Saturday, August 17, 2013

Café sáng thứ 7 (#12): Những món quà không trọn vẹn

1. Có lẽ cái “hạn” của ngành Y và chị Tiến ruồi vẫn chưa chịu dừng khi tuần này lại liên tiếp hàng loạt vấn đề liên quan đến chuyên môn và y đức. Đặc biệt có những chẩn đoán bệnh đến mức những người thiểu năng trí tuệ đọc cũng phải… bật cười.
Bật cười vì bác sĩ bệnh viện Nhi trung ương chẩn đoán một cháu gái 7 tháng tuổi bị… “phù nề bao quy đầu”; Còn bác sĩ bệnh viện Đa khoa khu vực Củ Chi chẩn đoán một cụ ông 73 tuổi có… “thai 16 tuần”!!!
Lại người nhà bệnh nhân vây đánh bác sĩ bệnh viện đa khoa Hà Tĩnh vì “sốc thuốc” khi tiêm kháng sinh cho bệnh nhân dẫn đến tử vọng; Bệnh viện đa khoa Phú Xuyên (Hà Nội) làm gãy tay trẻ sơ sinh khi đỡ đẻ; Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ cho bệnh nhân uống bột bù muối đã hết hạn sử dụng; Một số bác sĩ ở bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TPHCM “ăn” phim X-quang của bệnh nhân lên tới hơn 240 triệu đồng/tháng từ năm 2007 đến nay; Người tố cáo vụ “nhân bản” kết quả xét nghiệm máu ở Bệnh viện đa khoa Hoài Đức (Hà Nội) bị tố cáo ngược là… cũng nhân bản kết quả xét nghiệm; Bắt tạm giam giám đốc Bệnh viện Tâm thần Tiền Giang để điều tra hành vi tham ô;…
Ai cũng biết 2 vụ chẩn đoán ngược đời trên là sự nhầm lẫn do lỗi copy bệnh án trong máy tính. Tuy nhiên, không thể biện minh cho sự tắc trách đó vì liên quan đến sức khỏe và tính mạng người khám bệnh. Những vụ việc còn lại liên quan đến chuyên môn và y đức, và điều này không phải vì “cái hạn” của chị Tiến ruồi mới xảy ra, Nó xảy ra hàng ngày, hàng tuần ở tất cả các bệnh viện, trạm xá,… trên đất nước cong queo hình chữ S. Có điều, từ khi internet và mạng xã hội phát triển, thì các thông tin này được đưa đến tai cần lao xứ An-nam với sự tiếp tay giật title câu view của báo chí lá ngón. 


Lâu nay, cần lao xứ An-nam vẫn phó mặc sức khỏe và tính mạng cho thầy thuốc. Với họ, lời nói của thầy thuốc mặc định đúng đắn và họ tin tưởng tuyệt đối. Cũng chính vì thế, thầy thuốc là một trong những nghề được trân kính nhất của xã hội.
Thế nhưng, phần lớn thầy thuốc trong chế độ này lại chịu ảnh hưởng sâu sắc tư duy của các bần nông nắm thượng tầng kiến trúc. Vì thế, nhân cách và lương tâm của một thầy thuốc đã bị tha hóa đến tận cùng. Với họ, sự tận tâm vì nghề, vì người bệnh là một điều “ngốc nghếch”, và họ sẵn sàng làm bất cứ chuyện gì để có nhiều tiền, cho dù những việc đó có thể ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng người bệnh hay thất thoát tài sản công.
Trong tư duy bần nông, cuộc sống vốn đã quá nghèo hèn đói khổ. Nên khi có quyền trong tay, họ phải kiếm tiền bằng mọi giá để thỏa mãn lòng tham không đáy cũng như khoe khoang hợm hĩnh theo kiểu bù đắp cho những đói khổ mà họ đã từng chịu đựng. Và họ đã áp đặt tư duy này lên cuộc sống của cần lao xứ An-nam gần 70 năm qua.
Vì thế, không có gì phải ngạc nhiên với những sự vụ của ngành y. Đó là hậu quả tất yếu của tư duy xã hội chủ nghĩa duy ý chí. Nó bộc lộ rõ ràng và đầy đủ bản chất khi người đứng đầu không đủ năng lực lãnh đạo và khi đạo đức xã hội xuống cấp ở mức đáng báo động.
Chắc chắn rằng, sẽ không có cái “hạn” nào cho ngành y hay chị Tiến ruồi cả. Mà đây là hậu quả tất yếu của một xã hội mà những thầy thuốc sẵn sàng quên lời thề Hippocrates và chữ “từ mẫu” để trở thành những kẻ đồ tể, sẵn sàng làm những việc trái với lương tâm và y đức để có tiền. Và đối tượng hứng chịu hậu quả tất nhiên thuộc về cần lao đồng bào.
Điều này, không tồn tại trong những xứ tư bản giãy chết! 


