1. Quốc hội
Không biết có Quốc hội nào giống ở xứ Việt này? Chủ tịch đoàn điều hành cứ như
là giao ban, Nghị viện như một cuộc họp đủ các thành phần đảng chính công
thanh, mạnh ai người ấy đòi quyền lợi, đã thế lại còn vác nhân dân ra làm bình
phong.
Gần trăm triệu dân bầu ra năm trăm ông bà nghị, thế nhưng họa hoằn lắm mới nghe
được vài nghị phát biểu có chiều sâu về tư duy và nói lên tiếng nói của dân.
Còn lại phần lớn phát biểu như họp nông dân xóm.
Cổ nhân nói, biết thì thưa thớt, ấy thế mà đã không biết lại khoe khoang khoác
lác chuyện đông tây kim cổ. Đến làm đại biểu cuốc hội còn không hiểu là làm cái
gì thế mà lại có quyền ấn nút thông qua dự thảo luật.
Nhại lại câu của nghị Hoàng Hữu Phước “người dân Việt Nam không còn đủ kiên
nhẫn để đài thọ cho những phát biểu nhố nhăng tại nghị trường".
2. Tiền tệ
Hàng loạt các văn bản ra đời cấm giao dịch vàng, đô la trên thị trường tự do.
Trong khi đó, đồng nội tệ mất giá trầm trọng.
Hàng loạt vụ vỡ nợ tín dụng đen, hàng loạt ngân hàng nhỏ và vừa điêu đứng vì nợ
xấu. Thâm hụt dự trữ ngoại tệ của chính phủ ở mức báo động.
Để cứu vãn tình thế, rất có thể chính phủ sẽ áp dụng chính sách kết hối, kết
kim nhằm huy động vàng và đô la từ dân. Công cụ mệnh lệnh và kiểm soát trong một
chính thể đơn đảng sẽ phát huy tối đa hiệu quả của chính sách này.
Nếu áp dụng, toàn bộ vàng và đô la trưng thu trong dân sẽ được quy đổi ra đồng
nội tệ. Chính phủ tiếp tục in tiền để bù đắp vào khoản “nợ” của dân.
Nếu điều này xảy ra, lạm phát sẽ leo thang ở mức chóng mặt, đồng nội tệ càng
ngày càng mất giá. Và kết thúc kịch bản này sẽ là phi vụ đổi tiền. Nhà nước khỏe
re, vàng và ngoại tệ (đô la) đủ để dự trữ và trả nợ. Chỉ có dân là mất tiền, mất
tiền mà không hiểu tại sao lại mất tiền.
3. Chứng khoán
Theo thống kê trong tuần, có hơn 400 mã chứng khoán có trị giá dưới 10.000 VNĐ.
Có những mã chứng khoán chỉ còn vài trăm đồng/cổ phiếu. Ấy thế mà doanh nghiệp
vẫn khỏe, mặc dân chợ chứng nháo nhác.
Bài toán chứng khoán đã xảy ra cách đây vài chục năm trước tại các nước đang
phát triển, bây giờ lại áp dụng vào xứ Việt.
Đại loại là các doanh nghiệp khi phát hành cổ phiếu, sẽ tìm mọi cách PR cho cổ
phiếu tăng vọt, những ông chủ sẽ tìm mọi cách bán bớt một phần cổ phiếu để thu
hồi vốn. Vốn tư bản của các ông chủ vẫn nguyên vẹn, thậm chí thu về nhiều hơn rất
nhiều so với vốn ban đầu.
Sau khi thu đủ tiền, các ông chủ mặc kệ cổ phiếu của công ty mình trôi nổi trên
sàn kiểu “sống chết mặc bay, tiền thầy đút túi”. Công ty vẫn hoạt động,
vẫn lãi, nhưng lại báo với cổ đông là lỗ.
Chỉ khổ dân tình mải mê buôn bán, đầu tư chứng có trị giá ảo, không mất tiền,
phá sản mới là nghịch lý.
4. Bất động sản
Thu nhập bình quân đầu người của Hà Nội năm 2010 đạt 1.900 đô la. Ấy là trên giấy
tờ, còn thực tế thấp hơn nhiều.
Chính sách xã hội cực yếu kém, từ tiền ăn học của con trẻ, ốm đau, bệnh tật,
chi phí xã hội,… đều lấy trong khoản này. Tính trung bình 2 vợ chồng thu nhập
3.800 đô la/năm (tương đương 80 triệu tiền Việt) và mỗi người tiêu 2 triệu/tháng
thì một gia đình có 4 miệng ăn (2 vợ chồng và 2 đứa con) tiêu hết 96 triệu/năm.
Thu nhập còn chưa đủ tiền sống, ấy thế mà đất đai tăng lên đến chóng mặt. Nói
như một ông thứ trưởng, lương bộ trưởng 40 năm mới mua được nhà thu nhập thấp.
