Tuesday, May 20, 2014

Tiên sư thằng Chó


Khu rừng nọ có bốn con Thỏ, Chó, Gấu, Sư-tử chung sống. Thỏ bé nhất nhưng lại là giống cái, lớn lên cũng ngực ưỡn mông cong eo nhỏ, khúc nào ra khúc đó. Chó, Gấu, Sư-tử đều thích Thỏ, tán tỉnh kịch liệt.
Mặc dù nhà ở tận sâu trong rừng, nhưng Sư-tử cậy mình to khỏe, là chúa tể rừng xanh nên chả coi Gấu lẫn Chó ra gì. Cứ ngang nhiên đến nhà Thỏ để tán tỉnh.
Ban đầu Thỏ thích Sư-tử, cũng mong muốn được kết tóc se duyên. Gấu và Chó thấy thế, toàn nhồi nhét vào đầu Thỏ rằng, chúng ta ở quen bìa rừng rồi, vào rừng sâu không cùng chí hướng, sẽ không sống được. Với lại xu hướng là rời rừng đi ra thảo nguyên bao la, thiên đường là ở chỗ đó. Trong rừng sâu bao giờ mới thấy được thiên đường. Thỏ nghe bùi tai, hắt hủi và rời xa Sư-tử.
Thỏ quay sang thích Gấu. Dù Gấu ở xa hơn tý, nhưng lại cao ráo đẹp zai khỏe mạnh. Với lại liên minh bìa rừng do Gấu làm chủ. Thế nhưng Chó lại ở gần, lắm mưu hèn kế bẩn và hay chơi trò ném đá dấu tay. Chó thường sử dụng chiêu trò “nhất cự ly, nhì cường độ” và “đẹp zai không bằng chai mặt” để tán tỉnh Thỏ.


Thỏ cũng dạng chả vừa, chơi trò bắt cá hai tay. Sáng chạy sang nhà Chó học cách săn chuột, nhưng tối lại lẻn lối sau sang nhà Gấu tình tự. Chó biết và cay cú lắm.
Cuộc tình tay ba bằng mặt chả bằng lòng không kéo dài. Phần vì mãi không di chuyển được ra thảo nguyên, phần vì Chó và Gấu thi thoảng lại hục hặc. Đỉnh điểm là hôm Chó thấy Thỏ đi ra từ nhà Gấu vào lúc sáng sớm. Chó tức giận sang nhà Thỏ cắn nát vườn rau đầu hiên.
Thỏ sợ xanh mặt, chạy sang cầu cứu Gấu. Tưởng Gấu sẽ nghĩ đến tình ân ái mà đánh Chó, nào ngờ Gấu cũng chỉ gầm gừ giơ tay lên bảo: “Chó, mày thôi đi. Phá nhà Thỏ thêm lần nữa tao tát chết”. Chó cười khẩy: “Tao dạy nó bài học thôi, chứ tầm nó, tao ngoạm phát chết tươi”.
Được thời gian ngắn, nhà Gấu lục đục, sa sút. Gấu không còn tình tứ và che chở cho Thỏ được nữa. Thỏ trở nên bơ vơ và đói kém. Lâu nay toàn sang hái rau nhà Gấu, giờ không sang được, vườn nhà lâu không cày xới, cỏ dại mọc đầy mà hạt giống trong nhà cũng hết.
Thỏ mon men ra hàng rào, thẻ thọt: “anh Chó anh Chó, em biết lỗi rồi, cho em mượn cái cuốc với vay ít hạt giống”. Chó bảo: “Em cứ chung thủy với anh, anh cho tất”. Mối tình Thỏ - Chó được lại được nảy nở. Tuy vậy, trong tâm tưởng Thỏ vẫn tiếc Sư-tử, tiếc Gấu. Nhưng khổ là phụ thuộc hoàn toàn vào Chó mất rồi. Còn Chó chả yêu gì Thỏ, chỉ thích cưỡng bức và âm mưu chiếm đoạt mảnh vườn ở bìa rừng của Thỏ.
Từ khi chiếm hữu được Thỏ, Chó bắt đầu thể hiện tính gia trưởng và bần tiện vốn có. Thỏ vốn cũng cố nhẫn nhịn cho xong, nhưng càng nhịn, Chó càng lấn tới. Chẳng hạn có lần Thỏ nói: “Anh cưới em đi nhé”, Chó cười khẩy bảo: “Loại lăng nhăng như mày, ai thèm lấy”. Thỏ sụt sịt khóc: “Chúng ta cùng sống ở bìa rừng, cùng mong muốn tìm đến thiên đường thảo nguyên. Sao anh nỡ hắt hủi em thế”. Chó nói: “Mày đi mà tìm thiên đường của mày, tao thèm vào. Từ giờ đất nhà mày là của tao, tao muốn mày làm gì thì phải làm nấy, nghe chửa”. Thỏ khóc tu tu: “Anh mà đuổi em thì em biết đi đâu, đây là đất bố mẹ em để lại, còn lâu em mới đưa sổ đỏ cho anh”.
Biết Thỏ sẽ giấu không đưa sổ đỏ. Chó tìm mọi cách để Thỏ phải bỏ đất mà đi. Nào là đổ chất độc hại vào đất để không trồng cây được, nào là vứt rau thối, rau phun thuốc sâu sang nhà Thỏ. Tệ hại hơn, sáng nào Chó cũng sang ị một bãi ngay đầu hồi, thối um cả nhà.

