Saturday, June 29, 2013

Café sáng thứ 7 (#6): Mạng người, nhân cách và tư duy bầy đàn

1. Tuần qua, lại có nhiều vụ việc đau lòng từ các bệnh viện.
Một cháu bé 10 tuổi bị tử vong “bất thường” trong bệnh viện đa khoa Thủ Đức. Nguyên nhân gây tử vong còn chờ kết quả giám định pháp y và kết luận của cơ quan điều tra. Tuy nhiên, dư luận đặt dấu hỏi cho sự bất thường này, vì gia đình đã thông báo cháu bé có tiền sử tim bẩm sinh và hen phế quản với các bác sỹ thực hiện gây mê và nội soi, nhưng không nhận được một yêu cầu cam kết hay cảnh báo từ các bác sỹ.
Một cháu bé hơn 2 tuổi phải ra Hà Nội tiếp tục chữa trị. Cách đây hơn 1 năm, các bác sỹ bệnh viện Cam Ranh trong ca phẫu thuật khắc phục thoát vị bẹn, đã cắt nhầm gần hết bàng quang của bé, dẫn đến tai biến rất nguy kịch.
Bác sỹ bệnh viện đa khoa Bình Phước bị tố cáo tắc trách làm bé sơ sinh tử vong. Phụ sản khi nhập viện đã vỡ nước ối, rất đau. Gia đình đã đề nghị mổ gấp nhưng không được các bác sĩ chấp nhận , đến khi phụ sản ngất xỉu thì mới cho mổ. Kết quả là cả mẹ lẫn con đều trong tình trạng nguy kịch, phải chăm sóc đặc biệt. Cháu bé được chuyển xuống bệnh viện Nhi đồng II và bị tử vong với nguyên nhân chết do sinh ngạt, viêm phổi kết, căng động mạnh.
Những rủi ro nghề nghiệp trong ngành y không phải là hiếm. Đối với một bác sỹ, tính mạng bệnh nhân và danh dự nghề nghiệp phải là quan trọng nhất. Thế nhưng, môn học y đức, lời thề Hippocrates và chữ “từ mẫu” ngày càng trở thành những thứ xa xỉ đối với đại đa số các bác sỹ xứ Việt.
Có lẽ, không có bệnh viện nào trên thế giới, tính mạng bệnh nhân lại bị xem rẻ đến vậy!


2. Một thanh niên đang điều khiển xe máy trên đường. Một cậu bé 3 tuổi từ trong vỉa hè lao ra, do không xử lý kịp nên đã gây ra va chạm. Tình huống bất ngờ này, rất khó để xử lý kịp, và tất nhiên không thể quy lỗi hoàn toàn cho người đi xe máy.
Người thanh niên này phải là người có trách nhiệm (chưa nói là người tốt) thì mới dừng lại để chở hai mẹ con cậu bé vào bệnh viện, trả tiền viện phí để cậu bé kiểm tra. Kết quả vụ va chạm là cậu bé chỉ trầy xước nhẹ, không có vấn đề gì nghiêm trọng.
Ấy thế mà chưa hiểu đầu cua tai nheo, cậu này bị 6 thanh niên là người nhà của cậu bé lao vào hành hung, và những kẻ cô đồ kia đã dã man túm đầu cậu đập liên tiếp vào bồn hoa đến mức gãy cổ và gây tử vong.
Điều đáng nói là cả mẹ cậu bé, bảo vệ bệnh viện và những người khác không ai dám vào can ngăn, phân bua cho cậu ta. Chí ít, mẹ của cậu bé biết rõ cậu ta không có lỗi và là người tốt trong trường hợp này. Sự vô cảm, vô trách nhiệm này đã và đang tồn tại trong xã hội. Cái ác đang lấn át và chi phối các hoạt động của xã hội, và nạn nhân chắc chắn là những người lương thiện.
Ở đâu trên thế giới cũng có bạo lực, có tội phạm và có những cái chết. Nhưng những kiểu phạm tội và những cái chết ở xứ Việt thật rẻ rúng và bất nhẫn. Còn nhớ Phó giám đốc Sở công an TP.HCM nói rằng tội phạm gia tăng một phần là do chính sách đặc xá tha tù, vì nhà tù quá tải nên mới phải đặc xá, chứ không phải do cải tạo tốt.
Làm người tốt để rồi bị chết, có đáng không?

