Saturday, October 19, 2013

Café sáng thứ 7 (#19): Nhân tai và niềm tin thần thánh


1. Tang lễ tướng Giáp đã qua hơn một tuần, nhưng truyền thông và mạng xã hội xứ An-nam vẫn nhắc đến ông với sự tưởng nhớ và thương tiếc một vị tướng huyền thoại. Mặc dù, những thông tin trái chiều không phải là ít.
Nhiều hiện tượng “lạ” đã xảy ra sau tang lễ đại tướng. Ông PGS Đức “rùa” bi bô “Cụ rùa nổi lên để tiễn biệt đại tướng”. Báo chí đưa tin “Cây bằng lăng bỗng chốc úa màu tiễn đưa đại tướng” và “Kỳ lạ sắc trời Vũng Chùa - Đảo Yến sau tang lễ đại tướng”.
Báo Lao động đặt câu hỏi: “Truy phong đại tướng danh hiệu gì?”. Dựa trên câu nói của ông GS Vũ Minh Giang - phó chủ tịch Hội đồng Di sản quốc gia, báo Thanh niên đáp lời: “Dân tôn đại tướng là Thánh Võ”. GS sử học Lê Văn Lan quả quyết: “Đại tướng đã hóa thân từ Nhân Tướng thành Thánh Tướng”.
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước viết tâm thư đề nghị “phong Nguyên Soái cho đại tướng”. Hội tư vấn KHCN và quản lý Tp.HCM gửi đơn kiến nghị cùng chủ đề với tướng Thước.
Người viết, không dám bất kính với người đã khuất, nên nợ độc giả “Café sáng thứ 7” một lời bình luận.
Có điều, vẫn lấn cấn trong đầu mấy từ GS với PGS.

                          
2. Đề cập đến vụ Vinalines trong cuộc tiếp xúc cử tri ở Hải Phòng, Thủ tướng Dũng nói: “bất cứ ai tham nhũng phải xử lý nghiêm” và “đây là những ung nhọt trong một cơ thể, dù đau xót cũng phải cắt bỏ”.
Cơ quan điều tra đã làm rõ, trong vụ mua ụ nổi 83M với giá chênh hơn giá trị thực 5,7 triệu đô-la, ông Dương Chí Dũng và các lãnh đạo khác của Vinalines được lại quả 1,66 triệu đô-la. Trong đó, số tiền ông Dũng được hưởng là 10 tỷ đồng.
Đây chỉ là một thương vụ rất nhỏ của Vinalines, bởi vì trong thời gian ông Dũng làm Tổng giám đốc và Chủ tịch HĐQT, Vinalines đầu tư mua 73 tàu với tổng số vốn là 22.853 tỷ đồng (từ năm 2005 đến 2010), đầu tư 14 dự án cảng biển và cảng sông, 3 cơ sở sửa chữa tàu biển và xây dựng kho bãi (từ năm 2007 đến 2010). Trong đó dự án xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong có tổng mức đầu tư điều chỉnh là 6.177,6 tỷ đồng, dự án đầu tư xây dựng nhà máy sửa chữa tàu biển tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có tổng mức đầu tư điều chỉnh là 6.489 tỉ đồng (ụ nổi 83M nằm trong dự án này).
Năm 2012, kết quả thanh tra cho thấy Vinalines nợ tổng cộng 23.062 tỉ đồng và có nguy cơ không thể thanh toán.
Chỉ với một ụ nổi trị giá thực là 2,3 triệu đô-la (khoảng 39 tỷ năm 2007), Vinalines đã mua về và sửa chữa, nâng cấp lên tới 525 tỷ, và gây thiệt hại hơn 370 tỷ đồng. Thế nên, với hàng nghìn tỷ đồng đầu tư của Vinalines như nêu trên, không biết số tiền thất thoát và số tiền tham nhũng sẽ lớn đến mức nào?
Có một điều, ai cũng biết rằng, ông Dũng không thể một tay che trời. Hầu hết, các dự án của Vinalines được phê duyệt bởi Thủ tướng, nên sẽ có nhiều Bộ, ngành thực hiện thẩm định kỹ lưỡng trước khi trình Thủ tướng phê duyệt. Chưa kể các công tác thanh tra, giám sát trong quá trình thực hiện.
Xứ An-nam ưa chuyện thần thánh, có lẽ chuyện con voi chui lọt lỗ kim là có thật?

