Saturday, August 31, 2013

Café sáng thứ 7 (#14): Liêm sỉ quan và văn hóa dân


1. Tuần qua, một loại sự việc cả mới lẫn cũ được báo chí nói lại liên quan đến việc những người “chống tiêu cực” bị những kẻ “tiêu cực” trù dập.
Chỉ 4 ngày sau khi những người tố cáo tiêu cực vụ nhân bản xét nghiệm máu ở bệnh viện đa khoa Hoài Đức, thì một người đã tham gia tố cáo và thu thập chứng cớ để tố cáo việc làm sai trái và thiếu y đức trên bị… khởi tố. Mặc dù chị ta đã rút tên khỏi đơn tố cáo vì “áp lực gia đình”, tuy nhiên những việc làm dẫn đến phanh phui vụ tiêu cực trên có công không nhỏ của chị.
Mặc dù có sự chỉ đạo của người đứng đầu Thành ủy Hà Nội, cũng như những lời hứa trước giới báo chí về việc sẽ “bảo vệ” những người tố cáo tiêu cực của lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội. Nhưng có lẽ “lời hứa” với “việc làm” của quan chức xứ An-nam ít khi đồng hành cùng nhau.
Cũng liên quan đến lĩnh vực y tế, một dược sĩ của Phòng giám định y khoa thuộc Sở Y tế Bình Phước đã dũng cảm tố cáo tiêu cực của lãnh đạo. Việc làm của chị đã được VTV vinh danh như tấm gương điển hình chống tiêu cực (tháng 4/2013). Ấy thế nhưng chưa kịp nhấp nháp sự vinh danh đó, chị đã bị những người “tiêu cực” 3 lần… đuổi việc. Sau 2 lần sa thải không thành, lần thứ 3 (ngày 28/9) người “chống tiêu cực” đã “bị sa thải”… thành công.
Mặc dù đã có kết luận của Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy khối cơ quan dân-chính-đảng tỉnh Bình Phước về việc tố cáo tiêu cực là đúng. Tuy nhiên, UBND tỉnh Bình Phước lại ra văn bản số 2469/UBND-VX (ngày 2/8/2013) kết luận dược sĩ này “tố cáo sai”. Và văn bản này là cơ sở để những kẻ tiêu cực “đuổi việc thành công” người chống tiêu cực.
Một cán bộ tài chính - kế toán UBND xã Phong Lạc (huyện Trần Văn Thời, Cà Mau) cũng đã dũng cảm tố cáo tiêu cực của Phó chủ tịch UBNS xã đã có hành vi tham nhũng, vi phạm nguyên tắc quản lý tài chính. Trong khi người tố cáo tiêu cực bị cơ quan cấp trên “hành tỏi” về việc “dám” đứng ra tố cáo thì kẻ bị tố cáo tiêu cực lại… tái đắc cử chức vụ cũ.
Mặc dù đã có kết luận việc tố cáo tiêu cực trên là đúng, và từ Chủ tịch huyện đến lãnh đạo các ban ngành của huyện bị khiển trách vì bao che cho tiêu cực và ký quyết định tái bổ nhiệm kẻ tiêu cực. Thế nhưng “kẻ tiêu cực” lại được điều chuyển công tác lên huyện và chỉ bị khiển trách về mặt đảng, còn “người tố cáo tiêu cực” bị... khai trừ đảng. 


