Saturday, May 10, 2014

Café sáng thứ 7 (#29): Yêu nước và hành xử yêu nước


1. Vụ việc giàn khoan HD981 xâm phạm trái phép lãnh hải Việt Nam đã tạo nên một phong trào phản đối hành vi của Trung Quốc mạnh mẽ nhất trong hơn 3 thập kỷ qua. Những tuyên bố của các cơ quan chức năng và ngoại giao lên án quyết liệt hành động phi pháp của Trung Quốc. Dư luận xã hội bùng nổ từ trong nhà, ngoài đường, công sở đến mạng internet.
Đâu đâu cũng thấy bàn luận, thăm hỏi về tình hình biển Đông. Người có thông tin chia sẻ cho người chưa nắm được thông tin. Các mạng xã hội đỏ rực màu đỏ của quốc kỳ. Các trạng mạng xã hội cung cấp thông tin ngoài biển Đông và các “hót” blogger - facebooker có những nguồn tin nóng được chia sẻ liên tục. Bầu không khí nóng lên từng giờ với những lời hô hào, hiệu triệu chung tay bảo vệ biển đảo tổ quốc.
Cũng lâu lắm mới thấy một sự đồng thuận rất cao của đồng bào Việt Nam. Từ thành thị đến nông thôn, từ miền núi xuống miền biển, từ quốc nội đến kiều bào, từ thanh niên đến người già, từ nông dân đến trí thức, từ quan lại đến cần lao.
Có lẽ, đây chính là hồng phúc của dân tộc Việt. Một sự đoàn kết, chung tay chung sức để bảo vệ tổ quốc được hun đúc từ vài nghìn năm nay. Một tinh thần yêu nước bất diệt và bất khuất. Hơn nghìn năm Bắc thuộc, Việt Nam vẫn vững vàng sánh vai cùng gã hàng xóm tham lam và bẩn tính.
Yêu nước, là trách nhiệm, nghĩa vụ và lòng tự tôn dân tộc của một con người.


2. Trong lúc nước sôi lửa bỏng ngoài biển đảo. Mỗi con người Việt Nam với lòng yêu nước nồng nàn nhưng vẫn cần giữ cho mình cái đầu lạnh trong bầu máu nóng. Bởi vì, cuộc tranh chấp trên biển hiện tại đang là bất cân xứng. Và nếu xảy ra chiến tranh thì tương quan lực lượng của ta và địch cũng là bất cân xứng.
Nói thế không phải là thấy địch mạnh thì chúng ta sợ. Lịch sử hơn nghìn năm nay, người Việt chưa bao giờ sợ lũ bành trướng phương Bắc, luôn đánh đuổi chúng ra khỏi bờ cõi chứ không cam tâm làm nô lệ.
Nhưng chiến tranh không phải trò đùa. Chiến tranh là rơi xương đổ máu, là mất mát chia ly,… Vì vậy cần hết sức tỉnh táo và khéo léo trong giải quyết sự việc. Binh pháp đã dạy “biết địch biết ta, trăm trận trăm thắng”.
Ấy thế mà rất nhiều các “nhơn-xỉ-chí-thức” già hói đến mức thời gian đi gặp ông Mác ông Nin chỉ tính bằng tháng, trẻ trâu vẫn ngửa tay xin tiền mẹ ăn sáng lẫn “vịt-kìu-iu-lước” hàng tháng muối mặt nhận trợ cấp thất nghiệp hô hào mọi người ra biển đánh nhau với Trung Quốc (người viết thành thật xin lỗi những nhân sĩ trí thức, các bạn trẻ và các việt kiều yêu nước chân chính khi sử dụng các “xú từ” trên). Chết nỗi, lũ này xưa nay sống bằng danh ảo, nên có rất nhiều cần-lao não phẳng nhưng lại thích a-dua-bầy-đàn tung hô. Bọn này, nếu vận động trẻ thì tòng quân, già thì góp vài chục triệu mua súng, thì chắc chắn chúng sẽ núp váy mẹ, váy vợ mà trốn mất.
Một người bạn của người viết chia sẻ một comment của anh trên FB: “Nước mình là nước nhỏ các biện pháp ngoại giao, thương lượng phải đặt lên hàng đầu. Nhưng nếu bị dồn đến đường cùng, không phải đợi các bạn hô hào, chúng tôi cũng sẽ đứng lên cầm súng. Bởi vì chúng tôi phải bảo vệ mảnh đất chúng tôi đang sinh sống”. Có lẽ tất cả những người yêu nước chân chính đều có suy nghĩ như vậy.
Yêu nước, phải bằng những hành động thiết thực. Chứ yêu nước bằng bàn phím và hô hào yêu nước bằng xương máu của người khác chính là loại yêu nước tởm lợm và khốn nạn nhất.
Máu của người Việt, không thể rẻ rúng như thế!


