Tên nhạc phẩm: Đôi mắt người Sơn Tây
Thơ: Nhà thơ Quang Dũng (1921 - 1988)
Phổ nhạc: Nhạc sĩ Phạm Đình Chương (1929 - 1993)
Ca sĩ thể hiện: Thái Thanh (pre 1975)
Thương nhớ ơ hờ thương nhớ ai
Sông xa từng lớp lớp mưa dài
Mắt em ôi mắt em xưa có sầu cô quạnh
Khi chớm thu về, khi chớm thu về một sớm mai
Đôi mắt Người Sơn Tây
U uẩn chiều luân lạc
Buồn viễn xứ khôn khuây
Buồn viễn xứ khôn khuây
Em hãy cùng ta mơ
Mơ một ngày đất mẹ
Ngày bóng dáng quê hương
Đường hoa khô ráo lệ
Tôi từ chinh chiến đã ra đi
Chiều xanh không thấy bóng Ba Vì
Sông Đáy chạm nguồn qua phủ Quốc
Non nước u hoài, non nước hao gầy, ngày chia tay
Em vì chinh chiến thiếu quê hương
Sài Sơn , Bương Cấn mãi u buồn
Tôi nhớ xứ Đoài mây trắng lắm
Em có bao giờ, em có bao giờ, em thương nhớ thương
Đôi mắt Người Sơn Tây
U uẩn chiều luân lạc
Buồn viễn xứ khôn khuây
Buồn viễn xứ khôn khuây
Em hãy cùng ta mơ
Mơ một ngày đất mẹ
Ngày bóng dáng quê hương
Đường hoa khô ráo lệ
Đôi mắt Người Sơn Tây
Đôi mắt Người Sơn Tây
Buồn viễn xứ khôn khuây
--------------------------------
LỜI THƠ
Em ở thành Sơn chạy giặc về
Tôi từ chinh chiến cũng ra đi
Cách biệt bao lần quê Bất Bạt
Chiều xanh không thấy bóng Ba Vì
Vừng trán em vương trời quê hương
Mắt em dìu dịu buồn Tây Phương
Tôi thấy xứ Đoài mây trắng lắm
Em có bao giờ em nhớ thương
Từ độ thu về hoang bóng giặc
Điêu tàn thôi lại nối điêu tàn
Đất đá ong khô nhiều ngấn lệ
Em có bao giờ lệ chứa chan
Mẹ tôi em có gặp đâu không
Những xác già nua ngập cánh đồng
Tôi cũng có thằng em còn bé dại
Bao nhiêu rồi xác trẻ trôi sông
Đôi mắt người Sơn Tây
U uẩn chiều lưu lạc
Buồn viễn xứ khôn khuây
Cho nhẹ lòng nhớ thương
Em mơ cùng ta nhé
Bóng ngày mai quê hương
Đường hoa khô ráo lệ
Bao giờ trở lại đồng Bương Cấn
Về núi Sài Sơn ngắm lúa vàng
Sông Đáy chậm nguồn quanh phủ quốc
Sáo diều khuya khoắt thổi đêm trăng
Bao giờ tôi gặp em lần nữa
Ngày ấy thanh bình chắc nở hoa
Đã hết sắc mầu chinh chiến cũ
Còn có bao giờ em nhớ ta
-----------------------------------
VÀI NÉT VỀ NHẠC SĨ PHẠM ĐÌNH CHƯƠNG
Phạm Đình Chương sinh ngày 14 tháng 11 năm 1929 tại Bạch Mai, Hà Nội. Quê nội ông ở Hà Nội và quê ngoại ở Sơn Tây. Xuất thân trong một gia đình truyền thống âm nhạc, cha của Phạm Đình Chương là ông Phạm Đình Phụng. Người vợ đầu của ông Phụng sinh được hai người con trai: Phạm Đình Sỹ và Phạm Đình Viêm. Phạm Đình Sỹ lập gia đình với nữ kịch sĩ Kiều Hạnh và có con gái là ca sĩ Mai Hương. Còn Phạm Đình Viêm là ca sĩ Hoài Trung của ban hợp ca Thăng Long.
Người vợ sau của ông Phạm Đình Phụng có 3 người con: trưởng nữ là Phạm Thị Quang Thái, tức ca sĩ Thái Hằng, vợ nhạc sĩ Phạm Duy. Con trai thứ là nhạc sĩ Phạm Đình Chương. Và cô con gái út Phạm Thị Băng Thanh, tức ca sĩ Thái Thanh.
Ông được nhiều người chỉ dẫn nhạc lý nhưng phần lớn vẫn là tự học. Trong những năm đầu kháng chiến, Phạm Đình Chương cùng các anh em Phạm Đình Viêm, Phạm Thị Quang Thái và Phạm Thị Băng Thanh gia nhập ban văn nghệ Quân đội ở Liên Khu IV.
Phạm Đình Chương bắt đầu sáng tác vào năm 1947, khi 18 tuổi, nhưng phần nhiều những nhạc phẩm của ông thường được xếp vào dòng tiền chiến bởi mang phong cách trữ tình lãng mạn. Các nhạc phẩm đầu tiên như Ra đi khi trời vừa sáng, Hò leo núi... có không khí hùng kháng, tươi trẻ.
