Friday, April 5, 2013

Gạt lợi ích nhóm khi quyết chuyện điểm sàn


Tuần Việt Nam: Các nhà quản lý cũng như các trường ĐH, thay vì đưa ra những quan điểm theo mục tiêu "nhóm lợi ích", hãy đề xuất những phương cách nâng cao chất lượng GDĐH cho nước nhà. Điều này, vừa công bằng với người học, vừa không vi hiến với Hiến pháp và Luật GDĐH...

LTS: Ngày 22/3, nhà văn Nguyên Ngọc có bài trả lời phỏng vấn trên Tuần Việt Nam xung quanh vấn đề GDĐH. Mới đây, Tuần Việt Nam chúng tôi nhận được bài viết phản biện về quan niệm của ông- "Bằng tốt nghiệp THPT chính là điểm sàn vào ĐH". Để rộng đường dư luận, tôn trọng tính thông tin đa chiều, Tuần Việt Nam xin đăng tải bài viết dưới đây. Và rất mong nhận được nhiều ý kiến tham góp chủ đề này, và chủ đề đào tạo, khi mùa tuyển sinh ĐH, CĐ sắp bắt đầu.

Cuộc họp mới đây giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo và Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập Việt Nam liên quan đến các vấn đề tuyển sinh và cơ chế chính sách cho các trường ngoài công lập phát triển. Bộ GD& ĐT đã ủng hộ các trường có phương án tuyển sinh riêng theo Luật GDĐH. Tuy nhiên, đến năm 2015 cách thức thi cơ bản vẫn giữ "ba chung" và "điểm sàn"[1].
Liên quan đến vấn đề này, nhà văn Nguyên Ngọc (hiện là Chủ tịch HĐQT Trường ĐH Phan Châu Trinh) đã có một bài viết trên báo GDVN với tiêu đề: "Bằng tốt nghiệp THPT chính là 'điểm sàn' vào ĐH"[2].
Đứng về giác độ GD hiện đại, quan điểm của nhà văn Nguyên Ngọc là hợp lý. Tuy nhiên, trong thực tiễn GDĐH của Việt Nam hiện nay, quan điểm này chưa phù hợp. Vì sao?

