1. Sau khi được một loạt các tờ báo chính thống “lớn” kêu gọi, lẫn những hô hào của các “nhà” văn, thơ, báo từ “nổi tiếng” đến “lỗi tiếng”. Chỉ hơn 2 ngày, trên trang web của tòa Bạch Ốc đã có hơn 100.000 chữ ký yêu cầu Tổng thống Huê-kỳ trừng phạt Tàu-khựa.
Lòng yêu nước của cần-lao là quyền bất khả xâm phạm. Ký tên vì yêu nước cũng là quyền công dân đang được chính quyền bảo hộ tại thời điểm này. Thế nhưng, ký ở đâu, ký như thế nào thì lại khác.
An-nam là một quốc gia có độc lập, có chủ quyền. Về lý thuyết là không phụ thuộc vào quốc gia khác. Vậy cớ sao từ truyền thông chính thống đến cần-lao lại đề nghị Tổng thống Huê-kỳ trừng phạt Tàu-khựa vì tranh chấp trên bể Đông giữa An-nam và Tàu-khựa? Phải chăng An-nam công nhận Huê-kỳ là sen đầm quốc tế, có trách nhiệm “canh giữ” hòa bình thế giới (chứ không phải do An-nam và Cu-ba canh giữ như ông Triết - cựu Chủ tịch nước nói)? Phải chăng An-nam chấp nhận là “em út” nên cần “đàn anh” Huê-kỳ bảo trợ? Phải chăng An-nam cho rằng Huê-kỳ có “thị phần” ở bể Đông nên không thể làm ngơ nhìn Tàu-khựa bành trướng?
Có lẽ thấy dư luận bóc mẽ những điều trên. Những kẻ hô hào”ký cọt” lại lấp liếm, ngụy biện rằng việc ký đó là để gây tiếng vang trên trường quốc tế. Để Tàu-khựa thấy sự đoàn kết của cần-lao An-nam.
Thưa các “quý ngài” rằng, để có được tiếng vang phải đường đường chính chính chứ không phải bám vào váy bạn Huê-kỳ. Danh có chính thì ngôn mới thuận. Còn vấn đề đoàn kết của cần-lao thì mấy vụ bạo loạn ở Bình Dương, Hà Tĩnh,… cả thế giới phải ghê sợ chứ chả riêng mỗi thằng Tàu-khựa.
Để danh chính ngôn thuận sao không lập ra các chủ đề trên các trang ký ủng hộ như change.org để đề nghị Liên hợp quốc, Tổng thư ký Liên hợp quốc, Liên minh châu Âu, cộng đồng Asean, thậm chí Tổng thống Huê-kỳ,… yêu cầu Tàu-khựa rút giàn khoan ra khỏi bể Đông? Việc ký ủng hộ này không chỉ có riêng cần-lao An-nam mà còn kêu gọi được những tổ chức xã hội, những người dân yêu chuộng hòa bình và công lý trên khắp thế giới cùng ký. Nếu hô hào việc này, có thể nhận hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu chữ ký, chứ tầm 100.000 chữ ký lìu tìu trên trang của tòa Bạch Ốc thì bõ bèn gì mà gây tiếng vang.
Việc của nhà mình, thì phải suy tính cho chu toàn. Vừa đạt được mục tiêu, vừa giữ được tính tự chủ và thể diện quốc gia. Đàng này hy vọng bám vào váy thằng sen đầm quốc tế để được cứu giúp, trong khi đó vẫn ra rả chửi rủa nó là ác ôn, là kẻ thù của quá khứ, là tư bản thối nát,… Dựa dẫm, quỵ lụy, lá mặt lá trái như thế, ai giúp?
Phận tiểu nhược luôn có những hy vọng viễn vông, là thế!!!
2. Cuối cùng thì Quốc hội cũng đã đồng ý đưa Luật biểu tình ra thông qua trong khóa này. Cụ thể là sẽ được trình vào kỳ họp thứ 9 và thông qua vào kỳ họp thứ 10 (cuối năm 2015). Việc này đã chấm dứt tranh cãi lâu nay về việc cần có hay chưa có Luật biểu tình.
Người viết không bàn đến việc cần hay không cần có Luật này. Cũng không phải viết điều này để vỗ tay chúc mừng những người ủng hộ. Mà muốn đề cập đến những lý do của những người không ủng hộ.
