Saturday, May 24, 2014

Café sáng thứ 7 (#30): Quốc gia tiểu sự


1. Vụ “bạo loạn” ở Bình Dương đã được các cơ quan chức năng giải quyết về cơ bản là ổn thỏa. Tuy nhiên, mức độ thiệt hại cả về hữu hình lẫn vô hình quá lớn. Chỉ tính sơ khoản bảo hiểm rủi ro cho cam kết mức độ an toàn đối với nhà đầu tư có thể lên đến hàng tỷ đô la và gần 300 nghìn công nhân tạm thời mất việc.
Hơn 1.000 đối tượng quá khích bị bắt. Nguyên nhân vẫn được cơ quan điều tra làm rõ. Dư luận đang mong muốn được biết ai là người đứng sau các cuộc “biểu tình” và chi tiền để “kích động” biểu tình? Trong thời điểm căng thẳng trên biển Đông đang leo thang, việc nghi ngờ có bàn tay của tình báo Trung Nam Hải cũng không phải là ngoại lệ.
Trên báo Thanh Niên online ngày 19/5 đưa tin: “Mọi hành vi của Hiếu đã bị lực lượng công an ghi hình toàn bộ hành trình từ trưa cho đến 24 giờ khuya ngày 14.5” (Hiếu là tên đối tượng gây rối). Không hiểu vì sao cơ quan công an có đủ thời gian khoảng 12 giờ để ghi hình đối tượng mà không tổ chức ngăn chặn, trấn áp ngay từ lúc mới manh động để phát sinh hậu quả nghiêm trọng đến như thế?
Lại nhớ đến các vị la hán trong thơ Huy Cận!


2. Bên lề Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN lần thứ 8, tướng Thanh - bộ trưởng quốc phòng An-nam có cuộc gặp song phương với viên tướng 3 sao họ Thường - bộ trưởng quốc phòng Tàu-khựa. Dĩ nhiên, vấn đề chính không nằm ngoài sự căng thẳng đang leo thang ở biển Đông.
Ai cũng biết, quan điểm đối ngoại của An-nam được phát đi từ các lãnh đạo cao cấp trong các chuyến công du nước ngoài phải là quan điểm đồng thuận được thông qua từ tối cao thượng tầng. Vì thế, quan điểm của ông Thanh khi trao đổi với viên tướng họ Thường chỉ là “phát lại” thông điệp từ Hà Nội.
Có điều, trong bài trả lời phỏng vấn VTV, ông Thanh “rất mềm mỏng”, thậm chí “nhu nhược” khi nhắc đến Tàu-khựa. Ông vẫn gọi Tàu-khựa là “bạn”, thanh minh rằng An-nam không sử dụng quân đội, và đề nghị “bạn” hết sức kiềm chế, không nên “hành hung” tàu của An-nam.
Ông Thanh là tướng 4 sao, là “tư lệnh” của quân đội An-nam. Ấy thế mà nghe cách ông nói, nó từa tựa như phát ngôn của Bộ ngoại giao hoặc Ban tuyên giáo chứ không phải phong cách của một vị tướng đứng đầu quân đội. Thêm nữa, “cho dù” cảnh sát biển và kiểm ngư không thuộc quân đội (có nghĩa không phải là lính của ông), nhưng chắc chắn họ là đồng bào của ông, cùng chảy trong người dòng máu Lạc Hồng.
Với tư cách một vị tướng, không thể “xoa dịu” và gọi kẻ thù là “bạn” khi chúng đã ngang ngược xâm phạm bờ cõi và hàng ngày hành hung từ cảnh sát biển đến ngư dân đồng bào của mình như bên ngoại giao được. Tướng khác quan là chỗ đó.
Nếu xảy ra chiến tranh, An-nam có những ai xứng đáng làm tướng?