2. Báo chí lại đưa tin nông dân trả lại ruộng cho chính quyền địa phương hay “ùn ùn bỏ ruộng hoang, đi làm thuê”. Điểm nóng là tỉnh Thanh Hóa có tới 1.037 hộ dân bỏ ruộng không canh tác, tỉnh Quảng Bình có tới 750 ha đất ruộng bị bỏ hoang.
Chuyện bỏ ruộng hoang để đi lên thành phố làm thuê có lẽ bắt đầu từ tỉnh Thái Bình, quê hương 5 tấn xã hội chủ nghĩa từ những năm đầu thế kỷ 21, lan rộng đến các địa phương như Nam Định, Hải Dương, Hưng Yên,… và hiện tại tình trạng này đang báo động tại các tỉnh Bắc Trung bộ.
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và PTNT, đã có hơn 1.000 ha đất ruộng được các hộ nông dân trả cho nhà nước. Còn diện tích đất bỏ đất hoang không canh tác lên tới… vài chục nghìn hecta.
Chính phủ đã đầu tư nhiều chính sách khuyến khích người dân không bỏ đất, không bỏ nhà lên thành phố làm thuê theo tiêu chí “ly nông không ly hương”, nhưng có lẽ đến thời điểm này đã thất bại.
Vậy nguyên nhân nào dẫn đến người nông dân bỏ đất, trong khi đất đai là tư liệu sản xuất chủ yếu của người nông dân và xứ An-nam hiện vẫn có hơn 80% người dân làm nông nghiệp?
Theo “Báo cáo đặc điểm kinh tế nông thôn Việt Nam - kết quả điều tra hộ gia đình nông thôn năm 2012 tại 12 tỉnh” do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương chủ trì, thu nhập của hộ nông dân chỉ đạt 48.618 đồng/ngày/hộ (4 người). Có tới 50% hộ phải vay nợ, và chủ yếu là vay ngoài với lãi suất cao và 41,5% số hộ không hài lòng về cuộc sống hiện tại. Có gần 4% số hộ gia đình không tiêu thụ bất cứ nguồn protein (cá, thịt) nào trong vòng 24 giờ trước khi được khảo sát, những địa phương như Lai Châu tỷ lệ này lên tới 25%.
Cũng theo phỏng vấn của báo chí đối với các hộ nông dân và cán bộ địa phương cho thấy, người nông dân làm ruộng đang… bị lỗ. Lấy ví dụ từ huyện Quảng Ninh (Quảng Bình), người dân đã hạch toán như sau: Chi phí cho 1 sào lúa (500m2) khoảng 1,4 triệu đồng, tương đương với khoảng 28 triệu đồng/ha, bao gồm các khoản: cày bừa, giống hết 335.000 đồng; phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hết 300.000 đồng; công gieo cấy, tỉa giặm, gặt, vận chuyển về... hết hơn 800.000 đồng. Năng suất lúa ở đây đạt trung bình 6 tấn/ha (nếu không bị mất mùa), với mức giá hiện nay chỉ 4,5 triệu đồng/tấn, thì mỗi hecta có tổng thu 27 triệu đồng. Trừ chi phí, nông dân lỗ 1 triệu đồng/ha.
Từ bài toán trên, có thể thấy lý do chính mà người dân bỏ ruộng để đi làm thuê. Bên cạnh đó, các loại phí và lệ phí mà người dân “bắt buộc” phải nộp cho chính quyền địa phương lên đến hơn 2 triệu đồng mỗi năm khiến người dân không còn mặn mà với đồng ruộng, với quê hương bản quán.
Hiện xứ An-nam có khoảng 53,3 triệu lao động, trong đó hơn 60% là lao động nông thôn. Theo báo cáo của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), 50% số lao động thất nghiệp là thanh niên (độ tuổi từ 16 ÷ 24). Trong giai đoạn suy thoái kinh tế, tỷ lệ lao động thất nghiệp ngày càng tăng. Thạc sỹ, cử nhân còn tranh nhau đi bán dạo nước mắm với dầu gội đầu, nói gì những lao động nông thôn. Những vấn nạn xã hội lâu nay phải chăng chính là hệ lụy của việc trả đất, bỏ ruộng?
Một dân tộc khởi thủy từ nền văn minh lúa nước, hiện tại dân số làm nông nghiệp vẫn chiếm hơn 80%. Ấy vậy mà người dân lại quay lưng với đồng ruộng.
Đây là họa, không phải là phúc!


3. Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) ra phán quyết cuối về mức đánh thuế sản phẩm tôm đông lạnh của Việt Nam nhập khẩu vào Mỹ trong vụ kiện chống trợ cấp các sản phẩm này. Mức thuế với tôm Việt Nam từ 1,15 ÷ 7,88%.
Báo chí cũng như Hiệp hội Chế biến -Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) lại đua nhau gào lên, cho rằng quyết định đó là một sự áp đặt bất công với các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu tôm xứ An-nam, nào là nhà nước không trợ giá cho việc nuôi và xuất khẩu tôm, nào là điều kiện tự nhiên xứ An-nam rất tốt cho tôm phát triển nên chi phí nuôi trồng thấp, nào là ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của hơn 600.000 cần lao tham gia nuôi tôm và đi bóc tôm ở các doanh nghiệp chế biến.
Có hay không sự bất công của thằng tư bổn giãy chết Huê Kỳ với cần lao nuôi tôm lẫn con buôn xuất tôm của xứ An-nam?
Theo Reuters, tổng kim ngạch xuất khẩu tôm của xứ An-nam sang Huê Kỳ năm 2012 là 426 triệu đô. Giá bán tôm Việt tại Huê Kỳ khoảng 4÷5 đô la/pound, rẻ hơn so với giá 300.000 đồng/kg ở xứ An-nam. Chính vậy, mới có việc DOC đánh thuế tôm đông lạnh nhập khẩu từ xứ An-nam.
Nhớ lại cách đây gần chục năm, nhiều hộ dân nuôi tôm sau một mùa vụ đã trở thành tỷ phú. Và theo kiểu a dua bầy đàn thiếu quy hoạch định hướng của nhà nước, nhà nhà phá ruộng làm vuông tôm, người người vay ngân hàng đầu tư nuôi tôm.
Tất nhiên, các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu tôm cũng ăn nên làm ra sau khi xuất được tôm vào Huê Kỳ. Các nhà thương mại nước sở tại ào ạt đặt hàng vì tôm xứ An-nam chất lượng cao, lại rẻ hơn tôm nuôi trồng trong nước.
Nếu mọi việc cứ như thế thì chẳng có cái phán quyết của DOC vừa qua, và những hộ nuôi tôm vẫn thoát nghèo thành tỷ phú. Thế nhưng, sự cạnh tranh tiểu xảo không lành mạnh của doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu đã dẫn tới kết cục nói trên.
Tại sao lại nói như thế? Từ những năm đầu tôm xứ An-nam nhập được vào Huê Kỳ, giá cả tương đối ổn định, thỏa mãn cả người nhập lẫn có lợi lớn cho người nuôi tôm. Thế nhưng, các doanh nghiệp xuất khẩu chơi bài hạ giá để tranh đơn hàng. Tỷ dụ doanh nghiệp A báo giá 10 đô/pound, doanh nghiệp B liền báo giá 9,5 đô/pound.
Cuộc cạnh tranh đơn hàng không lành mạnh thông qua giá khiến giá tôm xứ An-nam ngày càng bị đẩy xuống thấp. Tất nhiên nhà nhập khẩu tôm ở Huê Kỳ giá càng thấp họ càng thích và mua nhiều, dẫn đến tôm trong nước không bán được vì giá quá cao khiến người nuôi tôm Huê Kỳ kiện doanh nghiệp xứ An-nam bán phá giá tôm, và DOC phải đứng ra can thiệp với phán quyết nêu trên.
Về phía trong nước, khi giá xuất khẩu giảm xuống, doanh nghiệp chế biến sẽ đánh tụt giá tôm nguyên liệu. Và người nuôi tôm bắt đầu điêu đứng với giá tôm ngày một thấp, thậm chí giá bán tôm thấp hơn chi phí đầu tư nuôi tôm như bài toán trồng lúa nói ở trên.
Chính vì thế, 3-4 năm trước, hàng loạt hộ nuôi tôm bỏ nuôi vì không có lãi, rất nhiều hộ vay tiền ngân hàng đầu tư các vuông tôm đã không thể trả nợ. Chưa kể đến quy trình nuôi lạc hậu, nếu có dịch bệnh thì tôm chết hàng loạt. Hàng loạt hộ nuôi tôm vừa thoát nghèo lên tỷ phú lại quay về cái máng lợn sứt, hàng loạt hộ phá lúa nuôi tôm theo kiểu a dua bầy đàn thẩn thờ bên những vuông tôm chỉ còn lại nước và món nợ ngân hàng không thể trả.
Sự thật nhà nước không trợ giá cho nuôi trồng cũng như xuất khẩu tôm. Và sự bất công đối với cần lao nuôi tôm xứ An-nam cũng không phải do thằng tư bổn giãy chết Huê Kỳ áp đặt, mà do trò cạnh tranh đơn hàng tiểu xảo không lành mạnh của những con buôn - đồng bào với cần lao nuôi tôm.
Những con buôn vẫn biệt thự xe hơi triệu đô, và những cần lao thẫn thờ bên những vuông [không còn] tôm với món nợ ngân hàng khó lòng trả được.
Đẩy cần lao nuôi tôm đến chỗ bần cùng, không phải là bọn tư bổn giãy chết!


4. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng - Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng vừa ký Quyết định số 17-QĐ/BCĐTW của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng “Thành lập các Đoàn công tác kiểm tra, giám sát việc thanh tra, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp” mà dư luận xã hội quan tâm.
Các đoàn sẽ thực hiện kiểm tra, giám sát tại Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao và các tỉnh thành Hà Nội, Tp.Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Cần Thơ, Đồng Nai, Hải Dương, Hưng Yên, Đắk Lắc, Bình Thuận, Cà Mau, An Giang.
Thời gian kiểm tra giám sát từ 15/8 ÷ 30/9/2013 và Ban Nội chính Trung ương được giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan, triển khai thực hiện và tổng hợp kết quả kiểm tra, giám sát, báo cáo Thường trực Ban Chỉ đạo để trình Bộ Chính trị trước ngày 30/11/2013.
Dư luận đặt ra câu hỏi, phải chăng các “vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp” mà dư luận xã hội quan tâm có có sự bao che, làm trái trong việc thanh tra, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử mà các cơ quan công quyền đã thực hiện?
Với việc thành lập 7 đoàn kiểm tra mà các thành phần trưởng phó đoàn có tới 2 Ủy viên BCT, 1 Bí thư TW và 6 Ủy viên TW thì có lẽ không chỉ ở mức “cảnh cáo và răn đe”. Và ai cũng biết rằng, các vụ việc tham nhũng nghiêm trọng chỉ có ở các tập đoàn, tổng công ty nhà nước và các ngân hàng như các vụ VinaShine, vụ VinaLine, vụ Kiên đầu bạc ACB,… hay các vụ tham nhũng liên quan đến bồi thường giải phóng mặt bằng tại các tỉnh thành. Những vụ án này, ít nhiều liên quan đến các quyết định hành chính của Thủ tướng Chính phủ.
Lâu nay ai cũng biết, các vụ việc tham nhũng không do một cá nhân thực hiện được, mà phải có một “đường dây” liên quan đến nhiều cơ quan ban ngành và các cá nhân cấp cao có quyền ra quyết định. Như vậy, việc thành lập 7 đoàn công tác đặc biệt của ông Tổng bí thư kiêm Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng phải chăng muốn bắt “sâu” triệt để hay lại chỉ mang tính “cảnh báo và răn đe” để cân bằng cán cân quyền lực như những vụ việc đã qua.
Tìm được sâu đã khó, có tìm thấy thì mọi việc vẫn chẳng thay đổi được điều gì. Vài con sâu có thể bị kết án, bị kỷ luật hay hạ cánh an toàn. Và cần lao vẫn cần mẫn phân tro ruộng đồng, buôn thúng bán mẹt để góp những đồng tiền mồ hôi nước mắt trả những món nợ mà các con sâu bị lộ lẫn các con sâu chưa lộ đã “ăn”.
Xứ An-nam từ cổ chí kim, chưa bao giờ những món quà cần lao được hưởng trọn vẹn!


© 2013 Baron Trịnh
Nguồn hình ảnh: Sưu tầm trên Internet.

0 comments:

Post a Comment

Đề nghị nhận xét bằng tiếng Việt có dấu. Cảm ơn!