Wednesday, August 3, 2016

RỪNG


Năm 1999, tôi có tham gia viết một dự án thuộc địa bàn huyên Easúp, tỉnh ĐắkLắk.

Rừng khi đó ở ĐắkLắk nói riêng và cao nguyên Trung phần nói chung còn bạt ngàn. Những thân cây vài ba người ôm thẳng tăm tắp, những loại gỗ quý, những động vật quý hiếm, sự đa dạng sinh học,... ở rừng Tây nguyên còn rất nhiều và phong phú, mặc dù đã trải qua những khốc liệt của chiến tranh và sự di dân ồ ạt lên Tây Nguyên những thập niên 70 - 80.

Diện tích rừng tự nhiên Tây Nguyên trước năm 1975 là hơn 5,61 triệu hecta, đến năm 1999 chỉ còn hơn 2,37 triệu hecta. Từ năm 1999 đến nay sẽ còn mất đi bao nhiêu nữa? Mấy năm qua, mỗi lần đi Tây Nguyên là tôi lại xót xa khi rừng tự nhiên ngày một thu hẹp lại.

Có một lần tôi ngồi xe cùng tư lệnh một binh đoàn đi khảo sát khu vực trên tuyến đường biên giới Việt Nam - Campuchia, thấy một đàn lợn rừng chạy từ bên kia sang ở phía trước. Ông tư lệnh bảo dừng xe lại, để chúng nó chạy về Việt Nam. Hồi đó, dọc tuyến đường từ Tây Nguyên đi Sài Gòn có rất nhiều điểm bán thịt thú rừng, nhất là đoạn qua ĐắkNông. Vậy mà đôi năm trước, khi đi Tây Nguyên, một quan chức cấp Sở bạn tôi phải dẫn đến một quán khá kín đáo chỉ để giới thiệu đặc sản thịt thú rừng. Thú bây giờ cũng gần hết. Nhớ cách đây gần chục năm, một quan chức cấp Sở ở Tp.HCM đã bị án tù vì lên Tây Nguyên bắn bò tót.

Từ những dự án trồng rừng 327 (từ năm 1992) đến chương trình trồng mới 5 triệu hecta rừng (dự án 661) giai đoạn 1998 - 2000 đến nay trồng mới được bao nhiêu chắc chỉ có những người hoạt động chuyên môn trong ngành và liên quan mới nắm được. Chỉ biết rằng, đến năm 2005, có nghĩa là sau 8 năm thực hiện thì dự án 661 mới trồng được hơn 1,42 triệu hecta (đạt 28,5%). Người ta thường nêu thành tích trong các báo cáo về chương trình này không phải là kết quả trồng rừng, mà là có bao nhiêu hộ nghèo tham gia dự án và nhấn mạnh hiệu quả xã hội.

Thi thoảng trà dư tửu hậu với vài víp, họ thường nói về anh A chị B trở thành đại gia từ rừng, trong đó có nhiều đại gia ở Tây nguyên. Diện tích rừng tự nhiên bị mất càng nhiều thì số lượng đại gia về gỗ phất lên càng lắm.

Gần đây lùm xùm chuyện ngôi nhà gỗ "nghìn tỷ" của con gái ông giám đốc công an ĐắkLắk. Nghe đâu không phải chỉ là nhà của cô này, mà là của nhiều nhà, rồi dọa kiện cáo gì đó. Nhưng cho dù đó là của một người hay nhiều người thì bản chất vấn đề là gỗ đó từ rừng mà ra. Càng nhiều những biệt thự gỗ nghìn tỷ thì rừng tự nhiên càng bị phá hoại, và điều đó là tất yếu. Chẳng hạn ngôi nhà gỗ của ông cựu chủ tịch huyện Easúp làm 3 năm mới xong, chỉ bộ bàn ghế đã có giá cả tỷ đồng thì chắc chắn những gỗ đó là của rừng Tây Nguyên.

Thế nên, phóng sự về phá rừng của VTV24 có thể là thiếu thông tin, có thể là thiếu chính xác, có thể phóng viên "tạo" tình huống giả, có thể phóng viên thiếu kinh nghiệm,... thì một thực tế là rừng Tây Nguyên đã và đang bị tàn phá nghiêm trọng, đến mức ông tân Thủ tướng phải ra lệnh đóng cửa rừng Tây Nguyên.

Việc nào ra việc đó, mặc dù có nhiều phóng sự của VTV24 là sai sót, là phản cảm, là định hướng,... Nhưng với phóng sự về phá rừng ở Tây Nguyên thì tôi đồng tình và ủng hộ các bạn.

Đất nước hình con giun này, ngoài sức người thì chỉ còn một chút rừng là tài sản quốc gia mà thôi. Nên hãy gìn giữ nó.

© 2016 Baron Trịnh
Nguồn hình ảnh: Sưu tầm trên internet.

0 comments:

Post a Comment

Đề nghị nhận xét bằng tiếng Việt có dấu. Cảm ơn!