1. Cái chết thương tâm của em Đinh Thị Phương Thảo, sinh viên vừa tốt nghiệp trường Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM), bị nước cuốn trôi khi đi qua một đoạn đường nội bộ dẫn vào ký túc xá trong cơn mưa to đã khiến gia đình, bạn bè và cộng đồng đau xót.
Đoạn đường xảy ra vụ việc đi ngang qua cống thoát nước dài hơn 10m, rộng 3m, bị sạt lở một góc khá lớn bên phải. Hai bên đường cống chỉ có cọc tiêu, không có lan can bảo vệ, bên dưới là dòng kênh sâu, và là lối đi nội bộ của sinh viên ra vào ký túc xá của trường.
Theo người dân ở đây, mỗi khi mưa lớn, khu vực này không thoát nước kịp nên sẽ bị ngập sâu. Và những người dân địa phương đầu trần chân đất này vẫn thường ra đứng hai đầu cống để hỗ trợ người đi đường mỗi khi trời mưa to. Đã có hàng chục người đã bị nước cuốn trôi, nhưng nhờ những người dân địa phương cứu giúp, họ đều may mắn thoát chết.
Giải thích lý do dù biết đoạn đường này nguy hiểm như vậy, luôn có hàng nghìn sinh viên và người dân đi lại, nhưng không được cải tạo, sửa chữa, lắp biển báo đề phòng. Ông Huỳnh Ngọc Sang, Giám đốc Trung tâm quản lý Đô thị (ĐH Quốc gia TP.HCM) cho biết do còn vướng giải tỏa mặt bằng dự án cải tạo rạch Suối Nhum, nên đường và cống chỉ làm tạm. Và qua sự việc đáng tiếc này, ĐH Quốc gia TP.HCM đã kiến nghị thực hiện ngay việc xây dựng cầu, đường để bảo đảm an toàn cho việc đi lại.
“Mất bò mới lo làm chuồng”, câu nói ví von của cha ông ta vẫn luôn đúng với những sự bất cẩn, tắc trách. Nhưng ở đây, cái mất mát quá lớn là mạng người - một sinh viên vừa tốt nghiệp đại học.
Cái chết sẽ không xảy ra nếu những người có trách nhiệm của ĐH Quốc gia TP.HCM, đang có hàng trăm tỷ đồng tiền thuế của nhân dân để xây dựng hạ tầng ký túc xá không lơ là, xem thường một sự việc đã được cảnh báo trước.
Đã thế, ông Nguyễn Hoàng Hiệp (Phó chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia) cho rằng, cái chết của em Thảo là “tai nạn thương tích do thiên tai gây ra” và khe suối này ngập 50 cm mà không có biển báo để xảy chết người là do “công tác cắm đặt biển báo còn hạn chế”.
Chắc chắn, chỉ có sự vô trách nhiệm và vô cảm của những người có trách nhiệm mới nêu ra những lý do “còn vướng giải tỏa mặt bằng” hay “tại thiên tai” để lấp liếm trách nhiệm, cho dù chẳng ai quy trách nhiệm cho họ. Lương tâm, trách nhiệm và sự đồng cảm của quan chức với người dân đang là một sự xa xỉ.
Nhắc lại câu nói cũ: Chưa bao giờ mạng người ở xứ này lại rẻ rúng đến như vậy!
2. HĐND TP Hà Nội vừa thông qua Nghị quyết quy định về cơ chế tài chính áp dụng đối với các cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao (CLC) trên địa bàn thành phố. Nghị quyết này nhằm cụ thể hóa quy định tại khoản 4 Điều 12 Luật Thủ đô.
Theo đó, mức trần học phí đối với trường mầm non, tiểu học trên địa bàn Hà Nội trong năm học 2013-2014 được quy định là 2.900.000 đồng, trường THCS và PTTH là 3.000.000 đồng. Năm học 2014-2015, mức trần học phí tăng lên, cụ thể, với trường mầm non, tiểu học: 3.200.000 đồng, trường THCS và PTTH: 3.400.000 đồng. Mức học phí này cao gấp vài chục đến hơn 100 lần đối với học phí mà đại đa số học sinh ở các trường công lập khác của Hà Nội phải đóng.
Một trong những chính sách công được ưu tiên trong phát triển của bất kỳ một quốc gia nào chính là giáo dục và y tế. Và các trường học công lập được duy trì mức học phí thấp (thậm chí miễn học phí) nhờ ngân sách dành cho giáo dục với mục tiêu xóa mù chữ, phổ cập kiến thức phổ thông, và ai cũng có cơ hội được học tập.