Không chỉ những nhân viên theo nghĩa “kẻ trọc đầu” tố cáo tiêu cực và bị trù dập. Ngay cả những “người có tóc” khi tố cáo tiêu cực cũng nhận được kết quả tương tự.
Đó là việc 3 nhà báo của báo Đại đoàn kết vừa bị “buộc thôi việc” sau khi tố cáo những sai phạm của Tổng biên tập. Hay vụ việc của Chánh thanh tra Sở Tư pháp tỉnh Quảng Ninh “điêu đứng” vì tố cáo Giám đốc sở có nhiều “sai sót” trong công việc.
Câu nói: “Tôi là người có địa vị, có học thức và am hiểu pháp luật mà còn phải điêu đứng khi đấu tranh để tìm sự công bằng, huống hồ người dân không hiểu luật không biết sẽ còn khốn đốn đến đâu!” của vị Chánh thanh tra sở này có lẽ đã nói lên bản chất của các vụ việc vừa nêu.
Những vấn đề tham nhũng, tiêu cực ở xứ An-nam lâu nay đã là chuyện “ai cũng biết, chỉ lãnh đạo không biết”, và chắc chắn 100% cơ quan công quyền từ Trung ương đến địa phương đều… có tiêu cực. Và những vấn đề tiêu cực không ngoài việc chạy chức, chạy quyền, tham ô, tham nhũng. Nghĩa là việc tiêu cực của một cá nhân hay một tổ chức không chỉ giới hạn đối với cá nhân, tổ chức tiêu cực, mà có “dây mơ rễ má” với các cá nhân, tổ chức cao hơn trong hệ thống quản lý nhà nước.
Vì vậy, việc tố cáo tiêu cực vô hình trung lại làm ảnh hưởng đến “quyền lợi” và “trách nhiệm” của những kẻ lãnh đạo, quản lý cá nhân, tổ chức tiêu cực. Câu nói “trạng chết chúa cũng băng hà” luôn được những “kẻ tiêu cực” áp dụng triệt để trong hệ thống “đường dây tiêu cực”. Thế nên mới có việc “bao che cho tiêu cực” và “trù dập chống tiêu cực”.
Đấu tranh thì tránh đâu”, câu nói này chưa bao giờ cũ trong xứ An-nam! 


2. Báo chí xứ An-nam “dậy sóng” sau khi nhạc sỹ Nguyễn Ánh 9 "mổ xẻ" thẳng thắn một số ca sĩ “nổi tiếng” của xứ sở “nhiều trâu bò hơn máy cày” và “tâm thư” đáp lại của ca sỹ Đàm Vĩnh Hưng. Không chỉ riêng báo chí, mà còn kéo theo sự “dậy sóng” của các mạng xã hội và các “hót cờ-lốc” xứ An-nam.
Người viết không đề cập về việc “hòn bấc ném đi, hòn chì ném lại” của nhạc sỹ “đáng kính” và ca sĩ “vô văn hóa” này dưới sự tiếp sức không mệt mỏi của báo chí lá ngón xứ An-nam và những “công dân mạng” hâm mộ lẫn ghét bỏ một trong hai người trên. Cũng không đi sâu về những ý kiến ủng hộ hay phê phán của những nhạc sỹ, ca sỹ gạo cuội và những nhà phân tích, phê bình âm nhạc. Vấn đề người viết muốn đề cập trong “Café sáng thứ 7” này lại là sự nhận thức một chiều của xã hội và tư duy a dua bầy đàn.
Nói xứ An-nam này “mù âm nhạc” cũng không sai khi nhạc sỹ Nguyễn Ngọc Thiện phát biểu: “99% ca sĩ không đọc được nốt nhạc”. Đến ca sỹ mà còn mù về nhạc lý như thế thì cần lao xứ này chắc chắn không hiểu được âm nhạc. 


