Mờ sáng, đang nồng giấc ngủ trong cái tiết lạnh sau Tết, bỗng tiếng trống, thanh la, kẻng gõ ầm ầm ồn ào, dân tình chạy túa ra đầu ngõ. Từ ủy ban, tiếng loa phóng thanh vang lên gấp gáp: “Đồng bào chú ý, chú ý. Theo công văn hỏa tốc vừa nhận được, quân xâm lược bành trướng Bắc Kinh đã nổ súng xâm lược nước ta. Đồng bào hãy chuẩn bị cho cuộc chiến đấu mới”.
Đồng bào quê tôi ngơ ngác, rồi túm tụm lại, lời ra lời vào. Mấy người chạy vào sân gọi bố tôi: “Ông giáo ông giáo, lôi cái đài ra mở kênh Hà Nội”. Hồi ấy vào các buổi tối, bố tôi thường nghe trộm chương trình "Đọc chuyện đêm khuya" trên kênh tiếng Việt của Tàu như Tây Du Ký, Tam Quốc hay Rừng thẳm tuyết dày.
Tiếng trống trường thùng thùng, thùng thùng. Đám học sinh mắt nhắm mắt mở chạy đến trường, vừa chạy vừa cài khuy áo. Tôi cũng chạy theo mẹ đến trường. Cả trường tập trung ở sân, thày hiệu trưởng đọc thông báo đại loại là bọn bành trướng Bắc Kinh đã nổ súng xâm lược nước ta, rồi kể tội bọn xâm lược, rồi là chúng ta tuổi nhỏ việc nhỏ, phải chung tay đánh đuổi quân xâm lược bảo vệ tổ quốc,.. Kết thúc, thày hô: “Đả đảo quân xâm lược bành trướng Bắc Kinh”, ở dưới, mấy trăm học sinh đồng thanh hô: “Đả đảo, đả đảo, đả đảo”. Thày hô tiếp: “Bảo vệ tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”, ở dưới, lại đồng thanh: “Bảo vệ, bảo vệ, bảo vệ”.
Tiếp đến, cô liên đội trưởng thông báo, hôm nay nghỉ học để đi tuần hành. Các lớp được phân công đi theo các tuyến đường trong xã.
Cờ đỏ sao vàng, trống ếch rộn rã. Từng lớp đi cùng thày cô chủ nhiệm, cứ đi một đoạn, thày cô lại hô mấy câu khẩu hiệu, các học sinh lại đồng loạt hô 3 lần, quanh đi quanh lại mấy từ: Đả đảo, bảo vệ, sẵn sàng, quyết tử. Khí thế bốc lên ngùn ngụt, lòng căm hận đến tột đỉnh.
Các ngày sau đó, cứ sáng sớm trước khi vào lớp và tan học lại đi tuần hành như thế, lại hô như thế.
Vài ngày sau, loa phóng thanh bắt đầu phát bài hát rực lửa của Phạm Tuyên: “Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới, gọi toàn dân ta vào cuộc chiến đấu mới. Quân xâm lược bành trướng Bắc Kinh, đã dày xéo mảnh đất tiền phương…”. Bây giờ người ta thay từ “Bắc Kinh” thành từ “dã man”!!!
Tôi chắc rằng, cũng như tôi, thế hệ giữa 7x trở lại, bây giờ có thể không còn thuộc đầy đủ lời bài hát, nhưng không thể quên được giai điệu hùng tráng này.
Chuyện đã 35 năm, khi đó tôi mới 5 tuổi, có thể một vài chi tiết chưa trùng khớp, nhưng tôi không thể quên.
Hàng năm, cứ đến ngày 17/2, nhà trường lại mít tinh kỷ niệm, lại đọc diễn văn kể tội quân xâm lược bành trướng Bắc Kinh, kể lại thành tích quân và dân ta đã đẩy lui được cuộc xâm lược. Đến năm nào không mít tinh nữa thì tôi không nhớ, vì càng ngày càng nhạt nhòa, nhạt nhòa.
Ông thày dạy Sử hồi cấp 3, lính 79 ở biên giới, bị thương. Vợ chồng thày không có con, nghe các thày cô khác nói, thày bị ảnh hưởng từ hồi đó, không thể có con. Đôi lúc, hóng mấy thày cựu chiến binh uống rượu với chuối xanh chấm mắm tôm ở khu tập thể giáo viên, vẫn nghe thày nói: “Còn sống là may rồi, may hơn chúng nó!”. Mắt thày đỏ hoe, ầng ậc nước!
Đã lâu, ngày 17/2 không còn được nhắc đến, không còn thấy chú thích trong các cuốn lịch.
Thời đại internet, thông tin sẵn, không biết thì tra Google. Những chuyện mất đất, đục bia dân tình ai cũng biết. Có lẽ, lòng căm thù giặc Tàu xâm lược có từ nghìn năm nay, ngấm trong máu người dân Việt.
