Saturday, July 6, 2013

Café sáng thứ 7 (#7): Có hay không những bi kịch?

1. Vẫn như mọi năm, cứ đến đầu tháng 7 là mùa thi đại học. Các gia đình có con em dự thi sẽ nằm trong 3 tâm trạng: vui mừng, nháo nhác hay lo lắng.
Phần lớn các thi sinh đi thi có một người lớn đi kèm. Các chi phí bắt buộc như tiền tàu xe, tiền trọ, tiền ăn, lệ phí,… Với 1 thí sinh cách địa điểm thi 200 km, cả đi về tối thiểu là 5 ngày sẽ chi phí trung bình cho 2 người khoảng 3 triệu. Hàng nghìn tỷ đồng được chi ra để tổ chức kỳ thi.
Mỗi năm, trung bình có gần 1 triệu thí sinh đăng ký thi đại học, khoảng một nửa đậu đại học. Nghĩa là cứ 2 thí sinh đi thi lấy 1 người.
Số còn lại, ngoài những người không buồn đi học, còn bất cứ ai học trung cấp hay cao đẳng đều có thể liên thông lên đại học. Nghĩa là xứ Việt dần tiến tới phổ cập đại học toàn dân.
Thi đại học đã hoàn thành vai trò lịch sử là tuyển chọn những người giỏi vào học đại học, để đào tạo ra những lao động chất xám thực thụ. Khi đó, hàng chục thí sinh đi thi mới có một người đỗ đại học. Và kỳ thi thực sự có ý nghĩa.
Bây giờ, 2 thi đỗ 1 thì chả biết thi còn có ý nghĩa gì. Tại sao không bỏ quách kỳ thi đại học đi (cũng như bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT). Dựa trên bảng điểm tổng kết trung bình 3 năm học THPT, lấy nửa trên là đủ tiêu chuẩn đi học đại học. Và cho các trường đưa ra tiêu chí xét tuyển. Ví dụ trường ĐH Bách khoa chỉ nhận những học sinh có điểm tổng kết trung bình 8,5, còn dạng lìu tìu đủ tiêu chuẩn học đại học thì vào học các trường dân lập.
Nếu làm như thế, vừa không phải tổ chức kỳ thi tốn kém và căng thẳng, gây thiệt hại cho xã hội và gia đình các thí sinh, vừa tạo điều kiện cho người học được chọn trường, chọn ngành, vừa phân loại được sinh viên tương ứng với đẳng cấp của từng trường đại học.
Đáng ra, đào tạo sau phổ thông phải theo tháp hình chóp. Ấy thế ở xứ Việt lại đào tạo theo hình ống, thậm chí hình chóp ngược. Thế mới thấy của nền giáo dục sau phổ thông xứ Việt là đi ngược lại với sự phát triển giáo dục hiện đại ở các nước tiên tiến.
Có phải đây chính là bi kịch của một nền giáo dục què quặt?


2. Công viên Đồng xanh ở thành phố Pleiku tỉnh Gia Lai đúc một loại tượng các vua Hùng và các tấm bia chú dẫn. Một công việc rất có ý nghĩa, theo đúng đạo lý người Việt là “chim có tổ, người có tông”.
Ấy nhưng vấn đề các tấm bia ghi tuổi các vua Hùng lại làm cho những người đọc thấy rất phản cảm, phi khoa học, phi lịch sử và hoang đường. Tuổi thấp nhất của các vị vua là 217 tuổi (Hùng Nghị Vương), tuổi cao nhất là 692 tuổi (Hùng Chiêu Vương).
Bên cạnh đó, các tấm bia này cũng nêu các vua này có hàng chục bà vợ và hàng trăm người con.
Các thông tin được trích dẫn trên bia có nguồn từ tác giả Vũ Kim Biên trong cuốn sách “Giới thiệu khu di tích lịch sử đền Hùng” do Sở Văn hóa - thông tin Phú Thọ xuất bản năm 2006.
Có lẽ sự việc đã quá rõ ràng, và không cần phải bàn luận quá sâu. Một sự hoang đường, phản khoa học và ngu dốt về lịch sử không chỉ dừng lại ở một vài kẻ dốt nát nghĩ ra sự hợp lý trong truyền thuyết lịch sử để lừa bịp cần lao đồng bào nữa, mà nó lan rộng ra và được chấp nhận bởi các quan chức quản lý lịch sử - văn hóa xứ Việt.
Đời sau có thơ rằng:
Chung quy cũng bởi vua Hùng
Sinh ra một lũ vừa khùng vừa điên
Người giỏi thì họ ở im
Còn lũ dốt nát liên thiên điên khùng
Một dân tộc vẫn lấy sự hoang đường, quái dị để giải thích nguồn gốc của mình thì muôn đời không thoát được kiếp man di mọi rợ chứ đừng mong gì vươn ra biển lớn.
Có phải đây chính là bi kịch người dân xứ Việt quay lưng lại với lịch sử dân tộc Việt?


