Tuesday, August 6, 2019

Vì sao Trung Quốc bành trướng trên biển Đông?

Bài cũ, biên từ 5 năm trước. Nhân vụ bãi Tư Chính, kéo lên vì thấy những nhận định của tôi vẫn đúng tại thời điểm này về Trung Quốc, biển Đông và nhiều thứ.

------------------------------


Vụ việc Trung Quốc tuyên bố đưa giàn khoan Hải Dương 981 ra thăm dò dầu mỏ tại vị trí 15-29,58 độ vĩ bắc và 111-120,6 độ kinh đông trong vòng ba tháng (tức từ ngày 4-5 đến 15-8-2014) đã làm dư luận xã hội nóng lên từng giờ. Bởi lẽ, vị trí này nằm hoàn toàn trong lô 143 thuộc vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam.
Cũng lâu lắm mới thấy sự đồng thuận cao độ của cả chính phủ và người dân, của truyền thông nhà nước và dư luận xã hội. Cũng bởi lẽ, tất cả những con dân đất Việt đều không thể làm ngơ trước sự xâm lấn lãnh thổ nước Việt.
Có thể thấy, dã tâm thôn tính biển Đông của Trung Quốc đã được thực hiện từ rất lâu. Từ việc chiếm quần đảo Hoàng Sa, một số đảo trên quần đảo Trường Sa đến việc công bố đường lưỡi bò phi lý.
Vậy tại sao Trung Quốc lại cứ “cố đấm”, mặc dù họ cũng chưa biết có kiếm được một mâm cỗ thịnh soạn hay lại chỉ mang về một cục xôi hẩm? Phải chăng đây là lộ trình trong kế hoạch hình thành Đại Trung hoa (Great china) của Đặng Tiểu Bình?
Có lẽ, chiến lược bành trướng theo mô hình Đại Trung hoa chưa thể thực hiện trong giai đoạn này. Mặc dù Trung Quốc đã vươn lên đứng thứ hai trên thế giới về phát triển kinh tế, đồng thời vẫn nắm giữ một trong ba trục quân sự lớn nhất trên thế giới và có một chân thường trực tại Liên hợp quốc. Việc họ phải vươn ra biển có lẽ không ngoài sức ép của nền kinh tế đang có nguy cơ bị sụp đổ.
Nhìn bề ngoài, có thể thấy Trung Quốc đang là quốc gia có tiềm lực kinh tế rất mạnh. Là một “đại công xưởng” công nghiệp trên thế giới; là chủ nợ của các quốc gia lớn, trong đó có Hoa kỳ; là quốc gia có lượng tiền và vàng dự trữ quốc gia thuộc nhóm lớn nhất trên thế giới.
Tuy nhiên, đó chỉ là bề ngoài, bởi vì những gì xảy ra trong gần một thập kỷ qua, cho thấy ngôi nhà Trung Quốc đang phình ra một cách màu mè nhưng lại ở trên một nền móng thiếu vững chắc. Có thể đánh giá khái quát điều này qua những vấn đề về kinh tế - xã hội - môi trường của Trung Quốc trong thời gian qua:


- Về xã hội: Những vấn đề bất bình đẳng trong xã hội Trung Quốc ngày một gia tăng, giữa nông thôn và thành thị, giữa người giàu và người nghèo, giữa người Hán và các dân tộc thiểu số.
Mặc dù chính phủ hiện tại đang rất mạnh tay trong công tác phòng chống tham nhũng, đến mức bắt và xét xử đến án chung thân cả ủy viên BCT lẫn Phó chủ tịch quân ủy TW. Thế nhưng tham nhũng đã ăn sâu bám chắc trong hệ thống công quyền. Tham nhũng không những gây ra những bất bình đẳng của xã hội mà còn làm thất thoát tài sản quốc gia một cách nghiêm trọng.
Hàng trăm triệu người lao động Trung Quốc đang vắt kiệt sức lao động trong các đại công xưởng của các nhà đầu tư tư bản mà không nhận được sự bảo hộ về tiền lương và các phúc lợi xã hội của chính quyền một cách hợp lý. Mức sống ở khu vực nông thôn quá thấp và thiếu thốn nhiều công trình phúc lợi công cộng.
Một số tôn giáo bị chính quyền bài trừ đã hình thành những xung đột gay gắt, dẫn đến sự vi phạm nhân quyền và đàn áp người bất đồng chính kiến.
Vấn đề sắc tộc cũng đang tạo ra sự bất ổn cho chính quyền. Việc đàn áp những nhóm người thiểu số ở Tây Tạng, Tân Cương trong thời gian qua đã gây sự chia rẽ sâu sắc những tộc người này với chính quyền. Những khu vực này đang kêu gọi tách ra khỏi Trung Quốc. Gần đây đã xảy ra những vụ tấn công đẫm máu mang tính khủng bố như sự kiện của nhóm người Duy Ngô Nhĩ.


