Tuesday, December 10, 2013

Sát hạch PISA và chất lượng giáo dục Việt Nam



BBC Việt ngữ: Kết quả sát hạch PISA (Program for International Student Assessment) năm 2012 do OECD (Organization for Economic Cooperation and Development) công bố ngày 3/12 đã ‘gây sốt’ với phần lớn người dân và quan chức ngành giáo dục khi Việt Nam xếp hạng 17/65 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia.
Phát biểu với báo giới, ông Nguyễn Vinh Hiển - Thứ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo nói: “Kết quả này bất ngờ với cả chúng tôi”.
Từ xa xưa đến nay, Việt Nam là dân tộc hiếu học, luôn lấy việc học làm nền tảng phát triển. Việc Việt Nam dành được thứ bậc cao trong cuộc khảo sát của OECD là điều rất đáng mừng, nhưng thực chất có phải như vậy?

Việt Nam tham gia PISA như thế nào
Chương trình đánh giá học sinh quốc tế do OECD khởi xướng từ năm 2000. Đặc điểm của PISA là đo lường năng lực của học sinh về các lĩnh vực toán, khoa học và đọc hiểu theo mẫu khảo sát chính thức mà OECD lựa chọn.
Để chuẩn bị tham gia sát hạch PISA, từ năm 2010, Bộ Giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) đã có văn bản chỉ đạo cho các trường THPT, Trung tâm giáo dục thường xuyên và trường nghề trên cả nước tổ chức khảo sát thử nghiệm.
Trong năm 2011, đã có 40 cơ sở giáo dục thuộc 9 tỉnh thành trong cả nước tiến hành khảo sát thử nghiệm theo yêu cầu của OECD.
Bộ GD&ĐT đã thành lập Văn phòng PISA Việt Nam để thực hiện nhiệm vụ này. Trong đó có các hoạt động ôn tập và luyện các đề thi và các phiếu câu hỏi.
Trong văn bản số 2065 /BGDĐT-KTKĐCLGD ký ngày 11/4/2012 đã nêu rõ ở khoản (b): “Kiểm tra việc cung cấp các tài liệu PISA đến các trường và yêu cầu các Hiệu trưởng, giáo viên, học sinh đọc, tổ chức thảo luận về cách đánh giá của PISA, các dạng đề thi và phiếu hỏi để học sinh làm quen với cách hỏi thi và cách đánh giá của PISA”.
Theo báo Người Lao Động ngày 4/12, Hiệu trưởng một trường THPT có tham gia khảo sát PISA cho biết: “Chính vì học sinh chưa từng làm quen với PISA nên ngoài những lần tập huấn chính thức do Bộ quy định, trường còn tổ chức những buổi ôn luyện kiến thức cho học sinh. Thậm chí, trên website của nhiều sở GD&ĐT tham gia khảo sát PISA còn có hẳn ngân hàng câu hỏi, các dạng đề để học sinh ôn tập, luyện giải.”
Có thể thấy, Việt Nam đã chuẩn bị rất kỹ cho kỳ sát hạch này, và vẫn áp dụng phương pháp truyền thống trong thi cử là “luyện gà nòi”.
Người viết chưa có điều kiện để tìm hiểu công tác chuẩn bị và tổ chức sát hạch PISA của các quốc gia khác, nhưng có thể nói, việc tổ chức “ôn luyện” để sát hạch chắc chắn không xảy ra ở các quốc gia có nền giáo dục tiên tiến.
Việc tổ chức cho học sinh làm quen với cách hỏi thi và cách đánh giá của PISA là điều cần thiết. Nhưng yêu cầu học sinh ôn luyện kiến thức với các ngân hàng câu hỏi và các dạng đề có sẵn thì cần nhìn nhận thực chất kết quả sát hạch PISA ở Việt Nam.