3. Dư luận lại một lần nữa xôn xao khi tỉnh Nam Định nói không với bằng tại chức trong thi tuyển công chức. Nhiều ý kiến đồng thuận nhưng cũng không ít ý kiến phê phán.
Những người phê phán cho rằng đây là việc không công bằng và kỳ thị giữa bằng cấp chính quy và phi chính quy, giữa chính quy hệ công lập và chính quy hệ dân lập.
Những kẻ phê phán vén váy nhảy ngược lên khi nghe ông Chủ tịch tỉnh lỡ miệng nói lý do không nhận bằng tại chức vì “Nam Định là tỉnh học quá giỏi”, và suy diễn kiểu “ông ấy nói tỉnh ông ấy học giỏi hóa ra chê mình và tỉnh mình học dốt”. Vẫn cái kiểu ghen ăn tức ở rất bần tiện.
Lâu nay dư luận vẫn luôn ra rả ca thán, chửi mắng cơ chế và cơ quan công quyền, thậm chí cá nhân các công chức khi mà họ gặp những phiền hà, nhũng nhiễu khi thực hiện các thủ tục hành chính. Và chất lượng cán bộ công chức hiện nay như thế nào thì ai cũng biết.
Chắc chắn rằng, những người học tại chức nghiêm túc, có kiến thức thật sự từ quá trình học chẳng quan tâm đến việc này, vì họ đã khẳng định được họ trong công việc, trong cuộc sống.
Thế nên, chỉ những kẻ bất tài, ngu dốt và tự ti mới gào lên phản đối. Những kẻ này “cảm thấy” bị xúc phạm khi tiếp tục suy diễn rằng, nói tại chức kém năng lực và thiếu kiến thức chính là ám chỉ vào chính họ.
Rất buồn, vì loại này phần lớn lại là các quan chức và công chức.

3. Chuyện lạ đời xảy ra ở thủ đô nghìn năm vật lộn. Giám đốc một hiệp hội bé tý tẹo dám gửi công văn cho Thường vụ Thành ủy và UBND TP. Hà Nội để “nhắc nhở” về các mối quan hệ trên trung ương của một số địa phương liên quan đến việc vận tải hành khách.
Công văn nêu rất rõ là: “Phải lưu ý đến các mối quan hệ: Thái Bình là quê của 1 Phó Thủ tướng, 1 Bộ trưởng, 2 Thứ trưởng Công an, Nam Định là quê của 1 Phó Thủ tướng, 3 Bộ trưởng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung Ương, Phó Ban Kinh tế Trung ương…”.
Càng buồn cười hơn khi ông chủ tịch hiệp hội này nói rằng văn bản này bị thêm vào đoạn trên mà ông không hề biết, trong khi chữ ký của ông ta rành rành ở dưới. Đồng thời ông này lại trưng ra một văn bản khác đã bỏ đoạn này.
Lâu nay, báo chí tốn không ít giấy mực để tìm xem “nhóm lợi ích” đang ở đâu, như thế nào? Có lẽ câu chuyện trên là một minh chứng rõ ràng nhất về nhóm lợi ích.
Nhớ lại vụ việc về Đàn Xã Tắc, ông chủ tịch hiệp hội này đã từng bị ông nghị Dương Trung Quốc chửi là “ngu”. Tiếc rằng, những kẻ “ngu” như thế lại nằm trong đường dây của các nhóm lợi ích.
Câu nói “Việt Nam là nước khó phát triển”, đúng lắm thay.

4. “Nghi án” một Phó Giáo sư, Phó viện trưởng một Viện thuộc đại học Kinh tế quốc dân đạo luận án tiến sĩ của một tiến sỹ ở Học viện Ngân hàng. Nhìn những nội dung trùng lặp của 2 quyển luận án, có thể khẳng định 100% là “đạo” chứ không còn là “nghi án” nữa.
Người ngoài cuộc, có thể thấy vấn đề trên thật ghê gớm, và đặt ra câu hỏi: Một PGS mà đi đạo văn thế thì dạy dỗ như thế nào đây?
Xin thưa rằng, ở cái xứ Việt này, trong lĩnh vực kinh tế - xã hội, đến 80% các luận án tiến sỹ, thạc sỹ ở trong nước được “đạo” từ luận án nước ngoài và “đạo lẫn nhau”. Thói quen thích lấy cái của người khác làm cái của mình đã là bản tính của con người xứ Việt, và tất nhiên không trừ lĩnh vực học thuật.
Sự háo danh, sính bằng đến mức rất nhiều quan chức, doanh nhân bỏ tiền ra mua bằng rởm của các trường lừa. Thế nên không lạ khi một quan chức chả thấy đi học bao giờ bỗng nhiên có bằng tiến sỹ, hay một con buôn chả học hành gì nhưng các-vi-dít vẫn in trước họ tên chữ “tiến sỹ”.
Nhớ hồi trước có một ông giáo sư kinh tế, là thành viên Hội đồng chức danh giáo sư Quốc gia, kiện một PGS và một TS đạo giáo trình của ông ta. Nhưng sự thật, ông ta lại đạo 100% một giáo trình ở nước ngoài (dịch nguyên bản) mà không thèm ghi lấy một dòng tên của tác giả “thật”.
Chắc chắn đây là một vụ “chơi xấu nhau” nên mới lôi cái trò này trưng lên báo chí. Chứ những người trong cuộc, ai mà chả biết bản chất thật sự của mấy cái luận án tiến sĩ ngành kinh tế với xã hội.
Luận án, giáo trình ở xứ Việt, không đạo mới là lạ.
(Bonus thêm câu chuyện này: Một hôm đến nhà một đồng nghiệp là PGS, thấy ông ấy sửa luận án cho nghiên cứu sinh và chửi: Cụm từ “phấn đấu đạt” các chỉ tiêu là của báo cáo quy hoạch đến năm 2010, bây giờ là năm 2012 thì phải sửa lại là “đã đạt” chứ, làm NCS gì mà dốt thế).