- Về kinh tế: Những cố gắng trong hơn ba thập kỷ vừa qua để đưa nền kinh tế Trung Quốc lên đứng thứ hai trên thế giới không che lấp được những thiếu khuyết của nền kinh tế quốc dân bị suy thoái nghiêm trọng trong cuộc cách mạng văn hóa và cuộc cách mạng đại công nghiệp của Mao Trạch Đông. Có nghĩa, sự phát triển mạnh mẽ chỉ có ở những khu vực được đầu tư phát triển, cụ thể là cách thành phố lớn.
Việc phát triển nóng bằng mọi giá khiến giá trị sản xuất của Trung Quốc không cao. Vẫn chủ yếu là sản xuất từ tài nguyên thô và gia công sản phẩm. Mặc dù hầu hết các ngành nghề công nghệ cao, Trung Quốc đều đã tham gia được, nhưng những đóng góp cho nền kinh tế quốc dân của các nghành nghề này chưa thực sự lớn và chưa có tính cạnh tranh cao trên trường quốc tế.
Thêm nữa, vấn nạn tham nhũng đã tạo ra một hố ngăn cách giàu nghèo rất sâu. Quan chức và các nhóm lợi ích theo kiểu “tư bản đỏ” chiếm giữ một lượng tài sản rất lớn. Trong khi đó số lượng người nghèo mong muốn dựa vào phúc lợi của chính quyền lại quá đông ở một quốc gia gần 1,4 tỷ dân này.
Thế nên, sự bất bình đẳng trong phân phối lại lợi ích và hưởng thụ thành quả của sự phát triển đã cho thấy nền kinh tế Trung Quốc đang thiếu ổn định và hiệu quả. Việc các tập đoàn lớn (kể cả tập đoàn của người Trung Quốc) đang thoái vốn ra khỏi thị trường Trung Quốc có thể cho thấy sự thiếu ổn định đó.


- Về môi trường và tài nguyên: Sự phát triển kinh tế nóng đã kéo theo sự khai thác triệt để tài nguyên và gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Điều này đang đe dọa sự phát triển bền vững của Trung Quốc.
Bài toán tài nguyên sẽ làm đau đầu chính quyền Trung Quốc. Việc các nhà đầu tư nước ngoài gần đây không còn lựa chọn đầu tư vào Trung Quốc cho thấy nguồn tài nguyên của đất nước này đã cạn kiệt, mặc dù họ vẫn có lực lượng lao động hùng hậu và giá rẻ.
Trung Quốc hiện tại đang bị cảnh báo về vấn nạn ô nhiễm môi trường. Hầu hết các khu vực khai thác tài nguyên lẫn khu vực phát triển công nghiệp và đô thị đều ở tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ ồ ạt sản xuất chạy theo lợi nhuận và vô tư xả chất thải độc hại ra môi trường. Có thể nói, Trung Quốc hiện tại là một quốc gia phát triển có mức độ ô nhiễm nghiêm trọng nhất trên thế giới.