Đối với cần lao, âm nhạc chỉ là những giai điệu quen thuộc, nghe cho vui tai và hát cho sướng mồm. Với bản chất không chịu tìm hiểu về những vấn đề chưa biết, cần lao chuyển từ trạng thái “nghe nhạc” sang trạng thái “xem nhạc” là điều dễ hiểu. Và dĩ nhiên, “ca sỹ” nào càng “bắt mắt” trên sân khấu theo kiểu “khoe thân” và “khoe của” sẽ càng có nhiều “fan hâm mộ”.
Mặt khác, bản chất của cần lao xứ An-nam là không chịu đọc, không chịu học và không chịu tư duy. Vì thế, thay bằng việc đọc một tác phẩm có chiều sâu về tư duy xã hội để nâng cao tri thức, họ lại quen đọc những bản tin “cướp hiếp giết” trên báo chí lá ngón với một sự hả hê “thủ dâm tinh thần” là ta đã biết tất cả những vấn đề của xã hội. Do đó, đối với âm nhạc, họ thích nghe những ca từ đơn giản nhưng dễ hiểu và nhìn thấy được ngay mà không cần tư duy kiểu như: “Ok mình chia tay”.
Đấy chính là lý do tất yếu ra đời dòng nhạc thị trường, và cũng là lý do nhạc thị trường lấn át những dòng nhạc mang tính hàn lâm và nghệ thuật. Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận đầy đủ rằng, nhạc thị trường cũng là một bộ phận quan trọng và thiết yếu của một nền âm nhạc. Và nó không thể thiếu trong đời sống xã hội của bất cứ quốc gia nào.
Với tư duy và nhận thức về âm nhạc của cần lao xứ An-nam như vậy, tất yếu nhạc thị trường chiếm lĩnh gần như hoàn toàn sân khấu ca nhạc. Và tất yếu những “ca sỹ nhạc thị trường” nhận được sự hâm mộ của đông đảo cần lao đồng bào sẽ trở nên “nổi tiếng” và có quyền lực trong showbiz cùng với những khoản thu nhập khổng lồ.
Cũng chính vì những “hào quang” đó, những “ca sỹ nhạc thị trường” mới lấy sự thành công về tiền bạc, về quyền lực trong showbiz, về lượng “fan hâm mộ” đông đảo và những giải thưởng âm nhạc “hoạt kê” do những kẻ thừa tiền nhưng thiếu óc thẩm mỹ về âm nhạc tài trợ để so sánh với những ca sỹ hát nhạc hàn lâm và nghệ thuật có tài năng thực sự.
Có điều, chính những “ca sỹ nhạc thị trường” nói trên “có lẽ” vì thiếu tri thức, thiếu văn hóa nên không nhận thức được rằng, ở xứ An-nam này, đến danh hiệu như nghệ sỹ nhân dân còn có thể mua được thì mấy giải thưởng của họ không hơn gì… mấy tờ giấy lộn. 


Cũng là báo chí lá ngón xứ An-nam đã khoác vào họ những “danh hiệu tự phong” như “ông hoàng”, “bà chúa” trong làng âm nhạc đã khiến họ ảo tưởng về tài năng nhưng kiêu ngạo về sự nổi tiếng mà không chịu trau dồi tri thức và nhân cách.
Đã thế, một số nhà thơ, nhà văn, nhà báo,… những “nhà” cũng có một lượng “fan hâm mộ” đông đảo trên thế giới mạng ảo này lại lôi kéo và định hướng cần lao đồng bào bằng những nhận định đầy chủ quan và áp đặt. Trong vụ việc nói trên, các “nhà” này liên tiếp ra những “tâm thư” hết gửi “nhạc sỹ già” lẫn “ca sỹ trẻ” và kéo theo cuộc chiến của các “fan hâm mộ” não phẳng như chưa bao giờ có chút nếp nhăn sử dụng những ngôn từ “bẩn” nhất trong vốn từ vựng xứ An-nam ra chửi bới, cạnh khóe nhau trên mạng xã hội. Loạn thế thường sinh ra một lũ “xú văn nhân”, giọng điệu của những kẻ có chút chữ nghĩa lòe thiên ra nghe thủng ra rất tởm lợm.
Sự việc cũng đã lắng xuống theo hướng những người trong cuộc “xoa dịu” sự “khát máu” của cần lao đồng bào bằng những hình thức PR rẻ tiền và thiếu sự thật tâm. Sự việc này sẽ được quên lãng như chưa bao giờ xảy ra nếu tuần tới lại có một sự kiện ầm ĩ khác, chẳng hạn một cô người mẫu cởi truồng trên sàn diễn.
Những món ăn tinh thần của cần lao chỉ tức thời, nhạt nhẽo và vô vị đến như thế, vì tri thức xã hội và “phông văn hóa” của họ cũng đến như thế. Và hiển nhiên, khi có một “ông hoàng - bà chúa” khác xuất hiện, họ sẵn sàng quên mất “ông hoàng - bà chúa” mà một thời họ cuồng dại hâm mộ.
Chỉ một câu chuyện nhỏ, xảy trong trong một tuần mà đã bộc lộ toàn bộ bản chất văn hóa của xứ An-nam. Phải chăng, khởi nguồn chính từ việc bắt con trẻ tập hát những bài hát vô cảm và thiếu giá trị thẩm mỹ về âm nhạc theo kiểu “mắt hơi sâu, râu hơi dài”?
Xứ An-nam, không có gì là không thể!