3. Vụ việc biển Đông đang xảy ra vào đúng thời điểm BCHTW khóa XI tổ chức Hội nghị lần thứ 9. Theo bài diễn văn khai mạc của ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, hội nghị sẽ tổng kết việc thực hiện Nghị quyết TW5 (khóa VII) về phát triển văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, về đề cương các văn kiện trình đại hội đảng lần thứ XII, về quy chế bầu cử trong đảng,…
Vấn đề leo thang xung đột tại biển Đông và hành động ngang ngược của Trung Quốc không được nhắc đến trong lời khai mạc lẫn trong nội dung làm việc của hội nghị(!?).
Việc giàn khoan Trung Quốc xâm phạm trái phép vùng biển của Việt Nam chắc chắn sẽ phải là vấn đề quan trọng nhất hiện nay của đất nước. Và dĩ nhiên, các lãnh đạo cao cấp phải bàn bạc, tính toán rất kỹ lưỡng để có những biện pháp đối phó phù hợp. Tuy nhiên, việc không đưa vấn đề này ra trong Hội nghị 9 có lẽ là hạ sách.
Bởi vì, các quốc gia lớn như Hoa Kỳ, Anh, Nhật Bản và nhiều quốc gia khác đã lên tiếng phản đối hành động xâm phạm vùng biển Việt Nam của Trung Quốc. Đồng thời, đồng bào trong và ngoài nước đang sôi sục, phẫn nộ và sẵn sàng chung sức, chung lòng để kề vai sát cánh cùng chính phủ chống lại sự bành trướng của Trung Quốc trên biển Đông, bảo vệ toàn vẹn biển đảo tổ quốc.
Thế nên, một hội nghị mà có mặt tất cả các lãnh đạo cao cấp nhất của Việt Nam, quyết định toàn bộ đời sống chính trị - kinh tế - xã hội của đất nước lại không bàn thảo, thậm chí đề cập đến vấn đề biển Đông, cũng như chưa có một tuyên bố nào của lãnh đạo đảng, nhà nước, chính phủ, quốc hội và mặt trận tổ quốc về hành động sai trái của Trung Quốc khiến các quốc gia ủng hộ sẽ thấy những tuyên bố phản đối Trung Quốc của họ không được nhà nước Việt Nam quan tâm. Lòng yêu nước của người Việt vừa được khởi phát mạnh mẽ sẽ bị tổn thương vì họ cho rằng nhà nước không quan tâm và không chia sẻ với họ về trách nhiệm bảo vệ tổ quốc.
Chiến tranh trên biển lần này chắc khó xảy ra. Nhưng rõ ràng dã tâm xâm lấn biển đảo Việt Nam của nhà cầm quyền Trung Quốc không dừng lại ở đây. Nếu lần sau tàu Trung Quốc tiếp tục xâm phạm biển đảo. Liệu các quốc gia trên thế giới có còn ủng hộ Việt Nam? Và chính phủ có còn nhận được sự đồng lòng của nhân dân trong công cuộc bảo vệ biển đảo? Danh không chính thì ngôn khó thuận.
Tổ quốc, bao giờ cũng phải ở trên tất cả.