Năm 1951 ông và gia đình chuyển vào miền Nam. Với nghệ danh Hoài Bắc, ông cùng các anh em Hoài Trung, Thái Thanh, Thái Hằng lập ban hợp ca Thăng Long danh tiếng. Thời kỳ này các sáng tác của ông thường mang âm hưởng của miền Bắc như nói lên tâm trạng hoài hương của mình: Khúc giao duyên, Thằng Cuội, Được mùa, Tiếng dân chài... Thời gian sau đó, ông viết nhiều bản nhạc nổi tiếng và vui tươi hơn: Xóm đêm, Đợi chờ, Ly rượu mừng, Đón xuân...
Sau khi cuộc hôn nhân với ca sĩ Khánh Ngọc tan vỡ, ông bắt đầu sáng tác tình ca. Ông đem tâm trạng đau thương vào những bài nhạc tình da diết, đau nhức, buốt giá tâm can: Đêm cuối cùng, Thuở ban đầu, Người đi qua đời tôi, Nửa hồn thương đau.
Có thể nói Phạm Đình Chương là một trong những nhạc sĩ phổ thơ hay nhất. Nhiều bản nhạc phổ thơ của ông đã trở thành những bài hát bất hủ, có một sức sống riêng như: Đôi mắt người Sơn Tây (thơ Quang Dũng), Mộng dưới hoa (thơ Đinh Hùng), Nửa hồn thương đau (thơ Thanh Tâm Tuyền), Đêm nhớ trăng Sài Gòn (thơ Du Tử Lê)... Phạm Đình Chương cũng đóng góp cho tân nhạc một bản trường ca bất hủ Hội trùng dương viết về ba con sông Việt Nam: sông Hồng, sông Hương và sông Cửu Long.
Sau 1975 Phạm Đình Chương định cư tại California, Hoa Kỳ. Ông mất 22 tháng 8 năm 1991 tại California. Theo một số tài liệu khác thì ông mất năm 1993.
Nguồn: Wikipedia
-----------------------------------
VÀI NÉT VỀ NHÀ THƠ QUANG DŨNG
Quang Dũng tên thật Bùi Đình Diệm, sinh năm 1921 tại làng Phượng Trì, huyện Đan Phượng (nay thuộc Hà Nội).
Ông là tác giả của một số bài thơ nổi tiếng như Tây Tiến, Đôi mắt người Sơn Tây, Đôi bờ... Ngoài ra ông còn là một họa sĩ, nhạc sĩ.
Trước cách mạng tháng Tám, ông học Ban trung học trường Thăng Long. Sau khi tốt nghiệp, ông đi dạy học tư ở Sơn Tây.
Ông gia nhập Quân đội Nhân dân Việt Nam vào ngày Cách mạng tháng Tám thành công, trở thành phóng viên tiền phương của báo Chiến đấu.
Năm 1947, ông được điều đi học Trường bổ túc trung cấp quân sự Sơn Tây. Sau khoá học, ông làm Đại đội trưởng ở tiểu đoàn 212, Trung đoàn Tây Tiến. Ông tham gia chiến dịch Tây Tiến đợt hai, mở đường qua đất Tây Bắc. Trong thời gian này, ông còn được cử làm Phó đoàn tuyên truyền Lào - Việt.
Cuối năm 1948, sau chiến dịch Tây Tiến, ông làm Trưởng tiểu ban tuyên huấn của Trung đoàn 52 Tây Tiến, rồi làm Trưởng đoàn Văn nghệ Liên khu III. Ông đã viết rất nhiều truyện ngắn xuất bản và viết kịch, cũng như đã triển lãm tranh sơn dầu cùng với các hoạ sĩ nổi danh. Ông sáng tác nhạc, bài Ba Vì của ông đã nổi tiếng ở trong khu kháng chiến. Ông làm bài thơ Tây Tiến năm 1948 khi dự Đại hội toàn quân ở Liên khu III tại làng Phù Lưu Chanh (Hà Nam).
Tháng 8 năm 1951, ông xuất ngũ.
Sau 1954, ông làm Biên tập viên tại báo Văn nghệ, rồi chuyển về Nhà xuất bản Văn học.
Ông bị gửi đi chỉnh huấn sau vụ Nhân Văn - Giai Phẩm, và lui về ẩn thân trong nghèo nàn và bệnh tật. Thơ của ông bị phê bình trên báo chí miền Bắc lúc đó là mang hơi hướng "tiểu tư sản", thiếu tính chiến đấu, còn ở miền Nam thì được xuất bản và phổ biến rộng rãi và được nhiều người yêu thích.
Về sau này, như những nhà thơ lớn khác, Nguyễn Bính, Hồ Dzếnh,... ông mai một và mất đi trong âm thầm.
Ông mất ngày 13 tháng 10 năm 1988 sau một thời gian dài đau ốm tại bệnh viện Thanh Nhàn, Hà Nội.
Năm 2001, ông được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật.
0 comments:
Post a Comment
Đề nghị nhận xét bằng tiếng Việt có dấu. Cảm ơn!