Monday, February 16, 2015

An-nam tiến sĩ nhảm bàn (#2)


Lâu nay, người ta vẫn cho rằng TS được đào tạo ở trong nước kém xa các TS tây học. Thậm chí nhiều TS tây học cũng tỏ thái độ xem thường TS học trong nước. Điều đó có phần đúng, nhưng cũng có phần chưa đúng. Với người ngoài lĩnh vực học thuật thì sự so sánh này bằng cảm tính không có gì đáng bàn. Nhưng với các TS tây học mà suy nghĩ như trên thì thật là thiển cận và thiếu hiểu biết. Tất nhiên ở đây là nói đến các TS học trong nước chân chính, chứ không bao gồm đám TS giấy “mua” bằng như đã nói ở bài #1.
TS tây học cũng có năm bảy đường. Cũng có người học thật, cũng có người học giả. Cũng có người học ở trường nổi tiếng, cũng có người học ở trường lìu tìu. Thế nên chất lượng TS tây học cũng có người giỏi thật sự, cũng có người kiến thức lìu tìu mà thôi. Đấy vẫn là nói những người học thật, còn đám “mua” bằng không tính. Vấn đề này sẽ đề cập ở bài sau.

Có nhiều con đường để đi du học. Những người dành được học bổng của các quỹ có tiếng tăm như Fulbright, Ford,… thì không cần phải bàn. Vì những người dành được học bổng đều là những người xuất sắc thật sự, và họ được đào tạo ở các trường nổi tiếng. Số lượng TS này không nhiều, và thường là những người rất thành đạt trong xã hội hiện tại.
Những người dành được học bổng của các dự án do các GS tuyển chọn cũng rất xuất sắc. Các GS ở các trường ĐH nổi tiếng, khi nhận được các hợp đồng nghiên cứu của các chính phủ, các tổ chức quốc tế và các tập đoàn kinh tế thường tuyển chọn nghiên cứu sinh (NCS) phục vụ quá trình nghiên cứu. Dĩ nhiên là họ phải chọn người giỏi. Số lượng các TS này cũng không nhiều, và đa phần thành đạt như nhóm nói trên.
Một hướng đi du học nữa là các học bổng hữu nghị của các quốc gia phát triển cấp cho An-nam. Nhóm này vẫn tuyển chọn được những người đi học TS có chất lượng, nhưng cũng tùy vào từng trường đào tạo. Có những trường thuộc nhóm làng nhàng nên chất lượng đào tạo ở mức bình thường.
Một hướng đi du học nữa là hợp tác, liên kết đào tạo giữa các trường ĐH của An-nam với các trường ĐH trên thế giới. Chủ yếu là qua các GS giới thiệu NCS. Nhóm này cũng như nhóm thứ 3, chất lượng của TS được đào tạo phụ thuộc vào đẳng cấp của từng trường. Thậm chí từng lĩnh vực học.
Một hướng đi du học bằng học bổng của chính phủ An-nam. Nhóm này đào tạo được nhiều TS nhất cho An-nam, nhưng chất lượng đáng phải bàn nhất. Những người được tuyển chọn đi học chủ yếu từ các cơ quan nhà nước nói chung, nhiều nhất là từ các trường ĐH và các viện nghiên cứu. Ngày trước là học bổng 322, bây giờ là học bổng 911. Vấn đề chất lượng của nhóm này bị đánh giá nhiều là do có “một bộ phận không nhỏ”, mà có thể nói là phần lớn những người đi học là con cháu của những người có quyền, có tiền ở các bộ ngành, các trường ĐH và các viện nghiên cứu. Ngồi trà dư tửu hậu mọi người thường nhảm bàn về việc chạy học bổng này. Những người giỏi mà không có quan hệ dành được học bổng này rất ít, muốn được là phải chạy chọt. Có thời ở các trường ĐH người ta kháo nhau đường dây xin học bổng, nghe đâu chi phí từ 6 tháng đến 1 năm học bổng được cấp. Chuyện tôi nghe thế biết thế, trúng trật khôn lường. Nhưng có điều, ở các trường ĐH hầu như các giảng viên đều biết chuyện này. Mọi người cũng nhảm bàn rằng phải đến 60-70% TS được đào tạo từ học bổng này ở dạng lìu tìu. Bởi lẽ tỷ lệ này là nhóm được đi học nhờ quan hệ của tiền bối. Có rất nhiều trường hợp đúng như câu nói “dắt một con bò sang Nga thì trở về là có một phó tiến sĩ”. Bởi lẽ, tiền là của chính phủ An-nam, các trường nhận đào tạo kiểu gì cũng cấp cho cái bằng. Khổ nổi nhóm đi học bằng quan hệ này khi về nước đa phần trở thành lãnh đạo. Đó cũng là một bi kịch trong nền khoa học và giáo dục của xứ An-nam.
Nói dài dòng thế để thấy, TS tây học cũng có năm bảy loại TS. Chứ chả cứ tây học về là giỏi giang như thiên hạ vẫn đánh giá.