3. Ngược lại với ông Thanh, trong chuyến thăm Philippines và tham dự Diễn đàn kinh tế thế giới về Đông Á. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lại có những phát biểu gây “sốt” không những ở trong nước mà còn cả trên thế giới.
Trong bài phát biểu tại Diễn đàn kinh tế thế giới lẫn các trả lời phỏng vấn của truyền thông. Ông Dũng vẫn “phát lại” thông điệp của Hà Nội là gìn giữ hòa bình bằng mọi giá . Tuy nhiên, ông Dũng rất quyết liệt trong vấn đề bảo vệ vẹn toàn lãnh thổ đất nước và chỉ trích trực diện Tàu-khựa.
Truyền thông giật title những câu nói của ông Dũng như “Nhất định không chấp nhận đánh đổi điều thiêng liêng này để nhận lấy một thứ hòa bình, hữu nghị viển vông, lệ thuộc nào đó” (điều thiêng liêng là: độc lập, tự chủ, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, vùng biển), “Những gì mà Trung Quốc đang làm khác rất xa những gì mà Trung Quốc nói” và “Không bao giờ đơn phương sử dụng biện pháp quân sự, không bao giờ khơi mào một cuộc đối đầu quân sự, trừ khi bị bắt buộc phải tự vệ”. Khi nhắc đến mối quan hệ Việt - Trung, ông Dũng khá khôn khéo nhưng rất quyết liệt và rõ ràng khi nói “Còn ngược lại, chắc các bạn hoàn toàn có thể hình dung điều gì sẽ xảy ra”.
Tình hình kinh tế - xã hội trong gần 2 nhiệm kỳ ông Dũng ngồi ghế Thủ tướng chắn chắn sẽ làm phần lớn cần-lao cho rằng điều ông nói là “nói dzậy nhưng không làm dzậy”. Tuy nhiên, quan điểm của người viết là khi đem chuông đi đánh xứ người, dù không vang rền nhưng cũng không thể tậm tịt được. Vì thế ông Dũng đã đưa An-nam đàng hoàng ngẩng mặt lên với đại đồng thế giới trong vấn đề căng thẳng ở biển Đông. Và chắc chắn, những phát biểu này của ông Dũng đã làm ấm lòng những chiến sĩ cảnh sát biển, kiểm ngư đang ngày đêm đầu sóng ngọn gió xua đuổi kẻ xâm chiếm, bảo vệ toàn vẹn biển đảo của tổ quốc.
Đã là (thủ) tướng, nhất định không thể hèn.


4. “Café sáng thứ 7” không đề cập chuyện quốc tế. Tuy nhiên vấn đề có liên quan đến An-nam nên đành đưa vào đây vậy.
Đó là vụ việc tổng thống Nga sang thăm Tàu-khựa trong thời điểm căng thẳng này. Phát biểu trong cuộc họp báo, ông Putin nói: “Trung Quốc là láng giềng đáng tin cậy của chúng tôi”. Hai nước đã cụ thể hóa điều ông Putin nói bằng một bản hợp đồng khí đốt trị giá khoảng 400 tỷ USD lẫn cuộc tập chung trên biển Hoa Đông.
Thế là cần-lao An-nam ào ào “trách móc” lẫn “chửi” từ nước Nga đến ông Putin. Họ cho rằng Putin không nên sang Tàu-khựa trong thời điểm này vì Nga với Việt là “chiến hữu”. Họ cho rằng Nga gián tiếp ủng hộ Tàu-khựa chiếm biển Đông. Đại loại lời ra tiếng vào đều ám chỉ nước Nga và ông Putin kiểu “ăn cháo đá bát”.
Khốn nỗi, không chỉ có một bộ phận cần-lao An-nam cuồng Liên Xô mới thế. Mà phần lớn cần-lao, dù không cuồng Liên Xô vẫn suy nghĩ như thế. Trong mắt họ, Nga là anh em, là tay chân với An-nam, sướng khổ ngọt bùi phải chia sẻ với nhau.
Họ không nhận ra hoặc cố tình không nhận ra rằng, từ khi Liên Xô sụp đổ là An-nam và Nga đã không chung đường. Trong khi An-nam tôn thờ chủ nghĩa cộng sản thì Nga quay lại chủ nghĩa tư bản. Không cùng ý thức hệ thì sao mà chung đường được. Cái ràng buộc, vớt vát cuối cùng là vịnh Cam Ranh lẫn hợp tác khai thác dầu cũng bị đứt nốt. Cam Ranh đã không còn bóng dáng của Nga, và nếu không có gần 20 tỷ USD ném vào, liên doanh chắc bây giờ không tồn tại.
Thêm nữa, ông Putin làm gì, Nga làm gì là việc của quốc gia họ. Ông Putin làm là vì nước Nga, vì nhân dân Nga chứ không phải vì đất nước An-nam, vì cần-lao An-nam.
Ăn mày dĩ vãng, là thế.