Khái quát ba vấn đề trên cho thấy, sự phát triển nóng trong thời gian qua của Trung Quốc đang bị lung lay, thiếu tính bền vững và lâu dài.
Mặc dù vẫn được xem là con hổ của phương Đông. Nhưng nếu tình hình chính trị mất ổn định, nền kinh tế theo kiểu đại công xưởng bị sụp đổ do thiếu tài nguyên thì đất nước Trung Quốc sẽ bị chia năm xẻ bảy ngay lập tức. Do đó, để duy trì sức mạnh cả trong lẫn ngoài, Trung Quốc bắt buộc phải duy trì sự phát triển kinh tế. Và bài toán tài nguyên là vấn đề quan tâm hàng đầu.
Nhìn về tổng thế, Trung Quốc chỉ có thể biểu dương sức mạnh xuống phía Nam, mà cụ thể là trên bán đảo Đông Dương. Và nguồn tài nguyên mà họ có thể tìm kiếm chỉ còn ở khu vực biển Đông, dọc theo bờ biển của Việt Nam (trong khu vực đường lưỡi bò phi lý).
Những sự tranh chấp yếu ớt trên biển giữa Trung Quốc với Hàn Quốc và Nhật Bản lẫn mối quan hệ không còn mặn mà với Cộng hòa nhân dân Triều Tiên trong thời gian qua đã minh chứng điều đó.
Do vậy, việc Trung Quốc gây hấn ở Biển Đông là điều tất yếu. Vừa thỏa mãn mục tiêu bành trướng để cân bằng cán cân quyền lực với Hoa Kỳ và Nga, vừa tim kiếm nguồn tài nguyên để duy trì nền sản xuất “đại công xưởng”. Có thể nói, Trung Quốc không còn một sự lựa chọn nào khác trong tương lai gần.


Như vậy, có thể thấy dã tâm thôn tính biển Đông của Trung Quốc rất rõ ràng và có kế hoạch lâu dài. Nếu không phải là Việt Nam mà là một quốc gia khác có vị trí địa chiến lược như thế thì quốc gia đó sẽ chịu chung số phận. Có thể nói, Việt Nam không thể tránh được tranh chấp trên biển Đông với Trung Quốc.
Thế mạnh của Việt Nam là hơn nghìn năm giữ nước, đã có kinh nghiệm đối đầu với Trung Quốc. Thậm chí trong thời hiện đại như cuộc chiến năm 1979. Thêm nữa, những chứng cứ lịch sử đã cho thấy Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý đối với chủ quyền của hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Điểm yếu của Việt Nam là đất nước quá nhỏ bé so với Trung Quốc, kiểu một người tý hon đứng bên cạnh một gã khổng lồ, nên sự đối đầu là cực kỳ khó khăn. Mặt khác, nền kinh tế - xã hội của Việt Nam cũng đang gặp những vấn đề về phát triển kinh tế, quốc nạn tham nhũng, hố phân cách giàu nghèo ngày càng gia tăng, tài nguyên ngày một cạn kiệt.
Khi xảy ra những tranh chấp ở biển Đông, chắc chắn rằng chính phủ Việt Nam sẽ sử dụng phương thức ngoại giao mềm dẻo để giải quyết và sẽ không nổ súng trước.
Tuy nhiên, bên cạnh công tác ngoại giao và duy trì lực lượng cảnh sát biển và kiểm ngư để ngăn không cho Trung Quốc tác nghiệp bất hợp pháp trên vùng biển đảo. Việt Nam cần chuẩn bị sẵn sàng lực lượng quân đội để có thể đối đầu trực tiếp nếu phía Trung Quốc nổ súng tấn công. Ít nhất là phải đối đầu ngang ngửa trong thời gian đủ để Liên hợp quốc và các quốc gia lớn nhảy vào can thiệp và tạm ngừng cuộc chiến. Với sự đầu tư cho lực lượng hải quân trong thời gian qua, tin tưởng Việt Nam sẽ đối đầu một cách sòng phẳng.
Việc Trung Quốc xâm lấn vào khu vực chủ quyền của Việt Nam là việc phi nghĩa, và Việt Nam bảo vệ chủ quyền quốc gia là việc chính nghĩa. Thế nên hầu hết người dân Việt Nam sẽ theo tiếng nói chính nghĩa và sẵn sàng đứng dậy để bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Đây chính là điểm mạnh và là cơ sở lẫn niềm tin cho chính quyền trong cuộc đối đầu không cân sức này. Khi người dân đã sát cánh cùng chính quyền, không có kẻ thù nào là không thể đánh thắng. Lịch sử hơn nghìn năm đã minh chứng điều đó.
Và chắc chắn, đây chính là cơ hội...

© 2014 Baron Trịnh
Nguồn hình ảnh: Sưu tầm trên internet.

0 comments:

Post a Comment

Đề nghị nhận xét bằng tiếng Việt có dấu. Cảm ơn!