Saturday, July 20, 2013

Café sáng thứ 7 (#9): Nhà dột từ nóc

1. Những cơn cười của dân tình vẫn chưa dứt sau khi bộ Học ban hành Thông tư số 24/2013/TT-BGDĐT với 3 đối tượng được ưu tiên cộng 2 điểm khi tham gia thi đại học là: “Bà mẹ Việt Nam anh hùng; Người hoạt động cách mạng trước ngày 01/01/1945; Người hoạt động cách mạng từ ngày 01/01/1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945;…”.
Như café sáng thứ 7 tuần trước đã nói, nội dung thông tư này ban hành không sai, nhưng nó thực sự… không thực tiễn, và văn bản này rất “hài hước và ngớ ngẫn”. Và bám vào cái “không sai” này, cả đơn vị tham mưu xây dựng chính sách lẫn người ký ban hành đều gân cổ lên để bảo vệ sự hợp lý của nội dung trên trong thông tư.
Đùng một cái, tuần này bộ Học lại ra tiếp Thông tư số 28/2013/TT-BGDĐT. Điều 1 của thông tư này là bãi bỏ đối tượng ưu tiên quy định tại điểm a khoản 1 Điều 1 Thông tư số 24/2013/TT-BGDĐT, cụ thể bao gồm: “1. Bà mẹ Việt Nam anh hùng; 2. Người hoạt động cách mạng trước ngày 01/01/1945; 3. Người hoạt động cách mạng từ ngày 01/01/1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945”.

Saturday, July 13, 2013

Café sáng thứ 7 (#8): Chính sách và trách nhiệm

1. Cái chết thương tâm của em Đinh Thị Phương Thảo, sinh viên vừa tốt nghiệp trường Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM), bị nước cuốn trôi khi đi qua một đoạn đường nội bộ dẫn vào ký túc xá trong cơn mưa to đã khiến gia đình, bạn bè và cộng đồng đau xót.
Đoạn đường xảy ra vụ việc đi ngang qua cống thoát nước dài hơn 10m, rộng 3m, bị sạt lở một góc khá lớn bên phải. Hai bên đường cống chỉ có cọc tiêu, không có lan can bảo vệ, bên dưới là dòng kênh sâu, và là lối đi nội bộ của sinh viên ra vào ký túc xá của trường.
Theo người dân ở đây, mỗi khi mưa lớn, khu vực này không thoát nước kịp nên sẽ bị ngập sâu. Và những người dân địa phương đầu trần chân đất này vẫn thường ra đứng hai đầu cống để hỗ trợ người đi đường mỗi khi trời mưa to. Đã có hàng chục người đã bị nước cuốn trôi, nhưng nhờ những người dân địa phương cứu giúp, họ đều may mắn thoát chết.
Giải thích lý do dù biết đoạn đường này nguy hiểm như vậy, luôn có hàng nghìn sinh viên và người dân đi lại, nhưng không được cải tạo, sửa chữa, lắp biển báo đề phòng. Ông Huỳnh Ngọc Sang, Giám đốc Trung tâm quản lý Đô thị (ĐH Quốc gia TP.HCM) cho biết do còn vướng giải tỏa mặt bằng dự án cải tạo rạch Suối Nhum, nên đường và cống chỉ làm tạm. Và qua sự việc đáng tiếc này, ĐH Quốc gia TP.HCM đã kiến nghị thực hiện ngay việc xây dựng cầu, đường để bảo đảm an toàn cho việc đi lại.

Tuesday, July 9, 2013

Nói không với bằng tại chức có hợp lý?


Tuần Việt Nam: Từ những vấn đề về chương trình đào tạo, thời gian đào tạo, quy mô đào tạo và những tiêu cực như đã nêu trên, liệu có thể tin tưởng vào chất lượng của những tấm bằng tại chức?

Ngày 27/6, Tuần Việt Nam có bài viết: "Từ chối bằng tại chức là đúng?". Bài viết đã chỉ ra chất lượng của tấm bằng tại chức, thực trạng chất lượng cán bộ công chức, và đề xuất quan điểm ủng hộ tỉnh Nam Định và một số tỉnh thành khác "nói không với bằng tại chức".
Bài viết đã nhận được rất nhiều ý kiến phản hồi. Có những ý kiến đồng tình với quan điểm của bài viết. Có những ý kiến chưa đồng tình với tất cả hay một phần quan điểm của bài. Có thể thấy, đây là một vấn đề đang được xã hội nói chung và độc giả của Tuần Việt Nam nói riêng quan tâm sâu sắc.