Vì mục tiêu kinh doanh GDĐH?
Theo nhà văn Nguyên Ngọc, việc có hai kỳ thi (thi tốt nghiệp THPT và thi ĐH) là nghịch lý. Vì kết quả thi tốt nghiệp THPT đỗ gần 100% (năm 2012 có 963.474 thí sinh dự thi[3]), nhưng khi thi ĐH lại rớt trên dưới nửa triệu thí sinh. Đồng thời, ông cũng cho rằng "Bằng tốt nghiệpTHPT chính là 'điểm sàn' vào ĐH" và "được vào họcĐH là quyền của người đã tốt nghiệp THPT".
Nếu nói rằng, việc có hai kỳ thi là nghịch lý thì chưa hẳn đã đúng. Trong hệ thống GD của các quốc gia trên thế giới, có những quốc gia không thực hiện kỳ thi tuyển sinh ĐH, mà để cho các trường tự xét tuyển. Tuy nhiên, vẫn có các quốc gia tổ chức thi tuyển vào ĐH. Việc bỏ hay duy trì kỳ thi ĐH phụ thuộc vào chính sách GD từng quốc gia, không thể cho đó là nghịch lý.
Quyền được học ĐH của người đã tốt nghiệp THPT là điều không bàn cãi, đã được nêu rõ trong Luật GDĐH. Tuy nhiên, nếu cho rằng bằng tốt nghiệp THPT chính là "điểm sàn" vào ĐH là chưa đầy đủ.
Người đã tốt nghiệp THPT được quyền học ĐH, nhưng việc những người này vào học trường ĐH nào, có đủ năng lực để tham gia học tập trong môi trường GDĐH hay không, lại là chuyện khác. Không thể đánh đồng quan điểm quyền học ĐH với việc học ĐH.
Ở tất cả các quốc gia, tỷ lệ học ĐH luôn thấp hơn tỷ lệ học cao đẳng, trung cấp nghề và trung cấp chuyên nghiệp. Mặt khác, GD ĐH đào tạo ra những người làm việc gián tiếp, có khả năng tư duy, độc lập trong công việc và có khả năng tổ chức nhóm. Điều đó có nghĩa là, một người không có khả năng tiếp thu những kiến thức khoa học và kỹ thuật ở trình độ ĐH để có thể trở thành một kỹ sư, cử nhân thì không nên học ĐH.
Bên cạnh đó, chúng ta vẫn nêu ra một thực trạng là "thừa thầy, thiếu thợ"[4]. Vậy tại sao lại khuyến khích những người không đủ khả năng đi học ĐH? Phải chăng là định hướng duy ý chí để đạt tỷ lệ số sinh viên/ số dân? Hay vì mục tiêu... kinh doanh GDĐH?
Quay lại vấn đề, có nên bỏ kỳ thi ĐH khi mà người đã tốt nghiệp phổ thông có quyền học ĐH? Theo quan điểm của người viết, trong thời điểm hiện nay, không nên bỏ kỳ thi ĐH. Mặc dù, tổ chức kỳ thi ĐH rất tốn kém cho ngân sách Nhà nước, gây nên sự xáo trộn về mặt xã hội trong thời gian tổ chức kỳ thi, tạo sự lo lắng và mệt mỏi cho cả phụ huynh và thí sinh. Tuy nhiên, việc tổ chức kỳ thi ĐH nhằm sàng lọc ra những đối tượng có đầy đủ kiến thức và tư duy học ĐH như đã nêu ở trên.
Đồng thời, khuyến khích những người đã tốt nghiệp THPT, nếu không đủ khả năng học ĐH, hãy lựa chọn việc học nghề. Điều này vừa đảm bảo chất lượng đầu vào của các trường ĐH, vừa đảm bảo đất nước có một lực lượng lao động trực tiếp dồi dào, tránh những thiệt hại của xã hội, tạo ra tỷ lệ cân bằng thầy - thợ trong cán cân phân bổ nguồn lực lao động của quốc gia.


