Tuesday, March 2, 2021

Niềm tự hào rẻ mạt

 

Mấy hôm nay báo chí và mạng xã hội nóng rừng rực chuyện anh Mạnh cứu được cháu bé rơi từ tầng 12 của một chúng cư đến mức phong anh hùng cho anh Mạnh và điệp khúc tự hào dân tộc được nâng lên ở mức cao nhất trong cộng đồng mạng. Thế nên tôi lại tạt gáo nước lạnh vào những niềm tự hào đang rừng rực lửa của đám đông.
 
Đầu tiên phải nói rằng hành động của anh Mạnh là một hành động hiệp nghĩa của một người tốt, không thể phủ nhận được điều này.
 
Tiếp theo là có một sự cực kỳ may mắn không thể giải thích được, cháu bé đã được cứu sống trong một tích tắc và nó là cả một sự sự kỳ diệu.
 
Việc ông thủ tướng chính phủ và ông bí thư thủ đô gửi thư khen ngợi, cũng như chủ tịch thủ đô tặng bằng khen cho anh Mạnh là việc làm cần thiết, kịp thời và đúng đắn của chính quyền. Cũng không có điều gì phải nói nhiều.
 
Cái tôi muốn nói đến là sự ăn mày niềm tự hào của một bộ phận không nhỏ người Việt.
 
Tôi tin rằng anh Mạnh không muốn/không thích làm người hùng như mạng xã hội tự phong cho anh ấy. Mặc dù hành động của anh là một hành động anh hùng. Bởi lẽ người ta đã kịp “soi xét” đời tư của anh trên FB và thấy anh đã làm việc tốt từ rất lâu – một người tốt luôn làm việc tốt. Vì thế hành động cứu cháu bé của anh là một bản năng của một người tốt lúc nào cũng sẵn sàng làm việc tốt.
 
Việc cứu được cháu bé là một sự cực kỳ may mắn như tôi nói trên. Nhưng nếu không phải một người trong tâm thức luôn sẵn sàng làm việc tốt thì chưa chắc đã cứu được cháu bé. 
 
Bởi lẽ một người bình thường, khi tiếp nhận thông tin đã mất vài giây để xử lý, rồi mất vài giây để quyết định, rồi mất vài giây để lựa chọn hành động… và khi người ta bắt đầu hành động thì có lẽ sẽ không kịp.
 
Ngược lại anh Mạnh là người có tâm thức luôn làm việc tốt. Và khi tiếp nhận thông tin anh đã sẵn sàng hành động ngay mà không mất thời gian để định hình thông tin, đưa ra quyết định và chọn lựa hành động. Có nghĩa khi nghe tiếng hô hoán và thấy cháu bé rơi xuống, anh lao đến với niềm tin mãnh liệt của người tốt là sẽ đỡ được cháu bé. Đó là một hành động vô thức trong một tâm thức hành động vì một việc tốt cần hành động. Điều này chắc các nhà tâm lý học sẽ phân tích chuẩn chỉnh hơn tôi.
Một điều cực kỳ may mắn cho cháu bé và gia đình cháu là anh Mạnh ở gần đó và đã hành động kịp thời. Một điều cực kỳ may mắn cho anh Mạnh và cháu bé là anh đã đỡ được cháu bé trong một tình huống ngàn cân treo sợi tóc và cứu được cháu bé.
 
Nếu một người khác mà không phải là anh Mạnh thì có thể sẽ bị chậm vài giây, sẽ không đến được vị trí cháu bé rơi xuống và sẽ không đỡ được cháu bé. Hoặc nếu vị trí tiếp xúc của anh Mạnh với cháu bé không như mong muốn thì có thể cả cháu bé và anh Mạnh sẽ gặp chuyện không lành. Điều cực kỳ may mắn là chuyện đó không xảy ra và đã có một cái kết tốt đẹp.
 
Điều này ai cũng biết và thiết nghĩ không cần phải nhấn mạnh nữa.
 