Chả nói đất mặt đường, phố cổ làm gì, cách trung tâm hơn 20 km đất lên đến vài
chục triệu/m2. Nhà chung cư cũng không kém cạnh, cũng vài chục triệu/m2 sàn. Tiền
ăn còn thiếu, nhưng dân tình đua nhau mua, đua nhau bán. Không hiểu lấy tiền ở
đâu ra mà mua nhiều thế.
Đến khi ngân hàng siết chặt cho vay, lạm phát tăng cao mới hóa ra giá trị đất
cũng ảo nốt. Dân đầu cơ đất điêu đứng, chủ đầu tư đua nhau hạ giá. Nếu chính phủ
không cứu được hệ thống ngân hàng nhỏ và vừa khỏi phá sản, thì hàng hoạt nhà đầu
tư nhỏ lẻ và dân buôn bất động sản sẽ phá sản, và không hiểu tiền chênh lệch so
với giá trị thực chui vào túi ai.
Đối với dân tình sống bằng sức lao động, thì việc mua một ngôi nhà bằng thu nhập
của họ mãi cũng chỉ là một giấc mơ.
5. Truyền thông
Mở bất kỳ trang báo giấy, báo mạng, thậm chí báo hình cũng chỉ quanh đi quẩn lại
là “tấm gương”, “chủ trương đường lối” rồi đến tin giật gân từ “sao
lộ hàng” đến “cướp hiếp giết”.
Tấm gương và chủ trương đường lối thì ngày nào cũng như ngày nào, nhai đi nhai
lại một quan điểm, một giọng điệu. Chỉ cần đọc cái tít là biết liền nội dung.
Chính vì thế chắc chả ai thèm đọc (trừ bắt buộc).
Còn các tin giật gân thì không còn gì để mà nói, vơ bèo vạt tép từ chuyện lộ quần
xì của đứa trẻ 2 tuổi con “sao” đến ông già hiếp dâm bé gái mấy tuổi. Ấy
thế mà dân tình lại đua nhau đọc, đua nhau kể. Đọc nhiều thành thói quen tiêm
nhiễm trong đầu, từ già đến trẻ.
Thế nên chỉ vì một cái nhìn đểu, hay mấy chục nghìn đồng mà giết một mạng người
cũng là sản phẩm tất yếu của truyền thông nước nhà.
6. Tài nguyên
Bộ Tài nguyên môi trường phân cấp quản lý, thẩm định, phê duyệt các dự án khai
thác tài nguyên ở mức nhỏ cho các tỉnh, thành phố. Thế là mấy nhà đầu tư chia
nhỏ dự án để không phải thẩm định trên Bộ.
Đối với quan tỉnh (đa phần ngu dốt và tham), chỉ cần vài chục, vài trăm triệu
lót tay là cấp ngay giấy phép khai thác tài nguyên. Đợt rồi dân tình mấy tỉnh
giáp biên giới phản đối ô tô chở quặng khai thác sang Trung Quốc gây hư hỏng đường
sá, ô nhiễm bụi. Bức xúc tới mức dân tình vật ngửa con 4 bánh của một “ông
chủ nhỡ” và đốt cháy rụi.
Tìm hiểu mới té ra các “ông chủ” người Việt này cũng chỉ là mấy thằng
làm thuê. Ông chủ thật lại là một thằng Trung Quốc. Một dự án khai thác được nó
chia nhỏ ra, thuê mấy thằng người Việt đứng tên, nhưng nó quản lý tất.
Biết rõ ràng là thế mà mấy “thằng” tham quan cấp tỉnh vẫn nhắm mắt ký giấy
phép khai thác, bảo kê khai thác,… Bọn bán nước hại dân chính là bọn này chứ bọn
nào. Nên việc phải nhập than để sản xuất điện cũng là lẽ tất yếu.
Cứ đà này khoảng chục năm nữa xứ Việt hết tự sướng về “rừng vàng, biển bạc,
tài nguyên phong phú”. Hay là chục năm nữa ông chủ xứ Vịt này lại là một thằng
Tàu kiểu thái thú ngày xưa?
7. Trí thức
Ở cái xứ mông muội này, cứ vác cặp đến công sở hay có cái bằng đại học (thậm chí
bằng mua) cũng được gọi là trí thức. Khổ nỗi người có “trí” thật chỉ đếm
trên đầu ngón tay, còn lại tuyền “chí” là anh em họ của đứa con tinh thần
cụ Nam Cao.
Các “chí” ta nổ như pháo tép, khoe đủ học hàm, học vị, chức tước. Có lẽ
cả thế giới này duy nhất có một cái cạcvidít của một ông nghị đề danh nghề nghiệp
là “Tiến sỹ - Bác sỹ - Nhà văn”.
Do dốt nát nhưng lại háo danh nên các “chí” nhà ta rất sợ nói về quá khứ học tập,
nghiên cứu. Vì thế “bọn này” rất giỏi ngụy biện để lấp liếm cái ngu, cái
dốt. Quan chức cao cấp có lẽ là thích nghe nịnh hoặc cũng dốt nát như bọn này
nên bọn “chí” này ngày càng nhiều, phát triển sinh sôi nhanh như ruồi.
