Phố Hàng Bạc được hình thành từ thế kỷ 18, là nơi tập trung những người thợ kim hoàn giỏi tạo ra nhiều đồ trang sức tinh sảo, đẹp và nổi tiếng của Hà Nội cổ.
Phố Hàng Bạc ngày trước có ba nghề khác nhau: nghề đúc bạc nén, nghề kim hoàn và nghề đổi tiền.
Nghề đúc bạc ở phố này chấm dứt vào đầu thế kỷ thứ 19, khi Gia Long dời đô vào Huế.
Nghề đổi tiền kéo dài tới thời Pháp thuộc, vì vậy người Pháp còn gọi phố này là phố những người đổi tiền (Rue des Changeurs).
Còn nghề kim hoàn (gồm 3 loại hình nghề: Nghề chạm tức là chạm trổ những hình vẽ hoa văn trên các đồ vật trang sức hay đồ dùng bằng vàng bạc; Nghề đậu tức là kéo vàng bạc đã nung chảy thành những sợi chỉ rồi chuyển thành những hình hoa, lá, chim muông gắn vào những đồ trang sức; Nghề trơn tức là làm những đồ vàng bạc không cần chạm trổ, chỉ “cườm” cho nhẵn bóng trơn tru) vẫn còn kéo dài đến tận ngày nay.