Chính sách trên của TP. Hà Nội vô hình trung đã đưa sự phân cách giàu nghèo trong xã hội áp vào môi trường giáo dục. Điều này đi ngược với chính sách ưu đãi và công bằng trong giáo dục.
Giả sử có một học sinh học giỏi thực sự, nhưng vì gia đình em nghèo, thì em HS này sẽ không thể học được ở những trường CLC mà khả năng của em hoàn toàn đáp ứng yêu cầu học tập trong môi trường này. Chính sách này sẽ phân hóa ra 2 loại hình là học sinh CLC và học sinh chất lượng thấp (CLT). Và với sự suy thoái của nền giáo dục, những học sinh có năng lực học tập tốt, nhưng không có tiền sẽ trở thành học sinh CLT, và ngược lại. Điều này đi ngược với chính sách giáo dục nước nhà.
Một lớp học phải có đầy đủ các đối tượng giỏi, khá, trung bình, kém. Kể cả các lớp chuyên, lớp chọn cũng không nằm ngoài xu hướng này, và đó mới là giáo dục. Những học sinh sẽ cạnh tranh, phấn đấu một cách công bằng và hoàn hảo để giành ngôi thứ học tập trong lớp, những người thầy cô giáo phải dạy như thế nào để ở mức trung bình, các em đều nắm được kiến thức môn học, và những học sinh thông minh hơn, chăm chỉ hơn sẽ vượt lên tốp đầu.
Một xã hội mà lấy tiền ra để phân loại học sinh ở cấp giáo dục tiểu học và trung học thì chắc chắn đây là một xã hội suy thoái về giáo dục. Câu nói của blogger Lương Lão Khấu: “Phân hóa giàu nghèo trong giáo dục là sự phân hóa khốn nạn nhất do con người đẻ ra” rất đúng trong trường hợp này.
Giáo dục thời suy thoái, kiến thức và đẳng cấp được định đoạt bằng… tiền!
3. Bộ GD&ĐT vừa ban hành Thông tư số 24/2013/TT-BGDĐT về việc sửa đổi, bổ sung đối tượng ưu tiên của Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy. Thông tư này có một điểm rất… “ngớ ngẫn và khôi hài”.
Tại điểm a của khoản 1 điều 7 bổ sung đối tượng ưu tiên gồm: “Bà mẹ Việt Nam anh hùng; Người hoạt động cách mạng trước ngày 01/01/1945; Người hoạt động cách mạng từ ngày 01/01/1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945;…”.
Đứng về mặt pháp luật thì những nội dung này trong thông tư không sai, đây là thông tư hướng dẫn chi tiết Nghị định số 31/2013/NĐ-CP của Chính phủ về việc quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng.
Tuy nhiên, đứng về mặt thực tế thì nội dung này có tính khôi hài cao nhất và có hàm lượng tư duy thấp nhất trong tất cả các văn bản của Bộ GD&ĐT đã ban hành. Bởi vì, 3 đối tượng nêu trong thông tư được cộng 2 điểm khi thi đại học thì đại đa số đã lên chức… “cụ”, số ít còn lại đã lên chức “ông bà”, và những người độc thân chắc cũng ngoài 60 tuổi.
Vẫn biết sự học không có tuổi tác, và việc đưa ra chính sách này không sai. Nhưng ở xứ Việt, kể từ khi có ngành giáo dục XHCN đến nay, chưa từng có một bà mẹ VNAH nào đi thi đại học, và những người hoạt động cách mạng đến tháng 8/1945 nếu còn sống thì ăn uống, vệ sinh đã khó khăn, nói gì đi thi đại học.
Việc xây dựng chính sách phải dựa trên nền tảng thực tiễn của xã hội, và chính sách ban hành phải phù hợp với thực tiễn, áp dụng được trong thực tiễn. Có lẽ, không có một quốc gia nào trên thế giới lại có những chính sách hài hước và phi thực tế giống ở xứ Việt.
Điều đáng nói là chính sách này lại được ban hành bởi Bộ GD&ĐT, một bộ quản lý nhà nước về giáo dục có số lượng GS, TS, chuyên gia chính sách nhiều nhất nước. Văn bản nêu trên thể hiện sự tuân thủ một cách máy móc quan điểm, đường lối chỉ đạo của các văn bản cao hơn, và sự tuân thủ này không phù hợp với thực tiễn.
