1. Xứ An-nam thấm nhuần tư tưởng trọng nam khinh nữ, phần lớn vì ảnh hưởng chủ thuyết của Khổng Khâu. Vì thế vai trò của người đàn ông rất quan trọng trong gia đình và xã hội.
Trong nhà, người cha luôn có quyền uy, quyết định tất cả các vấn đề lớn nhỏ từ đối nội đến đối ngoại. Tiếp đến là người con trai cả với vị trí “quyền huynh thế phụ”. Vì thế, những người không sinh được con trai bị liệt vào tội đại bất hiếu như câu nói của gã Mạnh Kha - người được xếp vị trí Á thánh, chỉ sau Khổng Khâu - rằng: “Bất hiếu hữu tam, vô hậu vi đại” (có nghĩa: Tội bất hiếu có ba, không có con nối dõi là tội lớn nhất”.
Chính vì bị ảnh hưởng sâu sắc tư tưởng này, nên giá trị của người đàn ông trong gia đình rất được coi trọng, như câu: “Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô” (có nghĩa: Có một đứa con mà là con trai thì cũng được coi là có con. Còn có đến 10 đứa con mà là con gái thì cũng coi như là không có”.
Thủ dâm tinh thần là một trong những đặc trưng tiêu biểu của cần-lao An-nam. Trong một xã hội trọng nam đến mức cực đoan như thế, thì những người không sinh được con trai luôn bị xếp vào “mâm dưới” trong chiếu rượu - một nơi rất quan trọng trong việc thể hiện vị trí, ngôi bậc của người đàn ông - đặc biệt là chiếu làng, nơi “Một miếng giữa làng bằng một sàng xó bếp”. Họ đành tự an ủi bằng những chuyện đại loại như “Ruộng sâu trâu nái không bằng con gái đầu lòng” hay “Tam nam bất phú, tứ nữ bất bần”, hehe…
2. Đại đồng đàn ông xứ An-nam mặc định cho rằng, họ luôn tài giỏi, khôn ngoan hơn đàn bà, như câu nói: “Đàn ông nông nổi giếng khơi/ Đàn bà sâu sắc như cơi đựng trầu”. Trong mắt họ, đàn bà chỉ là hạng người “Đái không qua ngọn cỏ”. Thế nên khi đàn ông dè bỉu, sỉ nhục nhau thường đem so sánh với đàn bà, như “Đồ đàn bà” hay “Mua váy mà mặc”.
Ngay cả trong gia đình, việc thua kém vợ được cho là một điều sỉ nhục của người chồng. Những câu nói như “Đồ sợ vợ” hay “Anh hùng râu quặp” để chỉ những người chồng kém cỏi bất tài, hay bị vợ bắt nạt. Ngay cả những người đàn ông có quyền uy ở chốn quan trường lẫn thừa mứa tiền bạc thì vẫn không thể là “trụ cột” khi bị vợ lấn át. Tất nhiên bộ phận này chỉ là thiểu số, và không phải là đối tượng đề cập trong bài này.
Câu nói “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm” được lưu truyền từ đời này sang đời khác của xứ An-nam như một minh định cho việc xác lập vai trò của người đàn ông - luôn là trụ cột của gia đình.
Thế nhưng không phải người đàn ông nào cũng đủ khả năng để lo toàn cho gia đình với vai trò là “trụ cột”. Thậm chí có những người tệ hại đến mức bị ngay chính vợ của họ ví là dạng “Ăn hại đái khai” hay “Chồng người đánh Bắc dẹp Đông/ Chồng em ngồi bếp giương cung bắn mèo”. Mặc dù việc lo toan gia đình, thậm chí đối ngoại đều một tay người vợ chu tất, nhưng những người này vẫn tự cho rằng, họ là đàn ông, là trụ cột nên phải lo công to việc lớn, còn những việc nhà tất yếu là của đàn bà. Dĩ nhiên, họ là những kẻ văn dốt võ dát, chả làm được tích sự gì cho đời ngoài chức năng phối giống.
Ấy nhưng những kẻ như vậy, lại luôn cho rằng họ vẫn là trụ cột của gia đình, họ thuộc “đẳng cấp đái đứng” chứ không phải loại đàn bà chỉ biết “đái ngồi” và chỉ biết quanh quẩn ở xó bếp. Nhiều kẻ không có năng lực, nên tìm cách thể hiện vai trò trụ cột của mình một cách cực đoan đến mức mất hết liêm sỉ. Như câu chuyện cười dân gian, kể về một gã vô tích sự, đi xin rượu thịt thừa ở các đám ma để ăn uống, rồi về nói dối với vợ con là được bạn này, quan nọ mời rượu để thể hiện cái sự “oai” với chính vợ con của gã.
Những vấn đề nêu trên không phải chỉ có ở thời phong kiến lạc hậu, mà vẫn hiển hiện trong xã hội An-nam ở giữa thập kỷ thứ 2 của thể kỷ 21. Không phải chỉ một bộ phận nhỏ những kẻ thực sự vô tích sự, mà ít nhiều có trong tư tưởng, hành động của đại đa phần đàn ông xứ An-nam. Đầy những gã lâu lâu mới được một bữa rượu miễn phí như liên hoan cơ quan hay bạn bè mời. Ăn no uống say rồi chém gió tuyền những chuyện kinh thiên động địa, từ tây sang ta, từ Nga sang Ấn, phê phán từ Ô-ba-ma đến Pu-tin,… rồi đem bữa rượu khoe từ hàng xóm đến vợ con là hôm nay được đi ăn, uống được bao nhiêu rượu bia, bữa tiệc có lãnh đạo này, quan chức nọ.
Chính những tư tưởng “trọng nam kinh nữ” và vai trò “trụ cột” của người đàn ông trong gia đình là rào cản trong việc đưa An-nam tiệm cận dần với đại đồng các quốc gia văn minh trên thế giới. Xứ An-nam, chỉ có thể khai dân trí khi tẩy não được tư tưởng Nho giáo cực đoan này trong xã hội.
3. Có gã đàn ông nọ, luôn thấm nhuần tư tưởng trên, luôn cho mình là “trụ cột” trong gia đình và luôn xem thường phụ nữ. Khốn nỗi, gã đã dốt lại dát nên miếng cơm manh áo trong nhà đều do tay vợ vun vén. Thế nhưng gã luôn lấy quyền uy đàn ông trụ cột mà mắng vợ chửi con, mặc dù ra đường chả dám gây sự với thiên hạ.
Một năm, vào mùa giáp hạt. Cũng như bao gia đình nghèo khác, nhà gã một hạt cơm cõng mấy hạt ngô, lát sắn. Cho dù vợ con gã chạy chợ toát bù hôi.
Nhà đã nghèo nhưng gã lại lười lao động, suốt ngày ở nhà hút thuốc lào uống trà xanh làm cho ruột xít lại, cộng thêm cơm độn thế là sinh táo bón. Mỗi lần gã đi ỉa, rất lâu.
Thi thoảng, hàng xóm lại nghe tiếng gã gào lên trong nhà xí: “Tiên sư bố lũ đàn bà đái không qua ngọn cỏ chúng mày, có mỗi nấu bữa cơm ăn cho nhuận tràng cũng không nên thân, làm cho ông cả tuần phải đái ngồi”.
© 2015 Baron Trịnh
Nguồn hình ảnh: Sưu tầm trên internet.
0 comments:
Post a Comment
Đề nghị nhận xét bằng tiếng Việt có dấu. Cảm ơn!