3. Lại một vụ ầm ĩ trên báo chí liên quan đến việc nhận lương khủng của lãnh đạo một số “doanh nghiệp công ích”. Mức lương giám đốc Công ty TNHH một thành viên Thoát nước đô thị T.p HCM lên đến 2,6 tỷ đồng/năm, lương giám đốc Công ty TNHH một thành viên Chiếu sáng công cộng Tp.HCM cũng không kém cạnh với mức 2,2 tỷ đồng/năm.
Báo chí giật những “dòng tít” như “Lãnh đạo mà không có… liêm sỉ?!”, “Thủ tướng làm cả năm không bằng lương giám đốc 1 tháng”, “Đại biểu quốc hội choáng với lương khủng”, “Chủ tịch Tp.HCM choáng với mức lương 2,6 tỷ”,…
Xã hội - từ quan đến dân ồ ạt lên án, đến mức, ông Lê Hoàng Quân - Chủ tịch UBND Tp.HCM nói: “Bớt lương, bớt thu nhập của người lao động để làm giàu cho bản thân lãnh đạo là sai hoàn toàn, phải nghiêm trị chứ không chỉ xử lý thu hồi tiền lương là xong”.
Đáp lại, những người trong cuộc viện ra các lý lẽ để khẳng định họ được hưởng mức lương như thế là đúng. Nào là “do lợi nhuận của công ty lớn”, nào là “lương cao do công ty có quy chế lương riêng”, nào là “lương cao mới đúng với công sức anh em bỏ ra”,…
Lại “hòn bấc ném đi, hòn chì ném lại”, và dĩ nhiên ai cũng hiểu, vụ việc rồi sẽ “chìm xuồng” như bao vụ việc khác. Đến to như Vinashine còn lặn chẳng chút tăm hơi.
Tuy vậy, người viết sẽ mổ xẻ vấn đề trên cho đúng với bản chất của sự việc hầu quý vị độc giả của “Café sáng thứ 7”.
Thứ nhất: Việc báo chí so sánh lương giám đốc doanh nghiệp và lương thủ tướng là một sự so sánh khập khiễng, khiên cưỡng và thiếu cơ sở pháp lý. Thủ tướng nhận lượng theo quy định lương ngân sách, giám đốc doanh nghiệp nhận lương theo hiệu quả thực hiện công việc (mặc dù là doanh nghiệp nhà nước).
Thứ hai: Việc ông Chủ tịch UBND Tp.HCM nói lãnh đạo doanh nghiệp bớt lương, bớt thu nhập của người lao động càng không chính xác. Mức lương trung bình của người lao động các doanh nghiệp này lên tới hơn 22,2 triệu đồng/tháng, tức là cao gấp 4 lần mức lương trung bình của người lao động cùng khu vực, thậm chí tại Công ty TNHH một thành viên Chiếu sáng công cộng Tp.HCM còn lên tới hơn 52,9 triệu đồng/tháng.
Cũng thông tin đàm tán trên mạng xã hội, một suất chạy vào doanh nghiệp trên làm việc lên tới hàng trăm triệu đồng, và không phải cứ có tiền là chạy vào được.
Vậy, tại sao các công ty này lại có mức thu nhập “khủng” như thế?
Bản chất, các công ty này là doanh nghiệp công ích. Họ hoạt động theo kế hoạch và nhiệm vụ được phân công và sử dụng ngân sách của nhà nước để thực hiện. Tuy nhiên, cái lỗ hổng của cơ chế là các doanh nghiệp này lại được quyền “làm dịch vụ” ngoài nhiệm vụ công ích. Nghĩa là, các doanh nghiệp này sử dụng tiền vốn, tài sản, phương tiện và con người của nhà nước để khai thác thêm việc làm ngoài. Và thu nhập từ việc làm ngoài trở thành nguồn thu nhập khổng lồ cho doanh nghiệp.
Đối với người lao động, họ đã được hưởng lương từ nguồn vốn ngân sách mà doanh nghiệp nhận hàng năm để thực hiện nhiệm vụ của nhà nước. Và khi họ làm những công việc mà doanh nghiệp khai thác ngoài, họ chỉ được nhận thêm tiền phụ cấp hoặc tiền ngoài giờ mà không được trả lương.
Điều đáng nói, bên cạnh miếng bánh nhà nước giao hàng năm, miếng bánh từ công việc ở ngoài quá béo bở, nên các doanh nghiệp đua nhau khai thác. Lợi thế về doanh nghiệp nhà nước quản lý các lĩnh vực độc quyền lẫn không phải trả lương cho người lao động trực tiếp khiến các doanh nghiệp này bộn việc. Và thặng dư từ khai thác công việc bên ngoài rất lớn. Chính vì thế, họ sẽ thực hiện nhiệm vụ công ích một cách đối phó và tập trung vào khai thác dịch vụ. Thế nên mới xảy ra việc năm nào mưa cũng ngập, bóng đèn vừa lắp đã cháy.


