Tuesday, August 6, 2013

Những đứa con của Cơ Chế (#1): Cuộc hôn nhân không mong muốn


Đời có lúc thăng lúc trầm, xã hội có lúc thịnh lúc suy. Nhẽ tự nhiên là thế.
Ở một làng nọ, có nàng Cơ.
Trong xã hội một cổ hai tròng áp bức, gia đình Cơ thuộc nhóm bần cùng nhất của xã hội, quanh năm đi ở đợ, cày thuê, cuốn mướn trong làng.
Cuộc sống bần hàn từ bé, bán mặt cho đất, bán lưng cho trời. Chính vì thế, cả đời Cơ không đi quá lũy tre làng, mắt nhìn xa nhất là bóng cò ở cuối cánh đồng lúc chiều chạng vạng.
Mặc dù đói khổ như vậy, nhưng đến tuổi dậy thì, Cơ cũng trổ giò thành thiếu nữ. Tuy ngăm ngăm da trâu, nhưng cũng ngực căng mông mẩy đầy đủ cả.
Vận đời vật đổi sao dời, gia đình Cơ từ kiếp nô lệ thành người tự do, cảnh đi ở đợ, làm mướn cũng đến ngày hết. Gia đình Cơ có cuộc sống mới, có nhà, có ruộng.
Cũng như bao cô gái trong làng khác, Cơ cũng được tham gia bình dân học vụ và từng bước biết được cái chữ, đọc được tờ áp phích, viết được bài hát yêu thích vào tờ giấy giấu dưới gối.
Mặc dù đã được tự do, có nhà, có ruộng, biết đọc, biết viết. Nhưng bản chất bần nông cố hữu của Cơ không thể thay đổi. Trong nhận thức non nớt của mình, Cơ vẫn luôn cho rằng thân phận mình chỉ là những kẻ làm thuê, những kẻ có vị trí thấp nhất trong xã hội. Với Cơ, việc được tự do làm việc, đủ cơm ăn áo mặc đã là một hạnh phúc tột đỉnh, không còn mong gì hơn nữa.

