Tuần Việt Nam: Chỉ có các trường ĐH ở Việt Nam phát triển, còn các trường ĐH khác không phát triển hay thụt lùi? Cách tư duy duy ý chí đó không thể tồn tại trong một xã hội có thông tin đa chiều. Việc phát triển một trường ĐH yêu cầu rất khắt khe cả về sự đầu tư tài chính, nhân lực...
Lâu nay, nhiều ý kiến phát biểu về giáo dục của các vị lãnh đạo từ trung ương đến địa phương đều nhắc lại câu nói của bậc tiền nhân: "Hiền tài là nguyên khí quốc gia". Tuy nhiên, việc làm sao để có được những hiền tài, những nhân tài theo đúng nghĩa của nó thì vẫn còn là một vấn đề làm đau đầu các nhà lãnh đạo, quản lý giáo dục và cả xã hội.
3 đến 5 điểm cũng đỗ đại học
Sự xuống cấp nghiêm trọng nền giáo dục nước nhà trong thời gian qua đã được bàn nhiều, thông qua những ý kiến thẳng thắn, những tham luận đầy trí tuệ của các nhà khoa học, nhà giáo dục nổi tiếng trong nước như GS Hoàng Tụy, GS Hồ Ngọc Đại...hay của những nhà khoa học Việt kiều tâm huyết ở nước ngoài.
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, khi mới lên làm Bộ trưởng GD và ĐT, đã có những động thái, những phát biểu mạnh mẽ về công cuộc cải tổ ngành giáo dục, trong đó có giáo dục đại học. Đáng tiếc, đến bây giờ, khi ông đã rời nhiệm sở, theo sự phân công của cấp trên thì cái rõ nhất là ngoài việc có gần một trăm trường ĐH, cao đẳng mới được thành lập, hoặc nâng cấp (chủ yếu là ĐH dân lập, hoặc các trường cao đẳng, trung cấp nghề nâng cấp), vẫn chưa thấy một sự thay đổi nào đáng kể về cơ chế quản lý và chất lượng đào tạo.
Chất lượng đào tạo ĐH xuống cấp, chất lượng giảng viên cũng như sinh viên (từ đầu vào) suy giảm, thể hiện ở việc tuyển dụng tràn lan giảng viên và tuyển sinh ồ ạt sinh viên, quá chỉ tiêu quy định. Có những giáo viên dạy nghề sau khi trường nghề nâng cấp trở thành trường ĐH, thì nghiễm nhiên thành giảng viên ĐH (!).
Có những thí sinh thi 3 môn được 5 điểm cũng nghiễm nhiên trở thành sinh viên ĐH[2]. Rồi các hệ đào tạo tại chức (bây giờ đổi thành tên mới là "hệ vừa học vừa làm"), chuyên tu, văn bằng 2...ngành không kiểm soát nổi chất lượng cả đầu vào lẫn đầu ra. Câu nói của người xưa: "Thầy nào trò đấy" có lẽ phản ánh đúng thực trạng của nền giáo dục ĐH nước nhà chăng.
Hệ quả của giáo dục ĐH như thế, tất yếu sẽ phát sinh ra những sản phẩm không mong muốn. Nhiều giảng viên ĐH ở trạng thái làm thầy không được mà làm thợ cũng không xong, làm sao có thể tạo ra những lợi ích cho xã hội?