Nhìn người...
Bài phát biểu của Tổng thống Nga Dmitry Medvedev trong thông điệp liên bang thường niên của nước Nga với tiêu đề “Cải tổ là chìa khóa sống còn”[1].
Ông Medvedev nói: “Thay vì duy trì nền kinh tế cổ lỗ sĩ dựa trên khai
thác nguyên liệu thô, chúng ta cần tạo ra nền kinh tế thông minh, kiến
thức và kỹ thuật hàng đầu, sản xuất ra hàng hóa và dịch vụ có ích cho
người dân… Chúng ta không thể đợi mãi được. Chúng ta cần phát động đợt
hiện đại hóa công nghiệp quy mô lớn. Sự sống còn của quốc gia giữa thế
giới hiện đại phụ thuộc vào điều này”.
Cũng theo ông, thay vì duy trì xã hội thụ động, khi lãnh đạo nghĩ và quyết định cho người dân là “chúng ta nên hướng tới xã hội thông minh, tự do và có trách nhiệm”.
Như lời nói của ông Tổng thống Nga, thế giới hiện đại cần phải tại ra
nền kinh tế thông minh, nền kinh tế có ích cho người dân và hướng tối
một xã hội thông minh, tự do và có trách nhiệm. Đúng là lời phát biểu
của nguyên thủ một cường quốc, hợp tình, hợp lý, không hô hào, không lý
thuyết nhưng vẫn kiên quyết và có chủ định, rất có trách nhiệm và rất
nhân văn.
... lại nghĩ đến ta
Đợt bão lụt vừa qua mới lộ ra nhiều điều, khiến dân chúng không thể bịt tai, bàng quan với thế sự.
155 người chết, chưa kể tài sản của dân chúng, tài sản quốc gia bị bão
lũ cuốn trôi. Tuy nhiên, ông Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải trả lời phỏng
vấn báo chí khẳng định rằng chết người là do lũ lụt không liên quan đến
thủy điện, ông nói: “Không liên quan! Ai bảo do thuỷ điện? Xả lũ mà làm chết người thì ông thuỷ điện đi tù rồi!”[2]. Một câu nói vô cảm, thiếu trách nhiệm, không đủ cái tâm và cái tầm của một trong những người đứng đầu Chính phủ.
(Nguồn hình ảnh: Sưu tầm trên Internet)
Một ông Phó thủ tướng phụ trách vấn đề năng lượng quốc gia mà không hiểu
rằng, hậu quả nặng nề trong hai cơn bão số 9 và 11 vừa qua một phần do
qui hoạch hệ thống thủy điện không hợp lý, không phối hợp đồng bộ giữa
quản lý ngành và quản lý địa phương (mà cơ quan điều tiết quan hệ đó là
Chính phủ), xây dựng thủy điện chỉ chạy theo lợi nhuận kinh doanh mà
không tính đến vai trò điều tiết lũ. Trên một dòng sông mà xây 5 cái
thủy điện thì phải hiểu rằng, nếu không điều tiết hợp lý, không có sự
phối hợp ăn ý trong xả lũ thì các hồ thủy điện ở hạ lưu sẽ lãnh đủ hậu
quả.
Cũng chính vì không có sự điều tiết và phối hợp đó, nên thủy điện Ba Hạ
phải xả lũ nhiều hơn dự kiến để tránh tổn thất khi các thủy điện phía
trên xả lũ. Ông Võ Văn Tri, giám đốc công ty cổ phần thủy điện sông Ba
Hạ cho biết, công trình này đã “không thể làm được nhiệm vụ cắt lũ, điều tiết lũ ở hạ lưu” và “Chưa
bao giờ chúng tôi nhận được kế hoạch xả lũ của các công trình phía trên
trong khi hồ chứa của nhà máy chúng tôi, nằm cuối, dung tích lại quá
nhỏ” nên không còn cách nào khác là phải xả lũ dù “buộc phải nhìn bà con bị ngập lụt”[3].
(Nguồn hình ảnh: Sưu tầm trên Internet)
Ấy thế mà ông Phó thủ tướng cho rằng hệ thống thủy điện qui hoạch hợp
lý, xả lũ đúng qui trình và người chết không phải do xả lũ. Không hiểu
một ông PTTg lại phát biểu một cách bừa bãi như thế? Chí ít, ông cũng
hiểu rằng, cần phải có trách nhiệm đối với lời nói của mình. Một người
đứng đầu trong Chính phủ, thay mặt Thủ tướng quản lý về lĩnh vực này
không thể nói bừa theo kiểu mấy anh nông dân nghỉ giữa buổi cày, hút
thuốc lào vặt và bốc phét chuyện ở Ucraina có con gà 4 chân được.
Các cụ ngày xưa dạy: “Trước khi nói uốn lưỡi 7 lần”, cái bài học
từ hồi cấp một đối với mọi người hình như không được ông PTTg thuộc bài.
Thế cho nên ông ta mới phát biểu thiếu trách nhiệm và vô cảm đến lạnh
người. Đúng như nhà báo Mạnh Quân đã viết về vấn đề này: “Trên cả sự vô cảm”[3].
Đã thế, ông Hải còn phát biểu những điều hết sức hoang đường, ông nói: “Vấn
đề còn lại là làm sao khuyến khích, hỗ trợ người dân miền Trung xây
dựng được nhà kiên cố, 2-3 tầng. Lúc ấy lũ có về cũng khỏi phải vất vả
đi xa, mới có thể sống chung với lũ được”[2].
Thưa ông, người dân Việt Nam đã khổ lắm rồi, kiếm đủ miếng ăn, đủ tiền
cho con cái học hành đã vắt kiệt sức của họ, lấy gì cho họ xây nhà 2,3
tầng bây giờ.
(Nguồn hình ảnh: Sưu tầm trên Internet)
Không hiểu ông không biết thật hay ông hoang tưởng? Lại một kiểu phát biểu của mấy ông lãnh đạo thời bao cấp, nói rằng: “đói thì nấu cháo gà mà ăn, sao lại phải nhịn”. Đúng là một câu phát biểu hết sức “loạn ngôn” của một ông PTTg. Một bloger nhận xét: “Ai cũng hiểu, chỉ một người không hiểu” (Tuan’s blog) đúng lắm thay.
Lời kết
Đọc những thông điệp của ông Medvedev ở nước Nga, ngẫm lại những gì ông
Phó thủ tướng ở nước ta đã nói, mới thấy cái tầm của người lãnh đạo.
Chả trách mà có một thời gian ngắn, nước Nga đã lấy lại vị thế của mình
trên trường quốc tế. Còn Việt Nam, với những người lãnh đạo “Vô cảm, thiếu trách nhiệm và loạn ngôn” thì bao giờ nước ta mới “sánh vai cùng các cường quốc năm châu”?
-----------------------------------------------------------------
(1). http://dantri.com.vn/c36/s36-361540/thong-diep-lien-bang-cua-nga-cai-to-la-chia-khoa-song-con.htm
(2). http://www.phapluattp.vn/news/chinh-tri/view.aspx?news_id=277390
(3).http://www.sgtt.com.vn/Detail23.aspx?ColumnId=23&newsid=59155&fld=HTMG/2009/1108/59155
© 2009 Baron Trịnh
0 comments:
Post a Comment
Đề nghị nhận xét bằng tiếng Việt có dấu. Cảm ơn!