Có thể thấy đây là một chính sách được vận dụng một cách cứng nhắc gây cười (nhạo) cho xã hội. Thế mới biết, gần 70 năm trôi qua (kể từ năm 1945), chúng ta càng cố vận dụng chủ nghĩa Mác-Lênin, càng kiên định đường lối tiến lên XHCN thì đất nước càng thấy suy thoái cả về đạo đức xã hội lẫn phát triển kinh tế, tụt hậu hoặc đi ngược với sự phát triển của thế giới văn minh. Phải chăng, do chúng ta vận dụng đường lối, chính sách quá dập khuôn của cái xứ tuyết rơi xa tắp mù khơi mà không phù hợp với thực tế lũy tre cánh cò của xứ Việt?
Trong sự ngột ngạt của mùa tuyển sinh đại học và sự suy thoái trầm trọng kinh tế ở xứ Việt. Phải chăng Bộ GD&ĐT cướp sân khấu của các diễn viên hài để tạo ra những tràng cười tiêu khiển cho cần lao đồng bào, giúp họ quên đi sự lo lắng về thi cử cũng như quên đi cái đói đang cận kề?
4. Hai tờ báo lớn nhất của nhân dân (báo Nhân dân và báo Quân đội nhân dân) đả kích kịch liệt một luận văn thạc sỹ văn chương với nội dung bàn về nhóm thơ “Mở miệng” dưới góc nhìn văn hóa qua 2 bài báo có bút danh là Cẩm Khê và Tuyên Hóa.
Vẫn bài cũ, xoi mói và quy chụp các “luận điểm sai trái” nêu trong luận văn và nâng lên tầm “quan điểm”. Tác giả Tuyên Hóa cho rằng “Ðây là một bản luận văn trá hình mang nội dung chính trị phản động” và “Tác giả còn tố cáo đảng và nhà nước ta bóp nghẹt tự do sáng tạo”.
Ở đây, không đề cập đến nội dung của luận văn cũng như hai bài báo nêu trên. Vấn đề chuyên môn để cho các nhà phê bình văn học, nhà thơ, nhà văn hóa “thực thụ” đánh giá. Mà bàn đến một hiên tượng thơ phi chính thống và sự tồn tại của nó.
Tại sao lại gọi là thơ phi chính thống? Từ năm 2002, nhóm “Mở miệng” được thành lập với sự ra đời tập thơ cùng tên. Những bài thơ không theo bất cứ niêm luật nào, sử dụng ngôn ngữ vỉa hè và dung tục. Tuy nhiên, những tác phẩm này lại được một bộ phận những người hoạt động trong lĩnh vực văn học nghệ thuật đón nhận, cho đó là sự phá cách, sự tìm tòi khám phá cái mới, và những uẩn ức kìm nén trong văn chương được bùng nổ. Sự tồn tại hơn 10 năm qua cho thấy, “dòng thơ” của nhóm này vẫn có một chỗ đứng nhất định đối với những độc giả yêu thích nó.
Tất nhiên, bị coi là dòng thơ phi chính thống, có nội dung tục tĩu, thủ pháp giễu nhại và các đối tượng bị phê phán trong thơ là các lãnh tụ, danh nhân,… nên không thể lưu hành một cách công khai, kể cả hoạt động xuất bản của nhóm này (nhà xuất bản Giấy Vụn).
Thế nên, khi một luận văn thạc sỹ “dám” công khai nghiên cứu và đề cao giá trị văn hóa trong thơ của nhóm này thì câu hỏi đặt ra là tại sao biết rõ điều này mà Hội đồng khoa học khoa Ngữ văn (trường ĐH Sư phạm Hà Nội) và người hướng dẫn khoa học lại đồng ý cho học viên thực hiện đề tài này với điểm bảo vệ tuyệt đối (10/10)?
Rõ ràng, có một sự nghịch lý trong tâm thức của các nhà giáo, nhà khoa học (có thể đồng thời là nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình văn học) của khoa Ngữ văn. Một mặt, họ nhận thức rõ đây là dòng thơ phi chính thống đang bị nhà nước cấm, nhưng mặt khác họ nhìn nhận đây thật sự là một dòng thơ có đầy đủ giá trị nghệ thuật và văn hóa, vì thế nên mới để cho học viên thực hiện đề tài này.
Những nhà quản lý văn học nghệ thuật, những nhà quản lý giáo dục có nên nhìn nhận một cách sòng phẳng và khoa học, hay chính họ cũng đang bị dao động?