3. Hà Nội lại ra chính sách thu hút người tài, và đã được Hội đồng nhân dân ra quyết nghị.
Thông tin ban đầu, thủ đô sẽ trả lương gấp 20 lần lương cơ bản cho một tiến sỹ về làm việc. Nghĩa là, mức lương tương đương khoảng 1.100 đô la Mỹ/tháng.
Có lẽ cảm thấy hố khi báo chí giật title đùng đùng, quyết nghị cuối cùng là hỗ trợ lần đầu bằng 20 lần lương cơ bản. Như thế có nghĩa là 1 tiến sỹ về làm việc cho thủ đô sẽ được nhận ngay 1.110 đô la Mỹ (còn lương thì vẫn theo hệ số của nhà nước).
Hà Nội cũng đã từng nổi tiếng với mục tiêu 100% cán bộ do thành ủy quản lý là tiến sỹ. Và có lẽ, cái học vị tiến sỹ như một nỗi ám ảnh của lãnh đạo thủ đô nên cứ mở mồm ra phải là “tiến sỹ”.
Có thể nói, chính sách này được xây dựng bởi những kẻ có học vị tiến sỹ, nhưng kiến thức chỉ ở mức trung cấp. Với những kẻ này, chỉ có thể chốt lại ở một câu: Vừa ngu dốt, vừa hợm hĩnh.
Tại sao lại mắng chúng nó như thế, và chúng nó có đáng mắng không?
Một tiến sỹ “thật” ở xứ Việt này sử dụng kiến thức chuyên môn kiếm một vài nghìn đô la Mỹ một tháng là việc rất bình thường. Những kẻ không kiếm nổi 1.000 đô la Mỹ/tháng chỉ có 2 loại: Một là những người rất giỏi nhưng “khùng”, coi tiền như rác rưởi và không buồn kiếm tiền, loại này cực hiếm ở xứ Việt, chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay; Hai là những tiến sỹ “giả” (vì dùng/mua bằng dởm).
Thế nên, chả có tiến sỹ “thật” nào điên chạy về thủ đô để nhận hỗ trợ 1.100 đô la Mỹ cả.
Mặt khác, một tiến sỹ “thật” là người chuyên sâu vào một lĩnh vực hẹp và trí tuệ của họ được sử dụng để phát minh, sáng chế ra những “sản phẩm” có giá trị cao cho xã hội. Chứ chỗ ngồi của họ không phải là quản lý hay công chức lìu tìu ở mấy phòng ban của thành phố.
Một nhà quản lý giỏi, đặc biệt là quản lý nhà nước, không cần học vị tiến sỹ. Cái cần ở họ là một người có tư duy sâu và rộng, nắm bắt vấn đề nhanh, đưa ra được quyết định và chịu trách nhiệm với quyết định đó,... Những điều này chỉ có trong những người có “tố chất lãnh đạo” chứ không phải có trong một tiến sỹ.
Vì vậy, chính sách này đưa ra vô hình trung lại là cơ hội cho những kẻ dốt nát, sử dụng bằng tiến sỹ “dởm” được mua từ những trường lừa để chui vào nhà nước mua quan bán chức và tham nhũng. Chỉ có những kẻ như vậy mới không hiểu giá trị thực sự của một tiến sỹ “thật” và mới đề xuất và thông qua những chính sách dở người như trên.
Thiếu năng lực nhưng bội thực tiến sỹ “dởm”, đây có phải là bi kịch của thủ đô xứ Việt?