Thỏ định chạy sang nhờ Gấu, đến gần nơi thì thấy Gấu và Chó đang uống rượu. Cả hai chạm chén tình thương mến thương và hẹn nhau cùng cày xới miếng đất chung để gieo thóc.
Quay về úp mặt vào gối khóc thì thấy Sư-tử qua chơi. Sư-tử bảo: “Ngày xưa theo anh thì không chịu, để giờ ra nông nổi này. Thôi, về với anh, thằng Chó nó sẽ không dám làm gì đâu”. Thỏ hỏi lại: “Anh quay lại với em mà không có điều kiện gì ư”. Sư-tử trả lời: “Dĩ nhiên là phải có. Em phải đi chữa bệnh, phải trị hết bọ chét chó trên người. Em phải đi spa, để loại hết mùi chó trên cơ thể. Phải bỏ ăn thói quen ăn rau phun thuốc sâu. Phải cải tạo lại vườn tược, trồng nhiều cây lưu niên chứ không chỉ trồng rau cỏ rẻ tiền”.
Thỏ than thở: “Khó lắm anh ơi, bọ chét đầy cả người em, giờ muốn hết phải cạo sạch lông, mà cạo lông thì còn gì là thỏ nữa. Với lại cái mùi chó nó bám vào người em lâu quá rồi, khó tẩy sạch lắm. Mà ngày xưa bố mẹ em bảo không được trồng cây to, vì nó che khuất tầm nhìn xuống thảo nguyên, không nhìn thấy thiên đường. Giờ em phải làm thế nào bây giờ?”.
Sư-tử đáp: “Anh chịu, muốn đi cùng anh phải sống theo kiểu sư tử, chứ không thể sống theo kiểu chó. Với lại thiên đường của anh khác của em. Nếu đồng ý theo anh thì em phải thay đổi toàn bộ”.
Thỏ ôm gối ngồi khóc: “Để bà ra nông nỗi này đều tại mày cả Chó ạ. Tiên sư thằng Chó, tiên sư thằng Chó, huhu…”.

(Lưu ý: Bài biên chỉ có tính chất tếu táo. Các đối tượng trong bài được sử dụng ngẫu nhiên và mang tính minh họa)
© 2014 Baron Trịnh
Nguồn hình ảnh: Sưu tầm trên internet.

2 comments:

  1. Trong các câu chuyện cổ tích,thông thường thỏ là con vật thông minh luôn biết tìm ra cách để tự cứu mình.
    Bởi thế,con vật vừa đáng thương vừa đáng trách ở trên khó có thể là con thỏ.
    Có lẽ nó phải là một con cáo (cộc đuôi)

    ReplyDelete

Đề nghị nhận xét bằng tiếng Việt có dấu. Cảm ơn!