Trong làng có chàng Chế.
Cũng thuộc nhóm bần cùng nhất của xã hội giống như gia đình Cơ. Trước khi đời tự do, Chế chỉ biết đi cày thuê, cuốc mướn cho tới ngày có nhà, có ruộng.
Cũng như Cơ, trước đó Chế chưa từng đi quá lũy tre làng. Một đợt, Chế được lên phố huyện để tham dự lớp tập huấn nông dân lấy lá cây thanh hao về ủ phân chuồng, Chế hạnh phúc lắm, về làng kể chuyện phố huyện như cõi thần tiên, người làng cứ há hốc mồm ra nghe Chế. Từ ngày được đi ra phố huyện, Chế học được nhiều lắm, tất cả những gì Chế nhìn thấy đều mới lạ, người phố đẹp lắm, giàu lắm. Vì thế, Chế quyết đi tìm một cách để làm giàu như họ.
Ở làng, Chế quen và chơi thân hai người bạn là Môi Thâm và Mũi Lõ.
Môi Thâm nhà bên cạnh Chế, nổi tiếng là tham lam và thâm hiểm, miệng nam mô nhưng bụng một bồ dao găm. Có chuyện gì với Chế, Môi Thâm đều đứng ra bênh vực, như là thân thiết lắm, thậm chí còn cho Chế mượn đôi cao su vẹt nửa gót đi tán gái. Nhưng kỳ thực, sau lưng Môi Thâm luôn nói xấu Chế, ngày ngày nghĩ âm mưu lấn đất nhà Chế.
Mũi Lõ cách xa nhà Chế, giáp ranh phố huyện. Nhà Mũi Lõ khá giả nên tiêu pha rộng rãi. Chẳng hạn nửa đêm đang uống hết rượu, Mũi Lõ sai Chế gõ cửa từng nhà mua bằng được. Một lít rượu đồng chín năm xu, Mũi Lõ đưa Chế hai đồng, thừa năm xu cho luôn Chế khiến Chế nể phục lắm. Nhưng Chế đâu biết, trong con mắt Mũi Lõ, Chế chỉ là tên to xác nhưng đần độn đến mức sai gì cũng được.
Chế phục hai người bạn của mình lắm lắm. Bạn nói gì nhất quyết nghe theo. Chế còn đề đạt với Mũi Lõ và Môi Thâm dạy cho Chế cách để làm giàu như người phố huyện. Mũi Lõ và Môi Thâm liền giảng giải cho Chế cái lý thuyết về xã hội chủ nghĩa mà hai người biết được hồi đi học sơ cấp thú y. Nói rằng chỉ có áp dụng lý thuyết này mới phát triển được, làm giàu được. Nghe một hồi, Chế ngộ ra và vỗ đùi đánh đét nói: “Chân lý là đây, làm giàu từ đây chứ đâu”.
Chế bắt đầu áp dụng triệt để lý thuyết xã hội chủ nghĩa cho cái gia đình bản chất bần nông cố hữu của mình. Trong cái đầu đầy bã đậu của Chế bấy giờ dặt toàn những vi mô, vĩ mô, thượng tầng kiến trúc, hạ tầng cơ sở, hai cặp phạm trù,… Mặc dù chả hiểu gì mấy về các vấn đề đó, nhưng mở mồm ra là Chế ra ra truyền bá cái học thuyết mà Môi Thâm và Mũi Lõ nhồi nhét như một con vẹt thuộc bài. Chế bắt cả nhà phải tuân thủ theo những điều mình học được.
Nào là cả nhà phải tập trung đi làm theo giờ giấc, ai không đúng giờ sẽ phạt. Nào là cơm phải dành phần lớn cho Chế vì đi cày là công việc nặng nhọc nhất, bà cụ ở nhà và mấy đứa trẻ làm ít, phải ăn ít cơm độn nhiều rau. Chế giải thích là để nhuận tràng cho người già và có thêm vitamin cho trẻ con. Nào là đến mùa gặt phải lấy một phần thóc nấu rượu, cất trong nhà uống dần. Nào là lâu lâu phải cải thiện một bữa tươi, đổi mấy chục cân lúa chưa gặt lấy cân thịt ăn để bổ sung chất đạm cho cơ thể (dân gian thường gọi là bán lúa non).
Còn nhiều lắm, nhiều lắm…
Khổ nỗi, càng áp dụng lý thuyết của Môi Thâm và Mũi Lõ, nhà Chế càng nghèo. Chế là lao động chính lại to khỏe nên cả nhà đều sợ, không dám cãi lại. Nhưng sau lưng, mọi người oán Chế lắm. Mặc dù thâm tâm Chế tự thấy mình không hiểu cái mô hình xã hội chủ nghĩa mà Môi Thâm và Mũi Lõ truyền đạt. Nhưng Chế cho rằng đấy là mô hình duy nhất có thể áp dụng để làm giàu, không quan tâm đến xuất phát điểm của mình chỉ là một anh nông phu thất học. Vì thế, Chế vẫn cương quyết áp dụng mô hình này cho gia đình mình. Sự duy ý chí về tư duy cũng như hạn chế về nhận thức khiến Chế không nhìn được bản chất của mình. Trong đầu Chế chỉ mơ tưởng đến một ngày sẽ trở nên đẹp đẽ và giàu có như những người phố thị.

