Saturday, July 20, 2013

Café sáng thứ 7 (#9): Nhà dột từ nóc

1. Những cơn cười của dân tình vẫn chưa dứt sau khi bộ Học ban hành Thông tư số 24/2013/TT-BGDĐT với 3 đối tượng được ưu tiên cộng 2 điểm khi tham gia thi đại học là: “Bà mẹ Việt Nam anh hùng; Người hoạt động cách mạng trước ngày 01/01/1945; Người hoạt động cách mạng từ ngày 01/01/1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945;…”.
Như café sáng thứ 7 tuần trước đã nói, nội dung thông tư này ban hành không sai, nhưng nó thực sự… không thực tiễn, và văn bản này rất “hài hước và ngớ ngẫn”. Và bám vào cái “không sai” này, cả đơn vị tham mưu xây dựng chính sách lẫn người ký ban hành đều gân cổ lên để bảo vệ sự hợp lý của nội dung trên trong thông tư.
Đùng một cái, tuần này bộ Học lại ra tiếp Thông tư số 28/2013/TT-BGDĐT. Điều 1 của thông tư này là bãi bỏ đối tượng ưu tiên quy định tại điểm a khoản 1 Điều 1 Thông tư số 24/2013/TT-BGDĐT, cụ thể bao gồm: “1. Bà mẹ Việt Nam anh hùng; 2. Người hoạt động cách mạng trước ngày 01/01/1945; 3. Người hoạt động cách mạng từ ngày 01/01/1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945”.
Người ký ban hành vẫn anh Ga thứ trưởng, người mà tuần trước gân cổ lên cãi là sẽ có trường hợp bà mẹ Việt Nam anh hùng đi học đại học trong tương lai.
Người xưa vẫn hay nói: “miệng quan, trôn trẻ” quả là không sai, thời nay nên bổ sung thêm câu: “chính sách quan, trôn trẻ” cho đầy đủ như việc bộ Học quyết “không bỏ sót đối tượng ưu tiên” trong cái thông tư ngớ ngẫn nói trên.
Chính sách, chiến lược là kim chỉ nam cho sự hoạch định phát triển tương lai cũng như xương sống cho hành động hiện tại.
Việc ban hành các chính sách phải tuân thủ các cơ sở luật pháp, nhưng phải phù hợp và áp dụng được trong thực tế. Gần đây, xứ An na mít có rất nhiều chính sách “não phẳng”, cứ ban hành ra thấy bất hợp lý lại sửa đổi. Chỉ trong hơn tháng qua, mà một loạt các chính sách gây cười như bộ Học ưu tiên “các cụ thi đại học”, bộ Xây cấm “xây nhà kiểu Pháp”, bộ Hình cấm dân “mặc áo lót ra đường” hay “xúi giục vợ chồng tố cáo nhau”,... khiến cần lao đồng bào cứ quay như chong chóng, dở cười dở khóc, chả biết đâu mà lần.
Một blogger than rằng: “Tham mưu bệnh đao và lãnh đạo khiếm thị” đúng lắm thay.


