Sunday, April 26, 2020

Giá thịt lợn và tư duy dân tộc

Bài biên từ 2011, thấy vụ giá thịt lợn đang là bài toán khó, bốt lại. Gần 10 năm rồi, đã không những không thay đổi mà còn tệ hại hơn.
----------

VTV thực hiện phóng sự về sự khó khăn của các hộ chăn nuôi lợn. Những hình ảnh người chăn nuôi kêu ca giá lợn giảm mạnh, chăn nuôi thua lỗ,... được nhà đài bình luận sự khốn khó đó với hàng loạt các nguyên nhân từ chính sách vĩ mô yếu kém đến thị trường không rõ ràng,…
Cách đây vài tháng, giá thịt cao chót vót. Cũng nhà đài này tư vấn người tiêu dùng nên dùng trứng thay thịt, vì trứng rẻ và bổ hơn. Khi đó, chả thấy ai có cảnh báo cho người nuôi lợn là hãy tính đến thời điểm giá thịt sẽ giảm khi lạm phát được khống chế.
Có câu chuyện vui, kể rằng xây nhà theo mô hình xã hội chủ nghĩa. Mỗi tầng đại diện cho một tầng lớp trong xã hội. Tầng của nhà báo không có toilet, lý do là các nhà báo đã đổ cái của nợ ấy vào mồm nhau rồi nên chả cần phải có toilet nữa. Câu chuyện hài nhưng rất đúng cho các cơ quan truyền thông xứ Việt thời nay.

văn chương dâm uế


"văn chương dâm uế" là tên một bài viết của ông thái-phỉ [chủ bút báo "tin văn"] nhắm vào phê phán phóng sự "lục xì" của ông vũ-trọng-phụng vào năm 1936.

trong số báo "tin văn 25", ông thái-phỉ cho rằng những người viết tả chân các câu chuyện trần trụi của xã hội là văn chương dâm uế, tỷ dụ như vũ-trọng-phụng tả gái điếm bị bệnh hoa liễu trong "lục xì".

dĩ nhiên, vua phóng sự bắc-kỳ chả mô tả cảnh làm tình, cũng chả mô tả phụ khoa dương cụ gì cả. mà trong xã hội nửa phong-kiến thời đấy, người ta không chấp nhận những cách gọi chân như con đĩ, gái điếm, ngoại tình,... ấy thế nên bị gán vào ngay cái gọi là văn chương dâm uế.

nhưng ông thái-phỉ cũng công nhận rằng "tuy dâm uế mà văn chương vẫn là văn chương" và "Tả một cái gì, dù xấu xa, bẩn thỉu, mà đạt đến hoàn toàn của nghệ thuật, ấy cũng là văn chương".

trên thế giới, không ít nhà văn đã khai thác rất thành công vấn đề về tình dục, thậm chí đoạt giải nobel về văn chương như elfriede-jelinek. nhưng vấn đề là họ đã tả chuyện làm tình đạt tới mức nghệ thuật, và nó là một thủ pháp văn chương như ông thái-phỉ nói trên.

thế nên tả cảnh làm tình hùng hục như cối xay lúa hay giã cua thì không thể là thủ pháp văn chương, nó rất thô kệch, dung tục và hạ cấp như kiểu cần lao tếu táo chuyện phòng the chứ không phải là văn chương.

à, mà nói đến văn chương thời mạt của đông-lào xứ sở. tôi dám đảm bảo rằng, phải đến 70% thợ viết xứ này, từ trẻ trâu cử nhân liên quan đến văn/báo với đầu vào đại học 9 điểm ban c đến thợ viết biên chế mậu dịch già hói chỉ biết đến vũ-trọng-phụng qua mấy bài trích trong sách giáo khoa chứ chưa đọc nghiêm túc một tác phẩm của ông, cũng như chả biết thái-phỉ, elfriede-jelinek là ai cả.

cơ-khổ!



© 2018 Baron Trịnh
Nguồn hình ảnh: Sưu tầm trên internet.