                           
3. Những hậu quả của cơn bão số 10 (bão Wutip) cuối tháng chín chưa kịp khắc phục. Miền Trung lại hứng chịu cơn bão số 11 (bão Nari).
Hơn chục người đã chết và mất tích, hàng trăm người bị thương, hơn mười nghìn ngôi nhà bị sập và tốc mái, cơ sở hạ tầng bị hư hại nặng nề. Chỉ tính riêng cơn bão số 11, thiệt hại của các tỉnh miền Trung ước tính hơn 1.500 tỷ đồng.
Bão chưa kịp tan thì người dân lại phải gồng mình chống đỡ lũ lụt. Hàng nghìn ngôi nhà bị ngập trong biển nước, mùa màng bị mất trắng, tài sản trôi theo dòng nước lũ. Người dân cả nước lại chung tay đóng góp từng đồng chia sẻ với mất mát và khó khăn của đồng bào vùng bão lũ.
Bão, là thiên tai không thể tránh. Nhưng lũ lụt, không chỉ là thiên tai mà còn cả nhân tai. Theo đánh giá của các nhà khoa học, để sản xuất 1MW điện (từ thủy điện) phải mất trung bình 10 ha rừng. Hiện tại, xứ An-nam có 260 thủy điện đang vận hành với công suất khoảng 11.000 MW. Điều đó có nghĩa, khoảng 110.000 ha rừng đã bị tàn phá để xây thủy điện.
Phá rừng và xả nước từ hồ chứa của thủy điện là hai nguyên nhân chính gây lũ lụt nghiêm trọng. Những thiệt hại về người và tài sản do lũ lụt trong khoảng 5 năm trở lại đây, nguyên nhân đều bắt nguồn từ việc xây dựng ồ ạt thủy điện.
Thiên tai, có thể tránh. Còn nhân tai, tránh thế nào đây?

                                  
4. Tổng cục đường bộ VN vừa đệ trình lên Bộ GTVT dự án xây dựng “trục đường tâm linh Mỹ Đình - Bái Đính” với kinh phí lên đến 4.300 tỷ đồng. Lại một dự án nghìn tỷ.
Việc phát triển hệ thống giao thông đường bộ là cực kỳ cần thiết, vì giao thông là huyết mạch của nền kinh tế quốc dân. Tuy nhiên, theo thuyết trình của chủ đầu tư, mục tiêu của dự án này để phục vụ cần lao thủ đô nghìn năm vật lộn đi chùa Bái Đính… lễ phật?!
Trong buổi tiếp xúc cử tri Tp.HCM, ông Trương Tấn Sang - Chủ tịch nước nói: “Chúng tôi có lỗi lớn, nhưng cô bác anh chị cũng phải nghĩ về trách nhiệm của mình, cùng hệ thống chính trị đấu tranh chống tham nhũng”. Phải chăng, phòng chống nhân tai lại là trách nhiệm của cần lao?
Thiết nghĩ, việc xây dựng tuyến đường trên là cần thiết. Bởi vì, khi “trục đường lòng tin” chưa đến với cần lao xứ An-nam. Họ, cần lắm một “trục đường tâm linh” để tìm niềm tin ở thần thánh.

                                  
5. An-nam xứ sở hình chữ S, có phải được sinh ra để chịu sự trừng phạt? Cần lao xứ này, ngày qua ngày oằn mình chống chọi với thiên tai. Đã thế, còn gánh trên vai trách nhiệm chống lại nhân tai.
Thế nên, cần lao xứ này luôn cầu mong xuất hiện một Sơn Tinh hay Thánh Gióng. Và việc thần thánh hóa một nhân vật cũng không nằm ngoài sự ao ước tột đỉnh đó.
Đấy chính là niềm tin, là liều thuốc thần diệu có thể giúp họ gượng đứng dậy thu dọn những đổ nát sau tàn phá của thiên tai và tiếp tục cày sâu cuốc bẫm để trả nợ cho nhân tai.
Cần lao, bao giờ mới hết kiếp đọa đày???

© 2013 Baron Trịnh
Nguồn hình ảnh: Sưu tầm trên Internet.

0 comments:

Post a Comment

Đề nghị nhận xét bằng tiếng Việt có dấu. Cảm ơn!