Wednesday, February 26, 2014

Thầy trò đánh nhau: Không thể xử kiểu 'xoa dịu'


Tuần Việt Nam: Không thể chỉ vì xoa dịu dư luận xã hội mà "tát" vào lòng tự tôn nghề nghiệp của các thầy cô giáo và tạo ra những tiền lệ nhiều nguy cơ.

Cái tát của sự bất lực trong học đường
Ngày 24/2 vừa qua, kết quả xử lý vụ việc thầy tát trò, trò đánh trả đã được Sở GD&ĐT tỉnh Bình Định thông tin cho báo chí. Theo đó, mức kỷ luật của thầy giáo Trần Anh Tuấn là bị sa thải. Còn học sinh có hành vi đánh lại thầy giáo bị cảnh cáo.
Theo ông Đào Đức Tuấn - Phó giám đốc Sở GD&ĐT, hình thức xử lý kỷ luật đối với học sinh vi phạm đã được "xem xét có tình, có lý". Để chứng minh, ông Tuấn đưa ra lý giải: "Hơn nữa, các em không phải là người sai trước".


Vậy còn tình lý với thầy?
Rõ ràng, hành động của thầy Trần Anh Tuấn là phi giáo dục, phản sư phạm, không một phương pháp sư phạm nào ủng hộ biện pháp "dạy dỗ" theo kiểu bạo lực như vậy. Và hành vi đó cần phải được xử lý nghiêm khắc để làm trong sạch môi trường giáo dục. Bản thân người viết, cũng là một giáo viên, khi sự việc xảy ra đã nêu quan điểm: "Tốt nhất là không để cho những người thầy như vậy đứng trên bục giảng".
Tuy nhiên, không đứng trên bục giảng một thời gian hay vĩnh viễn không có nghĩa là đuổi ra khỏi ngành không thương tiếc một thầy giáo mới 23 tuổi đời và hơn 5 tháng tuổi nghề, còn quá thiếu thời gian để trau dồi và rèn luyện phẩm chất, bản lĩnh nghề nghiệp. Xem xét có tình, có lý cho học sinh, vậy tình lý với thầy giáo trẻ này ở đâu?
Trách thầy, nhưng không thể không trách trò. Những ai đã từng cầm phấn đứng lớp có học sinh cá biệt mới thấy sự vất vả và phần nào thông cảm được cho thầy giáo trẻ.
Một học sinh ngoan không để cho thầy cô phải nhắc nhở nhiều lần trong lớp. Một học sinh có ý thức trong học tập, được nhà trường, gia đình giáo dục đầy đủ không có những hành vi chống đối, trêu ngươi thầy cô giáo. Một học sinh hiểu được đạo lý tôn sư trọng đạo không bao giờ vì bị tát mà lên gối đánh lại thầy giáo như đánh kẻ thù.
Rõ ràng, sự vô cảm của xã hội, sự bàng quan, thiếu giáo dục của gia đình cũng đã góp phần dung túng cho những hành vi phi đạo lý, thiếu tôn kính người lớn của những đứa trẻ.

Không thể tạo tiền lệ xấu
Người ta sẵn sàng đuổi khỏi ngành một thầy giáo trẻ vi phạm đạo đức nhà giáo, nhưng lại dung túng cho hành vi đánh lại thầy giáo của học sinh. Cách xử lý này có thể đưa đến một hệ lụy nguy hiểm trong ngành giáo dục.
Nó tạo ra một tiền lệ xấu để học sinh khinh nhờn, xem thường thầy cô giáo. Rồi đây sẽ có thêm nhiều học sinh sẵn sàng đáp trả thầy cô bằng nắm đấm? Rồi đây, những học sinh hư sẽ có thêm "phương pháp" là trêu tức các thầy cô nghiêm khắc để khiến họ bị đuổi việc nếu không biết kiềm chế?
Một ngày nào đó, khi những học sinh được dung dưỡng bởi hành vi côn đồ, khi không vừa ý mà hành hung các thầy cô giáo, dẫn đến hậu quả nghiêm trọng thì ai sẽ là người chịu trách nhiệm?
Liệu rằng, cách xử lý này có khuyến khích sự vi phạm pháp luật và làm đảo ngược các giá trị đạo đức.
Giả sử bố mẹ nóng giận mà đánh con cái, thì con cái sẽ đánh lại bố mẹ vì "tự vệ" và do bố mẹ có lỗi trước? Vậy còn đâu là đạo đức, hiếu đễ?
Giả sử giải quyết công việc ở cơ quan công quyền, chỉ vì nhân viên công vụ sơ ý có lỗi trước thì đánh người ta? Đâu là pháp luật?
Sống trong một xã hội văn minh, con người phải tuân thủ luật pháp và đạo lý của xã hội. Chúng ta không thể cổ súy cho những hành vi đi ngược những giá trị, quy tắc nền tảng đó.
Vì thế, không thể chỉ vì xoa dịu dư luận xã hội mà "tát" vào lòng tự tôn nghề nghiệp của các thầy cô giáo và tạo ra những tiền lệ chứa đựng nhiều nguy cơ.

Tác giả: Trịnh Xuân Báu

0 comments:

Post a Comment

Đề nghị nhận xét bằng tiếng Việt có dấu. Cảm ơn!