Chế thích Cơ, tìm cách tán tỉnh Cơ kịch liệt, kịch liệt.
Cơ ghét sự ảo tưởng và thói ba hoa chích chòe của Chế về cái mô hình xã hội xã hiếc gì đó nên cố tình tránh Chế. Cơ cho rằng những gì Chế nói là không thể, có cơm ăn áo mặc ruộng cày đã là thiên đường của con người rồi.
Chế tìm mọi cách tiếp cận Cơ, từ việc mượn đôi cao su vẹt nửa gót của Môi Thâm đi cho oai, hay xin Mũi Lõ mấy cái comdom thổi bóng bay làm quà tặng Cơ, đủ cả đủ cả… Nhưng Chế càng lấn tới, Cơ càng trốn tránh.
Chế buồn lắm, thở than tâm sự nhỏ to với Môi Thâm và Mũi Lõ. Hai người bạn của Chế bàn mưu tính kế cho Chế trong vòng một tuần thì ra phương án tối ưu. Họ bảo Chế cứ làm thế này, thế này… khi gạo đã thành cơm thì hẳn Cơ sẽ là của Chế. Nghe xong, Chế ngần ngừ, bảo sao lại ép uổng con cái người ta thế, phải tìm cách khác thôi. Môi Thâm và Mũi Lõ trề môi, bảo bất độc bất anh hùng, chê Chế mồm thì ra rả chủ nghĩa này, chủ nghĩa kia, đến việc nhỏ ấy không làm được thì sao xây dựng chủ nghĩa được, phải bạo lực cách mạng thì mới thành công,... Máu anh hùng nổi lên, Chế tuyên bố sẽ làm theo cách của Môi Thâm và Mũi Lõ đã dày công nghĩ ra.
Một hôm, Chế nhờ bạn gái của Cơ hẹn Cơ ra cái bụi chuối đầu làng, gần lò gạch bỏ hoang để nói chuyện với nhau một lần. Chế nài nỉ rằng chỉ một lần thôi, sau lần này, nếu Cơ không đồng ý thì Chế sẽ không theo đuổi nữa.
Mặc dù không muốn, nhưng nghe cô bạn nài nỉ giúp Chế, Cơ nhận lời.
Tối hôm đấy, trời xanh gió mát, trăng sáng vằng vặc như thiên thời cho âm mưu của Chế. Cơ và Chế ngồi trên mấy viên gạch vỡ nói chuyện. Chế nài nỉ Cơ hãy nhận lời lấy Chế, Cơ lắc đầu nói trong lòng em đã có người khác rồi. Một tý, Cơ đứng dậy đòi về, Chế cố tình kéo Cơ ở lại.
Trong lúc giằng co, sự đụng chạm vào người khác giới cùng với âm mưu mà Môi Thâm và Mũi Lõ vạch cho. Chế ôm lấy Cơ vật ra bãi cỏ cạnh bụi chuối. Mặc dù Cơ chống cự kịch liệt, nhưng với sức lực tá điền của Chế, Cơ đã bị Chế chiếm đoạt.
Mấy tháng sau bụng của Cơ lùm lùm. Gia đình Cơ làm toáng lên, bắt Cơ phải lấy Chế.
Mặc dù là vợ chồng, nhưng Cơ không yêu Chế. Mỗi lần quan hệ, Chế đều dùng vũ lực ép buộc Cơ.
Từ đó, những đứa con của Cơ Chế bị chào đời bởi sự hiếp dâm từ tư duy chủ nghĩa xã hội duy ý chí của Chế lên bản chất bần nông cố hữu của Cơ.

© 2011 Baron Trịnh
Hình ảnh sưu tầm trên internet, chỉ có tính chất minh họa.

Bài cùng chủ đề:
- Những đứa con của Cơ Chế (#2): Những đứa con ăn cắp vặt
- Những đứa con của Cơ Chế (#3): Những đứa con thất đức

5 comments:

  1. Há há..dáng dấp ai đang hôn lên hòn đất có cả trong bài này. Mụ chế viết sâu sắc và hài hước gớm gớm nà.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Cấm cô Chuối quy chụp, nhá nhá, hị hị...

      Delete
  2. aha. Quy chụp gì chớ mụ Bau nài. Ấy là do mỗi người đọc lại thấy 1 bóng hình khác nhau.
    Lần sau xin kèm thêm chữ cảm nhận. he he

    Nếu mụ Bau bỏ cái capacha đi thì cảm ơn, mỗi lần phải cồng phơm mệt mệt nà.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Bỏ capacha như thế nào hở cô Chuối, cái nài tôi kém kém là, hị hị...

      Delete
    2. A ha, tôi đã làm được rồi, cô Chuối test thử xem nhé, hi hi

      Delete

Đề nghị nhận xét bằng tiếng Việt có dấu. Cảm ơn!