1. Sau vụ việc của ông Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang. Hàng loạt các vụ án oan được báo chí khai thác. Không chỉ một vài vụ, mà rất nhiều, từ Nam chí Bắc của An-nam xứ.
Điều tra, xét hỏi là nhiệm vụ của Công an, giữ quyền công tố là nhiệm vụ của Viện kiểm sát. Dĩ nhiên, cả công an lẫn kiểm sát thực thi nhiệm vụ công. Và để tránh cho việc lạm quyền công vụ mà gây oan khuất cho cần lao, xã hội cần đến vai trò của luật sư.
Luật sư, vừa bảo vệ thân chủ, vừa giám sát việc thực thi công vụ của công an và kiểm sát. Tất nhiên vấn đề gì cũng có hai mặt của nó. Ở đây, chúng ta thống nhất nói về chính diện.
Tất cả các vụ án oan đã được phanh phui lẫn những vụ việc đang còn ẩn khuất đều cho thấy, không có vai trò của luật sư trong quá trình điều tra, xét hỏi. Luật sư chỉ xuất hiện với sự chỉ định của tòa án, và hầu hết chỉ làm được một việc là viện dẫn các tình tiết giảm nhẹ để “xin” giảm bớt mức án mà viện kiểm sát đề nghị.
Ở xứ An-nam, bị bắt vào công an là nỗi kinh hoàng của đói nghèo và lương thiện cần lao. Bởi vì, công an tự cho mình cái quyền “luôn luôn đúng” lẫn quyền xét hỏi mà không có sự giám sát của luật sư. Vì vậy, việc nghi can bị đánh đập, ép cung, bức cung là chuyện “thường ngày trên huyện”.
Sẽ tiếp tục còn nhiều vụ việc oan sai, oan ức do công an gây ra cho cần lao, nếu những “quyền” nêu trên vẫn “được” duy trì trong xã hội. Đáng ra, họ là những người sử dụng công cụ pháp luật để bảo vệ lương thiện cần lao, nhưng họ lại là nỗi kinh hoàng đối với cần lao vì họ được “quyền” đứng trên cả pháp luật.
Khi cụm từ “quan-dân” luôn hằn sâu vào tư duy của xứ sở này, thì việc sợ hãi và bất công của cần lao với những nhân viên công vụ sẽ không bao giờ xóa bỏ được.
Câu nói của cảnh sát xứ Cờ-hoa với nghi phạm: “Anh có quyền giữ im lặng. Bất cứ điều gì anh nói có thể và sẽ được sử dụng để chống lại anh trước toà” và câu nói của cần lao với cảnh sát: “Tôi chỉ trả lời khi có mặt của luật sư” luôn là giấc mơ truyền kiếp của cần lao xứ An-nam.
2. Một trong mười đại án về tham nhũng vừa được đem ra xét. Có 2 án tử hình được tuyên. Dù muộn, nhưng vẫn còn hơn không. Bởi vì, chỉ có mạng sống mới “giáo dục” hữu hiệu nhất đối với lòng tham của những kẻ tham nhũng.
Có lẽ, không một nơi nào trên hành tinh xanh xanh, tròn tròn này có mức độ tham nhũng đại trà và ghê gớm như An-nam xứ. Bất cứ người nào trong khu vực công đều tham nhũng, lớn tham nhũng lớn, bé tham nhũng bé. Không tham nhũng được thì ăn cắp vặt và môi giới tham nhũng. Thậm chí, phong trào “thi đua tham nhũng” còn lan mạnh mẽ sang cả khu vực tư.
Ở đâu có quyền lực là ở đó có tham nhũng. Những xứ Cờ-hoa, Phù-tang, Phú-lang-sa cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên, ở những nơi văn minh này, sự tham nhũng chỉ xảy ra đối với những kẻ không chiến thắng được cám dỗ của vật chất. Số vụ tham nhũng lẫn mức độ tham nhũng rất rất ít.
Còn ở An-nam xứ, người người tham nhũng, nhà nhà tham nhũng. Miễn có một tý liên quan đến nhà nước là có tham nhũng, từ anh bảo vệ đến chị quét rác cơ quan cũng nằm trong đường dây tham nhũng.