Những trí thức thật sự thì bị chèn ép, đè nén đến mức bất mãn.
Cứ bô bô “nhân tài là nguyên khí quốc gia”, thế nhưng cái nguyên khí này
không biết chạy đi đâu hết, mà toàn hiển hiện xú khí. Thế này mà không phát triển
thụt lùi mới là điều lạ.
8. Giáo dục
Loạn trường, loạn thầy rồi đến loạn trò. Giáo dục xứ Việt như cỗ xe đứng bên bờ
vực. Bỏ ra bao nhiêu tiền của mà mấy quyển sách giáo khoa năm nào cũng phải chỉnh
sửa.
Hàng loạt trường đại học ra đời, thầy chả ra thầy, trò chả ra trò, chương trình
đào tạo, bằng cấp loạn xị ngậu cả. Mồm thì hô hào “ba không”, thế mà hết
bạo lực học đường của học sinh rồi đến gạ tình bán điểm của thầy cô giáo.
Bằng cấp thật giả lẫn lộn, thằng có tiền mua bằng rởm ở nước ngoài, thằng ít tiền
mua bằng giả trong nước (chuẩn đến mức còn đem đi công chứng được). Con trẻ thì
bị nhồi nhét một mớ kiến thức đầu Ngô mình Sở, hỏi đến cái gì cũng ú ớ. Sinh
viên ra trường, cầm bằng đại học trên tay mà viết một cái đơn xin việc còn sai
lỗi chính tả.
Giáo dục là rường cột của sự phát triển đất nước, mà cứ ngày một thụt lùi như
thế, thì lấy đâu hóa rồng hóa hổ.
9. Blog (mạng)
Mạng internet ra đời phục vụ nhu cầu khai thác và trao đổi thông tin. Ấy thế mà
ở xứ ta, thế giới ảo này là mảnh đất màu mỡ cho sự đánh bóng bản thân, cho dù
thực tế không như thế.
Các trang mạng cá nhân trăm hoa đua nở. Một số chủ nhân của các trang “hot” tìm
mọi cách lôi kéo người hâm mộ. Cũng lạ cho dân tình xứ này, rất thích nghe
thông tin một tai và đánh giá theo cảm tính.
Thi thoảng thế giới mạng lại ồn ào bởi mấy vụ trang mạng này bóc mẽ trang mạng
kia. Thế là “fan” của hai trang đua nhau nói xấu, chửi rủa,… bằng tất cả những
lý luận mù quáng và ngôn từ thô tục, bẩn thỉu mà không biết để đạt mục đích gì.
Một sự thủ dâm tinh thần y như một cậu bé cấp 2 khoe khoang làm bang chủ một
bang hội trong trò chơi game online.
Bên cạnh đó, các “nhà thơ/ nhà văn/ người yêu thơ/ người yêu văn” mọc ra
ồ ạt như nấm mọc sau mưa.
Chẳng biết các “nhà” này giỏi giang như thế nào, nhưng món sai chính tả, ngữ
pháp với các câu viết ngô nghê như con trẻ tập làm văn cấp 1 nhan nhản trên
Blog của họ.
10. Yêu nước
Gần đây từ chính phủ, doanh nghiệp đến dân tình làm gì cũng kéo theo từ “yêu
nước”. Bây giờ làm cái khảo sát, yêu nước là gì và yêu nước như thế nào thì
đồ rằng chín người mười ý. Lạm dụng từ yêu nước trở thành kệch cỡm.
Cái danh hiệu ảo cho vịnh Hạ Long được truyền thông nước nhà hô hào với những từ
ngữ sáo rỗng như “nhắn tin bầu chọn là yêu nước”.
Yêu nước đến mức nhắn mười mấy nghìn tin nhắn bình chọn, lấy cả tiền mua quà
sinh nhật của con để mua thẻ điện thoại nhắn tin,… thì mới thấy cái sự yêu nước
sao mà ngu xuẩn và cuồng tín đến thế.
Lại có một nhóm người cứ chủ nhật là đi biểu tình biểu hiện lòng yêu nước. Đây
là việc nhạy cảm nên mình chả lạm bàn, không phản đối cũng chẳng ủng hộ. Nhưng
có một điều, một số nhân vật hô hào biểu tình yêu nước, lập trang mạng kêu gọi
yêu nước lại rất ít bị ảnh hưởng bởi sự quản lý của chính quyền.
Không hiểu những người tham gia “biểu tình” vì “yêu nước” không
nhận ra vai trò “chim mồi” này hay cố tình dùng chiêu “mượn gió bẻ
măng” để lợi dụng lẫn nhau.
Mình vốn ngu ngơ về “chính trị”, nên chả hiểu. Nhưng thấy yêu nước kiểu ấy,
thì có đến 50 năm nữa xứ này cũng chả khá lên được.
© 2011 Baron Trịnh
MobiFone sẽ về Bộ Công an
2 hours ago
0 comments:
Post a Comment
Đề nghị nhận xét bằng tiếng Việt có dấu. Cảm ơn!