2. Cả báo hình lẫn báo giấy tuần qua lại đưa tin về “nạn” loạn thu phí và lệ phí ở nông thôn.
Bản tin của VTV cho biết, trong 5 năm, xã Hoằng Khánh (Hoằng Hóa, Thanh Hóa) lạm thu khoảng 10 tỷ đồng. Theo phóng sự này, xã có hơn 1.000 hộ dân, mỗi hộ trung bình 1 năm phải đóng góp khoảng 2 triệu đồng các loại phí và lệ phí.
Xã Phú Lộc (Can Lộc, Hà Tĩnh) đóng hàng chục khoản thu từ “tự nguyện” đến “bắt buộc” với tổng mức gần 2,5 triệu đồng/hộ/năm, và nếu hộ nào không hoàn thành sẽ không được giao dịch con dấu của xã. Còn xã Thường Nga (Can Lộc, Hà Tĩnh), sau mỗi mùa vụ, có những người dân bán hết lúa nhưng vẫn không đủ tiền nộp phí và lệ phí... cho xã.
Nhiều xã như An Khánh, Đông La, An Thượng, Vân Canh,... (Hoài Đức, Hà Nội) kêu gọi người dân nộp tiền để xây dựng nông thôn mới, khuyến học. Thêm vào đó, những hộ có mua bán đất đai phải “tự nguyện” ủng hộ cho xã từ 5 đến 10 triệu đồng. Nói là tự nguyện, nhưng thực chất là “bắt buộc” như lời nói của ông chủ tịch xã An Khánh.
Trên đây chỉ là vài ví dụ, còn hiện tượng người dân phải gánh hàng chục, thậm chí hàng trăm loại phí và lệ phí do chính quyền địa phương tự quy định nhan nhản từ Bắc chí Nam, và cũng nhan nhản những hộ dân bán hết lúa nhưng vẫn không đủ tiền nộp phí và lệ phí.
Theo điều tra của Viện chính sách và chiến lược phát triển NNNT, thu nhập trung bình năm 2012 ở khu vực nông thôn là 12,7 triệu đồng/người/năm. Như vậy, những hộ nghèo, cận nghèo và còn khó khăn chắc chắn mức thu nhập “rất rất thấp, vì thế với họ khoảng 2 triệu đồng phí và lệ phí mỗi năm là một khoản tiền lớn, và họ vẫn chưa có đủ để nộp.
Khó khăn lại chồng chất khó khăn khi các quan thôn, xã áp dụng chính sách đầu người, nghĩa là từ trẻ sơ sinh đến cụ già lụ khụ đều phải nộp. Đến mức, người dân phải viết đơn trả lại ruộng như trường hợp người dân của xã Trường Lộc (Can Lộc, Hà Tĩnh).
Điều đáng nói là biện pháp bắt người dân phải nộp các khoản phí và lệ phí trên, hầu hết chính quyền địa phương áp dụng chiêu không cho giao dịch con dấu. Đây là một sự vi phạm nghiêm trong quyền và lợi ích hợp pháp của người dân được đảng và nhà nước bảo hộ. Và chính quyền địa phương chính là đối tượng vi hiến.
Những hình ảnh anh Pha, chị Dậu đang hình thành ngày càng nhiều trong những làng quê nghèo đói ở nông thôn xứ Việt. Và những cảnh đi thu phí và lệ phí kiểu “Cái đêm hôm ấy đêm gì” của nhà văn Phùng Gia Lộc đang quay lại.
Câu ca dao: “Con ơi nhớ lấy câu này/ Cướp đêm là giặc, cướp ngày là quan” không bao giờ cũ!