Mấy năm trước, rộ lên phong trào biểu tình chống Tàu, xuất phát từ Trường Sa, Hoàng Sa và chiến tranh biên giới năm 79. Truyền thông xứ Việt im lìm, thậm chí, có những lúc còn không dám nhắc đến tên hai địa danh ấy. Chuyện ngăn cấm, im lặng, rồi biểu tình, ai cũng biết, miễn kể chi tiết.
Năm nay, chưa đến ngày 17/2 đã thấy rộn lên cả. Báo chí chính thống gỡ bài rồi đăng bài, chả biết đường nào mà lần. Vài nhóm chống Tàu thì hô hào tổ chức mít-tinh, cho dù quanh đi quẩn lại cũng chỉ có nấy gương mặt. Xét cho cùng, chính phủ có lý do của chính phủ, nhóm chống Tàu có lý do của họ. Chuyện chính chị chính em, quốc gia đại sự, tôi phó thường dân, miễn bàn. Thế nhưng, đứng từ ngoài nhìn vào, người ta có thể cảm nhận rằng chính phủ có vẻ bạc nhược, còn nhóm chống Tàu chỉ giỏi hô hào xuông.
Chẳng cần nói điều gì cao siêu hay triết lý. Mà chỉ nhìn vào thực tế câu chuyện của hai quốc gia be bé xứ người, mới thấy có sự khác biệt.
Có hai quốc gia, Israel và Palestine, vốn tranh chấp lâu đời. Tháng nào cũng súng nổ cứ đùng đoàng, cũng có người chết. Liên hợp quốc và các cường quốc can thiệp mạnh mẽ, rồi đâu lại vào đấy. Có điều, dù là nước nhỏ, chịu lép vế, nhưng lòng yêu nước của dân Palestine rất cao, lên đến mức cực đoan. Chuyện những người dân Palestine ôm bom liều chết, tấn công Israel nghe bình thường như cân đường hộp sữa. Cho dù là cực đoan, nhưng cũng xứng đáng được tôn thờ về lòng yêu nước.
Lại có quốc gia thấp cổ bé họng, nghèo nàn gần nhất Đông Nam Á là Căm-bốt. Ấy thế mà trong Hoàng cung, đặt cái bản đồ to chình ình, chỉ rõ đất đai của ông cha thời xa xưa. Chắc rằng, chả bao giờ chính phủ Cam-bốt mơ có ngày đất đai đó lại về nước mình. Nhưng qua việc làm trên, thấy rõ tính tự chủ, đàng hoàng của họ. Đây là bài học lịch sử lớn nhất đối với người dân Căm-bốt, và cũng chính là lòng thượng tôn dân tộc.
Xứ Việt, đến bao giờ thì chưa biết, nhưng hiện tại, cả chính phủ lẫn nhóm chống Tàu, đều chưa làm được những điều đó.
Lịch sử ngàn đời vẫn là lịch sử, đất đai được mất vẫn là đất đai. Muốn không sợ thằng hàng xóm thâm hiểm, muốn dành lại đất lại đảo của ông cha, thì cốt lõi là phải cường thịnh đất nước. Quốc thái dân an thì làm gì cũng được. Nước còn nghèo, dân còn hèn thì có muốn cũng chả làm được.
Chiến tranh đến rồi đi, nhưng lịch sử sẽ ghi lại đầy đủ những được mất, đúng sai của một cuộc chiến. Và những người lính, người dân đã hy sinh xương máu để bảo vệ vẹn toàn lãnh thổ đất nước sẽ sống mãi trong lòng dân tộc Việt Nam, sống mãi trong lòng nhân dân Việt Nam.
Lịch sử sẽ không bao giờ quên điều đó.
© 2013 Baron Trịnh, chỉnh sửa và bổ sung 2014
Nguồn hình ảnh và clip: Sưu tầm trên internet.
NGÀY NỔ RA CHIẾN TRANH BIÊN GIỚI: NAM NHỚ, BẮC QUÊN
ReplyDeleteDạo qua các báo, cả Nhân dân, Quân đội Nhân dân, Hà Nội Mới, Hà Giang, Lào Cai, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Bắc Giang...Không có một tờ nào phía Bắc kể cả Vnexpress, nhắc một lời nào về sự kiện tàn bạo, bi thương do quân xâm lược Trung Quốc gây ra ngay trên các vùng đất đó. Chỉ có tờ Thanh Niên, Người lao động, Pháp luật TPHCM (các báo phía Nam) nhắc lại sự kiện này, thậm chí còn ở trang đầu. Anh Tuổi trẻ mà cũng rụt rè quá. Buồn và căm giận.
Nói không có tờ nào cũng chưa chính xác bác ạ. Lao động có mấy bài, có bài bình rất hay. Petrotime cũng có loạt bài khá hay.
Delete