4. Cũng trong thời gian này, diễn ra phiên tòa phúc thẩm vụ án Vinalines. Người viết không đề cập đến vụ án, các bản án và những người bị tuyên án, mà nhắc đến để nói đến vấn đề biển đảo.
Hai dự án “siêu” tham nhũng liên quan đến biển trong thời gian qua là vụ Vinashine và Vinalines. Số tiền bị thất thoát do tham nhũng và cố ý làm trái của hai tập đoàn này lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng, chưa kể những thất thoát và hệ lụy xã hội từ các dự án khác của 2 tập đoàn này trên đất liền.
Việt Nam có bờ biển dài hơn 3.000km. Từ khởi thủy đến nay, đời sống người Việt luôn gắn bó với biển. Tuy nhiên, việc vươn ra chiếm lĩnh biển lớn thì lại rất yếu. Người Việt chủ yếu đánh bắt gần bờ và sản phẩm ngư nghiệp chỉ phục vụ nhu cầu tiêu dùng tại chỗ.
Thế giới đã thay đổi, việc vươn ra biển lớn là chiến lược phát triển lâu dài của các quốc gia có biển. Thế nên, việc đầu tư phát triển hai tập đoàn kinh tế biển là Vinashine và Vinalines là hướng đi đúng đắn với tình hình thực tế. Vụ xâm phạm trái phép giàn khoan HD981 của Trung Quốc đã cho thấy điều đó.
Vụ việc Vinashine và Vinaline đã làm suy yếu nền kinh tế biển lẫn năng lực bảo vệ biển. Nó không đơn thuần chỉ là một vụ án tham nhũng và làm trái quy định nhà nước. Mà lớn hơn, đây là những hành vi phá hoại đất nước, làm giảm năng lực bảo vệ biển đảo tổ quốc.
Nhìn những chiếc tàu của cảnh sát biển và kiểm ngư Việt Nam gồng mình lên chống chọi với những chiếc tàu to lớn của Trung Quốc. Những người có trách nhiệm trong hai siêu vụ án trên sẽ nghĩ gì?
Bảo vệ biển đảo, không thể chỉ bằng hô hào bằng miệng.


5. Sự vụ trên biển Đông sẽ được giải quyết, chiến tranh chắc sẽ không xảy ra trong thời điểm này. Nhưng sau đó, người Việt có còn thể hiện lòng yêu nước ngùn ngụt như thời gian qua? Sau khi những "xúc cảm" của lòng yêu nước lắng xuống. Chúng ta hãy trả lời những câu hỏi:
- Để mặc cho các nhà thầu Trung Quốc lấn át nhà thầu Việt trên sân nhà có phải là hành động yêu nước?
- Để cho lao động chui của Trung Quốc hoành hành ngang ngược trên đất Việt có phải là hành động yêu nước?
- Nhập hàng lậu, hàng giá rẻ từ Trung Quốc lấn át hàng sản xuất trong nước có phải là hành động yêu nước?
- Nhập hàng độc hại từ Trung Quốc đầu độc đồng bào mình có phải là hành động yêu nước?
- Bán lậu tài nguyên thô cho Trung Quốc có phải là hành động yêu nước?
- Tiếp tay cho các doanh nghiệp Trung Quốc khai thác tài nguyên, bóc lột người lao động, gây ô nhiễm môi trường có phải là hành động yêu nước?
- Tiếp tay cho các nhà buôn Trung Quốc ép giá nông lâm hải sản của người dân có phải là hành động yêu nước?
- Tiếp tay cho nhà buôn Trung Quốc thu mua móng trâu, râu ngô non, ốc bưu vàng, dừa non, rễ chè cổ thụ,… có phải là hành động yêu nước?
- Tiêu dùng hàng lậu, hàng kém phẩm chất, hàng độc hại giá rẻ của Trung Quốc có phải là hành động yêu nước?
- Buôn gian bán lận, trốn thuế có phải là hành động yêu nước?
- Tham ô tham nhũng, hối lộ và nhũng nhiễu người dân có phải là hành động yêu nước?
- Vô cảm với cộng đồng, hôi của của người bị nạn, ăn cắp thời gian công sở,… có phải là hành động yêu nước?
.........................
Chắc chắn rằng, ai được hỏi cũng sẽ trả lời là “KHÔNG”. Thế nhưng, phần lớn người dân xứ Việt sẽ làm ngược với những hành động yêu nước đó.
Vì vậy, yêu nước không chỉ hành xử bằng cảm xúc và bàn phím!!!