Giáo dục Việt Nam đang ở đâu
Sự yếu kém và thụt lùi của nền giáo dục Việt Nam đã được đề cập thường xuyên trong các diễn đàn của Quốc hội và Chính phủ, luôn là vấn đề “nóng” của báo chí và dư luận xã hội.
Điều này cũng là dễ hiểu và mang tính tích cực, vì khi người dân còn quan tâm đến giáo dục, thì đất nước còn nhiều cơ hội phát triển.
Tuy nhiên, sự yếu kém này đã tồn tại trong một thời gian quá dài.
Chính phủ và ngành giáo dục vẫn loay hoay đi tìm giải pháp cải cách. Rất nhiều chiến lược, chính sách lẫn các chương trình của nhiều đời Bộ trưởng được đưa ra, nhưng vẫn chưa thấy tín hiệu khả quan, không muốn nói là đang thụt lùi.
Tình trạng học sinh tiểu học và phổ thông “ngồi nhầm lớp” do bệnh thành tích đã kéo dài nhiều năm, khiến cho các thành tích giảng dạy và học tập của ngành giáo dục trở nên bất thường.
Từ năm 2007, Bộ GD&ĐT đã đưa ra 8 biện pháp chống “ngồi nhầm lớp”. Hơn 6 năm đã trôi qua, nhưng chưa thấy có một đánh giá khả thi về hiệu quả của các biện pháp này.
Hậu quả của việc “ngồi nhầm lớp” dẫn đến các trường học và giáo viên tiếp tay cho học sinh tiêu cực trong các kỳ thi tốt nghiệp.
Mục tiêu chính vẫn không ngoài việc đạt được “thành tích”. Những kết quả tốt nghiệp qua từng năm luôn tiệm cận với tỷ lệ 100% đã khiến cả xã hội không khỏi bức xúc về chất lượng dạy và học.
Đến mức cả xã hội kêu gọi ngành giáo dục bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT, vì thấy kỳ thi này không còn ý nghĩa nữa.
Chất lượng giáo viên ngày càng đáng báo động, khi đã hình thành một lớp “thợ dạy” thay cho “thầy dạy”. Sách giáo khoa còn nhiều bất cập và sai sót, năm nào cũng cải tiến, sửa đổi nhưng vẫn không thay đổi được nội dung và phương pháp học tập.
Tình trạng chạy trường, chạy điểm, thậm chí mua bán điểm diễn ra từ cấp tiểu học đến đại học. Hàng chục nghìn cử nhân, kỹ sư ra trường thất nghiệp. Sản phẩm của quá trình đào tạo chưa đáp ứng được yêu cầu của xã hội.
Tiến sỹ Gerard, người phụ trách một chương trình của đại học California tại Việt Nam đã nhận xét rằng học sinh và sinh viên Việt Nam luôn gặp 3 vấn đề lớn: “Một là nội dung không có tính thực tế của các môn học; hai là phương pháp dạy và học tập trung vào học gạo và mục đích chỉ là chuẩn bị cho các kỳ thi; ba là tệ tham nhũng trong giáo dục”.
Từ nhận xét này, có thể hình dung được sản phẩm của quá trình giáo dục tại Việt Nam, và kèm theo đó là chất lượng thực sự của nền giáo dục.
Khi đảm nhiệm vị trí Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, ông Nguyễn Thiện Nhân đã phát động phong trào “3 không” trong giáo dục, bao gồm: “Nói không với tiêu cực trong thi cử, chống bệnh thành tích trong ngành giáo dục và không đọc - chép trong dạy học”.
Đã qua 6 năm từ khi phát động phong trào, giáo dục Việt Nam chưa giảm được "không nào", thậm chí còn diễn biến theo chiều hướng xấu hơn.
Những đóng góp tâm huyết của các nhà giáo dục lớn như GS Hoàng Tụy, GS Hồ Ngọc Đại,… chưa được lãnh đạo ngành giáo dục cầu thị xem xét.
Vẫn thoáng đâu đó “nhóm lợi ích” trong việc cải cách sách giáo khoa lẫn việc ồ ạt mở các trường đại học.
Có lẽ không thể ngồi nhìn nền giáo dục ngày càng yếu kém. Tại Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI đã ban hành Nghị quyết 29-NQ/TW với nội dung “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo”.
Ông Phạm Vũ Luận - Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã đã ví von: “Đổi mới lần này xem như là một ‘trận đánh’ lớn, quyết tâm và dứt khoát đưa nền giáo dục ‘lột xác’”.
Không biết nghị quyết này sẽ được triển khai và có hiệu quả như thế nào? Không biết "trận đánh lớn" của ông Luận sẽ "lột xác" ra sao? Nhưng hiện tại, với tiêu chí "chất lượng hệ thống giáo dục” theo xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, Việt Nam còn thấp hơn 2 nước láng giềng là Lào và Campuchia.