Sự "biến tướng" và chất lượng của tấm bằng
Có thể nói, trước đây công tác đào tạo tại chức (ĐTTC) diễn ra nghiêm túc, chất lượng tấm bằng tại chức đáp ứng được yêu cầu lao động chất lượng cao của xã hội. Tuy nhiên, khi cơ chế đào tạo ngày càng nới rộng về đối tượng và phương thức, cũng như các cơ sở ĐT được trao quyền chủ động trong tuyển sinh và ĐT thì hình thức này dần dần bị "biến tướng".
- Về chương trình ĐT: Với tư duy tiếp cận là đầu vào của hệ tại chức thấp hơn hệ chính quy, vì thế nhiều trường ĐH đã rút gọn chương trình ĐT. Lượng kiến thức trong môn học được giản lược bớt để phù hợp với thời gian giảng dạy.
Thông thường, các cơ sở ĐTTC thường rút ngắn 1/3 thời lượng dạy và học, vì thế khối lượng kiến thức cũng phải rút ngắn theo. Ví dụ một môn học có khối lượng là bốn đơn vị học trình (hệ niên chế), tương đương với 60 tiết giảng. Sinh viên hệ chính quy sẽ được học đầy đủ 60 tiết, tuy nhiên sinh viên hệ tại chức "được" rút ngắn xuống còn từ 38÷42 tiết (tùy môn học).

Monday, July 8, 2013

Ngắn... ngắn #3

Mình nhìn thấy một thằng đang móc túi ở bến xe buýt, định mở mồm cảnh báo thì nhìn thấy trong tay nó có ống kim tiêm. Mình đánh mắt đi chỗ khác và thằng đó cũng bỏ đi. Người bên cạnh mới hỏi tại sao không kêu lên cho mọi người biết để bắt nó, lại để cho nó bỏ đi như thế.
Mình nói: - Đầu tiên là thức tỉnh nó, thứ hai là cảnh báo nguy cơ, thứ ba là răn đe, thứ tư mới là ngăn chặn. Khi tôi nhìn thấy nó, với tinh thần tự giác, nó đã bỏ đi. Như vậy là thức tỉnh được nó. Tôi học tập theo tinh thần nhân văn của Bác Hồ.
Người đó nói: - Nhân văn cái CCC í, nó lại móc túi ở chỗ kia kìa!

© 2013 Baron Trịnh

Saturday, July 6, 2013

Café sáng thứ 7 (#7): Có hay không những bi kịch?

1. Vẫn như mọi năm, cứ đến đầu tháng 7 là mùa thi đại học. Các gia đình có con em dự thi sẽ nằm trong 3 tâm trạng: vui mừng, nháo nhác hay lo lắng.
Phần lớn các thi sinh đi thi có một người lớn đi kèm. Các chi phí bắt buộc như tiền tàu xe, tiền trọ, tiền ăn, lệ phí,… Với 1 thí sinh cách địa điểm thi 200 km, cả đi về tối thiểu là 5 ngày sẽ chi phí trung bình cho 2 người khoảng 3 triệu. Hàng nghìn tỷ đồng được chi ra để tổ chức kỳ thi.
Mỗi năm, trung bình có gần 1 triệu thí sinh đăng ký thi đại học, khoảng một nửa đậu đại học. Nghĩa là cứ 2 thí sinh đi thi lấy 1 người.
Số còn lại, ngoài những người không buồn đi học, còn bất cứ ai học trung cấp hay cao đẳng đều có thể liên thông lên đại học. Nghĩa là xứ Việt dần tiến tới phổ cập đại học toàn dân.
Thi đại học đã hoàn thành vai trò lịch sử là tuyển chọn những người giỏi vào học đại học, để đào tạo ra những lao động chất xám thực thụ. Khi đó, hàng chục thí sinh đi thi mới có một người đỗ đại học. Và kỳ thi thực sự có ý nghĩa.