Friday, March 21, 2014

Bằng cấp và trình độ (nhân vụ việc của Nhã Thuyên)


Quan điểm của Baron là không đề cập đến vấn đề chánhchị-chánhem trong bài viết lẫn chém gió. Những vấn đề Baron nêu mang tính phản biện xã hội, đề cao người tốt việc tốt, phê phán cái ác, cái xấu đang hoành hành trong xã hội. Mong muốn xã hội ngày một phát triển, ngày một tốt đẹp.
Tuy nhiên, vụ việc này có liên quan đến vấn đề giáo dục và học thuật, nên có dăm lời vậy.

(1). Khi một học viên cao học đã được Hội đồng khoa học thông qua đề cương đề tài nghiên cứu làm luận văn thạc sỹ, nghĩa là những vấn đề về học thuật của đề tài đã được chấp nhận về tính khoa học, tính mới trong một luận văn thạc sỹ.
(2). Khi học viên cao học đã bảo vệ thành công luận văn thạc sỹ trước Hội đồng chấm luận văn thạc sỹ của ngành, nghĩa là các nhà giáo, nhà khoa học đã đồng ý luận văn đạt yêu cầu về nội dung và chất lượng nghiên cứu khoa học. Và người bảo vệ đã được công nhận có học vị thạc sỹ.
(3). Mặc dù xã hội hiện tại, tiến sỹ nhiều như lợn con, thạc sỹ nhiều như quân Nguyên. Nhưng quyết định của Hội đồng chấm luận văn thạc sỹ là quyết định cao nhất về vấn đề học thuật, được nhà nước công nhận và bảo hộ.
(4). Cho dù vì lý do gì, thì một luận văn thạc sỹ đã được Hội đồng chấm luận văn thông qua, và nhà trường có quyết định cấp bằng thạc sỹ cho học viên, nghĩa là học viên luôn đúng. Nếu sai, là lỗi của Hội đồng chấm luận văn. Và dĩ nhiên, Hội đồng chuấn luận văn thạc sỹ là những nhà giáo, nhà khoa học có uy tín, có học hàm học vị, thay mặt Bộ Giáo dục và đào tạo thực hiện công tác đánh giá và kiểm định kết quả nghiên cứu của học viên, kiến nghị nhà trường (thay mặt Bộ Giáo dục và đào tạo) công nhận và cấp bằng cho học viên.
(5). Trong một xã hội háo danh và háo bằng cấp, thật giả trắng đen lẫn lộn. Thì giá trị của một tấm bằng thể hiện ở chỗ người được cấp bằng có xứng đáng với tấm bằng được cấp hay không. Điều đó thể hiện ở chỗ, người đạt được bằng cấp có sử dụng trình độ của tấm bằng đó trong nghiên cứu khoa học, trong việc áp dụng học thuật vào thực tiễn cuộc sống, có những sản phẩm nghiên cứu xứng đáng với trình độ của người được cấp bằng.
(6). Baron đã từng viết một bài báo về chất lượng của thạc sỹ trong nền giáo dục của An-nam: "Thạc sỹ thất nghiệp - vì đâu nên nỗi". Bài báo đã được xuất bản trên Tuần Việt Nam và BBC Việt ngữ. Nội dung bài báo phân tích tại sao rất nhiều thạc sỹ của An-nam thất nghiệp. Và lý do chính là trình độ của người cấp bằng không tương đương với tấm bằng được cấp. Đây đang là một vấn nạn nhức nhối trong hoạt động đào tạo sau đại học của An-nam như chính Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Phạm Vũ Luận đã thừa nhận trước Hội đồng Quốc gia về giáo dục và phát triển nhân lực về tính trạng bằng thật nhưng học giả.


(7). Thế nên, cho dù vì bất cứ lý do gì, cô Nhã Thuyên - người vừa bị trường ĐH Sư phạm Hà Nội ra quyết định thu hồi luận văn và không công nhận học vị thạc sỹ thì cô này vẫn xứng đáng là một thạc sỹ văn học. Bởi vì, cô Nhã Thuyên có thể sống bằng trí tuệ và kiến thức chuyên môn của tấm bằng thạc sỹ văn học, thông qua những sản phẩm chuyên môn cô đã công bố và được những người quan tâm đón nhận. Có nghĩa, trình độ chuyên môn của cô Nhã Thuyên khác một trời một vực với một cô thạc sỹ văn học loại giỏi ở Đà Nẵng - người được ông Nguyễn Bá Thanh (Trung ương ủy viên, Trưởng ban Nội chính trung ương) phê bút vào đơn xin việc, bởi vì cô này không thể xin được việc với tấm bằng thạc sỹ văn học loại giỏi, và phải chấp nhận đi làm công nhân thời vụ.
(8). Thế nên, giá trị tri thức của một con người không phải thể hiện qua tấm bằng, mà thể hiện qua trí tuệ và đẳng cấp chuyên môn. Vì thế việc không công nhận tấm bằng thạc sỹ không có nghĩa là cô ấy không đủ trình độ thạc sỹ.