Chưa đánh giá thực chất nền giáo dục
Phải thừa nhận rằng, học sinh và sinh viên Việt Nam rất cần cù, chịu khó và sáng tạo trong học tập. Kết quả học tập của học sinh và sinh viên Việt Nam ở các nước phát triển về giáo dục đã thể hiện điều đó.
Nhưng phần lớn những em này đã được gia đình đầu tư bài bản trong quá trình học tập từ nhỏ, và được học tập tiếp ở môi trường giáo dục hiện đại.
Còn đối với học sinh trong nước, còn rất nhiều khó khăn cả về điều kiện vật chất lẫn điều kiện học tập. Khi mà tình trạng giáo dục đang xuống cấp nghiêm trọng, hệ thống sách giáo khoa lẫn chương trình học còn nhiều bất cập, chất lượng giáo viên còn nhiều hạn chế thì kết quả đánh giá của PISA chưa phản ánh đúng thực tế chất lượng giáo dục trong nước.
Những phát biểu sau sự kiện này của những nhà giáo dục có uy tín đã phản ánh điều đó.
Trả lời phỏng vấn báo Vietnamnet, Giáo sư Hoàng Tụy đã nói: “Đây là kết quả khả quan, nhưng cần lưu ý là nó không nói lên chất lượng của cả nền giáo dục Việt Nam, mà chỉ tới bậc THCS”.
Trên BBC Việt ngữ, nhà giáo Phạm Toàn nói: “Đó là một thành tích vô bổ. Đó là một thành tích không dẫn đến một cái gì có ích cả” và “việc học phải được đặt trong bối cảnh chung của sự phát triển xã hội”.
Căn bệnh thành tích là một trong những nguyên nhân khiến nền giáo dục Việt Nam suy thoái. Hiện tượng học sinh ngồi nhầm lớp không còn còn là những trường hợp cá biệt. Các kết quả thi tốt nghiệp THCS và THPT luôn tiệm cận ở tỷ lệ 100% đã phản ánh điều đó.
Thế nên việc Bộ GD&ĐT đầu tư nhiều thời gian, tiền bạc và công sức cho khảo sát PISA và tự hào với kết quả đạt được không làm cho những người tâm huyết với nền giáo dục nước nhà yên tâm. Mà còn cho thấy căn bệnh thành tích của ngành giáo dục chưa hề giảm.
Trong một bài viết của Giáo sư Vũ Cao Đàm, khi đặt ra câu hỏi: “Các bạn đến học ở trường này thấy điều gì khác nổi bật so với các trường đã học ở trong nước?” với các sinh viên người Việt đang học tại Đức, ông đã nhận được câu trả lời đầy ấn tượng: “Thưa thầy, ở đây dạy chúng em làm người, còn ở nhà dạy chúng em làm những con rô bốt”.
Mặc dù câu trả lời vẫn còn mang tính phiến diện, nhưng cũng cho chúng ta thấy được tình trạng học vẹt, nặng về lý thuyết giáo điều mà thiếu tính thực tiễn trong giáo dục Việt Nam.
Nhìn chất lượng học sinh sau tốt nghiệp THPT, chất lượng sinh viên trong các trường đại học, cao đẳng có thể thấy kết quả đào tạo phổ thông của chúng ta chưa gắn kết được kiến thức đã học với thực tiễn.
Vẫn quá nặng về lối mòn học vẹt lý thuyết, và mục tiêu học tập chỉ để phục vụ kỳ thi đại học. Vì thế, kết quả sát hạch PISA chưa thể đánh giá đúng thực tế chất lượng giáo dục Việt Nam.
Người viết không chủ quan phê phán hay có suy nghĩ tiêu cực cho giáo dục Việt Nam, mà mong muốn nền giáo dục thực sự phát triển, là nền tảng để xây dựng đất nước giàu mạnh. Tuy nhiên, đánh giá tổng thể cho thấy, nền giáo dục của chúng ta còn quá yếu kém mà luôn nặng căn bệnh thành tích.
Chính phủ và ngành giáo dục nên nhìn nhận thực tế và khách quan về chất lượng nền giáo dục. Từ đó có những chiến lược cải cách phù hợp, nhằm nâng cao chất lượng giáo dục tiệm cận với những nền giáo dục tiên tiến trên thế giới, hơn là đóng cửa “tự sướng” với những thành tích ảo.

Tác giả: Trường Yên

0 comments:

Post a Comment

Đề nghị nhận xét bằng tiếng Việt có dấu. Cảm ơn!