Quay lại chuyện đào tạo TS trong nước. Ở bài này là tôi nói đến những TS học chân chính, không phải đám bỏ tiền, bỏ quan hệ để kiếm cái bằng TS thật nhưng kiến thức giả.
Phải nói sòng phẳng rằng, những người học TS một cách nghiêm túc trong nước cực kỳ vất vả. Và họ không thua kém gì các TS tây học. Tất nhiên đánh giá như thế lại phải tùy thuộc vào từng người. Tư duy, độ thông minh và sự cần cù của từng người là khác nhau.
Những người học TS trong nước cũng có nhiều lý do. Có thể vì điều kiện, hoàn cảnh cá nhân mà không đi du học được. Có thể vì khả năng ngoại ngữ bị hạn chế. Và có thể không chen chân để kiếm học bổng từ chính phủ An-nam khi mà không thể trúng tuyển vào các đợt tuyển chọn NCS ở nhóm 1 và 2 nói trên.
Nói TS đào tạo trong nước kém chất lượng hơn các TS đào tạo ở tây lông (nghiêm túc) là hoàn toàn đúng. Nhưng chỉ là kém về chất lượng đào tạo, chứ về chuyên môn sau này thì chưa biết mèo nào cắn mũi mèo nào, lại phụ thuộc vào năng lực, tư duy khoa học của từng cá nhân cụ thể.
Tại sao chất lượng đào tạo TS trong nước lại kém hơn? Bởi lẽ họ khó khăn đủ đường trong quá trình nghiên cứu và thực hiện luận án TS.
Thứ nhất là khó khăn về thời gian: Những người đi học TS đều do các cơ quan cử đi học (bây giờ thì học đại trà rồi, chả cần ở cơ quan nào cũng được đi học, thậm chí học một mạch từ ĐH lên TS cũng chẳng sao, miễn là có tiền). Trong khi những được đi du học được nghỉ hẳn công việc thì những người học trong nước vẫn phải kiêm nhiệm công việc. Hầu như đơn xin đi học nào cũng có dòng cam kết là sẽ đảm bảo hoàn thành công việc của cơ quan. Thế nên chẳng có người học nào toàn tâm toàn ý cho việc làm nghiên cứu sinh cả. Họ bị chi phối thời gian cho công việc, cho gia đình. Như ở trường tôi, những người làm NCS được giảm 1/2 số giờ giảng dạy. Nhưng nói là được giảm thế, chứ nhà trường mà đã phân công thì có mà dám từ chối. 1/2 số giờ được giảm này chỉ là được tính tiền giảng dạy ngoài chuẩn mà thôi.
Thứ 2 là khó khăn về kinh phí: Những người đi học trong nước hầu như không được hỗ trợ gì ngoài học phí, kinh phí mua hóa chất làm thí nghiệm và in ấn luận văn. Nhưng lượng kinh phí này cực ít, có khi tổng chi phí cho một NCS trong nước mà cơ quan hỗ trợ trong 4-5 năm học TS chỉ bằng 1-2 tháng học bổng của NCS đi du học. Thế nên NCS nào cũng cố chạy lấy một cái đề tài để phục vụ quá trình làm NCS. Không đủ năng lực kiếm đề tài thì phải bám vào đề tài/dự án của GS hướng dẫn, hay nhờ GS gửi tham gia vào một đề tài/dự án của người khác liên quan đến đề tài nghiên cứu. Có một chị dạy ở ĐH BKHN làm NCS cùng đợt với tôi suýt khóc vì sung sướng khi nhận được thông báo trúng tuyển một đề tài cấp bộ có kinh phí 80 triệu đồng. Chị ấy nói thế là yên tâm có “tý” kinh phí để làm thí nghiệm rồi, thế là có thể làm được NCS rồi.
Thứ 3 vẫn liên quan đến kinh phí, nhưng là vấn đề cơm áo gạo tiền của người làm NCS: Có thể nói, nếu những người kinh tế gia đình không đủ để rảnh rang làm NCS thì cơ hội bỏ học TS là rất cao. Cơm áo gạo tiền không đùa với ai cả. Trong đầu suốt ngày chỉ lo nghĩ kiếm tiền thì thời gian đâu để tư duy nghiên cứu, thời gian đâu để ngồi lỳ ở phòng thí nghiệm. Tiền đâu để mua hóa chất, để thuê máy móc thiết bị thí nghiệm, để mua số liệu thống kê,…
Thứ 4 là máy móc, thiết bị phục vụ nghiên cứu: Điều ai cũng biết là hạ tầng phục vụ nghiên cứu khoa học ở An-nam rất kém. Các phòng thí nghiệm phần lớn lạc hậu. Đây là rào cản cực lớn cho các NCS. Rất nhiều kết quả thí nghiệm sai lệch rất lớn so với các công bố trên thế giới, chỉ bởi máy móc không đạt chuẩn. Không những thế, nhiều thí nghiệm không có thiết bị để thực hiện. Nếu NCS chọn đề tài mà thiếu thiết bị thí nghiệm thì hầu như phải chuyển đề tài hoặc bỏ học. Có một anh bạn tôi quen là trưởng khoa của trường ĐHXD kể rằng anh làm một thí nghiệm về thủy lực, nhưng hội đồng không chấp nhận kết quả do không tin tưởng vào thiết bị của phòng thí nghiệm. Anh nói phải bỏ ra hơn 10.000USD sang Thái Lan mua một thiết bị về để kiểm chứng. Đấy là anh ấy có tiền, chứ người khác chắc chỉ còn nước chạy hội đồng hoặc bỏ NCS mà thôi. Đó cũng là một trong những lý do những đề tài NCS thường đi vào vết xe cũ, không có sự sáng tạo, không có những đột biến trong nghiên cứu, vì họ sợ rủi ro. Hầu như các đề tài NCS ở An-nam là kế thừa các nghiên cứu của thế giới, vận dụng phù hợp vào điều kiện trong nước.
Thứ 5 là hội đồng chấm luận án TS: Vấn đề này không phải là thường xuyên và khá tế nhị, nhưng rất hay xảy ra. Hội đồng chin người mười ý. Lại có những nhận xét, những yêu cầu quá cao so với đề tài nghiên cứu. Đôi khi chỉ vì không ưa người hướng dẫn khoa học của NCS cũng là lý do để “chém” NCS. Một anh bạn đồng nghiệp trong trường tôi bảo vệ thành công ở hội đồng cấp cơ sở, nhưng lên hội đồng cấp nhà nước thì bị đánh trượt, và phải làm lại NCS. Do đó các NCS thường tìm cách nhận được sự ủng hộ và châm chước của hội đồng nhiều hơn là dám tìm tòi hướng nghiên cứu mới và bảo vệ kết quả nghiên cứu.
Thứ 6 là những quy định cứng của Bộ GD&ĐT về cấu trúc luận văn: Những quy định cứng về dung lượng của luận án TS, những quy định về đổi tên đề tài nghiên cứu, hay việc hỗ trợ NCS khi kết quả thí nghiệm không khả thi là những rào cản rất lớn cho các NCS. Đó cũng là lý do các NCS thường chọn đề tài “an toàn” nhằm tránh rủi ro như tôi đã nói trên. Và dĩ nhiên, điều này dẫn đễn chất lượng luận án TS rất thấp, số lượng NCS có bài báo quốc tế từ đề tài NCS cực ít.
Ngoài ra còn nhiều lý do khác ảnh hưởng đến quá trình thực hiện đề tài TS, có thể có liên quan đến 6 nhóm lý do tôi nêu trên. Lưu ý rằng, ở đây tôi nói thiên về chuyện học TS của các ngành thuộc các lĩnh vực khoa học kỹ thuật và công nghệ. Có thể chưa phù hợp với các ngành thuộc lĩnh vực xã hội và nhân văn.

