stt trước về thơ của lê-đạt, tôi có nói là hơn 20 năm trước nhiều sinh viên văn-khoa còn không biết trần-dần, lê-đạt là ai. không biết không phải họ không chịu đọc nên không biết, mà không biết vì không có để mà đọc. từ vụ nhân văn giai phẩm, các tác phẩm của các nhân vật trong đại án văn chương này hầu như không còn hiện diện trong hệ thống trường học và xã hội. không có, lấy gì để đọc mà biết.
mà không phải từ thời nhân văn giai phẩm, ngay thập niên thứ nhất thứ hai của thế kỷ 21 vẫn còn những hiện tượng này. như vụ việc được giới văn chương đưa lên mạng xã hội là những người trong văn đoàn độc lập bị bỏ tác phẩm ra khỏi sách giáo khoa hay nhiều người nổi tiếng không có tên trong tuyển tập các nhà văn thơ đương đại gì gì đó.
có nghĩa, có nhiều tác giả, tác phẩm bị "loại" ra khỏi dòng chảy của văn chương, khiến người đọc không có cơ hội tiếp cận, dù đến thời đại internet này vẫn còn. cái này tôi gọi là sự đứt gãy tri thức.
có 2 ví dụ rất thực tế, từ con gái nhỏ của tôi.
một hôm gái nhỏ sang phòng tôi rồi hỏi: cha ơi, việt-nam cộng hòa là gì?
tôi hơi ngỡ ngàng với câu hỏi, và hỏi lại tại sao con hỏi như thế? nàng ấy kể là có vụ cô ca sĩ k-pop người việt gì đó bị tẩy chay vì có gốc việt-nam cộng hòa.
tôi chợt nhớ, hình như trong hệ thống sách giáo khoa không có [hoặc có nhưng rất ít] cụm từ "việt-nam cộng hòa". những gì liên quan đến chính quyền nam việt-nam giai đoạn 1955-1975 thường được gọi là chính quyền mỹ ngụy. thế nên con tôi không biết cũng có lẽ là tất yếu.
dĩ nhiên, tôi sẽ giảng giải cho con tôi hiểu cặn kẽ. nhưng không phải phụ huynh nào cũng đủ hiểu biết để làm điều đó. bởi ngay chính họ còn hiểu một cách rất lờ mờ hoặc không đầy đủ.
một hôm chở gái nhỏ đi học. bình thường nàng ấy tự nghe nhạc của mình qua điện thoại. hôm đó nàng nói cho con tìm nhạc của cha nhé. rồi mở album da-vàng của khánh-ly và nghe bài "gia tài của mẹ".
tôi ngạc nhiên hỏi, sao hôm nay lại nghe nhạc này, cha có thấy con thích bao giờ đâu. nàng ấy nói là trường con mọi người bàn tán về bà khánh-ly hát bài này bị phạt, nên đứa nào cũng tìm nghe xem bài này như thế nào mà lại bị phạt.
gái nhỏ tôi, năm nay mới học lớp 8.
có rất nhiều sự kiện lịch sử mà chúng ta chỉ được tiếp cận một chiều, theo sách giáo khoa, và mặc định thông tin là như thế. nếu sự kiện đó là chính xác thì dĩ nhiên kiến thức này sẽ hình thành tri thức đúng đắn và logic trong mỗi con người. nhưng nếu chưa thực sự đầy đủ thì rõ ràng kiến thức sẽ bị thiếu khuyết, dẫn đến tri thức bị đứt gãy.
người ta nâng tầm hoàng đế quang-trung lên thành vĩ đại và đối nghịch là hoàng đế gia-long trở thành "cõng rắn cắn gà nhà, rước voi về giày mả tổ". đến tận bây giờ, mới có người dám "kiến nghị" trả lại sự "trong sạch" cho hoàng đế gia-long, dù cả vùng nam việt-nam bây giờ có được do công sức của ngài mở cõi.
người ta vin vào truyền thuyết "rồng bay lên" gắn với việc dời đô của nhà lý để đưa ra một hình ảnh một ông vua 24 tuổi cầm quân đánh đông dẹp bắc thành một ông vua hoang dâm vô độ, đến mức không đi được và phải nằm với xú danh lê-ngọa-triều. đến giờ mới thấy lẻ tẻ vài ý kiến đề nghị xem lại dữ liệu lịch sử này.
người ta khiên cưỡng với lịch sử 4 nghìn năm dựng nước và giữ nước, để dựng nên 18 đời vua hùng với thời gian trị vì hơn 2.600 năm. để vua hùng nào cũng sống mấy trăm năm, có hàng chục vợ, hàng chục con như yêu quái trong truyện tây-du-ký xứ tàu. rõ ràng, nếu hiểu theo một cách logic, có thể đây là 18 triều đại, mỗi triều đại có nhiều ông vua. nhưng không, họ mặc định là 18 đời vua hùng và đưa vào sách giáo khoa dạy dỗ kiến thức lịch sử cho cả dân tộc.
đây chỉ là vài ví dụ cụ thể, còn rất nhiều nhiều sự kiện lịch sử còn chưa rõ ràng. không chỉ là lịch sử trung đại, cổ đại, mà ngay cả lịch sử cận đại, hiện đại với những thông tin và dữ liệu có thể tiếp cận từ nhiều chiều, như trường hợp lê-văn-tám tôi đã kể trên fb này hay gần đây nhất là vụ việc ai là người soạn thảo lời tuyên bố đầu hàng cho dương-văn-minh.
sự thiếu khuyết, sai lệch, méo mó các thông tin và dữ kiện để hình thành thông tin sẽ làm thiếu khuyết kiến thức và đứt gãy tri thức như tôi nói trên. điều đó sẽ làm người-việt không thể hoàn thiện tri thức và hình thành khả năng tư duy độc lập một vấn đề. những kiến thức được nhồi nhét mặc định theo đường thẳng sẽ không thể phát huy được tư duy mở và tiếp cận đa chiều trong quá trình tiếp nhận kiến thức và hình thành tri thức.
có lẽ, sự có mặt của internet và nguồn dữ liệu mở vô tận trên môi trường internet đã làm thay đổi rất nhiều cho người-việt. nhưng có lẽ sẽ còn rất lâu nữa, sự liền lạc về tri thức, đặc biệt là về lịch sử mới có thể thành một dòng chảy không đứt gãy, để không có những tranh luận không có hồi kết như những gì đang xảy ra trên mạng xã hội lâu nay, nhất là vấn đề của kẻ thắng - người thua trên một giàn máu đỏ da vàng trong cùng một bọc.
và phải chăng, thế hệ gen z với sự vô tận của thông tin từ tài nguyên internet sẽ nối lại được những đứt gãy tri thức này và thay đổi được tính trội việt-tộc?