4. Đã xuất hiện những dấu hiệu cho thấy nhà nước đang bị suy giảm ngân sách. Điều này thể hiện qua việc mức thu ngân sách trong 6 tháng đầu năm chỉ đạt 39,8% kế hoạch năm.
Hai đầu tàu kinh tế lớn nhất nước là TP. HCM và Hà Nội ảm đạm không kém. TP. HCM chỉ thu được 44,9% kế hoạch năm, còn Hà Nội chỉ đạt 38,8% kế hoạch năm.
Có lẽ, học sinh cấp 3 cũng nhìn thấy sự mất cân đối trong thu chi ngân sách, và cũng đặt ra được câu hỏi: Chính phủ và các tỉnh thành lấy tiền đâu để duy trì hoạt động công?
Hiện tượng một số tỉnh thành đã phải vay nợ để trả lương cho công chức, viên chức trong thời gian qua không còn hiếm nữa.
Một nhiệm kỳ rưỡi đã trôi qua, chính phủ của Thủ tướng Dũng đã làm được những gì? Mọi sự so sánh đều là khập khiễng, nhưng có thể thống kê một vài con số để tham khảo.
- Năm 2006, giá vàng trung bình 12 triệu/lượng (cây), giá xăng trung bình 8.500 đồng/lít, giá điện trung bình 842 đồng/kWh, giá lúa trung bình 2.700 đồng/kg, tỷ giá đô la trung bình 16.000 đồng/đô la,…
- Tính đến hết tháng 6 năm 2013, giá vàng trung bình 42 triệu/lượng (cây), giá xăng trung bình 24.110 đồng/lít, giá điện trung bình 1.437 đồng/kWh, giá lúa trung bình 5.043 đồng/kg, tỷ giá đô la trung bình 21.036 đồng/đô la,…
Cũng trong thời gian này, những “quả đấm thép” Vina của nền kinh tế quốc dân được Thủ tướng Dũng kỳ vọng lần lượt tạo ra những món nợ khổng lồ hàng nghìn tỷ đồng, cũng như thất thoát toàn bộ vốn nhà nước đầu tư từ nguồn vốn vay nước ngoài hay phát hành trái phiếu của chính phủ.
Ngân sách nhà nước trong thời gian qua chủ yếu thu từ 2 nguồn: Tiền thuế và tiền bán tài nguyên thô. Trong hơn 1 năm qua đã có hơn 100 nghìn doanh nghiệp phá sản và giải thể. Tài nguyên ngày càng cạn kiệt, than đã gần hết, khoáng sản còn rất ít (đến mức khai thác cả bauxite), dầu mỏ giảm sản lượng xuất khẩu. Thu ngân sách không giảm mới là lạ.
Hàng tỷ đô la tiền vay nước ngoài, tiền trái phiếu chính phủ được đầu tư vào những dự án “khủng” đã bị mất (như Vinashin) hoặc không sinh ra lãi (như bauxite),… Khủng hoảng bất động sản làm ứ đọng hàng tỷ đô la ở nhà đất. Nợ vay nước ngoài đã đến kỳ hạn trả (từ năm 2010).
Tình trạng lạm phát quá cao khiến chính phủ không dám in thêm tiền. Vàng dự trữ quốc gia được đem ra đấu thầu để thu tiền trong dân như muối bỏ bể. Nợ công lên tới 128,9 tỷ đô la, bằng 106% GDP.
Ngân sách thu như thế có khi còn không đủ để vận hành hệ thống quản lý nhà nước, lấy đâu tiền đầu tư và trả nợ đây?
Có hay không bi kịch khủng hoảng kinh tế sẽ rơi xuống đầu cần lao xứ Việt?


© 2013 Baron Trịnh
Nguồn hình ảnh: Sưu tầm trên Internet.

0 comments:

Post a Comment

Đề nghị nhận xét bằng tiếng Việt có dấu. Cảm ơn!