Có nên bỏ điểm sàn?
Cũng trong bài viết của mình, nhà văn Nguyên Ngọc cho rằng sau khi có bằng tốt nghiệp THPT - tức là đã có "điểm sàn", người đã tốt nghiệp cấp học này được quyền xin vào bất cứ trường ĐH nào, và việc có tiếp nhận hay không tùy thuộc vào các trường ĐH. Ông phản bác quan điểm của những người đưa ra lý lẽ sử dụng điểm sàn để đảm bảo chất lượng đầu vào của các trường ĐH, và cho rằng phải siết chặt đầu ra ở THPT.
Không rõ, quan điểm của nhà văn Nguyên Ngọc tiền hậu bất nhất? Hay ông không phân biệt được mục tiêu của GDĐH và GDPT? Nếu theo quan điểm của ông về quyền học ĐH và phải siết chặt đầu ra để đảm bảo chất lượng đầu vào của ĐH, thì cũng sẽ có trên dưới nửa triệu thí sinh không tốt nghiệp THPT.
Mục tiêu của GDPT là cung cấp kiến thức phổ thông cơ bản cho các đối tượng theo học, và mục tiêu của tất cả các quốc gia (trong đó có Việt Nam) là phổ cập được bậc trung học. Đây cũng chính là một trong những tiêu chí để đánh giá chỉ số phát triển con người (Human Development Index).
Nếu siết chặt đầu ra, thì trên dưới nửa triệu học sinh không tốt nghiệp THPT sẽ như thế nào? Yêu cầu tối thiểu của các trường trung cấp nghề là phải có bằng tốt nghiệp THPT, thậm chí đi xin việc lao động tay chân trong các nhà máy cũng yêu cầu điều này. Không biết, nhà văn Nguyên Ngọc có trả lời được câu hỏi này?
Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận rằng, việc các quốc gia có nền GD phát triển không sử dụng điểm sàn trong kỳ thi tuyển ĐH là một việc làm tích cực, phù hợp với tính độc lập, tự chủ của các trường. Nhưng để làm được điều này, hệ thống GD của các quốc gia này có những cơ chế kiểm soát chất lượng GDĐH hiệu quả và phân tầng chất lượng các trường ĐH rõ ràng.
Chẳng hạn, tại Hoa Kỳ, các Hiệp hội kiểm định GD sẽ đánh giá chất lượng các trường ĐH. Các hiệp hội này được hai cơ quan cấp phép kiểm định chất lượng GD là Bộ GD liên bang (U.S. Department of Education) và Hội đồng Kiểm định ĐH (Council for Higher Education Accreditation).
Điều này giúp có sự minh bạch trong việc xếp hạng các trường ĐH, và là cơ sở cho việc tuyển chọn chất lượng đầu vào theo nhu cầu đào tạo của nhà trường, mà không vi hiến về quyền được học ĐH của những người đã có bằng tốt nghiệp THPT.
Một ví dụ khác, tại Pháp, có chương trình dự bị ĐH, người tốt nghiệp THPT có thể ghi danh vào học bất cứ trường ĐH nào, nhưng phải qua giai đoạn dự bị từ 1÷2 năm. Sau quá trình học dự bị, trường ĐH sẽ tuyển chọn những người đạt yêu cầu để vào học ĐH chính thức, những người không đạt yêu cầu, sẽ bị loại. Từ ví dụ của hai quốc gia có nền GDĐH phát triển ở trên, cho thấy, việc không sự dụng điểm sàn là điều tất yếu.
Quay lại quan điểm của nhà văn Nguyên Ngọc, ông cho rằng nếu sử dụng "điểm sàn" để quy định đầu vào của các trường ĐH là "vô lý, vô nghĩa, và tai hại". Tuy nhiên, phải nhìn nhận một cách thẳng thắn rằng, phần lớn các trường ĐH dân lập ở Việt Nam đang thiếu cả đội ngũ giảng dạy và cơ sở vật chất phục vụ đào tạo.
Tình trạng dạy và học theo kiểu "cơm chấm cơm" vẫn đang diễn ra. Tuyển sinh ĐH những năm qua cho thấy, điểm "đầu vào" của rất nhiều trường ĐH dân lập thấp như thế nào[5]. Hiện tượng "xé rào" để các thí sinh thi ĐH chỉ được 7÷8 điểm, đạt "điểm sàn" để vào trường đã không còn hiếm[6].
Như vậy, nếu việc bỏ "điểm sàn" là đúng đắn thì các trường ĐH dân lập sẽ đào tạo như thế nào với những thí sinh thi ĐH chỉ đạt vài ba điểm? Và nếu vì các lý do nào đấy, những "sinh viên" này tốt nghiệp ĐH, thì chất lượng lao động trình độ ĐH sẽ như thế nào. Hay tốt nghiệp ĐH ra để làm công nhân[7]?
Như vậy, mục tiêu bỏ "điểm sàn" là vì mong muốn công bằng cho những người có nhu cầu học ĐH? Hay chỉ đơn thuần vì "lợi ích" của các trường ĐH dân lập nếu tuyển sinh được số lượng sinh viên nhiều hơn?
Lâu nay, chúng ta đều nhìn nhận có vấn đề trong chất lượng đào tạo ĐH, kể cả các trường công lập lẫn dân lập. Sinh viên tốt nghiệp ĐH phần lớn chưa đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng. Lý do chính là chương trình đào tạo quá nặng về lý thuyết mà thiếu tính thực tiễn[8].
Việc mở rộng nhiều ngành, chuyên ngành học trong một trường ĐH đã làm loãng mục tiêu đào tạo chuyên sâu. Tuy nhiên, về cơ bản, các trường ĐH công lập có truyền thống vẫn đạt được mục tiêu đào tạo chất lượng cao hơn các trường ĐH dân lập[9]. Điều này thể hiện rõ ràng ở điểm tuyển sinh đầu vào, đội ngũ giảng viên và cơ sở vật chất phục vụ đào tạo.
Thế nhưng khi các nhà tuyển dụng không nhận sinh viên của các trường ĐH dân lập, thì chính các trường này lại nêu quan điểm là kỳ thị, phân biệt giữa trường công và trường tư[10]. Cũng nên lưu ý rằng, ở nhiều quốc gia có nền GDĐH tiên tiến, nhiều trường dân lập có chất lượng hơn các trường công lập. Chính vì vậy, trong giai đoạn hiện nay, việc duy trì "điểm sàn" để tuyển sinh vào các trường ĐH nói chung là hợp lý, phù hợp với thực tiễn GDĐH nước ta.

