, tạm được Bách khoa, chuột chạy cùng sào mới vào Sư phạm. Thế nên hầu như những thí sinh có năng lực học ở mức trung bình đều có tâm lý đăng ký thi sư phạm cho chắc ăn, đồng thời đây cũng là nghề nghiệp tương đối nhàn hạ (theo tư duy lạc hậu là gõ đầu trẻ) và dễ xin việc.
Những quốc gia phát triển thì mục tiêu giáo dục, triết lý giáo dục và chất lượng giáo viên được đặt lên hàng đầu. Ở An-nam thì mục tiêu giáo dục là đạt thành tích phổ cập các cấp học, triết lý giáo dục như lời ông bộ trưởng bộ Dục là cái Nghị quyết hô hào bằng quyết tâm chính trị, chất lượng giáo viên không được cải thiện.
Thế nên, việc An-nam ngày càng tụt hậu là điều tất yếu, và giấc mơ sánh vai cùng các cường quốc trên thế giới cũng xa vời như giấc mơ tiến lên XHCN.
*
***
Tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, trong báo cáo giải trình và trả lời chất vấn, bà Chuyền - bộ trưởng Bộ LĐ-TB và XH cho biết: Tính đến hết quý 3/2014, cả nước có 174.000 lao động có trình độ đại học thất nghiệp, chiếm 16,8% tổng số người thất nghiệp.
Thông tin tại tại hội thảo “Đổi mới đào tạo giáo viên đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục Việt Nam” cho biết, hiện nay có khoảng 35.000 giáo viên thất nghiệp.
Cũng phải nói lại cho rõ ngôn từ, rằng là cử nhân sư phạm ra trường thất nghiệp, chứ không phải là giáo viên thất nghiệp. Mặc dù vẫn biết đào tạo cử nhân sư phạm ra làm giáo viên. Nhưng giáo viên đang giảng dạy bị mất việc và cử nhân mới ra trường không xin được việc làm có bản chất khác nhau. Mấy ông/bà làm quản lý giáo dục không hiểu điều đơn giản này hay là báo chí đưa tin đánh chữ tác ra chữ tộ?
Vậy tại sao giáo viên lại thất nghiệp nhiều đến thế? Chiếm hơn 20% tổng số lao động có trình độ đại học thất nghiệp?
Đơn giản, bởi lẽ nhu cầu giáo viên thực tế thì ít, nhưng quy mô đào tạo ngành sư phạm lại quá nhiều.
Hiện cả nước có 14 trường ĐH sư phạm, 23 trường ĐH đa ngành có khoa sư phạm, 45 trường CĐ sư phạm, 4 trường CĐ có khoa sư phạm và 7 trường trung cấp sư phạm. Thông tin mới nhất là trường CĐ sư phạm Hà Nội vừa được nâng cấp lên thành trường ĐH Thủ đô Hà Nội.
Quy mô tuyển sinh hệ chính quy ĐH ngành sư phạm hằng năm từ 22.500 - 23.000 SV và CĐ từ 24.500 - 26.000 SV. Nghĩa là trung bình mỗi năm đào tạo ra từ 47.000 - 49.000 cử nhân sư phạm các cấp. Chưa kể đến các hệ phi chính quy và các đối tượng không học ngành sư phạm nhưng “chuyển đổi” sang nghề đi dạy và hệ trung cấp.
Tính đến hết năm 2013, cả nước có 847.752 giáo viên phổ thông (bao gồm: 381.432 GV tiểu học, 315.405 GV THCS và 150.915 GV THPT) và 244.478 GV mầm non.
Do không có số liệu về tuyển dụng viên chức ngành giáo dục hàng năm và số lượng người nghỉ hưu. Nên tôi giả định rằng, trung bình mỗi GV sẽ làm việc 30 năm, số lượng GV đồng đều ở các độ tuổi. Như vậy hàng năm có khoảng 36.400 GV về hưu. Điều đó có nghĩa, chỉ riêng cử nhân sư phạm chính quy, mỗi năm chúng ta đào tạo thừa khoảng từ 10.600 - 12.600 GV.
Trong khi quy mô trường lớp ngày càng giảm, thì chắc chắn nhu cầu tuyển dụng GV sẽ ngày càng ít đi. Và khủng khoảng thừa GV là điều tất yếu với xu hướng đào tạo ngành sư phạm như vậy.
Thế nên con số 35.000 GV thất nghiệp mà hội thảo nêu trên đưa ra tôi cho là không sát thực tế. Số lượng các cử nhân sư phạm thất nghiệp phải lớn hơn nhiều lần như thế.
© 2015 Baron Trịnh
Nguồn hỉnh ảnh: Sưu tầm trên internet.
Bài cùng chủ đề:
- Giáo dục thời rúc rào (#1): Ông bộ trưởng và triết lý giáo dục
- Giáo dục thời rúc rào (#2): Mỵ Châu là ai
- Giáo dục thời rúc rào (#3): Tư duy cải cách
- Giáo dục thời rúc rào (#4): Thạc sĩ tại chức - tiến sĩ online
0 comments:
Post a Comment
Đề nghị nhận xét bằng tiếng Việt có dấu. Cảm ơn!