5. Báo chí rầm rộ đưa tin về vụ xét xử cô hoa hậu vùng và mấy cô người mẫu về tội bán dâm và môi giới mại dâm. Hành vi mua bán dâm và môi giới mại dâm bị pháp luật ngăn cấm, nên các cô gái trên đã vi phạm pháp luật và phải bị xét xử. Chuyện chả có gì phải nói.
Ấy thế nhưng báo chí lại đua nhau khai thác về đời tư mấy cô hoa hậu, người mẫu này. Nào là mỗi lần bán dâm được mấy nghìn đô, cách thức bán dâm như thế nào, rồi trưng lên mặt báo gốc gác, họ hàng, gia cảnh của họ. Nếu có thể, họ đã viết những bài mô tả chi tiết kiểu làm tình ưa thích, size đàn ông nào phù hợp hay cái “phụ khoa” của mấy cô này hình dáng, kích thước, màu lông,… như thế nào.
Dư luận được thể đua nhau chê bai, dè bỉu, khinh bỉ các cô gái nọ, gán cho họ là những phần tử xấu xa, bỉ ổi, thiếu đạo đức, thiếu nhân cách, lười lao động nhưng thích ăn ngon mặt đẹp, làm ảnh hưởng thuần phong mỹ tục, ảnh hưởng đến phẩm hạnh của phụ nữ Vịt,...
Xã hội hiện đại, có cung ắt có cầu, có những người bỏ ra vài nghìn đô mua dâm, ắt có người bán dâm xứng đáng với vài nghìn đô đó. Tiền nào của nấy, không thể đánh đồng hoa hậu người mẫu với phò cỏ được, cho dù bản chất bán dâm giống nhau. Và các cô ấy chỉ bán cái tự có, không quỵ lụy van xin, không lừa đảo trộm cắp.
Điều đáng nói là những kẻ đạo đức giả đang khinh miệt, dè bỉu các cô gái này. Những kẻ luôn rao giảng đạo đức xã hội bằng lời nói, ngòi bút hay cuộc sống đạo mạo, tử tế, phẩm hạnh. Nhưng đàng sau vẻ đạo đức đó, những kẻ này lại làm những việc trái với những gì họ nói, họ viết, họ sống như tham ô, tham nhũng, hối lộ và nhận hối lộ, gạ tình, ép tình, dâng tình, ngoại tình,…
Xét cho cùng, dù không khuyến khích hoạt động này, nhưng mấy cô gái bán dâm kia còn có đạo đức, nhân cách hơn khối kẻ suốt ngày vỗ ngực là có nhân cách, có đạo đức, có phẩm hạnh, nhân danh báo chí nhưng lại làm những chuyện xấu xa nêu trên.
Lời bình luận “Tận cùng của sự khốn nạn!” của một Facebooker là người trong làng báo hình cho tấm ảnh các phóng viên kền kền quây kín vành móng ngựa chụp ảnh cô hoa hậu này đã nói lên tất cả.
Những kẻ đạo đức giả đó, có tự dành cho họ “một phương”?


