I. DẪN ĐỀ
Những cuộc biểu tình và những tuyên bố trong hai ngày cuối tuần đã phần nào làm thỏa mãn cả người dân và chính phủ đối với vụ việc Tàu-khựa hạ đặt trái phép giàn khoan HD981 tại lô số 143 thuộc vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của An-nam.
Cần-lao thỏa mãn bởi vì đã được xuống đường biểu tình phản đối Tàu-khựa và nhận được thông điệp về biển Đông từ ông thủ tướng tại hội nghị cao cấp của ASEAN. Chính phủ thỏa mãn vì đã chuyển tải tới Tàu-khựa thái độ của cần-lao An-nam đối với vụ việc giàn khoan nói riêng và bể Đông nói chung. Các tổ chức chính trị, xã hội thỏa mãn vì đã được ra những tuyên bố về vụ việc mà không phải xin phép và bị kiểm duyệt.
Sau một ngày mệt nhọc nhưng thỏa mãn khi được thể hiện những tiếng hô hùng hồn, những nắm đấm vung mạnh mẽ, những khẩu hiệu đanh thép,… Những người yêu nước đã về nhà, vào buồng tắm tẩy gội đi mồ hôi và bụi đường, ăn tối và lao lên mạng để post hình ảnh, tường thuật cuộc biểu tình và tự thưởng một giấc ngủ sâu.
Thế nhưng, ngày hôm nay không phải là ngày mai, dòng người không phải là tàu chiến, nắm đấm không phải là hỏa tiễn. Sau những nhiệt huyết đám đông, hãy tĩnh lặng lại để suy nghĩ và trả lời những câu hỏi dưới đây:
- Nếu giàn khoan Tàu-khựa vẫn tiến hành tác nghiệp thì An-nam sẽ có hành động như thế nào?
- Có khả năng xảy ra chiến tranh trên biển không?
- Nếu xảy ra chiến tranh trên biển thì có lan rộng thành chiến tranh trên đất liền không?
- Nếu An-nam mất biển đảo, chính phủ và cần-lao sẽ làm gì trong tương lai?
Hãy đừng vội trả lời ngay những câu hỏi trên, đừng gào lên rằng là chúng tôi yêu nước, chúng tôi sẵn sàng lên đường, chúng tôi không sợ Tàu-khựa. Bởi vì, lòng yêu nước là rất trân quý, nhưng giải quyết sự việc phải là hành động, chứ không chỉ là lời nói.
Lại tĩnh lặng suy nghĩ và bỏ ra chút thời gian tìm hiểu để trả lời những vấn đề dưới đây trước:
- Bối cảnh của thế giới, của Tàu-khựa, của An-nam tại thời điểm này như thế nào?
- Dã tâm bành trướng của Tàu-khựa trong khu vực và trên thế giới như thế nào?
- Tàu khựa có thể không xâm lấn biển Đông theo tuyên bố đường lưỡi bò phi lý không?
- Nếu xảy ra chiến tranh trên biển, An-nam cần những gì để có thể đối đầu?
- Nếu xảy ra chiến tranh trên biển, An-nam có cơ hội thắng không?
- Nếu xảy ra chiến tranh, tướng lĩnh nào có khả năng cầm quân đối đầu với Tàu-khựa?
- Nếu xảy ra chiến tranh trên biển, cần-lao sẽ làm được những gì cho tổ quốc?
- Nếu xảy ra chiến tranh, có sự can thiệp quân sự của Hoa-kỳ, EU, Nga và Asean không?
- Nếu không có sự can thiệp của thế giới trong cuộc chiến, An-nam sẽ như thế nào?
.........................
Hãy sử dụng cái đầu lạnh để tìm hiểu, tổng hợp, phân tích và rút ra kết luận để trả lời những câu hỏi trên. Khi đã tìm được câu trả lời đúng đắn thì có nghĩa là sẽ đánh giá được cục diện của sự việc đúng đắn.
Cũng cần hiểu rằng đối đầu trên biển khác đối đầu trên đất liền. Cần-lao với súng AK47 ngồi trên tàu gỗ 20 tấn không thể đối đầu với súng máy, hỏa tiễn trên tàu chiến bọc thép 200 tấn. Chiến tranh tổng lực trên biển khác với chiến tranh du kích trên đất liền. Đồng thời điều cần-lao “muốn” chưa chắc đã là điều chính phủ “muốn”.
Để thể hiện lòng yêu nước một cách đúng đắn, cần một bầu máu nóng và một cái đầu lạnh, là thế.
(Còn nữa)
© 2014 Baron Trịnh
Nguồn hình ảnh: Sưu tầm trên internet.
Lưu ý: Cụm từ “chính phủ” sử dụng trong bài viết để đại diện chung cho nhà nước. Các cụm từ An-nam và Tàu-khựa chỉ là cách gọi quen thuộc của cần-lao, không có tính chất miệt thị.
Giặc đang ở đầu ngõ,nguy cơ chiến tranh đang hiện hữu vậy mà trong nhà những người anh em lại chỉ mải tranh cãi nhau xem ai mới là người yêu nước.
ReplyDeleteKẻ thì gọi người kia là "Biểu tình Quốc doanh" người lại kêu kẻ khác là "giả danh yêu nước".Đến ngay như hai tờ báo cùng chung một cơ quan chủ quản mà cũng rỉ rói lẫn nhau chỉ vì ai cũng muốn được "độc quyền yêu nước."
Cũng may là còn có đám "cần lao" chẳng nói chẳng rằng,chờ có lệnh là ôm súng lên đường chứ không thì xứ mình nguy mất.