Bên cạnh đó, việc các doanh nghiệp này “cậy” là đơn vị công ích và độc quyền, nên các lãnh đạo còn có quyền “hạch sách” người dân, doanh nghiệp khác nếu muốn sử dụng dịch vụ. Lấy ví dụ như thế này cho đơn giản: Trời mưa, đường bị ngập nước. Nhiệm vụ của công ty thoát nước là phải tiêu nước để đảm bảo hoạt động giao thông và không gây ảnh hưởng đến người dân. Tuy nhiên, địa bàn thì rộng mà lực lượng thì mỏng. Nên nơi nào nhờ cậy trước sẽ được ưu tiên, và dĩ nhiên sự nhờ cậy sẽ được quy ra tiền. Thế cho nên, mức lương “khủng” kia chỉ là bề nổi mà thôi.
Không riêng gì các doanh nghiệp này, mà tất cả các cơ quan, doanh nghiệp nhà nước, sử dụng nguồn ngân sách nhà nước đều áp dụng phương thức này. Thế nên, tiền nhà nước đầu tư vào trang thiết bị, trả lương cho cán bộ, công chức, viên chức. Nhưng lãnh đạo các đơn vị “nhà nước” này lại sử dụng trang thiết bị và con người của “nhà nước” để làm việc riêng cho họ. Vì thế, hiệu quả cho nhà nước không thấy đâu, nhưng túi của các lãnh đạo ngày một phình to. Cũng vì thế, người ta mới bỏ hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ đồng để chạy vào nhà nước, vào rồi thì chạy chức, chạy quyền,… Và hậu quả là xã hội hình thành nên một "tầng lớp sâu” như câu nói của ông Chủ tịch nước Trương Tấn Sang.
Dĩ nhiên, lợi nhuận khổng lồ từ những việc trên sẽ được phân chia cho cả hệ thống quản lý từ cao xuống thấp. Và cũng dĩ nhiên, những người trực tiếp làm ra lợi nhuận trên chỉ nhận được những hạt vừng rơi vãi của chiếc bánh đa với sự bố thí ban ơn của lãnh đạo. 


Đây chính là sản phẩm của cơ chế quản lý tập trung xã hội chủ nghĩa và phân bổ ngân sách theo kiểu “xin-cho” đồng thời độc quyền của các cơ quan nhà nước. Đồng thời, cũng là sản phẩm của cái cơ chế thị trường nhưng lại lắp thêm cái cụm từ “định hướng xã hội chủ nghĩa” rất duy ý chí của xứ An-nam.
Và lỗi, bao giờ cũng thuộc về “thằng cơ chế”.

4. Trong sự suy thoái kinh tế chung của thế giới, xứ An-nam cũng không ngoại lệ. Tình hình thu ngân sách 6 tháng đầu năm cũng như những món nợ xấu của ngân hàng và bất động sản đã báo động sự kiệt quệ của nền kinh tế.
Tổng thu ngân sách nhà nước từ đầu năm đến 15/7/2013 ước tính đạt 381,7 nghìn tỷ đồng, chỉ bằng 46,8% dự toán năm. Trong đó phải chi 56,2 nghìn tỷ đồng để trả nợ, viện trợ. Đầu tàu về kinh tế là Sài Gòn đang hụt thu ngân sách tới 20 nghìn tỷ đồng.
Trong khi nhà nước đang cố gắng bơm vốn để cứu vãn sự suy thoái kinh tế bằng những đồng tiền vay từ nước ngoài với các điều khoản ràng buộc bất lợi, thì trong 6 tháng đầu năm các ngân hàng thương mại đã gửi ra nước ngoài khoảng 2,5 tỷ USD.
Cũng theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, tổng số giao dịch đáng ngờ trong năm 2012 là hơn 50.933 tỷ đồng (khoảng 2,5 tỷ USD). Những nghi ngờ này liên quan đến hoạt động rửa tiền.
Dĩ nhiên, cần lao đồng bào không có tiền để rửa, đến chạy mướt mồ hôi để duy trì nồi cơm đã khó, cũng chẳng có tiền mồ hôi nước mắt để dành chứ nói gì đến có tiền “bẩn” để rửa. Và cũng dĩ nhiên, những đối tượng rửa tiền phải là những đối tượng có tiền “bẩn”. 
Có nhiều nguồn hình thành tiền “bẩn”, nhưng quy lại cho 2 nhóm đối tượng: Nhóm thứ nhất là tiền “bẩn” từ việc làm phi pháp (như buôn lậu, buôn bán ma túy); Nhóm thứ 2 là tiền tham ô, tham nhũng (dĩ nhiên đối tượng này phải là quan chức nhà nước).
Nguồn tiền “bẩn” của nhóm thứ nhất không phải là ít, tuy nhiên chẳng thấm tháp gì so với nguồn thứ hai. Lấy ví dụ như trùm ma túy Tàng Keangnam cũng chỉ có cái biệt thự chục tỷ ở Mộc Châu với mấy căn hộ vài tỷ ở Hà Nội. Tài sản này, chắc chỉ tương đương với một “đồng chí” chủ tịch huyện, phó giám đốc sở hay trưởng phòng cấp bộ “không liêm khiết”. 