Những nhóm lý do của những người không ủng hộ ban hành Luật biểu tình như: Do An-nam chỉ có 1 đảng lãnh đạo, nên biểu tình là chống lại đảng; Do biểu tình nên mới gây ra sự bạo loạn vừa qua ở Bình Dương, Hà Tĩnh; Luật biểu tình ra đời sẽ tiếp tay cho các đối tượng chống chính quyền lợi dụng,…
Người viết không phân tích việc đúng sai của các quan điểm của phe bảo thủ này, vì đã có nhiều người đề cập rồi. Kể cả việc bóc mẽ bài phát biểu của ông nghị gật họ Hoàng từng một thời “tâm thần phân liệt” khi khoe khoang bày kế Liên Hoành cho Saddam Hussein. Trong bài này, người viết muốn đề cập đến tâm thể của những kẻ trong phe bảo thủ.
Vậy tại sao họ lại sợ có Luật biểu tình đến như thế? Tại sao họ lại cho là đảng, chính phủ luôn luôn đúng? Tại sao họ lại sợ những đối tượng “phản động” lợi dụng luật biểu tình?
Thử đặt ra vài câu hỏi: Người dân có biểu tình chống lại một chính quyền mà họ tin tưởng và yêu mến không? Có kẻ địch nào lợi dụng nổi một chính quyền của dân, do dân, vì dân không? Chính quyền có phải luôn đúng tuyệt đối và người dân không được phép phản ứng lại không?
Có thể thấy, những kẻ bảo thủ và không muốn có Luật biểu tình bởi vì họ sợ rằng, người dân sẽ sử dụng Luật biểu tình để chống lại cái sai, cái xấu mà họ đang cố gắng ngụy biện và lấp liếm. Họ sợ đổi mới, họ sợ văn minh, họ sợ không còn chỗ đứng cho mình khi xã hội chở nên công bằng và dân chủ, khi những người tài được cộng đồng đánh giá cao và ủng hộ, Họ sợ, có nghĩa là họ hèn nhát không dám nhìn thẳng vào sự thật.
Nếu không xấu, không sai, không hèn thì không phải sợ điều gì cả.
3. Tàu đánh cá của An-nam liên tục bị hành hung và đã có tàu bị đâm chìm ở khu vực gần giàn khoan HD981. Tính mạng ngư dân đang bị đe nếu ra gần khu vực đó khai thác hải sản.
Bộ Ngoại giao đã triệu đại diện Đại sứ quán Tàu-khựa tại Hà-nội để trao công hàm phản đối, yêu cầu chấm dứt những hành động “vô nhân đạo” này. Đây có lẽ là động thái cứng rắn nhất của chính phủ An-nam đối với Tàu-khựa trong hơn 30 năm qua.
Điều này cho thấy dã tâm của bọn Tàu-khựa trên bể Đông. Chúng không từ một thủ đoạn nào nhằm đạt mục tiêu xâm lấn trái phép vùng biển của An-nam, kể cả phá hoại tài sản và hành hung ngư dân.
Thế nhưng vụ việc tàu cá QNg 96180 TS bị một tàu của Tàu-khựa đâm chìm đêm 24/5 tại vùng biển Quảng Ninh (báo Người lao động, ngày 27/5) khiến 1 ngư dân thiệt mạng, 1 mất tích và 1 bị thương nặng, toàn bộ tàu và tài sản trên tàu đã bị mất không được đưa ra công luận thế giới. Đã thế hầu hết báo chí trong nước đều đưa tin là bị tàu “lạ” đâm(?). Tàu “lạ” nào ở trong khu vực đánh bắt cá đó? Tàu lạ nào lại nhằm thẳng vào một tàu gỗ đánh cá của dân, đâm chìm rồi lạnh lùng quay đi?
Ai cũng biết đó là tàu của Tàu-khựa. Và ai cũng biết chúng đang cố tình gây hấn không chỉ ở khu vực chúng cắm giàn khoan mà tất cả các khu vực biển đảo của An-nam trên bể Đông.
Đã chẳng còn nể nang nhau trên góc độ ngoại giao nữa, đã đâm nhau bùm bụp trên biển, đã tố cáo nhau trước bàn dân thiên hạ quốc tế,… thì còn sợ gì mà không dám gọi thẳng tên thẳng họ của chúng ra, sao cứ phải nem nép dùng từ “lạ” đối với chúng?
Chả lẽ, tàu không còn lạ, nhưng sự hèn hạ vẫn còn quen?