© 2014 Baron Trịnh
Nguồn hình ảnh: Sưu tầm trên internet.

4 comments:

  1. Bác BaRon viết hay và thẳng thắn quá.Thực ra cũng có nhiều người có suy nghĩ như Bác nhưng không phải ai cũng có thể viết ra những dòng chữ như trên.
    Cháu xin phép được có thêm mấy suy nghĩ thế này :
    - Khi nhà bị cháy điều mà người ta cần nhất là có nước để dập lửa.Khi đó chắc không ai còn có ý kén chọn đâu là nước sạch đâu là nước bẩn nữa.Tuy nhiên khi ngọn lửa còn chưa bùng lên mà nhiều người đã dội vào đó những thùng nước bẩn sặc mùi hôi thối thì cháu nghĩ tác dụng sẽ theo chiều ngược lại.
    - Cháu vẫn tin rằng chiến tranh sẽ không xảy ra nhưng nếu nó có phải xảy ra thì chẳng thà chúng ta chịu đau đớn cho một lần giải phẫu để hy vọng có một cơ thể khỏe mạnh còn hơn cứ phải sống trong cảnh lúc nào cũng lo âu về bệnh tật.

    ReplyDelete
  2. Với dã tâm và tình thế của Tàu bây giờ, mình nghĩ không thể nói trước được điều gì cả, mặc dù vẫn mong muốn cho chiến tranh không xảy ra.
    Quan điểm của mình là đổi máu từ từ. Nhưng có lẽ, một cuộc giải phẫu cũng là cần thiết ở thời điểm hiện tại.
    Cảm ơn bạn đã thích bài viết.
    (P/S: Mình mới hơn 40, bạn có thể gọi mình là anh xưng tôi cho thoải mái, hì).

    ReplyDelete
  3. Cuộc "giải phẫu" theo ý cháu chỉ là để nói về cuộc chiến tranh nếu nó phải xảy ra thôi.Có thể tuổi trẻ chúng cháu yêu nước hơi cực đoan nhưng theo cháu thì đó chính là cái vốn quý của dân tộc mình phải không Bác ?
    (P/S Cháu mới ra trường đi làm được hai năm thôi,hồi còn yahoo cháu hay vào đọc blog của Bố cháu nên có biết Bác và một số người khác.Bác cứ để cháu xưng hô như vậy cho phải phép.Bác cũng đừng hỏi gì về Bố cháu nhé,cháu chưa thể trả lời khi chưa hỏi ý kiến của Ổng được )

    ReplyDelete
    Replies
    1. Nếu ý "giải phẫu" như bạn nói thì chắc là khó áp dụng, vì cái chúng ta cần trên biển là tàu chiến và vũ khí tối tân. Chứ số lượng người không cần nhiều.
      Chắc chắn rằng TQ chỉ gây hấn trên biển, chứ không dại mở rộng quy mô chiến tranh lên cả đất liền (nếu xảy ra đánh nhau).
      Đôi khi, vốn quý lại không thể đem ra sử dụng trong lúc nước sôi lửa bỏng. Đó mới là bị kịch.
      (P/S: Cứ gọi minh bằng anh đi, và mình cũng không hỏi về phụ huynh bạn nếu bạn không muốn nói ra, hì)

      Delete

Đề nghị nhận xét bằng tiếng Việt có dấu. Cảm ơn!