3. Lại xảy ra một vụ vi phạm giao thông gây tranh cãi đối với cộng đồng và những người làm luật. Một giáo viên thuộc Trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện Quảng Xương (Thanh Hóa) đi xe máy không đội mũ bảo hiểm, chở người cũng không đội mũ bảo hiểm vượt đèn đỏ, bỏ chạy và khiêu khích cảnh sát giao thông dẫn đến bị bắn bằng súng bắn đạn cao su.
Mặc dù chưa xảy ra án mạng, nhưng vụ việc trên đã làm những người trong cuộc lẫn cộng đồng ào ào bình luận, đánh giá. Người cho đúng, kẻ bảo sai, loạn hết lên cả. Báo chí lúc đầu đưa tin rất giật gân phê phán CSGT, sau khi có clip về sự vi phạm lại lấp liếm đánh đồng thông tin đã đưa trước đó. Vẫn một thói quen tự vả vào mồm của báo chí xứ Việt lâu nay.
Việc đúng sai, hãy để cho các cơ quan có trách nhiệm giải quyết, cái đáng bàn là văn hóa và nhân cách của con người xứ này.
Một người đã gần 40 tuổi, lại là giáo viên chính trị (tất nhiên là đảng viên) mà có hành động khiêu khích cảnh sát (như trong clip) như trẻ trâu tóc xanh tóc vàng thiếu giáo dục. Một cảnh sát không kiềm chế được nên nổ súng vì “uy tín của ngành”. Điều đó cho thấy xã hội này đang thiếu kỷ cương, coi thường phép nước, nhờn với người thi hành pháp luật cũng như người thi hành pháp luật thiếu hiểu biết luật. Vấn đề này không thể thiếu trách nhiệm của chính quyền, những người làm luật và nền giáo dục nước nhà.
Chưa bao giờ, nhân cách người Việt lại suy thoái đến thể. Trách nhiệm xã hội và nhân cách con người đang là một thứ xa xỉ trong xã hội luôn hoành tráng với các khẩu hiệu “pháp quyền, dân chủ và văn minh”.
Một xã hội văn minh không thể có những hành vi vô văn hóa và thiếu hiểu biết pháp luật như vậy. Ấy thế mà, nó lại tồn tại ở mọi ngõ ngách đời sống của xứ Việt.


4. Trong phiên điều trần về việc phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng thuộc trách nhiệm của các cơ quan hành chính nhà nước của Ủy ban Tư pháp Quốc hội. Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cho biết trong nhiều năm không phát hiện được hành vi tham nhũng trong hai lĩnh vực Tài nguyên môi trường và Nội vụ.
Có lẽ không cần phải bình luận nhiều về kết luận của Thanh tra Chính phủ, vì ai cũng biết đây là hai lĩnh vực nhạy cảm nhất, có nhiều khiếu kiện nhất và có mức độ tham nhũng... nhiều nhất.
Trong thời buổi tấc đất tấc vàng, bố con anh em sẵn sàng chém nhau, lôi nhau ra tòa cũng chỉ vì vài mét đất. Cũng như có hơn 90% các vụ khiếu kiện liên quan đến bồi thường, thu hồi đất đai và giải phóng mặt bằng,… cho thấy đây là lĩnh vực nhiễu nhương nhất, tham nhũng nhất và làm suy thoái đạo đức xã hội nhanh nhất.
Những vụ việc liên quan đến vi phạm đất đai “bị lộ” thường kéo theo hàng loạt quan chức liên quan đến làm sai và nhận hối lộ, cũng như làm thất thoát hàng trăm hàng nghìn tỷ đồng. Tiền đi vào túi ai thì không ai biết, vì những người bị truy tố do vi phạm chỉ tham nhũng vài chục hay vài trăm triệu mà thôi. Nhưng hậu quả không ai nói thì cũng biết, vì người dân chính là đối tượng chịu ảnh hưởng cũng như gách vác hậu quả.
Chạy chức chạy quyền đang gây bức xúc trong dư luận. Bởi vì, việc chạy chức chạy quyền đưa những người không đủ năng lực hay con ông cháu tra vào các vị trí lãnh đạo, quản lý. Những kẻ này chính là những đối tượng gây nhiễu nhương, tham nhũng và làm thất thoát tài sản quốc gia. Mục tiêu chạy chức chạy quyền không ngoài việc hám danh, hám lợi. Khi đã có vị trí, những kẻ này sẵn sàng bòn rút tài sản công, nhận hối lộ để bù đắp cho chi phí “chạy” cũng như làm giàu cho bản thân.
Việc phân bổ, sắp xếp nhân sự là nhiệm vụ của ngành Nội vụ, để xảy ra nạn chạy chức chạy quyền đến mức Tổng bí thư, Chủ tịch nước hay Thủ tướng còn đánh giá đang “ngày một nghiêm trọng” mà Thanh tra Chính phủ không phát hiện tra tham nhũng kể cũng “lạ”.
Có lẽ “Ai cũng biết, mỗi Thanh tra Chính phủ không biết”!