(9). Nói thêm chuyện ngoài lề: Đọc một số trang mạng, đặc biệt là trang của bạn Xuân Diêm dúa có phê phán Ban Tuyên giáo TW viết sai từ “học vị” thành “học hàm”. Nói với các bạn này: Cổ nhân đã có câu, không ai nắm tay từ sáng đến tối. Việc nhầm lẫn này chẳng qua là những sai sót nhỏ (cho dù nó được thể hiện trong văn bản hành chính), chứ không thể hiện trình độ hay hiểu biết của người soạn thảo, người ký, vì điều này ai cũng biết.
Việc cái bạn trong giới học thuật bới bèo ra bọ, dựa vào cái sai hơi ngớ ngẫn này để phê phán, chỉ trích, thậm chí chửi bới và mạt sát người khác không có nghĩa là các bạn giỏi giang hay hiểu biết. Mà ngược lại chỉ thể hiện các bạn nhỏ mọn và bần tiện, thậm chí ngu dốt. Các bạn hô hào đao to búa lớn về cải cách, về dân chủ. Nhưng thử hỏi, với bản chất nhỏ mọn và ti tiện ấy, các bạn làm được cái gì và hô hào được ai. Ngõ ngách tốt nhất đừng nên tý tách mặt đường. Thiên hạ có mắt cả đấy.
(Riêng bạn Xuân, nhắc bạn tự vấn lại lương tâm của mình, gần chục năm bạn cầm cái học vị thiến-xĩ của bạn, có bao nhiêu công trình nghiên cứu của bạn tương xứng với tấm bằng ấy? Hay bạn cũng chỉ là loại nghè giấy được sinh ra trong cái hỗn mang và nhố nhăng của nền giáo dục nát như tương bần của xứ An-nam).


(10). Định nói vài dòng, nhưng cứ lan man thành ra dài ngoằng. Bạn nào đọc mà chửi Baron dài từ nhưng thiển ý, Baron ghi nhận và rút kinh nghiệm. Hehe…

© 2014 Baron Trịnh
Nguồn hình ảnh: Sưu tầm trên internet.

2 comments:

  1. Rất thích cái nhìn công bằng của bác.
    Tấm áo không làm nên thầy tu.Vẫn biết văn học là một môn khoa học xã hội do đó nó khó trảnh khỏi việc phải mang màu sắc chính trị,nhưng nếu như việc cô Nhã Thuyên có lựa chọn đề tài sai đi chăng nữa thì trước tiên phải xem xét kiểm điểm trường ĐHSP Hà nội,hội đồng chấm luận văn và cả cá nhân người hướng dẫn đã chứ sao lại ra quyết định thu hồi tấm bằng (tức tấm giấy chứng nhận năng lực của người ta)
    Theo dõi diễn biến vụ này tôi chợt thấy buồn cười khi nhớ lại cách đây vài năm cũng đã có khá nhiều tờ báo ra sức chứng minh rằng ông Cù huy hà Vũ không phải là luật sư mà chỉ là .. tiến sỹ luật

    ReplyDelete
  2. Hôm đọc vụ việc "học hàm" và "học vị" tôi cũng thấy rằng bài viết ấy lời lẽ hơi thô. Lại nghĩ, đó chỉ là một văn bản lưu hành nội bộ, chuẩn bị cho một cuộc giao ban báo chí. Sai sót đó có thể do sơ suất của một con người cụ thể nào đó (được giao chuẩn bị văn bản). Không thể căn cứ vào đó để kết luận trình độ của Ban tuyên giáo Trung ương. Nếu các trang xã hội đấu tranh, góp ý kiến không theo tinh thần xây dựng mà lại theo kiểu "bới bèo ra bọ" rình rập sai sót của người khác để bắt lỗi sẽ không nhận được sự đồng tình của cộng đồng. Rất đồng tình với Baron.

    ReplyDelete

Đề nghị nhận xét bằng tiếng Việt có dấu. Cảm ơn!