Lời kết
Trả lời phỏng vấn trên báo Tuổi trẻ, GS Phùng Hồ Hải (Viện Toán học VN) có nhận xét về GDĐH: "Về tổng thể, ta vẫn đang đi xuống"[11]. Điều này cho thấy, việc nâng cao chất lượng GDĐH ở VN là bài toán cần được xã hội quan tâm sâu sắc.
Các nhà quản lý GDĐH, cũng như các trường ĐH, thay vì đưa ra những quan điểm theo mục tiêu "nhóm lợi ích"[12], hãy đề xuất những phương cách nâng cao chất lượng GDĐH cho nước nhà. Điều này, vừa công bằng với người học, vừa không vi hiến với Hiến pháp và Luật GDĐH, đồng thời tạo ra nguồn lao động chất lượng cao cho xã hội, đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội quốc gia.

Tác giả: Trịnh Xuân Báu
--------------------------------
Tham khảo:
[1]: http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Tuyen-sinh/Bo-ung-ho-cac-truong-xay-dung-phuong-an-tuyen-sinh-rieng/281592.gd
[2]: http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Bang-tot-nghiep-pho-thong-chinh-la-diem-san-vao-dai-hoc/282402.gd
[3]: http://sgtt.vn/Khoa-giao/164692/Gan-mot-trieu-thi-sinh-buoc-vao-ky-thi-tot-nghiep-THPT.html
[4]: http://www.thesaigontimes.vn/home/diendan/bandocviet/29271/
[5]: http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Chuyen-gia-Giao-duc/Hy-huu-Diem-chuan-9-cung-chi-tuyen-duoc-6-sinh-vien/274765.gd
[6]: http://tuoitre.vn/tuyensinh/tuyen-sinh/453410/8-diem-cung-dau-dai-hoc.html
[7]: http://dantri.com.vn/su-kien/ca-ngan-cu-nhan-lam-cong-nhan-tai-mot-doanh-nghiep-704871.htm
[8]: http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/thu-tuong-nguyen-tan-dung-giao-duc-con-nang-ly-thuyet-day-chu-637184.htm
[9]: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/mat-long-tin-o-truong-dan-lap-2013030801253257.htm
[10]: http://www.nguoiduatin.vn/cac-truong-dan-lap-phan-doi-nam-dinh-che-sinh-vien-a16927.html
[11]: http://tuoitre.vn/Tuoi-tre-cuoi-tuan/Van-de-Su-kien/536246/giao-duc-dai-hoc-ve-tong-the-ta-van-dang-di-xuong.html
[12]: http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/2009-12-04-loi-ich-nhom-khien-giao-duc-dai-hoc-luan-quan-tam-nhin-

0 comments:

Post a Comment

Đề nghị nhận xét bằng tiếng Việt có dấu. Cảm ơn!