5. Những chính sách ban hành rồi lại thu hồi hay sửa đổi, những vi phạm về lạm thu phí và lệ phí của chính quyền địa phương, những người “có học” xem nhờn phép nước, những người thi hành pháp luật nhưng không hiểu luật, những vấn nạn tham nhũng của quan chức,… đang ngày một gia tăng. Điều này dẫn đến sự suy thoái về đạo đức xã hội, kìm hãm phát triển kinh tế đất nước.
Những phát ngôn của các lãnh đạo cao cấp nhất đất nước đã gọi nạn tham nhũng là “quốc nạn”. Nó nguy hiểm đến mức ông Tổng bí thư phải khẳng định: “Đảng ta quyết tâm phòng, chống tham nhũng”, ông Chủ tịch nước phải gọi những kẻ tham nhũng là “bầy sâu”.
Xét cho cùng, nếu chính quyền địa phương không lạm thu của người dân, cảnh sát giao thông không nhận hối lộ của người vi phạm, không xảy ra tiêu cực đất đai,… thì những kẻ lãnh đạo từ to đến nhỏ lấy đâu ra tiền để giữ ghế và chạy chức chạy quyền. Và ngược lại, để có ghế, có chức có quyền thì phải mất tiền để chạy. Có thể thấy, đây là hai vấn đề khăng khít với nhau, bổ trợ cho nhau chứ không thể tách rời.
Cũng vì quốc nạn tham nhũng và chạy chức chạy quyền nên mới phát sinh ra những kẻ không có kiến thức, có năng lực, ngồi ở ghế lãnh đạo và ngồi salon làm chính sách, mới dẫn đến những văn bản “cười ra nước mắt” nói trên.
Câu nói của người xưa quả không sai: Nhà dột từ nóc dột xuống!


© 2013 Baron Trịnh
Nguồn hình ảnh: Sưu tầm trên Internet.


-----------------------------------
Bài liên quan:
Café sáng thứ 7 (#8): Chính sách và trách nhiệm
Nói không với bằng tại chức - Cần tôn trọng quyết định của nhà tuyển dụng
Củng cố lòng tin nhân dân thông qua việc bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội

4 comments:

  1. "Thật là chẳng biết làm sao, chúng ta quen chuyện này biết bao ngày rồi". Quan ngồi máy lạnh ra chính sách trên mây, khổ nỗi ngày xưa mới học hết lớp 3, nay cơn gió lạ đưa lên làm sếp, giờ lại tranh thủ làm cái bằng tại chức cho chắc ghế, kẻo mấy thằng trẻ có bằng Đại Học nhiều như nấm nó đẩy mất chỗ. Ở nước ngoài thì học rồi mới đi làm, còn ở xứ Việt thì ngược lại, đi làm rồi mới đi học, đụng đâu sửa đó, đụng đâu chưa biết thì lại tại chức ta tiến hành. Việt Nam ới ta yêu người mãi mãi...

    ReplyDelete
  2. Chuối lại đồ rằng đây là sự khôn ngoan của B ta, hướng cần lao răng vẩu vào những chiện tầm phào, quên mất sự tăng giá xăng, giá điện.
    Cần lao thì sẽ nhao nhao vì mấy văn bản rất "chủ ý" của hệ thống, zưng im lặng, nhẫn nhục đến kinh ngạc trước quyền lợi căn bản của mình.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Không phải cô Chuối à, bê thiếu gì cách để đánh lạc hướng cần lao. Tỷ dụ lại hô hào Trường Sa hay ăn thịt gà bị sán phổi hehe...
      Nhưng câu dưới thì rất chuẩn, đấy chính là bản chất của cần lao xứ An-na-mít. Br thích câu này: "im lặng, nhẫn nhục đến kinh ngạc trước quyền lợi căn bản của mình"

      Delete

Đề nghị nhận xét bằng tiếng Việt có dấu. Cảm ơn!