Trong khi các NSC du học nhận được học bổng rất cao, vẫn được hưởng 75% lương, được toàn tâm toàn ý ngồi nghiên cứu trong những Lab hiện đại, đầy đủ trang thiết bị phục vụ nghiên cứu. Được tiếp cận với các nguồn tài liệu mới nhất liên quan đến lĩnh vực nghiên cứu thì các NCS trong nước vật lộn với việc bố trí thời gian nghiên cứu, vật lộn với cơm áo gạo tiền, cố hoàn thành nhiệm vụ của cơ quan, “nghĩ mưu” để chống chế hội đồng,… Chính vì vậy, những NCS trong nước thực hiện thành công đề tài nghiên cứu, có 1-2 bài báo quốc tế cho luận án TS thì họ có một sự phấn đấu và hy sinh rất lớn, và họ không thua kém các NCS du học, thậm chí giỏi hơn nhiều.
Ngay cả việc các GS trong nước hướng dẫn cũng chẳng thua kém các GS nước ngoài. Họ cũng được đào tạo từ các trường nổi tiếng trên thế giới, cũng có uy tín khoa học trên thế giới. Nhưng với những khó khăn của NCS nêu trên thì đôi khi cũng đành phải châm chước cho NCS về thời gian, về chất lượng bài báo, về kết quả nghiên cứu đạt được. Các GS quá hiểu về những vất vả, khó khăn của NCS như những vấn đề tôi nêu trên.
Có điều, số lượng những người học nghiêm túc ở trong nước lại không nhiều. Và có nhiều người không thành công vì không vượt qua được các rào cản trong quá trình thực hiện luận án TS. Trong khi những kẻ khác, người chạy hội đồng, người thuê viết luận án/bài báo, thí nghiệm thì thuê làm, số liệu thì chỉnh sửa,… khiến những người học nghiêm túc cũng thấy tủi thân.
Và với những người tôi quen biết đã bảo vệ thành công luận án TS trong nước một cách nghiêm túc. Trình độ chuyên môn và những thành công trong khoa học của họ hiện nay không thua kém bất cứ một TS du học nào trong lĩnh vực khoa học của họ.

© 2015 Baron Trịnh
Nguồn hình ảnh: Sưu tầm trên internet.

Bài cùng chủ đề:
- An-nam tiến sĩ nhảm bàn (#1)

1 comment:

  1. Bác Trinh Baron viết bài này chuẩn luôn.

    ReplyDelete

Đề nghị nhận xét bằng tiếng Việt có dấu. Cảm ơn!