5. Một phát ngôn không chính thức của lãnh đạo Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình TP HCM là không khuyến khích phụ nữ sinh con sau tuổi 33 vì có thể ảnh hưởng đến sức khỏe bà mẹ và trẻ em đã được báo chí và các mạng xã hội thổi phồng là “cấm phụ nữ mang thai sau tuổi 33”. Điều đáng nói là trang thông tin của Chi cục này lại dẫn đường link của báo mạng để xác nhận tin trên.
Báo chí có vai trò định hướng xã hội, và việc đưa tin phải thực sự chính xác, có cơ sở, đồng thời phải diễn đạt được quan điểm của văn bản ban hành hay trả lời phỏng vấn để người đọc có thể hiểu rõ. Đàng này, thói quen giật title câu view đã làm sai lệch quan điểm của người nói.
Điều đáng nói là thông qua các blog, các mạng xã hội. Rất nhiều nhân vật “nổi tiếng” trong xã hội lẫn thế giới mạng ồ ạt chỉ trích mà không chịu tìm hiểu ngọn ngành vấn đề trên. Và điều này được những cư dân mạng não phẳng đổ xô vào a dua bầy đàn như lũ kền kền tranh nhau rỉa xác chết. Thế mới thấy mạng xã hội có sức lan tỏa ghê gớm, mà sự lan tỏa này chủ yếu là a dua bầy đàn đối với những nguồn thông tin đi ngược với bản chất cố hữu mà họ cố bấu víu trong một thế giới hiện đại.
Cần lao xứ Việt xưa nay lười đọc, lười suy nghĩ, chỉ thích được người khác dọn sẵn cho ăn. Thế nhưng khi ăn lại không có thói quen nhấm nháp để thưởng thức hương vị cũng như tìm hiểu cặn kẽ về thứ mà người ta cho ăn. Nếu món ăn bình thường hay ngon thì không có ý kiến, và coi như họ được quyền hưởng món ăn như vậy. Ngược lại, nếu nghi ngờ món ăn có thuốc độc, mà sự nghi ngờ nghe hơi nồi chõ từ vài kẻ “hót” trong làng văn thơ báo chí cả lề trái lẫn lề phải suy diễn, quy chụp vô căn cứ, thậm chí là vì ghét mà nói, là ào ào chửi rủa thằng bán thực phẩm, nhưng lại bỏ qua cho thằng mua thực phẩm để chế biến món ăn, thế mới hài hước.
Sự a dua bầy đàn và nhận thức hạn hẹp của cần lao xứ Việt thông qua sự việc trên và hàng trăm nghìn sự việc lâu nay cho thấy, còn lâu lắm xứ này mới chạm tay đến sự văn minh và sòng phẳng thông tin trong một xã hội dân sự hiện đại. Và điều này có nghĩa, họ chấp nhận thủ dâm tinh thần trong một ao tù, lơ thơ vài gốc tre gầy gò, khẳng khiu như sự nhọc nhằn tồn tại của dân tộc. Với họ, quyền cá nhân cho sự ra quyết định được trao cho những kẻ nắm sợi dây thừng để xâu mũi họ dắt đi trên cánh đồng tăm tối.
Một dân tộc mà những người dân khước từ quyền ra quyết định của mình, a dua bầy đàn theo những định kiến và thông tin thiếu căn cứ. Thì vài trăm năm sau, các nhà dân chủ (nót rận trủ) may ra mới mơ chạm tay đến một xã hội dân sự cho xứ này.
6. Bộ Công an đã phải tạm dừng lấy ý kiến nhân dân về “Nghị định xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình” vì những điều khoản phản cảm, thiếu thực tế như “cấm không được mặc quần áo lót nơi công cộng” hay “mua, bán dâm có tính chất đồi trụy”,…
Lần lấy ý kiến này, Nghị định lại tiếp tục gây cười và lại khiến cần lao đồng bào xôn xao bình luận vì những điều khoản phi thực tế và những câu từ vừa thiếu não trạng, vừa ngây ngô,… được bổ sung.
Chẳng hạn điều khoản “Sẽ phạt đến 1 triệu đồng nếu vợ có hành vi kiểm soát chặt chẽ nguồn tài chính của chồng (hoặc ngược lại) hoặc nguồn tài chính chung của gia đình”. Không rõ, nghị định này sẽ lấy tiêu chí và cơ sở nào để xác định hành vi này? Hay từ chính kinh nghiệm của những người xây dựng điều khoản trên, và đã từng là những nạn nhân của sự kiểm soát tài chính?
