1. Theo thống kê của VNNIC, An-nam có hơn 31 triệu người sử dụng internet.
Còn thống kê của Facebook cho thấy, mỗi ngày An-nam có 20 triệu lượt người dùng FB, trong đó khoảng 75% người dùng nằm trong độ tuổi 18-34.
2. Trong 2 năm trở lại đây, nhiều vấn đề xã hội đã được cộng đồng FB bạch hóa. Mặc dù vẫn có cả mặt tích cực và tiêu cực, nhưng đã gây được tiếng vang nhất định. Ví dụ vụ đề nghị bộ trưởng y tế từ chức, vụ con ruồi Tân Hiệp Phát, vụ lấn lấp sông Đồng Nai, vụ chặt cây xanh ở Hà Nội,... Kể các các vụ nho nhỏ cũng khiến những cá nhân, tổ chức phải dè chừng và xem lại mình, như vụ nghi vấn một tổ CSGT Hà Nội dùng taxi bẫy người đi đường để phạt lỗi lấn làn vừa mới xảy ra.
Điều quan trọng là qua các sự kiện này, rất nhiều FB-er đã không còn bàng quan hay sợ sệt nữa. Họ đã dám bày tỏ chính kiến một cách cương quyết đối với những gì họ cho là sai trái, là vi phạm. Kể cả đó là việc làm của chính quyền.
Điều này chứng tỏ nhận thức và bản lĩnh của các FB-er đã được tăng lên rõ rệt. Có thể nói, FB đã đóng góp một phần không nhỏ cho công cuộc khai trí ở xứ sở này.
3. Tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm, Bộ 4T cho biết "sẽ tiếp tục tập trung quản lý thông tin trên Internet, đặc biệt là thông tin trên các blog, mạng xã hội. Tăng cường kiểm tra, thanh tra, chấn chỉnh hiện tượng cung cấp thông tin sai sự thật, các luận điệu xuyên tạc, chống phá chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước" (nguồn: Chinhphu.vn).
Nếu sai, xuyên tạc, chống phá,... gì đó mà vi phạm pháp luật thì bị xử lý là đích đáng. Nhưng vấn đề đặt ra là khi một thông tin nào đó vạch ra và phản biện cái sai, cái xấu, cái chưa hợp lý của các cá nhân, tổ chức hay của các chính sách, chủ trương, đường lối thì có vi phạm không? Tiêu chí và hành lang pháp lý nào để minh định vấn đề này?
Tôi cho rằng, trong thế giới internet như hiện nay, tư duy không quản được là cấm chắc chắn không còn phù hợp nữa.
4. Một khi đã chấp nhận cho người dân sử dụng internet thì không thể ngăn chặn việc tiếp cận thông tin và giao tiếp trên mạng. Cho dù có chặn kiểu gì đi nữa thì người dùng vẫn có cách để truy cập những mạng xã hội, những trang thông tin bị chặn. Muốn ngăn chặn triệt để, chỉ còn cách cấm không sử dụng internet. Và điều này là bất khả.
5. Một xã hội phát triển, văn minh và dân chủ là một xã hội mà về cơ bản thông tin được minh bạch. Muốn đạt được như vậy, chỉ còn cách phải làm đúng làm đủ, làm theo hiến pháp và pháp luật. Không thể có sự gian dối, úp mở, đánh lận con đen ở đây. Những công dân mạng có đủ tri thức và bản lĩnh để phân biệt phải trái trắng đen.
Vì thế, nếu làm đúng, làm đàng hoàng, làm minh bạch thì không sợ ai vu cáo, chống phá, xuyên tạc cả.
© 2015 Baron Trịnh
Nguồn hình ảnh: Sưu tầm trên internet.
0 comments:
Post a Comment
Đề nghị nhận xét bằng tiếng Việt có dấu. Cảm ơn!