Việc chính phủ, chính quyền thủ đô và cộng đồng khen thưởng và ca ngợi anh Mạnh là điều đúng đắn và cần thiết. Nhưng phong anh hùng cho anh Mạnh rồi tự hào lắm Việt Nam ơi là điều rất không nên, chưa nói đến là rất rẻ mạt. Bởi lẽ hành động anh hùng của anh Mạnh phải là điều để từ chính quyền đến người dân tự soi vào bản thân mình, để thấy mình cần phải làm gì, để thấy xấu hổ với suy nghĩ và hành động phản cái tốt của mình, chứ không phải để ăn mày sự tự hào này trên mạng xã hội.
 
Đáng ra sau vụ việc này người ta phải nhìn nhận lại toàn bộ vấn đề để làm sao không có những việc đáng tiếc xảy ra (và nó đã và đang xảy ra, như vụ cháu bé rơi từ tầng 39 rồi tầng 25 ở Hà Nội, hay tầng 3 ở Bình Dương chỉ cách đây vài ba tháng…) và rút kinh nghiệm như thế nào?
 
Chính quyền sẽ làm gì để hạn chế tình trạng trẻ em rơi từ chúng cư cao tầng? Tuyên truyền giáo dục ý thức người dân? Kiểm tra sự an toàn của tòa nhà? Kiểm tra công tác xây dựng của chủ đầu tư? Thiết lập hệ thống cảnh báo an toàn?
 
Chủ đầu tư các chúng cư làm gì để ngăn ngừa trẻ em leo lên lan can? Thiết lập hệ thống cảnh báo? Đảm bảo độ cao lan can balcon? Nhắc nhở cư dân?
 
Gia đình làm gì để ngăn ngừa trẻ em leo lên lan can balcon? Kiểm soát con trẻ khi trong nhà? Đầu tư hệ thống lưới ngăn? Phản ánh với chính quyền và chủ đầu tư về các kết cấu thiếu an toàn?
 
Đấy là bài học cần rút ra sau vụ việc này, và nhiều vụ việc đau lòng trước đó vì các cháu bé khác không được may mắn cứu sống.
 
Còn cộng đồng mạng, người ta hô hào phong anh hùng cho anh Mạnh. Nhưng họ có soi xét lại bản thân mình như thế nào không?
 
Họ đã làm được bao nhiêu việc tốt, làm như thế nào và kết quả làm đạt được những gì?
 
Họ có nhường đường cho người già và con trẻ khi đi qua đường không? Họ có ý thức xếp hàng ở nơi công cộng không? Có bao nhiêu người dừng lại để hỗ trợ và cứu giúp những người bị tai nạn trên đường?
 
Họ có tiếp tay cho gian thương để ăn chặn mồ hôi nước mắt của người lao động? Họ có tiếp tay cho gian thương để đưa chất độc vào đồ ăn nước uống của người dân? Họ có tiếp tay cho những bầy sâu cửa quyền làm xáo trộn những giá trị của xã hội? Họ đã dạy con cái họ những điều tốt như thế nào?
Cái xã hội này cần là như thế, không cần họ gào lên là “tuyệt vời quá anh Mạnh ơi” “tự hào quá Việt Nam ơi”. Những sự tự sướng tự hào rẻ mạt như thế không làm cho xã hội tốt đẹp hơn, mà ngược lại làm cho xã hội đạo đức giả hơn, u mê hơn, và sống thiếu trách nhiệm hơn.
 
Vậy ở các xứ văn minh người ta có đề cao hành động anh hùng và những người anh hùng?
 
Ở đâu cũng có, và điều này đánh được vinh danh. Nhưng cách của người ta khác chứ không tự hào một cách rẻ mạt như thế.
 
Chẳng hạn Hoa Kỳ được xem là thiên đường của văn minh, tự do, dân chủ và công bằng. Nếu xã hội đã như thế thì họ có cần những anh hùng không? Và họ có vinh danh những anh hùng không?
 