4. Cần-lao An-nam lại lên đồng với cái video clip hơn 1.300 người hát quốc ca. Việc cổ động lòng yêu nước bằng hát quốc ca là chuyện rất bình thường. Việc hát tập thể để gây tiếng vang cũng là chuyện bình thường, không có gì phải phàn nàn cả.
Có điều khi xem clip đó, người viết cảm thấy rùng mình và “mất hết” những xúc cảm về sự hào hùng của dân tộc và tình yêu quê hương đất nước.
Bởi vì, người viết có một cảm giác rờn rợn với một rừng màu đỏ lòe loẹt từ áo và cờ tổ quốc trong clip. Một sự rờn rợn như nhìn thấy một nghi lễ tà giáo với giàn đồng phục cùng hình dáng, màu sắc. Thêm nữa, sự cộng hưởng từ từng tốp đồng ca với những ca từ mạnh trong bài hát như “cờ in máu”, “xây xác quân thù”,… và màu đỏ chói chang đó khiến người xem cảm thấy như có một sự chém giết đầy bạo lực và một sự khát máu. Nó phủ lấp hoàn toàn sự hùng tráng và xúc cảm của bài quốc ca.
Người viết đã từng dừng lại trên đường để tận hưởng cảm xúc thiêng liêng của quốc ca từ những giọng hát của các cháu học sinh tiểu học trong buổi chào cờ đầu tuần. Đã từng nghẹn ngào khi nghe giai điệu quốc ca vang lên từ buổi chào cờ trên tàu của những chiến sĩ cảnh sát biển trên TV. Nhưng thực sự không thể có một cảm giác gì khi xem cái clip với hơn 1.300 người đỏ choét “gào” quốc ca nói trên.
Năm 1985, một nhóm các ca sĩ đã cùng nhau nắm tay và hát “We are the world” để ủng hộ người dân châu Phi. Clip này đã gây xúc động đến hàng tỷ người trên thế giới bởi sự bình dị, chân thành và nhân văn của nó.
Không hiểu tại sao những người tổ chức không tạo ra những sự bình dị, chân thành và nhân văn đặc trưng của người Việt với những màu áo xanh của thanh niên tình nguyện, màu áo trắng của học sinh, tà áo dài của phụ nữ, áo bu-dông của công nhân,… trong các hoạt động đời thường của họ.
Sự cực đoan thường thấy ở những kẻ yếu ớt. Chỉ có tâm thế tiểu nhược mới đem cái vỏ bọc hoành tráng bên ngoài để che lấp cái yếu ớt, cô độc bên trong.
Bộ da hổ không thể che dấu được lá gan của chuột nhắt, là vậy.
5. Một con người đàng hoàng, có tư duy, có trí tuệ, có kiến thức chuyên môn luôn đứng thẳng lưng, ngẩng cao đầu, quang minh chính đại với việc mình làm, lời mình nói. Những việc làm chưa tốt, những sai sót được nhìn nhận một cách đàng hoàng và sòng phẳng để sửa chữa, nhằm hoàn thiện bản thân.
Một quốc gia có chủ quyền, có độc lập không thể hạ thấp quốc thể trước quốc gia bành trướng, không thể quỵ lụy trước những quốc gia sen đầm quốc tế. Khôn khéo, mềm mỏng trong ngoại giao không có nghĩa là phải là để cho kẻ khác đè đầu cỡi cổ, thích làm gì nói gì cũng được.
An-nam thời loạn thế và mạt pháp, có bao nhiêu người có thể đứng thẳng lưng, ngẩng cao đầu, quang minh chính đại với chính bản thân họ, với công việc của họ, và với xã hội?
Quốc gia vừa nghèo vừa yếu, lệ thuộc từ cây kim sợi chỉ đến cả việc cơ cấu thượng tầng lãnh đạo. Làm sao có thể cứng rắn và đàng hoàng chỉ trích những kẻ xâm chiếm biển đảo đất nước trên trường quốc tế?
Thoát khỏi kiếp tiểu nhược, bằng cách nào???
© 2014 Baron Trịnh
Địa chỉ Facebook và Twitter.
Nguồn hình ảnh: Sưu tầm trên internet.
Cả năm mục của bài viết đều quá hay . Những ý kiến , đánh giá , nhận xét của tác giả đều " minh triết " , rất đáng trân trọng .
ReplyDelete