TẠI SAO KHÔNG ĐỂ CÁC TRƯỜNG TỰ CHỦ?
1. Trả lời báo chí, anh Ga - phó thượng thư bộ Dục cho biết là đã chuẩn bị "đầy đủ và công phu" phần mềm lẫn phần cứng để xét tuyển đại học tập trung. Nhưng vì các trường không bằng lòng, đòi tự chủ nên bộ nghe theo các trường. Nghe có vẻ lỗi này là do các trường, bộ chả liên quan mấy, có chăng chỉ là "không lường trước" được nên nhận trách nhiệm như anh Luận phát biểu trước quốc dân đồng bào trên TV.
2. Nói là để các trường tự chủ, nhưng toàn bộ dữ liệu lại nằm ở chỗ cục Khảo thí của anh Trinh. Và vụ "vỡ trận" bắt đầu từ đây.
Thí sinh muốn thay đổi thông tin, thay đổi nguyện vọng,... thì đều phải chạy qua cơ sở dữ liệu của cục Khảo thí xác nhận, sau đó mới quay về dữ liệu của trường. Thế nên các trường vừa làm vừa hóng thông tin từ Cục, còn thí sinh và phụ huynh thì chạy nước rút từ trường này sang trường nọ như vận động viên.
Dữ liệu của các trường chỉ cập nhật danh sách thí sinh đăng ký theo các nguyện vọng của trường mình, nhưng lại chẳng liên kết được với cơ sở dữ liệu của các trường khác. Thế nên trường nào biết trường đó và thí sinh phải chạy như đèn cù để "nộp vào rút ra" là vì thế. Đồng thời thí sinh ảo tăng liên tục, chả biết thế nào mà lần. Và thế mới phải rình như rình chứng khoán.
Thế dữ liệu của Cục làm gì? Đến giờ cho thấy, phía Cục chỉ làm được mỗi nhiệm vụ xác minh chính xác "thí sinh A đúng là thí sinh A, đã đăng ký xét tuyển với tổ hợp các môn B vào ngành C của trường D", vậy thôi. Và mỗi khi thí sinh nào đó rút ra để nộp vào, dữ liệu của Cục lại xóa thông tin cũ đi và cập nhật rằng: "thí sinh A đã đăng ký xét tuyển với tổ hợp các môn B vào ngành C phẩy của trường D phẩy". Lại mỗi vậy, nhưng không có xác nhận này thì trường lại không dám cập nhật vào dữ liệu của mình. Thế mới khổ.
3. Thế tại sao bộ đã đồng ý cho các trường tự chủ xét tuyển, nhưng lại bắt cập nhật dữ liệu ở cục Khảo thí? Phải chăng các trường không đủ năng lực để làm và Cục phải can thiệp? Câu hỏi này chắc chỉ mấy ông lãnh đạo bộ và lãnh đạo cục Khảo thí trả lời được mà thôi.
4. Để làm rõ ý thứ (3) tôi sẽ mô tả đơn giản một quy trình xét tuyển độc lập của một trường. Vẫn là xét tuyển online, và quy trình đăng ký của thí sinh như bài trước tôi đã nói (giờ không nhắc lại).
Về phần cơ sở dữ liệu phục vụ cho công tác tuyển sinh của một trường đơn giản gấp dăm lần so với tuyển sinh tập trung ở bộ mà tôi đã viết ở bài trước. Chỉ khoảng gần chục trường dữ liệu với lượng thí sinh đăng ký tối đa khoảng đôi chục nghìn em. Chỉ cần 5 kỹ sư tin học trong một tháng là làm ngon thuật toán lẫn trang web (chỉ cần KS giỏi thôi, còn các loại sư với sĩ thì nhớn quá, giết gà cần gì đến dao mổ trâu, cho đám ấy ngồi uống nước trà cho đỡ cãi nhau). Và cũng chỉ cần 5 người này quản trị toàn bộ quá trình cập nhật số liệu của trường để xét tuyển là ổn.
Cách thức xét tuyển cũng tương tự tập trung ở bộ, chỉ khác là số lượng trường dữ liệu ít, số lượng thí sinh đăng ký ít, nên xử lý cực đơn giản và nhanh gọn. Vẫn là phương thức hiển thị số thí sinh nằm trong chỉ tiêu xét tuyển, ai thấp hơn thì out, đi đăng ký trường khác.