5. Dã tâm xâm chiếm biển Đông của Tàu-khựa không phải bây giờ mới có, mà gần cả trăm năm nay. Dã tâm Tàu hóa An-nam thì đã mấy nghìn năm nay. Bất kỳ triều đại nào của An-nam, bên cạnh việc kinh bang kế thế, vẫn phải chuẩn bị và đề phòng gã hàng xóm tham lam, bẩn tính và tráo trở.
Thế nên, vụ việc Tàu-khựa kéo giàn khoan vào vùng biển của An-nam không có gì lạ, điều này phải được dự đoán từ trước và phải có các biện pháp để ngăn chặn và đối đầu phù hợp.
Ấy thế mà cái giàn khoan của lũ Tàu-khựa xâm phạm vùng biển của An-nam chưa được một tháng, mọi thứ đã xáo trộn lung tung lên cả. Từ biểu tình đến bạo loạn, từ hô hào đến cấm đoán. Thông tin từ chính thống đến lá cải tung ra mù mịt, trong nhà chưa tỏ ngoài ngõ đã thông. Đối nội đối ngoại thì mỗi nơi một phách.
Trong khi những người lính cảnh sát biển, kiểm ngư đang gồng mình lên chống trả những đợt tấn công của lũ bành trướng Tàu-khựa ngay trên biển đảo của quê hương mình để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ thì trong đất liền những hành vi tiếp tay cho bọn Tàu-khựa bành trướng vẫn tiếp diễn. Chưa cần đề cập đến những đối tượng xấu trong vụ bạo loạn ở Bình Dương và Vũng Áng. Mà việc thu mua nông lâm hải sản bán cho thương lái Tàu-khựa, nhập lậu hàng độc hại từ Tàu-khựa về bán cho đồng bào của mình vẫn diễn ra hàng ngày, hàng giờ. Trên các mạng xã hội thì toàn anh hùng bàn phím, hô hào đánh Tàu-khựa cứ như đi đập thú nhồi bông.
Mới tiểu sự đã thế. Nếu đại sự, sẽ ra sao???


© 2014 Baron Trịnh
Nguồn hình ảnh: Sưu tầm trên internet.

2 comments:

  1. Bài viết có một chỗ nhầm lẫn nhỏ, cục cảnh sát biển trực thuộc bộ quốc phòng nên cảnh sát biển là lính của ông Thanh đấy! Tham khảo: Giới thiệu về cảnh sát biển Việt Nam

    ReplyDelete
    Replies
    1. Vâng, nhà cháu biết Cục cảnh sát biển trực thuộc bộ quốc phòng. Nhưng không phải là lực lượng quân sự, mà là cảnh sát bác Cu Nỡm ạ. Chính vì thế CSB mới có mặt trong các vụ tranh chấp hiện tại mà không bị Tàu-khựa vu cho là sử dụng vũ lực quân sự.
      Chính vì thế, trong bài viết nhà cháu có để trong ngoặc kép từ "cho dù" để mọi người hiểu theo nghĩa đen ạ.

      Delete

Đề nghị nhận xét bằng tiếng Việt có dấu. Cảm ơn!