Cho dù lò tôn có nóng rừng rực, cho dù nhiều con đường của PVN đã đi qua OceanBank thì BOT giao thông đã hoàn thành sứ mạng lịch sử của nó. Nói thế vì thời hoàng kim của BOT, bộ Lộ được điều hành bởi Đinh đại nhân.
Nhiều nhảm bàn cho rằng, dù có được phép hồi tố cũng khó mà chạm đến tường thành của BOT. Thứ củi này cực khó cháy, chưa kể lại kén lò.
Người ta đang nói về “cơ chế đặc thù” và “sự cấp thiết” để giải thích sự phù hợp của việc “tù mù” đang được dư luận bàn tán.
Sắp tới phí BOT có thể giảm sâu, nhưng đổi lại là lợi thế về thời gian. Tiền của dân cả, chạy đi đâu mà vội.
Trang cuối của chương BOT sẽ được khép lại trong thời gian rất gần. Và cánh tài xế lại từ tốn dừng ở trạm thu phí, một thói quen như sáng dậy phải đánh răng.
Nhiều người hỏi, sau BOT sẽ là cái gì?
Sẽ có nhiều hình thức kêu gọi đầu tư mới, nhưng đang rộ lên là hợp đồng BT theo hình thức đối tác công tư (PPP). Còn hợp đồng BT là gì thì vui lòng hỏi đốc-tờ Gúc.
BOT chỉ là nhặt tiền lẻ để bù giá, là tiền của người sử dụng đường, còn BT là đất. Nên nhớ, đất là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý.
Thời gian gần đây, các dự án BT đang được đề xuất rầm rộ, chủ yếu ở các thành phố lớn, toàn nghìn tỷ cả.
Và lại thấy nhiều nơi đang xin Chính phủ “cơ chế đặc thù” để kêu gọi đầu tư.
Việc thực hiện BT là đúng đắn và cần thiết để phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Nhưng nó phải được làm đúng, làm đủ, minh bạch và công khai.
Bởi nếu xảy ra tình trạng “tù mù”, so với BT, BOT chỉ là muỗi.
© 2017 Baron Trịnh
Nguồn hình ảnh: Sưu tầm trên internet.
0 comments:
Post a Comment
Đề nghị nhận xét bằng tiếng Việt có dấu. Cảm ơn!