Cùng chủ đề:
- [tả cảnh làm-tình]

Sunday, April 5, 2020

trong mùa đại dịch covid-19 (#1)


#3.
khác với miền-bắc và miền-trung, một lực lượng rất lớn lao động phổ thông ở miền-nam sống bằng tiền công nhật và họ hầu như không có một sự tích lũy đáng kể, chưa nói là luôn có nợ nần.
với số tiền làm ra trong ngày, họ chi phí cho việc mua thức ăn, trả nợ vay lãi, trả góp hụi và cố gắng duy trì một phần tiền gốc nếu là người bán rong.
hầu hết họ làm các công việc đơn giản như bán vé số, phục vụ quán ăn, trông xe, bán dạo, bảo vệ, etc.
bên cạnh đó, một lực lượng lớn công nhân làm việc trong các nhà máy cũng chi tiêu hầu hết số lương tháng kiếm được cho cuộc sống mà không có sự tích lũy đáng kể.
vì thế khi xảy ra thiên tai dịch họa, họ là các đối tượng chịu tác động trực tiếp và có thể là nguồn lây nhiễm lớn vì họ bắt buộc phải ra đường kiếm tiền trong khi không có sự trang bị bảo hộ phòng dịch tốt.
ông bí-thư nhân tuần trước có phát biểu là không để người lao động nghèo thiếu tiền mua thực phẩm, điều này rất đúng và tôi hoàn toàn ủng hộ, hy vọng không giống như thủa thời ông này hứa với giáo viên.
bên cạnh dịch bệnh là hạn hán và xâm nhập mặn ở đồng bằng sông-cửu-long càng khiến những người lao động nghèo khó khăn. thiết nghĩ chính quyền các địa phương này cần quan tâm đặc biệt đến các đối tượng lao động nói trên và những người nghèo mất khả năng lao động.
có một điều rất ấm lòng là trong khó khăn luôn có những mạnh thường quân làm từ thiện để chia sẻ khó khăn với những người nghèo khổ. rất nhiều mạnh thường quân không giàu có về vật chất, nhưng rất giàu có về tình thương yêu đồng bào. mặc dù số tiền bỏ ra làm từ thiện của họ là sự tích cóp trong lao động và có khi chỉ bằng số lẻ của một buổi chơi golf ở sân vip hay một bữa ăn ở khách sạn 5 sao của những ai đó nhận lương lậu từ tiền thuế của nhân dân.
những hình ảnh gần đây ở sài-gòn và bình-dương, rất ấm lòng người nghèo trong mùa dịch.

#2.
nhà giàu họ không sợ ốm, bởi họ có tiền mua thuốc tốt, thanh toán chi phí bác sỹ và mua đồ ăn ngon bồi bổ cơ thể để phòng chống bệnh tật.
nhà nghèo nên sợ ốm, bởi họ không nhiều tiền để mua thuốc tốt, để chi trả bác sỹ, thậm chí để mua thức ăn.
so sánh bệnh tật của nhà giàu với nhà nghèo là một sự so sánh thiển cận, duy ý chí, thậm chí là sự thủ dâm tinh thần. cho dù bệnh tật không chừa một ai, từ người khỏe mạnh đến yếu ớt, từ hiền triết đến mù chữ, từ người giàu có đến nghèo khổ, từ quan lại đến thường dân.
nhà giàu họ ở nhà chữa bệnh và dưỡng bệnh mà chẳng lo lắng gì cả, vì họ có tiền để trang trải cuộc sống thoải mái trong thời gian dài.
nhà nghèo không thể cứ nằm nhà mà chữa bệnh và phòng bệnh, vì ngày mai hết tiền là hết gạo hết muối mất điện mất nước. vì thế có khi đang bệnh vẫn phải lao ra đường kiếm tiền để có miếng ăn bỏ vào mồm.
hô hào thì dễ, hạ quyết tâm thì dễ, nhưng khi mà lực bất tòng tâm thì có muốn cũng không được. phải có thực mới vực được đạo.
tề gia không khác gì trị quốc, việc nhà là phiên bản nhỏ của việc nước.
quan lại không biết thì quân vương phải biết.