Theo tôi biết là có, và nhiều đằng khác. Kể cả những chuyện siêu tượng tượng như Người Dơi, Người Nhện…
 
Tôi từng review vài bộ phim ca ngợi hành động anh hùng của người Mỹ trên FB này, ví dụ bộ phim “Thầy giáo cứu tinh” hay bộ phim “Chuyến tàu cuồng nộ”…
 
Người ta xây dựng nhân vật anh hùng và hành động anh hùng không phải để khuếch trương niềm tự hào dân tộc rẻ mạt đó. Người ta xây dựng nhân vật anh hùng và hành động anh hùng để chống lại cái sai, cái xấu đang hiển hiện trong xã hội. Cụ thể là để nói lên cái quan liêu của chính quyền, cái tham lam của các doanh nghiệp. Vì quan liêu, vì tham lam mà quên đi các giá trị về nhân văn, về môi trường, về tự nhiên, về an toàn, về cộng đồng… trong xã hội. Và các nhân vật anh hùng với các hành động anh hùng này chống lại cái quan liêu, cái tham lam đó.
 
Đằng này một bộ phận không nhỏ dân Việt không quan tâm đến những vấn đề của xã hội, không quan tâm đến thực trạng xã hội, không quan tâm đến yếu kém xã hội, không quan tâm đến bất công xã hội… Họ mặc nhiên chấp nhận và hài lòng với điều đó.
 
Nên mỗi khi có cái gì khác biệt thì họ lại gào rú lên và tự hào. Đưa người từ vùng dịch về là trách nhiệm của chính phủ, họ cũng gào rú lên vì tự hào dân tộc. Phòng chống dịch là trách nhiệm của chính phủ và chính quyền địa phương, họ cũng gào rú lên vì tự hào cá nhân nào đó. Được mấy tổ chức lìu tìu xếp hạng hạnh phúc gì đó, họ cũng gào rú lên vì tự hào dân tộc...
 
Nhưng những bất công, những ngang trái tồn tại hiển hiện trong xã hội mà họ đang sống thì họ lại im lặng. Bọn trung cộng cho tàu xâm phạm vùng biển của tổ quốc thì họ im lặng. Thậm chí họ còn không dám bày tỏ quan điểm trên mạng xã hội chỉ bằng cách like hay share một bài viết nào đó mà họ tâm đắc nhưng có nhiều điểm phê phán cái xấu trong xã hội hay phản biện chính quyền.
 
Tôi hay trích dẫn câu nói nổi tiếng của triết gia Arthur Schopenhauer, rằng: “Niềm tự hào rẻ mạt nhất là niềm tự hào dân tộc. Bởi vì qua đó ta có thể nhận ra, những kẻ mắc phải chứng tật này bị thiếu thốn các tính cách cá nhân đáng tự hào, bởi nếu có những đức tính này thì họ đã có thể tự hào về chính mình chứ không phải cố bám víu vào một đặc tính là điểm chung giữa họ và hàng triệu kẻ khác. Trái lại thì những ai sở hữu các ưu điểm cá nhân nổi bật sẽ hầu như chỉ nhìn ra những sai trái của dân tộc họ - một cách rất rõ ràng, bởi họ không bao giờ rời mắt khỏi những sai trái đó. Nhưng tất cả những thằng ngu hèn đáng thương, những kẻ mà chẳng có gì trên đời này để mà tự hào, họ sẽ phải dùng đến biện pháp cuối cùng, đó là tự hào về cái dân tộc mà họ đang (ngẫu nhiên) thuộc vào đó”.
 
Hãy bớt mấy trò tự hào rẻ mạt đó đi. Hãy để yên cho anh Mạnh là một người bình thường, để anh tiếp tục làm những việc tốt như anh đã, đang và sẽ làm.

Và hãy tự thay đổi để bản thân trở thành người tốt, người có ích cho xã hội bằng cách bớt ngáo mạng và làm những việc thiết thực trong cuộc sống.
 
 
© 2021 baron-trịnh
Nguồn hình ảnh: Sưu tầm trên internet.
 

 

0 comments:

Post a Comment

Đề nghị nhận xét bằng tiếng Việt có dấu. Cảm ơn!