Tôi ví dụ: Ngành A của trường B lấy 100 chỉ tiêu. Các thí sinh yêu thích ngành này của trường này cứ việc đăng ký. Danh sách 100 người có điểm cao nhất sẽ hiển thị, thấp hơn là out. Những người out sẽ chỉnh sửa lại hồ sơ đăng ký ngành khác, trường khác, đơn giản như vậy. Không phải chạy, không phải rình,... nữa nhé.
Với cách làm này, thí sinh sẽ được chủ động lựa chọn trường mình yêu thích, ngành mình yêu thích. Và giả sử có trượt ở trường này vẫn đăng ký xét tuyển được ngành yêu thích đó ở trường khác có điểm thấp hơn. Và đây cũng chính là một mục tiêu của giáo duc đại học. Chứ cứ như tuyển sinh hiện tại, khối cháu thích khoan cắt bê tông sẽ phải vào học thiến gà.
5. Chỉ cần trung bình 5 KS là có thể vận hành được toàn bộ quy trình tuyển sinh của một trường, tất cả online. Không đi lại, không giấy tờ,... Khi trúng tuyển sẽ được trường gửi một cái email thông báo là xong.
Thế việc của bộ là làm gì? Bộ có trách nhiệm xác minh lại thông tin các thí sinh trúng tuyển của trường xem có đúng không, thế thôi. Còn nếu bộ lười nữa thì cho trường kéo cơ sở dữ liệu điểm thi tốt nghiệp THPT về để xác minh đúng là thí sinh A thi được BCD điểm ở 3 môn đăng ký là xong.
Chỉ đơn giản như thế thôi, chả cần đến bộ, chả cần chỉ đạo điều hành. Thế chả nhẽ quan chức của bộ ngồi chơi xơi nước, thế thì đâu có được. Tôi đề xuất cách này vẹn cả đôi đường nhé:
Hơn 400 trường ĐH, mỗi trường chỉ cần góp 20 triệu là được khoảng gần chục tỷ. Số tiền này mời hết quan chức bộ Dục, từ thượng thư xuống đến trưởng phó phòng đi châu Âu nghỉ mát hết, khỏi phải ở nhà chỉ đạo với cả chỉ đeo, khỏi bị mang tiếng là ngồi chơi vô tích sự. Đúng 2 tuần về nhận báo cáo kết quả tuyển sinh của các trường. Nhanh gọn nhẹ và rẻ bèo.
6. Nếu để các trường tự chủ được như thế, bộ vừa nhàn, trường cũng nhàn. Các trường phân loại được thí sinh đăng ký xét tuyển. Thí sinh lựa chọn được trường học, ngành học yêu thích. Nó tương tự như cách tuyển sinh cũ, nhưng chẳng phải thi, chẳng phải đi lại, chẳng phải nộp vào rút ra, chẳng phải nguyện vọng nguyện veo. Thế mới gọi là cải cách chứ.
7. Vậy tại sao đơn giản như thế mà bộ lại không để các trường làm?
Các anh chị lên mà hỏi lãnh đạo bộ í? Còn không hỏi được thì lên mà hỏi ông zời. Chứ tôi làm sao mà biết được.
© 2015 Baron Trịnh
Nguồn hỉnh ảnh: Sưu tầm trên internet.
Bài cùng chủ đề:
- Giáo dục thời rúc rào (#1): Ông bộ trưởng và triết lý giáo dục
- Giáo dục thời rúc rào (#2): Mỵ Châu là ai
- Giáo dục thời rúc rào (#3): Tư duy cải cách
- Giáo dục thời rúc rào (#4): Thạc sĩ tại chức - tiến sĩ online
- Giáo dục thời rúc rào (#5): 35.000 giáo viên thất nghiệp - vì sao?
- Giáo dục thời rúc rào (#6): Vỡ trận tuyển sinh đại học 2015 (1)
- Giáo dục thời rúc rào (#7): Vỡ trận tuyển sinh đại học 2015 (2)
0 comments:
Post a Comment
Đề nghị nhận xét bằng tiếng Việt có dấu. Cảm ơn!