Những vụ “ăn” sắt thép, xi măng từ các công trình, thậm chí “ăn” cả nhà vệ sinh của các cháu học sinh. Những vụ thu hồi đất ruộng để xây nhà, những vụ khai thác khoáng sản, những vụ phá rừng,… trong gần 20 năm qua có lẽ tạo ra hàng trăm tỷ đôla tiền “bẩn”.
Ngay chuyện lương của mấy quan chức doanh nghiệp nhà nước nêu trên, chỉ tính riêng lương công khai, một nhiệm kỳ 4 năm của một ông giám đốc đã thu nhập khoảng nửa triệu đô la. Và dĩ nhiên, đối với quan chức nhà nước, chẳng ai quan tâm đến lương, mà chỉ quan tâm đến lậu, và thu nhập từ “lậu” gấp rất nhiều lần lương. Lương đã thế, thì không biết mức lậu sẽ lớn như thế nào?
Nợ công của xứ An-nam năm 2012 khoảng 129 tỷ đô la Mỹ, bằng 106% GDP năm 2011 (tính cả những khoản nợ của doanh nghiệp nhà nước do chính phủ bảo lãnh). Một mức nợ ở tình trạng “rất xấu”.
Chỉ xét những nghi ngờ rửa tiền liên quan đến các giao dịch “có vấn đề” năm 2012 nêu trên, đã gần bằng số tiền trả nợ và viện trợ năm nay.
Đâu là nguồn tăng thu cho ngân sách? Và ai là người gánh chịu nợ công?
Hỏi, cũng là đã trả lời!!! 


5. Đạo đức xã hội được xây dựng trên nền tảng đạo đức của từng thành viên trong xã hội. Sự phát triển của một đất nước được xây dựng trên nền tảng sự đóng góp và cống hiến công sức, trí tuệ của những người dân của đất nước đó.
Việc các giá trị đạo đức xã hội bị đi ngược thể hiện qua việc những con người trung thực bị trù dập khi không chấp nhận cái xấu, khi các giá trị văn hóa nghệ thuật chuẩn mực bị lấn át bởi những thị hiếu thị trường.
Việc cá nhân, tổ chức thuộc chính quyền vì lợi ích cá nhân mà sẵn sàng chà đạp lên lợi ích đất nước. Vô cảm trước sự khốn khó của đồng loại, vô liêm sĩ trước sự suy thoái của đất nước. Lấp liếm, ngụy biện những việc làm sai trái, gây thiệt hại cho đất nước và kéo theo nhiều hệ lụy xã hội khác bằng chính sự lỏng lẻo của cơ chế và pháp luật.
Phải chăng, đấy chính là quy luật tất yếu, là nửa cuối parabol của một thể chế?
Và, phải chăng, đây chính là kết quả của một nền giáo dục rất… phi giáo dục? 



© 2013 Baron Trịnh
Nguồn hình ảnh: Sưu tầm trên Internet.

0 comments:

Post a Comment

Đề nghị nhận xét bằng tiếng Việt có dấu. Cảm ơn!