Điều khoản “Chồng có hành vi lăng mạ, chửi bới, chì chiết vợ hay con cái, thành viên gia đình hoặc ngược lại” cũng hết sức phản cảm và đi ngược với văn hóa gia đình Việt. Cổ nhân lại có câu: “Bát đũa còn có lúc xô”, cuộc sống vợ chồng tránh sao khỏi cãi vã, mà những sự cãi vã này chủ yếu từ mâu thuẫn do cơm áo gạo tiền và dạy dỗ con cái. Có lẽ nghị định này ra đời, chắc ai cũng phải sắm cái máy ghi âm giữ khư khư trong người, để ghi lại lời lăng mạ, chửi bới, chì chiết làm cơ sở tố cáo. Có thể nói, đây là một điều khoản phi nhân văn. Nó sẽ giết chết những giá trị tình cảm của gia đình, và khiến những người thân yêu trong một gia đình trở nên đề phòng lẫn nhau, sẵn sàng tố cáo nhau, và biện pháp tốt nhất là dán miệng lại khi về đến nhà.
Lại có điều khoản: “Bạo lực trong sinh hoạt tình dục của vợ chồng mà người vợ hoặc chồng không muốn; Buộc vợ hoặc chồng của người có hành vi bạo lực sống chung một nhà hoặc ngủ chung phòng với người tình của người có hành vi bạo lực; Có hành vi kích động tình dục hoặc lạm dụng thân thể đối với thành viên gia đình mà thành viên đó không phải là vợ, chồng; Cưỡng ép thành viên gia đình thực hiện các hành động khiêu dâm, sử dụng các loại thuốc kích dục; Buộc thành viên gia đình phải chứng kiến cảnh sinh hoạt tình dục”.
Không hiểu những người xây dựng nghị định này có vấn đề về tâm lý tình dục không? Bởi vì những quy định như trên không thể chỉ là hành vi vi phạm hành chính.
Cụ thể, chỉ có những kẻ có bệnh bạo hành tình dục thì mới bạo hành đối với vợ/chồng của mình, sự bạo hành này có thể được chấp thuận hoặc không chấp thuận. Và trường hợp không được chấp thuận, kẻ gây bạo hành tình dục có thể sẽ bị khép vào tội hình sự.
Những khoản còn lại của điều khoản này càng không thể là các vi phạm hành chính được, bởi vì các hành vi đó có thể khép vào tội “loạn luân”, một tội đã được quy định rõ trong bộ luật hình sự. Không lẽ những người xây dựng các điều khoản trên có vấn đề về tâm lý tình dục? Nếu không, tại sao lại nghĩ ra những điều khoản liên quan đến những giá trị thiêng liêng của gia đình như vậy. Dẫu biết trong xã hội vẫn có những tội phạm như vậy, nhưng chỉ ở mức độ rất ít, và những kẻ phạm tội phần lớn không được giáo dục đầy đủ, khiếm khuyết về nhân cách hoặc bệnh hoạn đến mức không kiểm soát được bản thân.
Phải chăng, những điều khoản này của nghị định vô hình dung tiếp tay cho những tội phạm về tình dục, đi ngược lại với đạo đức của con người?
7. Chỉ trong một tuần mà hàng loạt các vấn đề xã hội được phơi bày trên công luận, đặc biệt là những văn bản dưới Luật rất hài hước, phi thực tế, thậm chí phản cảm. Điều này, chắc không tồn tại trong một xã hội văn minh, một dân tộc tự tin và nhân văn.
Bi kịch thay, nó lại đang tồn tại ngày càng nhiều ở xứ Việt. Có phải đây là những sản phẩm của một nền giáo dục lệch lạc và hậu quả của sự suy thoái đạo đức xã hội?
© 2013 Baron Trịnh
Nguồn hình ảnh: Sưu tầm trên Internet.
Bạn dạo này cũng hăng xb những comment đáo để nhỉ? tớ thấy thinh thích rùi đấy. có nhiều tin tớ đoc lướt qua nên kg mấy để ý, không ngờ bạn lại đi sâu và phát hiện những...vấn đề bất thường đến cười ra nước mắt của các văn bản pháp quy của Nhà nước. hà..hà. chúc bạn phát huy hơn nữa nhé? bye...!
ReplyDelete