Ăn cắp vặt là một bản tính của gia đình Cơ Chế.
Vẫn biết, trong xã hội, đâu đó cũng có vài đối tượng ăn cắp vặt. Nhưng đối với Cơ Chế, ăn cắp vặt là một đặc thù bắt đầu từ đời Chế.
Cổ nhân có câu: “Đói ăn vụng, túng làm càn”. Câu này tất nhiên đúng mọi nghĩa đối với gia đình Cơ Chế. Giá mà có tý chất anh hùng hảo hán, túng thiếu đi cướp của người giàu cho hoành. Đằng này, bản chất hèn nhát bạc nhược, ngoài ăn cắp vặt chắc chả còn cách nào hơn.
Như đã nói ở trên, thói ăn cắp vặt bắt đầu từ Chế.
Gia đình đã túng thiếu lại đông con, cứ sòn sòn hai năm ba lứa. Chỉ lo một đàn tàu há mồm đã đủ chết rồi chứ chưa nói gì đến việc phải chủ nghĩa này, chủ nghĩa nọ. Nhưng Chế vẫn tin tưởng vào cái mô hình mà bản thân Chế cũng không hiểu nó là cái gì.
Đói quá, Chế cầu cứu Môi Thâm và Mũi Lõ. Vừa vay, vừa xin, vừa nhờ dạy bảo cách kiếm gạo.
Mũi Lõ có điều kiện, lại phóng khoáng, thi thoảng cho Chế ít gạo hẩm, ít quần áo cũ, thừa. Đổi lại, việc lớn việc bé Mũi Lõ đều gọi vợ chồng Cơ Chế làm giúp. Từ việc vận động bỏ phiếu để Mũi Lõ làm trưởng thôn, đến việc vác gậy đánh nhau với mấy thằng phe bên kia định hành hung Mũi Lõ.
Mặc dù nhận của Mũi Lõ chả bao nhiêu, lại sứt đầu mẻ trán mấy trận đánh nhau. Nhưng trong mắt Chế, Mũi Lõ là ân nhân, mặc định nghe lời. Cơ có cằn nhằn điều gì, Chế dùng quyền phủ quyết trong gia đình gạt bỏ ngay.
Môi Thâm nhà bên cạnh, nên giúp đỡ Cơ Chế theo kiểu khác. Cơm thừa canh cặn, Môi Thâm đều mang sang cho bọn trẻ. Thi thoảng còn cho nhà Chế mượn cái cày, con trâu để làm ruộng. Tuy nhiên, giúp Chế một, Môi Thâm bắt Chế trả lại gấp đôi. Ngày mùa, cả nhà Chế đi gặt, đánh kẹp, phơi rơm cho Môi Thâm, ngày nhà Môi Thâm có việc, cả vợ chồng Chế sang phục vụ như người ở. Nhà Chế có cái ao, Môi Thâm bảo Chế không có vốn, nên cho Môi Thâm mua cá thả, cuối năm đánh lên chia nhau ăn Tết. Chế đồng ý, thế là Môi Thâm rào kín quanh ao, lấy lý do là tránh bọn trộm cá. Ao nhà Chế thành ao nhà Môi Thâm.
Cho dù thế nào, Chế vẫn tôn thờ Môi Thâm và Mũi Lõ lắm lắm. Chế như một tay sai đắc lực thực thi những điều Môi Thâm và Mũi Lõ sai trong làng.
Nhờ việc nhiệt tình hô hào vận động Mũi Lõ làm thôn trưởng, lại bị mấy trận đánh nhau sứt đầu mẻ trán với phe đối lập. Khi nhậm chức, Mũi Lõ bổ nhiệm Chế vào chân giúp việc văn phòng thôn, thực hiện các công việc điếu đóm, chè thuốc, chạy giấy tờ, công văn, vác loa thông báo các thông tin trưởng thôn công bố. Tất nhiên, Mũi Lõ kéo Môi Thâm vào làm phó thôn cho có đồng minh, bộ ba này lại càng thân thiết.
Cụ già mẹ Chế nói, tưởng gì, chẳng qua cũng chỉ là thằng mõ làng. Chế cãi, mõ là mõ thế nào, tôi người nhà nước, ăn thóc hàng vụ đàng hoàng nhé.
Bệnh ăn cắp vặt có từ khi Chế làm việc ở thôn.
Bắt đầu là các đồ lặt vặt ở văn phòng thôn, tỷ dụ như Mũi Lõ sai Chế đi mua chè, Chế mua về, cho vào hộp đàng hoàng. Buổi chiều, khi mọi người về hết, Chế bốc trộm một nắm gói giấy mang về. Nhưng sợ Môi Thâm cạnh nhà biết, nên tối khuya mới dám pha uống, vợ con Chế bảo sao lại không pha đàng hoàng mà uống, Chế bảo lấy cắp của thôn, pha đàng hoàng để bị đuổi việc à.