Dĩ nhiên, lao động cần lao không thể tham nhũng. Vì họ không có cơ hội tham nhũng. Thế nên, việc cần lao bỏ ra hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ để “chạy” vào nhà nước không nằm ngoài mục tiêu tham nhũng. Và khi đã là “người nhà nước”, mặc định họ đã được “quyền tham nhũng”.
Cũng dĩ nhiên, chính quyền sẽ đổ lỗi cho “thằng cơ chế” sinh ra “con tham nhũng”. Bởi vì, khi những người đứng đầu mà liêm chính, thì sẽ không có cơ hội cho thuộc cấp tham nhũng. Và tất nhiên, để trở thành người đứng đầu rất gian nan và tốn kém.
Mà An-nam xứ “được quyền” không bổ nhiệm lãnh đạo chỉ giỏi mỗi chuyên môn.
3. Sau khi chán mấy vở tuồng thương vay khóc mướn về Cát Tường, về ngoại cảm, về án oan, về suy thoái kinh tế và sụt giảm ngân sách ở sân khấu nghị trường. Cảnh tiếp theo là tấu hài chất vấn. Vẫn sân khấu cũ, tuồng cũ. Thậm chí cũ từ cảnh vật đến con người.
Có điều, những kẻ có quyền lại “được quyền” lựa chọn nhân vật diễn xuất. Và dĩ nhiên, khán giả là cần lao đồng bào không thích cũng phải đi xem. Bởi vì, cần lao chỉ có “quyền được xem” mà “không được quyền chọn diễn viên”.
Sự a dua tuyệt đối, có thể là “quyền được a dua” của hơn 500 diễn viên vừa gây hài hước, vừa cho thấy sự nhẫn nhục ở những người có “quyền đại diện” cho hơn 90 triệu cần lao.
Hài hước ở chỗ, vừa la oai oái là sự việc kinh thiên động địa, sự việc nghiêm trọng, bla blô… nhoặng sân khấu nghị trường. Thế nhưng sẵn sàng quay ngoắt lại để chém gió những việc… không quan trọng.
Nhẫn nhục ở chỗ, họ có “quyền” không được nói không với “người có quyền quyết định”.
Chắc chắn rằng, cần lao sẽ được gắn với một quyền lực vô biên, cao cả và nhân văn. Đó là “quyền được gọi là ông chủ” của những đầy tớ uy quyền.
4. An-nam xứ hả hê với việc trúng cử Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc. Vẫn sự khoe khoang dị mọi, chỉ đánh lừa được cần lao mông muội khi bla blô… rằng, phiếu của xứ ta cao nhất. Chắc chả có phần thưởng nào của LHQ cho việc phiếu cao phiếu thấp.
Nhân quyền thể hiện sự văn minh nhất của một xã hội, một thể chế. Nhưng cũng là vấn đề nhạy cảm đối với các quốc gia đang phát triển. Bởi vì, sự đòi hòi của cần lao luôn cao hơn những gì chính quyền có thể đáp ứng.
An-nam xứ luôn có khẩu hiệu “Xây dựng nhà nước pháp quyền, dân chủ, văn minh”. Điều này là mong muốn của toàn bộ cần lao lẫn chính quyền, và phù hợp với vai trò thành viên của Hội đồng nhân quyền LHQ.
Nhân quyền - là khát vọng lớn nhất của mọi cần lao nhân loại. Cũng là khát vọng của các chính thể quốc gia hướng đến sự văn minh. Dĩ nhiên, sẽ không còn “quyền đứng trên pháp luật”, “quyền được tham nhũng”, “quyền phải phục tùng quyền lực” lẫn “quyền được tôn trọng quyền làm người của cần lao”.
Liệu rằng, những “quyền” của cần lao lẫn đầy tớ của cần lao nêu trên có là gánh nặng của An-nam xứ sau khi hết niềm vui chiến thắng???
© 2013 Baron Trịnh
Nguồn hình ảnh: Sưu tầm trên Internet.
0 comments:
Post a Comment
Đề nghị nhận xét bằng tiếng Việt có dấu. Cảm ơn!