6. Cộng đồng Facebook sốt sình sịch khi một Facebooker tung mấy clip sốc như không mặc áo ngực nhảy Gentleman, làm y tá sexy hay thuyết trình về sinh lý. Chỉ trong vòng mấy ngày, fanpage của cô gái này lên tới gần 200 nghìn thành viên với hàng nghìn lượt share các clip nêu trên.
Trên Facebook lại diễn ra hai trạng thái. Cánh đàn ông từ trẻ trâu chưa ráo máu đầu đến già hói rụng răng đua nhau like, đua nhau bình loạn với những ngôn từ tình ái rẻ tiền, ví dụ như cô ta có bơm ngực không, đầu vú hồng hay thâm,... Cánh đàn bà từ mãn tin tin đến mãn kinh đua nhau dè bỉu, chê bai, khinh bỉ với những ngôn từ hằn học, ghen ghét kiểu cái loại đàn bà lăng loàn mất nết thì mới khoe vú khoe ngực cho thiên hạ ngắm.
Chưa dừng lại ở đó, báo chí lá cải và các hot-blog cũng vào cuộc. Người khen kẻ chê, lũ kền kền lá cải lại được phen moi móc đời tư, họ hàng hang hốc của cô gái này. Nghi án cô gái tạo scandal để tiến vào showbiz được phân tích ngọn ngành, tỷ mỷ cùng hình ảnh minh chứng. Đâu đó lại có thêm mấy gã luật sư mồm thối tát nước theo mưa cho rằng cô gái này có thể bị truy tố vì hành vi “truyền bá đồi trụy”.
Trong một xã hội ở thời kỳ quá độ về hội nhập văn hóa với thế giới hiện đại bên ngoài, những thước đo truyền thống bị mai một, bị đảo ngược là điều khó tránh khỏi, và sẽ được thiết lập lại khi xã hội đã đạt mức phát triển hiện đại. Những bài học của Nhật, Hàn hơn 30 năm trước đã minh chứng điều đó, và xứ Vịt không nằm ngoài xu thế này.
Vấn đề ở đây là thói a dua bầy đàn, ghen ăn tức ở, tọc mạch chuyện người khác của dân tình xứ Vịt.
Xét cho cùng, cô gái này là người bình thường, không có dấu hiệu tâm thần hay hoang tưởng và đã thừa tuổi để chịu trách nhiệm về hành động cá nhân của cô ta trước gia đình và xã hội. Việc cô ta làm vì muốn nổi tiếng trên Facebook hay có âm mưu để bước vào showbiz là quyền của cô ta, và pháp luật không cấm.
Mỗi lĩnh vực đều có chuẩn mực và thước đo riêng, nếu cô gái này có năng khiếu trong con đường ca hát thì chắc chắn sẽ thành công. Còn nếu không, những bài học như Phi Thanh Vân hay Lê Kiều Như vẫn còn sờ sờ trước mắt, và chính cô ta tự đào thải mình.
Rõ ràng, việc cô gái này không mặc xu-chiêng hay trở thành ca sĩ không làm hại đến ai, không cướp cơm của ai, cũng không giật chồng của ai. Một con người có đầy đủ tri thức, nhìn nhận được xã hội ở đa góc độ sẽ không quan tâm đến mấy cái clip này, có nhìn thấy cũng chỉ lướt qua như là giải trí, cũng như họ không nghe và không điên để trả tiền nghe cô ta hát nếu không xứng đáng.
Chắc chắn rằng, không ít những gã đàn ông đang dán mắt vào mấy clip đó, nuốt nước bọt và ước ao được một lần sờ vào bộ ngực khủng của cô ta, bần thần người khi so sánh với mấy chũm cau, quả mướp của vợ, của bạn gái, thậm chí của nhân tình. Và cũng chắc chắn rằng, không ít những mụ đàn bà, vênh bộ mặt được ngụy trang bằng mỹ từ “đạo đức” chửi rủa, miệt thị cô gái này, chợt chùng lòng ước ao giá mà mình cũng có bộ ngực to và đẹp như cô ta.
Một dân tộc mà giấc mơ con trong tiềm thức của những gã đàn ông là quả cà tím, những mụ đàn bà là quả bưởi da xanh. Luôn tỏ ra đạo đức bằng sự ghen ghét đố kỵ và a dua bầy đàn. Thước ngắm cuộc đời chuyển từ đít trâu lên way tàu chở nước mắm. Thì dân tộc này nghìn năm nữa vẫn đánh vật với cơm hẩm cá khô chứ đừng mơ tưởng vươn ra biển lớn và mong chờ có một mùa hoa cứt lợn nở.
Bi kịch của dân tộc này sẽ còn mãi quằn quại bởi những “giấc mơ con”!



7. Copy một câu nói của ai đó trên mạng: Ở xứ này, mọi thứ đắt đỏ, chỉ có mạng người và nhân cách là rẻ rúng!!!

© 2013 Baron Trịnh
Nguồn hình ảnh: Sưu tầm trên Internet.

0 comments:

Post a Comment

Đề nghị nhận xét bằng tiếng Việt có dấu. Cảm ơn!