Sunday, November 1, 2009

Nghị sĩ và laptop

Đọc bài của nhà báo Xuân Ba trên Tienphong online: Khi nghị sĩ ta dùng laptop, tự nhiên thấy bần thần cả người. Mặc dù anh Xuân Ba là một người viết kỳ cựu, che rất kín và hở rất đẹp trong bài viết. Nhưng những người có chút tâm, có chút tầm mới thấy đau xót khi đọc bài này.
Hơn chục năm trước, đã không ít các nghiên cứu, lý luận trong nước về sự chuyển dịch xu hướng thế giới trong thế kỷ 21 và hướng đi của Việt Nam làm sao cho phù hợp và phát triển. Các đóng góp đều cho rằng thế kỷ 21 là thế kỷ của "nền kinh tế tri thức" và của "công nghệ thông tin", các nghiên cứu đánh giá đầy đủ hiện trạng xã hội và đề xuất các giải pháp để giải quyết vấn đề. Tất nhiên những cái nghiên cứu ở Việt Nam thì giải pháp cũng chỉ chung chung thôi, chứ có mấy cái khả thi đâu. Mà cũng không bàn đến chuyện đó, mà bàn về cái việc sử dụng máy tính.
Vì cái quan điểm thế kỷ 21 như trên, nên đẻ ra cái đề án 112 về tin học hóa cơ quan hành chính. Đề án 112 đã làm thất thoát không biết bao nhiêu tiền của là mồ hôi, công sức của nhân dân. Kết quả của đề án không cần nói ra thì mọi người cũng biết khi một ông Phó chủ nhiệm văn phòng Chính phủ và một số quan chức cao cấp của đề án phải ngồi bóc lịch cũng như sự phát biểu liều hay cãi chày cãi cối của các thành viên từ các bộ ngành tham gia đề án.
Bỏ ra bao nhiêu tiền của để mua máy tính về làm cảnh, ngoài việc chơi game và đánh văn bản chả biết làm gì thêm, rồi cứ sau một thời gian là hết khấu hao, là thanh lý. Tuy nhiên, hầu hết các cơ quan ban ngành từ Trung ương đến địa phương đều được trang bị, bây giờ đến công văn giấy tờ cấp thôn cũng đánh máy, theo báo cáo của Chính phủ thì tỷ lệ sử dụng internet ở Việt Nam là rất cao, trẻ em 10 tuổi cũng biết sử dụng internet.
Đáng ra với đánh giá và nhận định như vậy, lãnh đạo Việt Nam phải có sự đầu tư thích đáng, phù hợp với tiến trình phát triển của nhân loại. Đàng này đem tiền thuế của người dân đổ xuống sông xuống biển với cái đề án mà hiệu quả thảm hại như kể trên.
Trong khi trên thế giới, thông tin thay đổi theo phút, theo giây. Các nguyên thủ, các chính trị gia của các nước rất phát triển như Anh, Hoa Kỳ,... sử dụng internet như một công cụ hữu hiệu để trao đổi với người dân, để nâng cao uy tín của mình đối với dân chúng, rất nhiều nguyên thủ đã viết Blog,... cho thấy máy tính và internet rất cần thiết trong xã hội đương đại.
Ấy thế mà ở Việt Nam, đến tận năm 2009 các nghị sĩ ta mới tập sử dụng máy tính. Nhà báo Xuân Ba khoe rất kín khi nói mấy ông nghị như Dương Trung Quốc, Nguyễn Lân Dũng "ôm bao bì đựng laptop đang hùng dũng tiến ra. Chắc hai vị đã quá quen với thứ phương tiện này nên khỏi cần dự chương trình hướng dẫn", nhưng lại giấu rất hở vì hóa ra ngoài mấy ông bà nghị là các nhà khoa học biết máy tính còn lại các nghị sĩ khác đều mù máy tính và internet sao?
Thôi, đã nói thì phải nói cho hết nhẽ, một số nghị sĩ già cả, ốm yếu không quen sử dụng máy tính và internet cũng được, vì thế hệ những người này không được tiếp cận với khoa học công nghệ tiên tiến, họ là những người đóng góp cho đất nước ở khía cạnh khác. Nhưng ngoài một số người rất nhỏ thuộc nhóm này ra, phần lớn các nghị sĩ lại đang đương chức, đương quyền, toàn nắm các vị trí chủ chốt tại các cơ quan Trung ương và địa phương. Ấy thế mà lại mù máy tính và internet.
Một đất nước gần 90 triệu dân bầu ra mấy trăm ông bà nghị để đại diện cho tiếng nói của dân giám sát các hoạt động của Chính phủ (hiểu bầu theo nghĩa gì cũng được). Ấy vậy mà năng lực sử dụng máy tính và khai thác internet của các ngài nghị gần như con số không (0) trong khi thông tin là vấn đề sống còn đối với sự tồn tại và phát triển của thế giới văn minh. Thế nên chẳng biết được là Việt Nam nằm ở mức độ nào trong thước đo của nền văn minh nhân loại hiện nay.
Lại nhớ đến việc một ông "tiến sĩ giấy" trả lời phỏng vấn nói rằng "đến năm 2030 Việt Nam sẽ đứng trong Top 20 các nước có nền kinh tế đứng đầu thế giới" hay Bộ giáo dục và đào tạo đề ra mục tiêu "đến năm 2020 Việt Nam có 02 trường Đại học đứng trong top 200 các trường đại học trên thế giới" mới thấy cái giả dối và ảo tưởng của xã hội đương đại.
Đáng ra các ông ấy phải nói ra được một điều rất thật: Nền kinh tế và sự văn minh của Việt Nam tại năm 2009 chỉ tương đương với nền kinh tế và sự văn minh của các nước phát triển hiện nay trên Thế giới tại năm 1930.

© 2009 Baron Trịnh
Nguồn hình ảnh: Sưu tầm trên internet.

2 comments:

  1. Có lẽ các nghị sĩ cần phải được học thêm một cái bằng tại chức... nữa?????, đó là bằng phổ cập sử dụng căn bản tin học văn phòng. Thật là tụt hậu thế này thì làm sao đưa ra được các chính sách hợp lý cho phát triển đất nước. Một Việt Nam hùng cường có lẽ là xa vời quá các bác ạ. hẹc hẹc --- buồn quá!!

    ReplyDelete
  2. @ Hải Nguyễn Thanh:
    Các Nghị nhà ta bằng cấp đầy người đấy bác à. Tuyền từ bổ túc văn hóa mới trung cấp ra, ấy thế mà chả biết thế nào, chục năm sau có mấy cái bằng tại chức, trung cao cấp chính trị, thạc sỹ, thậm chí tiến sỹ nữa cơ.
    Có mấy nghị trung ương hài lắm: Có nghị là lang vườn suốt ngày lang thang kê đơn bắt mạch, dùng cái có bằng tiến sỹ y khoa; Có nghị thi mãi chả đậu đại học, đi buôn, đùng cái có bằng tiến sỹ kinh tế, thế mới hài...
    Các nghị lìu tìu đi học tại chức thì có chịu đi đâu, toàn nhờ các cháu, các em đi học hộ thi hộ, bằng cấp điểm chác cao phết, nhưng không phải của họ.
    Thế nên, biết sử dụng máy tính thành thạo, khai thác internet hiệu quả là một sự xa xỉ đối với nghị xứ Vịt bác à.
    Dân tộc này còn bị hài lắm!!!

    ReplyDelete

Đề nghị nhận xét bằng tiếng Việt có dấu. Cảm ơn!