#1.
quan điểm về dịch họa của tôi có lẽ khác hầu hết mọi người, tầm này nói ra chắc ăn đủ gạch đá, nên thôi.
xét một cách toàn diện, con người là một bộ phận cấu thành của tự nhiên và không phải lúc nào cũng làm chủ được trái đất này, vì vậy có những thời điểm phải đấu tranh trong quá trình chọn lọc tự nhiên. dịch họa bắt buộc con người phải biết đấu tranh với tự nhiên để tồn tại, dĩ nhiên trong quá trình đó không thể tránh khỏi sự đào thải, rủi ro có thể đến với bất cứ cá thể nào.
trách nhiệm của chính quyền ngăn chặn dịch họa là hiển nhiên, đâu cũng như vậy. bởi chính quyền được nhân dân trao quyền lực, trách nhiệm và nghĩa vụ. mỗi chính quyền có thể có các phương thức, quan điểm, hành động khác nhau, nhưng tựu trung đều tập trung vào mục tiêu đẩy lùi dịch họa.
trong sự nỗ lực của chính quyền không thể thiếu được sự tuân thủ, đồng lòng và ủng hộ của nhân dân. nếu không mọi thành quả của chính quyền sẽ đổ xuống sông xuống bể và thực tế đã chứng minh rất đơn giản điều đó. tuy nhiên cách thức đồng lòng, ủng hộ của nhân dân đối với chính quyền cũng phải sáng suốt, hiểu biết và có chừng mực, nếu ngược lại một cách mù quáng thì lợi bất cập hại.
tôi rất thích cái title bài báo của ký giả dan-apinelli trên trang mother-jones, là: "Please Take Medical Advice From Your Doctor, Not the President", tạm dịch: "làm ơn hãy nghe lời khuyên từ bác sĩ của bạn, chứ không phải từ tổng thống". dĩ nhiên, điều này chỉ đúng trong một xã hội có dân trí cao và phân định rõ vai trò, trách nhiệm của từng đối tượng trong xã hội. sẽ không đúng đối với một xã hội mà chuyên-gia thì ít và không nói/hoặc không dám nói, còn chiên-da thì quá đông và bi bô quá khỏe bên trong hàng rào.









© 2020 Baron Trịnh
Nguồn hình ảnh: Sưu tầm trên internet.

Thursday, April 2, 2020

GIỖ TỔ TẾU TÁO BÚT TRE


Hôm nay giỗ tổ vua Hùng
Cần-lao cả nước tưng bừng tham gia
Tổ này là ông hay cha?
Vì không phải mẹ kiểu bà Âu Cơ
Kể ra cũng rất mù mờ
Lạc Long là bố, không thờ chính danh?
Kinh Dương lai lịch rành rành
Chính là ông nội, sao đành quên tên?
Hay sợ truy tiếp người trên
Đế Minh cố nội ở bên đất Tàu
Định kể cho rõ đuôi đầu
Chỉ e đá gạch sứt đầu vều môi
Thế nên kể đến đây thôi
Nhà cháu như đỉa sợ vôi ấy mà.


*
***

Hàng năm cứ đến tháng ba
Cần-lao lại nhắc câu ca thủa nào
Rằng: Có xuôi ngược nơi nao
Mùng mười chính giỗ phải vào thắp hương
Thời mạt tuyền lũ bất lương
Dựa hơi thần thánh nhiễu nhương dân lành
Cũng cờ cũng quạt linh đình
Cũng cúng cũng bái lình xình ngày đêm
Bánh chưng rất khủng dâng lên
Kèm thêm chai rượu cao trên mét dài
Nói chung chuyện rất là hài
Bánh chưng ruột xốp mới tài làm sao
Cần-lao khai bẹn xôn xao
Lừa cả tiên tổ, trời nào dung đây?
Nhẽ nào các cụ không hay
Để cho chúng nó mặt dày mua danh
Chỉ thương cho đám dân lành
Chướng tai gai mắt mà đành ở im.


*
***

Kể ra chả phải tự nhiên
Xứ này toàn chuyện đảo điên bùng nhùng
Cần-lao cứ trách vua Hùng
Sinh ra một lũ đã khùng lại điên
Xét ra người trách đầu tiên
Phải là ngài Lạc dứt duyên chạy làng
Bỏ con trăm đứa lang thang
Không cha dạy dỗ thì ngoan thế nào?
Nhàn cư biên chuyện tào lao
Tếu ta tếu táo thôi nào bà con.

© 2015 Baron Trịnh
Nguồn hình ảnh: Sưu tầm trên internet.

Đọc thêm:
- An-nam chính sử bút tre: Kỷ Hồng Bàng thị (#1) - Nguồn gốc
- An-nam chính sử bút tre: Kỷ Hồng Bàng thị (#4) - Hùng Vương triều đại tổng kết
- Góc ảnh độc (#15): An-nam gốc gác vua Hùng
- Góc ảnh độc (#24): Kỷ lục, nghèo đói và sự tử tế