Từ đó, việc ăn cắp vặt của Chế diễn ra hàng ngày, vợ con Chế biết và coi đó là một chuyện hiển nhiên. Từ ấm chè, nắm thuốc lào, mấy bơ gạo, chút thức ăn thừa trong các bữa nhậu của trưởng phó thôn đến biển thủ mấy cân thóc, dăm bắp ngô ở kho của thôn. Mũi Lõ và Môi Thâm biết, nhưng mặc kệ. Mũi Lõ nói thằng này lấy thì cứ lấy, việc gì phải thậm thậm thụt thụt thế, bọn tao trộm nhiều trộm lớn chứ mày bỏ bèn gì. Môi Thâm nói kệ nó, cứ cho nó ăn cắp quen tay, lúc nào cần nó làm việc xấu ta sẽ lấy việc này để ép nó.
Phát huy thói xấu của Chế, cả nhà Chế cho rằng đây là một việc khôn ngoan. Mọi người cứ hở ra cái gì là nhà Cơ Chế ăn cắp, toàn ăn cắp đồ vặt.
Cơ đi làm cùng nhóm phụ nữ trong thôn theo cái mô hình hợp tác xã tập trung. Phát huy sự khôn ngoan của chồng, cứ làm được một tý, Cơ lại dừng tay lên bờ nghỉ. Mọi người có ý kiến thì Cơ nói có làm nhiều công điểm cũng thế, tội đâu mấy ông lãnh đạo lo, cần gì phải làm nhiều. Rất nhiều người cho là Cơ khôn. Và, người người nhà nhà trong thôn học theo Cơ Chế món trốn việc ăn cắp thời gian của tập thể.
Con cái Cơ Chế, từ hồi nhỏ đã phát huy tính ăn cắp vặt. Đi mót lúa, mót khoai, mắt trước mắt sau ăn cắp một nắm lúa hay mấy củ khoai cho vào bị. Sang nhà hàng xóm thấy ổ gà đang ấp, mắt trước mắt sau nhón 2 quả nhét túi đi về. Đến mức một hôm con kêu hết mực, Chế bảo mày ngu thế, không biết lúc ra chơi lấy mấy lọ mực của chúng bạn rót một ít vào lọ của mày à, nhưng nhớ rót ít ít thôi, kẻo chúng nó mách cô giáo.
Lớn lên một chút, đi làm, chỗ nào hở ra để ăn cắp vặt được là ăn cắp triệt để.
Một con của Cơ Chế sáng dạ, được học nhiều, ra làm nghiên cứu. Lương nhà nước ba cọc ba đồng, bản chất hèn không dám bỏ nhà nước ra làm ngoài. Đến cơ quan toàn làm việc riêng, lãnh đạo giao việc gì thì làm việc nấy, đôi khi còn làm sai làm chậm. Sáng muộn mới đến, chiều sớm đã về. Quan điểm là lương nhà nước thấp, chả lấy được gì thì đành ăn cắp thời gian vậy.
Một đứa con khác của cơ chế làm hành chính. Lương cũng ba cọc ba đồng. Vì thế đứa con này tận dụng triệt để những gì có thể cải thiện cho gia đình mình. Từ việc mang quần áo đến giặt ở cơ quan đến tiết kiệm nước và xà phòng ở nhà, từ mang thuốc bắc đến cắm điện cơ quan để sắc, đến việc dấm dúi trộm mấy tờ giấy in mang về cho con đóng tập.
Một đứa con khác của Cơ Chế làm ở mảng kinh tài thì suốt ngày vẽ ra hóa đơn, chứng từ để rút tiền công. Chẳng hạn lãnh đạo sai đi mua văn phòng phẩm, đáng lý chỉ có 20 đồng, nhưng lại nói người bán ghi lên 22 đồng để lấy 2 đồng đúi túi.
Một đứa con khác của Cơ Chế làm công nhân, làm nhiều mà lương thấp, mỗi lần tan ca, cố giấu một cái gì đó mang về. Khi thì khúc sắt, khi thì miếng da, khi thì hộp sơn dở.
Cơ Chế còn nhiều đứa con lắm, ăn cắp nhiều loại lắm.
Đi làm thì ăn cắp thời gian, tài sản của cơ quan. Ra đường thì ăn cắp của công, của tư. Ở nhà thì ăn cắp đồ lẫn nhau.
Việc ăn cắp vặt đã trở thành một đặc tính cố hữu của những đứa con nhà Cơ Chế.
© 2011
Baron Trịnh
Hình ảnh sưu tầm trên internet, chỉ có tính chất minh họa.
Bài cùng chủ đề:
- Những đứa con của Cơ Chế (#1):
Cuộc hôn nhân không mong muốn
- Những đứa con của Cơ Chế (#3):
Những đứa con thất đức