Wednesday, January 15, 2014

Ếch ngồi đáy giếng


1. Thời thiên đàng, cần lao An-nam hay kể một câu chuyện châm biếm như sau:

Hai đồng chí bừn-lông ngồi nói chuyện với nhau. Đồng chí bừn-lông A bảo ở U-cờ-rai-na con gà có 4 chân. Đồng chí bừn-lông B cãi lại là làm gì có gà nào 4 chân.
Cuộc tranh cãi ngày càng gay cấn và không đi đến hồi kết vì đồng chí nào cũng khăng khăng bảo vệ quan điểm của mình.
Kết cục, đồng chí bừn-lông A nói: "Tôi đã đến đó rồi, và con gà ở đó có 4 chân. Nếu anh không tin thì cứ đến đó một chuyến rồi hẵng về tranh luận với tôi cũng chưa muộn”.
Đồng chí bừn-lông B cứng họng, mặc dù biết rằng chả có gà nào 4 chân và đồng chí bừn-lông A chưa đi khỏi lũy tre làng chứ đừng nói gì đến U-cờ-rai-na.

2. Cần lao An-nam, đặc biệt là cần lao Bắc-kỳ rất hay khoe khoang về những gì mình đã biết mà người khác chưa biết.
Nếu bạn ngồi ở một quán nhậu hoặc một quán café đông người, nghe một nhóm các anh các chị chém gió những chuyện từ tây sang ta, từ Nga sang Ấn thì rất hay nghe được một vài thành viên khoe là mình đã đi đây đi đó và biết cái này cái nọ.
Những câu nói rất thường xuyên nghe được câu: “Hồi tôi đi sang đó/ở đó” và kèm theo sự mô tả như: “Ở Sing-ga-pho tàu điện ngầm nó chạy như thế này”, “Ở Bắc-kinh ô tô đi thế kia”, “Dân Sê-un làm kim chi kiểu này”, “Người ở Phe-rít đi dạo kiểu nọ”,…
Thậm chí, chả cần tây tàu, mà chỉ cần vượt ra khỏi lũy tre làng đến được Thăng Long hay Gia Định thành cũng có khối chuyện mà kể.
Người kể, vênh vênh mặt ra điều hiểu biết rộng (mặc dù, những gì họ thấy đôi khi là một góc nhỏ của sự đặc trưng hoặc cái tổng thể). Kẻ nghe, xuýt xoa trầm trồ phụ họa. Chả khác gì hài kịch của Mô-li-e.

3. Thời nhà Tống Tung-Của, có câu chuyện của Tô Đông Pha sửa thơ Vương An Thạch.
Chuyện rằng, có lần ở kinh đô, Tô đọc bài thơ của Vương, cũng là một bậc kỳ tài đương thời, có hai câu: “Minh nguyệt sơn đầu khiếu/ Hoàng khuyển ngọa hoa tâm”.
Cậy mình học rộng tài cao, Tô cho rằng Vương đã nhầm lẫn. Và tiện bút sửa chữ: “khiếu” thành “chiếu” và chữ “tâm” thành “âm”. Ý là trăng sáng thì phải chiếu trên đỉnh núi chứ không kêu trên đỉnh núi và chó vàng thì nằm dưới bóng hoa chứ không thể nằm trong ruột hoa được.
Khi bị đi đày ở phương Nam, Tô phiền muộn độc ẩm trong một đêm trăng sáng, bỗng nghe chim hót rất hay trên núi, Tô hỏi tửu bảo đó là chim gì thì nhận được câu trả lời là chim “Minh nguyệt”.
Lại một lần trên cánh đồng hoa, Tô thấy một loài sâu màu vàng nằm ngủ lẫn trong nhụy hoa, hỏi dân bản địa mới biết đó là sâu “Hoàng khuyển”.
Nhớ đến việc múa bút sửa từ bài của Vương, Tô thấy vô cùng xấu hổ vì kiến văn của mình vẫn còn kém xa Vương lắm.
Điển tích, chỉ kể ra góp vui, không bình thêm.

4. An-nam có câu: “Ếch ngồi đáy giếng” để chỉ những kẻ kiến văn hạn hẹp nhưng lại ra vẻ là hiểu sâu biết rộng và bảo thủ về sự thiển cận đó. Cũng tiền nhân, có câu: “Dốt hay khoe chữ”, là vậy.
Càng ngẫm, càng thấy sự thâm thúy của tiền nhân.
An-nam thời nay, mặc dù anh-tẹc-nét ra đời đã xóa đi mọi khoảng cách về tri thức và cần-lao dễ dàng tiếp cận bất cứ thông tin gì ở nhiều nguồn khác nhau. Thế nhưng với bản tính lười đọc, lười suy nghĩ và thích ăn sẵn, một "bộ phận không nhỏ" cần-lao lấy thông tin từ một vài người mà họ cho là học cao hiểu rộng và coi như đó là chân lý mà chả cần biết đúng sai hay dở gì cả.
Đã thế, đám người này lại có thêm đặc tính a dua bầy đàn. Ai mà nói ngược với người mà đám này tôn sùng thì nhận đủ gạch đá rơi vào đầu. Đám này, chả khác đám hồng vệ binh xứ Tàu thời cách mạng văn hóa là mấy.
Điều đáng buồn là trong đám này, ngoài lũ ngu si dốt nát, cũng có nhiều kẻ cũng lắm chữ nhiều bằng, thế mới khổ. Mới thấy, ở xứ này, có bằng cấp chưa chắc đã có tri thức.
Cả hai, xét cho cùng, đều ếch ngồi đáy giếng.

© 2014 Baron Trịnh
Nguồn hình ảnh: Sưu tầm trên Internet.

0 comments:

Post a Comment

Đề nghị nhận xét bằng tiếng Việt có dấu. Cảm ơn!